Bài học từ đại dịch
Việc thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành động là điều bắt buộc phải làm trong tất cả các lĩnh vực từ hệ thống chính trị đến cấu trúc kinh tế, từ hoạt động tôn giáo đến y tế - giáo dục... vì một thế giới an toàn hơn. Các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch và quản trị đô thị đang bàn đến những thay đổi cần thiết cho một thành phố bền vững hơn, không chỉ về tổ chức không gian mà cả về đời sống xã hội, bởi lẽ những loại dịch như thế này nhất định sẽ lại xuất hiện trong tương lai, do con người đã làm cho thiên nhiên bị đảo lộn.
Điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất rút ra được từ cơn đại dịch này: nơi nào tập trung đông dân cư và mật độ dân số cao thì tình trạng lây nhiễm rất nhanh và rộng. Các thành phố ở Đông Nam Á hiện được coi là tâm điểm của dịch COVID-19 đều có dân số trên dưới 10 triệu người, như Bangkok (11 triệu), TP.HCM (13 triệu), Manila (11,5 triệu), Jakarta (12,5 triệu). Những nơi xuất phát của dịch và nhanh chóng trở thành điểm nóng là các quận đông dân cư và có mật độ dân số rất cao, thường là 20.000 - 25.000 người/km2, thậm chí cao hơn nữa như ở TP.HCM mật độ dân số trung bình ở quận 10 là 65.000 người/km2, quận 11 là 64.000 người/km2, quận 4 là 48.500 người/km2.
Ngã sáu Phù Đổng, quận 1, TP.HCM trong những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Hữu Khoa
Các thành phố lớn của châu Á xoay chuyển tình hình chậm còn do cấu trúc thành phố không rành mạch, cho nên kiểm soát rất khó khăn. Khi dịch bệnh bùng phát người ta nhận thấy việc cách ly một chung cư, một tầng trong chung cư, một căn hộ dễ hơn là một cộng đồng hay một dãy phố. Phong tỏa, cách ly, giãn cách là làm cho gia đình này, nhóm này tách rời nhóm kia, quả thật điều này vô cùng khó khăn trong các dãy phố hình ống ở TP.HCM, Hà Nội cứ sát vách nhau kéo mút tầm mắt, không có khoảng ngắt, không có không gian xanh xen kẽ. Thậm chí gọi là hai dãy nhà song song, nhưng con đường hẻm có khi chỉ chừng 1m, nhỏ hơn quy định giãn cách tối thiểu (2m). Như thế việc giãn cách, cách ly là bất khả thi.
Do vậy, các nhà đô thị học, kiến trúc sư đều tính đến thiết kế các thành phố vừa và nhỏ, các đại đô thị có lẽ không còn phù hợp nữa, còn nếu tính đến các đại đô thị thì đó là một tổ hợp của nhiều thành phố nhỏ hợp lại, mỗi thành phố là một đơn vị độc lập, giữa chúng có khoảng giãn cách tự nhiên là những cánh rừng rộng, con sông hay những khoảng xanh lớn để khi cần có thể cô lập thành phố ngay được, còn trong mỗi thành phố thì dân cư được nén lại trong các nhà cao tầng phát triển theo phương thẳng đứng hơn là phát triển dàn trải theo kiểu nhà trệt hình ống bám theo trục đường. Thực tế đợt dịch lần thứ tư cho thấy các chung cư hiện đại xây dựng từ 2015 đến nay, khi có dịch xảy ra khống chế được rất nhanh. Việc khống chế thực hiện theo từng tầng, từng căn hộ, do chỗ cư dân chỉ có thể đến được tầng của mình cho nên việc phong toả 5 - 7 hộ trong một tầng là rất dễ dàng.
Một điều nữa, là sự thay đổi trong hệ thống phân phối hàng hóa, chắc chắn sẽ kéo theo cấu trúc các khu định cư. Gần hai năm chịu dịch bệnh, có đến 90% các cửa hàng mặt tiền, các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa, có những thời điểm hơn 80% sản phẩm bán lẻ đến tay người tiêu dùng qua online. Sự thành công của phương thức mua bán trực tuyến này, khiến cho các kiến trúc sư phải tính đến thu hẹp loại nhà “shop house”, các doanh nghiệp chỉ cần nhà xưởng sản xuất, kho chứa sản phẩm, một đội ngũ bán hàng qua mạng và thuê đội ngũ giao hàng (shipper) mà không cần hệ thống chân rết từ nhà sản xuất đến các các đại lý phân phối bán sỉ, rồi cửa hàng bán lẻ. Tương tự, các cấu trúc văn phòng, trường học, hội trường cố định chứa hàng chục hàng trăm người cũng phải tính lại.
Những dấu hiệu thay đổi
Khi COVID-19 tràn tới, người ta mới nhận ra những nước nào chỉ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là sống dựa vào du lịch đều dễ bị tổn thương nhất, còn những nước còn nông nghiệp thì dường như mức độ tổn thương ít hơn và khi bị tổn thương thì lấy lại cân bằng nhanh hơn. Không ngạc nhiên khi mà ngay trong lúc dịch COVID-19 này, nhiều nước như Singapore, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, đã có kế hoạch phát triển nông nghiệp “không đất”. Mặc dù nền kinh tế bị tổn hại, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 vẫn là dương (2,9%), thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới, trong đó nông nghiệp là một trong những ngành đóng góp quan trọng nhất.
Đợt dịch bùng phát lần thứ tư này, một trong những khó khăn mà người dân TP.HCM gặp phải là thiếu rau xanh. Hầu như toàn bộ rau trái của TP.HCM phụ thuộc vào Đà Lạt, chỉ cần vận tải bị ách tắc trong một thời gian ngắn là thành phố nguy khốn. Bối cảnh đó buộc người ta phải tính đến phục hưng vành đai nông nghiệp ngoại thành. Cần tính làm sao cho 5 huyện ngoại thành trở thành vùng nông nghiệp trong xu thế 4.0 với nông nghiệp chất lượng cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới. Nếu đầu tư tốt thì nó hoàn toàn đủ năng lực cung cấp một phần rất lớn rau xanh, cây trái, hoa tươi cho TP.HCM, giảm phụ thuộc vào vùng rau Đà Lạt, đồng bằng sông Cửu Long.
Việc phong tỏa, giãn cách sẽ bất khả thi đối với các hẻm nhỏ. Ảnh: một con hẻm Sài Gòn bị phong tỏa. Ảnh: Lê Phan
Chính trong cơn dịch bệnh này, xuất hiện một xu hướng xã hội mà trước đó rất khó hiện thực hóa. Những ngày này, dạo một vòng trên các mặt báo của nhiều nước thấy khá nhiều tiêu đề như: “Tạm biệt Matxcova”; “Rời bỏ Seoul”; “Chào nhé KL (viết tắt của Kuala Lumpur)”… Vậy là trong năm 2020, nhân loại chứng kiến một trào lưu “bỏ phố về quê”, “dời thị về làng” khá mạnh, mà dịch COVID-19 là một cú hích khiến xu hướng này gia tăng quy mô và tốc độ. Nếu việc hồi hương, trước kia thường xảy ra ở người già, người về hưu, thì nay có một số lượng đông đảo người trẻ tham gia. COVID-19 khiến hàng trăm triệu người dân đô thị mất việc làm, phải giãn cách xã hội, phải co mình trong những căn hộ bé tí, phải căng mình cảnh giác mọi nguy cơ, và nỗi lo an toàn cho bọn trẻ con... Áp lực đó trở nên quá sức chịu đựng.
Do vậy, nhiều người tìm về nông thôn như một phương cách giải thoát cho tình trạng bức bối, lạnh lùng, xét nét, có cả kỳ thị đang diễn ra ở các thành phố. Về nông thôn (xin hiểu là nông thôn, nông nghiệp thuần chất chứ không phải nông thôn bị đô thị hóa) trước tiên là họ thực hiện giãn cách xã hội mà vẫn được hưởng bầu không khí trong lành, thực phẩm tươi sống, quan hệ xã hội thân thiện, hơn thế nữa cả nhà còn có thể làm được những điều mà bấy lâu không sao làm được ở thành phố.
Đó là tự mình trồng rau sạch, chăn nuôi, trồng những loại hoa mình thích. Đó là cả nhà ngồi quây quần quanh bàn ăn mỗi tối; uống cà phê, ngắm mặt trời mọc mỗi buổi sáng; đọc những cuốn sách mà mình còn nợ, và đi thăm những cánh đồng, dòng suối, ngọn đồi... Ở các nước phát triển, không chỉ châu Âu mà cả ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, những đô thị làng được thịnh hành trở lại. Đó là những đô thị nhỏ tràn ngập màu xanh, chỉ với vài chục, thậm chí vài ngàn dân, ở đây họ làm nông nghiệp công nghệ cao, họ cùng nhau phục hưng các giá trị truyền thống, giảm bớt sản phẩm nhân tạo, phục hồi dân ca, dân vũ, sống thân thiện với nhau và với thiên nhiên. Lối sống này đang cuốn hút cả giới trẻ các nước đang phát triển. Chính vì thế mà xu hướng “bỏ phố về làng” trong đại dịch này chính là góp một phần rất lớn vào việc phục hưng tam nông, vốn quý của cả nhân loại nhưng đâu đó đã coi nhẹ nó.
Dịch bệnh chưa kết thúc, có thể nhân loại sẽ phải chung sống với COVID-19 như các loại cúm mùa, nhưng các kế hoạch tái thiết khi COVID-19 vãn hồi đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Chúng ta phải thay đổi. Tất cả chúng ta ai cũng phải nghĩ khác và làm khác.
Nên sắp xếp lại các khu công nghiệp
Kinh nghiệm Singapore cho thấy, vào tháng 4.2020, tưởng như đã khống chế được dịch và chuẩn bị bãi bỏ lệnh giãn cách thì đột nhiên dịch bùng phát trở lại ở các ký túc xá (KTX) dành cho dân lao động nhập cư. Chính quyền Singapore đã bỏ quên các KTX là nơi sinh sống của gần 600.000 dân lao động nhập cư từ các nước châu Á; các KTX này thiếu tiện nghi, hàng nghìn người sống chen chúc trong không gian hẹp, 8 - 12 người chung một phòng và đấy chính là môi trường thuận tiện cho virus phát tán; khi phát hiện ra thì hơn 60% số lao động này bị nhiễm.
Qua các đợt dịch bùng phát, các chuyên gia đã phát hiện ở đâu có khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) thì ở đó trở thành điểm nóng của dịch. Ở Việt Nam, các KCN của Bắc Giang, Bắc Ninh chính là ổ dịch lớn ở phía Bắc vào tháng 5 và 6.2021, còn TP.HCM cũng không tránh khỏi hệ quả này. Trong đợt dịch lần thứ tư, các nhóm có nguy cơ cao và rất cao là Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh, TP. Thủ Đức, Gò Vấp... đều là nơi có các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao, và cũng là nơi có các khu cư trú thiếu tiện nghi của nhiều nhân công, lao động tự do.
TP.HCM hiện nay có 26 KCN-KCX, 2 khu công nghệ cao và khu phần mềm. Các KCN và KCX của TP.HCM phân bổ tản mát. Nếu nhìn vào bản đồ sẽ thấy 26 KCN-KCX phân tán trên địa bàn của 12/24 quận, huyện - chiếm tỷ lệ 50% quận huyện có KCN-KCX. Do vậy tới đây, TP.HCM phải có kế hoạch sắp xếp lại các KCN này theo hướng tập trung về một vài nơi. Tập trung như thế không chỉ tiết kiệm được đất, có lợi cho việc xử lý chất thải rắn và nước thải sản xuất, mà còn an toàn khi xảy ra rủi ro, trong đó có tính đến dịch bệnh. Tiến hành di dời hoặc sáp nhập các KCN có quy mô quá nhỏ chỉ vài chục hecta vào các KCN có quy mô lớn hơn, các KCN có chức năng gần giống nhau có thể thu về một mối như điện tử, điện lạnh; may quần áo, may giày, túi xách; hóa chất, nhuộm, chất tẩy rửa; chế biến sản phẩm thủy sản, nông sản…
Ở TP.HCM, có vài KCN có diện tích rất nhỏ khoảng 25-27 ha; những quận, huyện có nhiều KCN trên địa bàn cũng sắp xếp lại thành một hai khu, chẳng hạn Bình Chánh có đến 8 KCN, Củ Chi có 7 KCN… Các KCN hiện hữu không gia hạn thuê đất tiếp với những công ty, nhà máy sử dụng công nghệ cũ, mặt bằng rất lớn và thâm dụng công nhân tay nghề phổ thông. Các KCN mới thành lập chỉ thu nhận các công ty, nhà máy hiện đại.
TS. Nguyễn Minh Hòa