Ồ vui thật, ở xứ Mỹ, người ta uống cà phê sáng mà những người phục vụ phải mang giày patin để chạy. Tại Chicago, tôi nhìn thấy một chuỗi cửa hàng mang tên Sonic, mà ở đó, quy trình mua cà phê và đồ ăn sáng như sau: khách đậu xe vào đúng vị trí, kéo cửa kính xuống, thò tay ra bấm nút trên màn hình điện tử để chọn món mình muốn, bấm OK. Thật nhanh sau đó, người phục vụ lướt trên đôi patin của mình, tay cầm khay cà phê và thức ăn thật điệu nghệ giao đến tận xe người vừa đặt. Xong!
Anh Ba tôi mỗi ngày ngồi cà phê hai tiếng đồng hồ.
Cái quán cóc ven đường có cô chủ quán xinh xắn và rất nhanh tay. Chẳng biết anh Ba ngồi đó có phải vì cô chủ quán hay không mà đã 20 năm rồi, anh vẫn ngồi đó mỗi sáng. Cô chủ, giờ tay vẫn còn nhanh nhưng da đã nhăn, đâu có sao, anh Ba vẫn ngồi. Anh còn có một hội bạn, sáng nào cũng ngồi đó. Các anh từ nhiều cơ quan khác nhau, làm công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung: có con học trường gần đó. Sáng 6 giờ 45 phút các con đến lớp, các anh ngồi đó. Đến hơn 7 giờ 30 phút, các anh lần lượt tính tiền, rồi lên xe phóng đi, mỗi người mỗi ngả, dần khuất vào dòng người trên phố mà trên môi vẫn còn thơm nồng mùi cà phê rất dễ nghiện của cô chủ quán xinh đẹp.
...Và Starbucks ở Sài Gòn.
Sài Gòn hiếm hoi lắm mới có những ngày chuyển mùa như mấy tuần nay, thời điểm thật thích hợp để nhâm nhi một chút cà phê …
Cà phê chậm thì khuyến mãi bình trà, cà phê nhanh thì có cái ly giấy hay ly nhựa mang đi đẹp thiệt đẹp.
Cà phê chậm thì bàn ghế linh hoạt, tùy mục đích riêng tư hay hội họp. Cà phê nhanh thì thường ít chỗ ngồi, nếu có thường chỉ có bàn hai người.
Cà phê chậm có nhiều cây xanh và nhiều vật phẩm bài trí cầu kỳ, trong khi cà phê nhanh thì trang trí ít vật dụng, thực đơn một mặt gọn gàng, thậm chí còn viết hẳn lên tường.
Cà phê chậm thường không dành không gian bên ngoài cho quầy pha chế, cà phê nhanh thì chủ yếu chỉ thấy bàn pha chế.
Cà phê chậm trả tiền sau một hồi trò chuyện chán chê, có khi còn được ghi sổ trả tiền tháng. Cà phê nhanh ngược lại, tính tiền trước, rồi đợi thức uống của mình được pha chế sau.
Starbucks đã vào Việt Nam, thương hiệu mà ở Mỹ người ta cũng bảo là cà phê mắc tiền, đã vào Việt Nam. Lẫy lừng như vậy mà khi vào nước ta cũng đã chuyển đổi phong cách cho phù hợp với kiểu uống cà phê chậm ở xứ mình. Tôi đi nhiều, chưa thấy nơi nào Starbucks có cách bài trí chỗ ngồi có nhiều cụm bàn dành cho bốn chỗ, thậm chí sáu chỗ và kết hợp giữa không gian chung và riêng như Starbucks Sài Gòn.
Không biết tự bao giờ, cụm từ “cà phê nhé” được hiển nhiên hiểu thành “Hẹn gặp đi”. Cà phê Sài Gòn đã trở thành nơi hò hẹn của biết bao thế hệ… Cà phê, dù nhanh hay chậm, nhìn ở một khía cạnh văn hóa, là những gì thật gần gũi với người Sài Gòn, những câu chuyện vô thưởng vô phạt, hay những hợp đồng giá trị tiền tỉ, đều có thể gắn liền với một ly cà phê bốc khói.
Một sáng mưa rả rích, mùi cà phê thơm nồng cũng đủ đánh thức các giác quan đang ngái ngủ, công việc tự nhiên trở nên nhẹ nhàng …Thấy yêu lắm, cà phê chậm Sài Gòn.
P.V.