Sau 4 năm vắng bóng làng nhạc, ca sĩ Uyên Trang sẽ ra mắt video music mới thực hiện cùng nhạc sĩ Đông Thiên Đức, dự kiến phát hành tháng 8.2023.
“Tôi như con chim bị mất tiếng hót…”
Chia sẻ với VnExpress, Uyên Trang cho biết: “Tôi ngưng hát 4 năm qua để điều trị bệnh. Năm 2019, công việc không thuận lợi, chuyện tình cảm trục trặc, sức khỏe có vấn đề, tôi phải hủy liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát. Tôi bị mất ngủ, không ăn uống được. Khi mất ngủ, tôi không thể điều khiển cột hơi nên đành ngưng hát. Tôi như con chim bị mất tiếng hót, tâm lý ức chế. Cộng thêm không có show, mất thu nhập càng khiến tôi khủng hoảng, có lẽ giống với tình trạng người ta gọi là chứng trầm cảm.
Một thời gian dài tôi luôn cáu gắt với mọi người, không muốn gặp ai. Tôi đang cười nói vui vẻ nhưng năm phút sau có thể khóc không kiểm soát. Một câu nói vô tình cũng khiến tôi gục ngã”.
Vượt qua trầm cảm, hiện Uyên Trang đã hồi phục khoảng 70% sức khỏe tinh thần. Ảnh: T.A.T
Mặc dù đã tìm đến bác sĩ điều trị và được chỉ định dùng thuốc hỗ trợ mất ngủ nhưng Uyên Trang uống trong một năm vẫn không thuyên giảm. “Tôi nhận ra vấn đề không phải do khán giả, gia đình, đối tác hay xã hội mà là bản thân. Tôi cần vượt qua chính mình. Tôi đọc sách, tập thể dục, đi chùa nghe kinh Phật. Khi tìm lại được sự kết nối với cuộc sống, tôi thay đổi theo hướng tích cực hơn. Có lẽ vì quá mạnh mẽ, tự chủ nên cuộc sống của tôi cô đơn. Tôi không nói cho bố mẹ về tình trạng của mình vì sợ họ lo lắng. Tôi tự lo là chính.
Những lúc phải nhập viện truyền nước biển vì suy nhược cơ thể, tôi gọi điện nhờ hai người bạn thân và em gái đưa đi. Lúc vượt qua được chứng trầm cảm, tôi trân trọng mọi thứ hơn. Hiện tôi hồi phục được khoảng 70% sức khỏe tinh thần”, Uyên Trang nói.
Mất ngủ lâu ngày dẫn đến trầm cảm
TS-BS. Đinh Vinh Quang (Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM) cho biết một số nghiên cứu nhận thấy rằng người bị mất ngủ kéo dài có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với người bình thường. Nếu giấc ngủ bị xáo trộn lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe như mắc bệnh trầm cảm, mất trí nhớ, sa sút về trí tuệ.
Khi sử dụng một số thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ gây ra quên, giảm trí nhớ, đặc biệt là các thuốc có thời gian bán hủy dài.
Do đó, cần đề phòng các bệnh lý trầm cảm ở những người rối loạn giấc ngủ. Mặt khác, những người có bệnh lý trầm cảm thường có tình trạng mất ngủ và những lúc bệnh nhân không ngủ được thì kéo dài trầm cảm; hoặc những người đã điều trị trầm cảm kèm theo mất ngủ và đã hồi phục thì khả năng tái phát sẽ cao hơn. “Các nghiên cứu cho thấy khi bệnh nhân trầm cảm bị mất ngủ thì nguy cơ bệnh tái diễn cao hơn so với những người không bị mất ngủ. Mất ngủ chính là nguyên nhân khởi phát và cũng là yếu tố gây kéo dài bệnh trầm cảm”, BS. Quang giải thích.
Có 4 triệu chứng đặc trưng của rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, ngủ nhiều, các rối loạn liên quan đến giấc ngủ và rối loạn nhịp thức ngủ. Trong đó, mất ngủ là phổ biến, nhiều người gặp. Trên thực tế, có những người cần 9 - 10 giờ ngủ trong một đêm nhưng cũng có những người chỉ khoảng 3 - 4 giờ/đêm, do đó độ dài của giấc ngủ không luôn luôn tương ứng với rối loạn giấc ngủ. “Quan trọng nhất ở mỗi người là làm sao để sau mỗi giấc ngủ không cảm thấy buồn bã, ủ rũ, chán nản mà có thêm sinh khí để làm việc cũng như sinh hoạt. Điều đó chứng tỏ họ đã có một giấc ngủ tốt”, BS. Quang nói.
Mất ngủ bao lâu thì đáng lo?
TS-BS. Đinh Vinh Quang. |
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ như khi lo lắng về vấn đề gì đó (thi cử, phỏng vấn, người thân mất...) hoặc các bệnh lý nội khoa, tâm thần... Nhưng chung quy lại thì gồm 3 nhóm nguyên nhân chính: rối loạn giấc ngủ liên quan với rối loạn tâm thần; rối loạn giấc ngủ khác (do bệnh nội khoa và sử dụng chất); rối loạn giấc ngủ nguyên phát (hay còn gọi là mất ngủ không tìm được nguyên nhân).
“Các sự kiện liên quan với lo âu như thi cử hoặc chia tay người yêu, người thân qua đời, phỏng vấn việc làm, sự thất bại, thay đổi cuộc sống, stress… được gọi là một giai đoạn ngắn của chứng mất ngủ.
Giai đoạn này thường không nghiêm trọng và không cần thiết phải điều trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh có biểu hiện trong giai đoạn loạn thần hoặc trầm cảm nặng, đôi khi triệu chứng khởi đầu bằng mất ngủ, thì cần loại trừ những bệnh lý này.
Hiện chưa có thời gian nhất định để xác định một người bị mất ngủ và cần can thiệp. Tuy nhiên người ta cho rằng 1 tuần có 3 đêm không ngủ được và tình trạng này kéo dài khoảng 1 tháng trở lên thì nên đi khám và điều trị. Trong giai đoạn này chỉ điều trị với thuốc ngủ trong thời gian ngắn”, BS. Quang chia sẻ.
Để đi vào giấc ngủ dễ hơn
Do nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ rất nhiều nên ở từng đối tượng, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và thăm khám cho từng bệnh nhân để tìm ra nguyên nhân cụ thể. Nếu sau khi thăm hỏi mà bệnh nhân không có nguyên nhân nào gây ra mất ngủ thì được gọi là mất ngủ nguyên phát. Từ đó sẽ có những phương án điều trị tương thích. Đối với bệnh nhân có bệnh lý đi kèm, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán những bệnh đó. “Khi có yếu tố gây rối loạn giấc ngủ thì phải giải quyết để làm mất yếu tố này. Điều trị chứng mất ngủ nguyên phát là vấn đề khó khăn nhất của rối loạn giấc ngủ”, BS. Quang lưu ý.
Một số liệu pháp điều trị mất ngủ: Thư giãn tâm lý (khi lên giường ngủ không nên lo lắng, suy nghĩ hay làm gì khác); bổ sung chế độ ăn các chất như Melatonin và L-tryptophan (Melatonin là một hormone nội sinh được sản xuất bởi tuyến tùng và giúp điều hòa giấc ngủ); vệ sinh giấc ngủ (tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc); dùng thuốc (chứng mất ngủ nguyên phát thường được điều trị với Benzodiazepin, Zolpidem, Zaleplon và các thuốc ngủ khác. Các thuốc ngủ phải được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nói chung, không nên dùng quá 2 tuần vì có thể gây phụ thuộc thuốc).
Cần lưu ý, thời gian giấc ngủ không đánh giá được giấc ngủ đó có tốt hay không mà phải nhận định xem giấc ngủ đó có chất lượng hay không.
Khi sử dụng một số thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ kéo dài sẽ gây ra quên, giảm trí nhớ, đặc biệt là các thuốc có thời gian bán hủy dài. Triệu chứng quên sẽ trầm trọng thêm khi phối hợp với uống rượu. Ở bệnh nhân cao tuổi, thuốc chữa rối loạn giấc ngủ có thể gây giãn cơ, gây té ngã. Song song với điều trị bệnh chính, có thể dùng biện pháp tâm lý trị liệu, thậm chí nếu bệnh nhân vẫn chưa ngủ được thì sẽ chỉ định dùng thêm thuốc an thần để người bệnh đi vào giấc ngủ dễ hơn.
“Cần lưu ý, thời gian giấc ngủ không đánh giá được giấc ngủ đó có tốt hay không mà phải nhận định xem giấc ngủ đó có chất lượng hay không. Dựa vào các yếu tố như sau khi bệnh nhân đi ngủ và có một giấc ngủ sâu hay không, có bị những rối loạn trong khi ngủ như ác mộng, mộng du... Người có giấc ngủ ngon là không có những biểu hiện như khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ và sau khi đi ngủ họ có giấc ngủ ngon, thức dậy với tinh thần phấn chấn, thoải mái”, BS. Quang cho biết.
Lê An - Hữu Đức