Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tiếp tục chương trình Phiên họp 25, chiều 24.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi).
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Thảo luận tại phiên họp, về điều kiện tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình với phương án không áp dụng Luật Kinh doanh Bất động sản đối với trường hợp không nhằm mục đích kinh doanh. Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhằm mục đích kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng dự thảo Luật chưa có tiêu chí rõ ràng để phân biệt giữa mục đích không kinh doanh và mục đích kinh doanh, từ đó đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện để phân biệt giữa hai hình thức này.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình nhằm mục đích kinh doanh không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Nếu kinh doanh bất động sản có quy mô nhỏ mà phải thành lập doanh nghiệp sẽ phát sinh chi phí lớn. Do đó, chỉ cần quy định tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện, kê khai nộp thuế đầy đủ, ông Lê Quang Mạnh thảo luận.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý nếu tại một thời điểm mà tung ra quá nhiều dự án bất động sản, khi cung vượt cầu, sẽ gây ra nhiều khó khăn. Ngược lại, ở thời điểm cầu vượt cung dẫn đến khan hiếm, đầu cơ bất động sản, đẩy giá lên cao. Do đó, việc sửa đổi luật cần rà soát xem đã điều chỉnh vấn đề này chưa; làm rõ vai trò điều phối chung của Nhà nước.
“Cần tránh chuyện xin-cho trong thị trường bất động sản. Làm sao để quản lý được việc này!,” Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu thanh toán qua ngân hàng, giao dịch bất động sản qua sàn hay không qua sàn cũng vẫn minh bạch và lấy dẫn chứng trong một tập đoàn kinh doanh bất động sản thường sẽ có một công ty chuyên phân phối hoặc có liên kết với công ty phân phối. Do đó, không phải giao dịch nào cũng qua sàn, kết nối được giữa người mua và người bán.
“Có nhiều loại thị trường, nhiều loại sàn khác nhau chứ không phải cứ có sàn là tốt. Chúng ta phải thông suốt về nhận thức ở chỗ này,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần rà soát thêm nội dung về hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản trong dự thảo Luật để quy định đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phải có hệ thống thông tin thị trường.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ dự thảo Luật hiện mới đang quy định trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và không có quy định về trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp dưới như cấp huyện, cấp xã. Qua đó, đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nội dung này, có quy định trách nhiệm của cấp khác hay không, hoặc ủy quyền có được không?
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt với các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà (sửa đổi) và các Luật về Xây dựng, Quy hoạch, Đầu tư, Đấu thầu, Thương mại, Công chứng, Bộ luật Dân sự; đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp và ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới; lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cơ quan tới để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Hạnh Quỳnh