Đang dịch COVID-19 toàn cầu, Sơn về Hà Nội phải cách ly 14 ngày, được ở tầng trên một khách sạn, phòng rộng, có hai cây dương cầm, cho ban ngày và ban đêm. Với wifi nữa, Sơn thấy là quá đủ để thốt lên: “toàn phần sung sướng”: “Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần mỗi cây đàn” (theo báo Tuổi Trẻ).
Tôi cùng bạn bè bay từ TP.HCM, quê ngoại Sơn, rơi “thẳng đứng” vào cuộc báo hiếu của người nghệ sĩ. Và tôi, kinh ngạc vỡ lẽ những điều chưa từng.
Về một bộ ba độc đáo: Cha và con và đàn dương cầm.
Một. Người thơ Đặng Đình Hưng trong cõi cô đơn toàn phần
Người cha, theo dân gian Việt, là chủ gia đình (gia trưởng), chiếm vị trí cao nhất: “nóc nhà” (“Con không cha như nhà không nóc”). Đặng Đình Hưng đã giáo dưỡng Sơn theo cách Việt cổ truyền ấy, bằng yêu thương, dạy dỗ, khuyên nhủ, bảo ban… của một người cha Việt thông thường. Và, bằng cả tác phẩm của ông về thơ, nhạc, họa. Đặc biệt là thơ (được in lại khá đủ trong sách Một bến lạ - NXB. Hội Nhà Văn năm 2020, theo đúng hình thái ban đầu của bản thảo thơ Đặng Đình Hưng).
Điều được di truyền xuôi theo huyết thống, từ đời cha sang đời con, thật cảm động, ngoạn mục và cũng thật nghiệt ngã, đa đoan. Đó chính là bi kịch của sự va đập mạnh, giữa hai bờ con sông văn hóa Đông - Tây (Việt - Pháp), đã bao trùm số phận của cả hai cha con, dù mỗi người mỗi cách, mỗi đậm nhạt, bởi sự ra đời và trưởng thành trong những thời đoạn lịch sử khác nhau, dẫn đến việc sở hữu hai ngôn ngữ nghệ thuật khác biệt: Cha, về căn bản, là thi sĩ. Con, thuần túy nghệ sĩ dương cầm.
NSND. Đặng Thái Sơn biểu diễn bản nhạc Adagio của Bach dành tặng hương hồn cha. Ảnh: T.A.T
Đời cha - ngập ngừng, giằng xé giữa làng quê Việt và phố thị Tây. Đời con - chọn định cư nước ngoài, theo thủ đô dương cầm, mà Canada là lựa chọn đích đáng.
Chứng kiến và thả mình vào cuộc “báo hiếu” của Sơn, tôi nghĩ: cuộc trình diễn và đối thoại về tác phẩm của cả hai cha con tối 20.1, trước đông đặc khán giả, chăm chú, ngạc nhiên và ngưỡng mộ, thì bản thân cuộc này đã vượt lên ý tưởng “báo hiếu” khởi đầu để đạt tới vẻ đẹp bi kịch sâu rộng, đủ ôm chứa cả cuộc giao lưu, tiếp biến văn hóa Đông - Tây, đã hiện diện bi tráng hàng thế kỷ trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam, mà cha con họ Đặng là trường hợp điển hình.
Là thi sĩ, Đặng Đình Hưng nhận chịu bi kịch ấy theo cách thơ riêng, khác lạ và độc sáng. Và đã di truyền cách thơ, cách sống ấy cho con trai Đặng Thái Sơn (và còn tránh cho con trượt vào vết xe đổ của chính mình). Cũng bởi thế, cõi thơ Đặng Đình Hưng, mặc nhiên thành nơi diễn ra xung đột khốc liệt về văn hóa Đông - Tây, hàm chứa sự hiển linh của trực giác thơ, vừa cưu mang vẻ đẹp ngời ngợi của đóa hoa vô thường, vừa mang đậm đặc cái thô ráp, trụi trần của hiện thực đời sống đương thời. Thơ ông đã diễn tả cái trực giác linh diệu ấy bằng một thứ tiếng Việt đẹp lạ lùng, về cái buổi đầu thơ ngây, trong veo của cậu trai quê, khát khao ra thị thành: Đêm… Một đứa bé quê ra đứng cửa/ thị thành “lập chí”, bởi không cưỡng nổi lực hấp dẫn thành thị. Vậy nên “lập chí” là từ được lặp lại nhiều nhất, ngay từ đoạn thơ đầu 1958 - 1959, trong nhiều ngữ cảnh thơ lạ biệt, bởi cách phối chữ thơ đặc sắc của thi sĩ Đặng Đình Hưng.
Nhưng, con đường đến phố thị “lập chí” lại quá gập ghềnh, ra đi mà cứ phải ngoái vọng về quê, nơi cha sinh mẹ đẻ. Những tưởng Tôi đi “lập chí”/đi không thương nhớ mùa ổi chín rũ. Và không thương nhớ cả một thế giới đầy ắp phong vị quê mùa: nụ tầm xuân, con vành khuyên, con bướm vàng, cái chum/ tôi nhớ cái vơi vơi quanh người, cây đinh lăng ra hoa ung dung vuông/ngồi nhắm rượu một cái bể/nắng ngả/ vàng một vệt dài… Đi lập chí hẳn hoi, mà nỗi nhớ của thi sĩ cứ quay, chuếnh choáng trong hơi rượu phảng phất. Rốt cuộc, Cửa ô dỗ người ra đi “lập chí” ra đi hào bạc trắng. “Lập chí” hóa ra một nông nỗi phù du, lại trắng phớ vụ lợi, khiến thi sĩ phát khóc, như mưa: Mưa nút bia/ Mưa đèn pha ôtô/ Mưa ướt mái nhà/ cái yên da xe đạp cũ/ Cuốc không ngủ/// Đóng/// bạn/// hòn cuội.
Với những ngắt câu, xuống dòng, những thả chữ thơ như bất chợt, xa vắng, như không liên quan đến lệ rơi và ly biệt. Nhưng đọc những - câu - thơ - mưa kỳ lạ ấy của Đặng Đình Hưng, ta nhói lòng trở về ca dao xưa, tả người lính thú biệt ly vợ con ra trận “bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”. Cuối cùng, thi sĩ đồng quê cay đắng biết mình đã lạc trôi vào Đô thị, và lạc khỏi Tía - tô – xanh (Quê)/ đứa bé/ rơi vào đô - thị - giả (Đế quốc)/ “lập chí” vỡ. Tôi thấy lạ vô cùng cái cách dùng ba động từ mạnh: lạc - rơi - vỡ, nội trong hai câu thơ, được bẻ làm ba dòng, mỗi dòng nhõn một động từ, mà dựng lên sắc cạnh một vỡ lẽ bi kịch: đứa bé quê bị lạc quê, rơi tõm vào thành thị, vỡ tan “lập chí’, bởi “đô-thị-giả”, chính là “đế quốc”, là xâm lược và nô dịch.
Chàng trai quê bé nhỏ như “hoàng tử Bé” ấy bàng hoàng biết mình bị lạc khỏi Tía - tô - xanh: Lông mày rậm Tía tô ngắm tôi/ không cười/ Mắt Tía tô buồn… không nói/ Cởi hầu bao… đưa ba hào bạc vụn/ ngần ngừ tôi xách gói sang sông.
Hẳn Đặng Đình Hưng đã đau lòng cho nhân vật trữ tình của mình, quá nhiều lần phải “xách gói” đi về, phân vân nghiêng ngả trong rối bời: không biết mình thuộc về phố hay thuộc về làng. Suốt đời thơ, tâm trạng lưỡng cực này cứ ám ảnh không buông chủ thể thơ Đặng Đình Hưng, tạo thành rất nhiều mã thi ca đẹp chói lòa, rực rỡ, đến huyền hoặc, chỉ thuộc về một mình thi sĩ độc quyền sáng chế, hoàn toàn tự do cấp phép cho mã thi ca của mình ngậm nghĩa thật lạ biệt và độc đáo.
Vương quốc ấy do thi sĩ Đặng Đình Hưng tự xưng vương, với tâm thế, tình điệu, hình ảnh thơ chi chít li ti xanh tươi, sống động tuôn trào dưới mặt trời thi ca Đặng Đình Hưng. Xuất hiện mã thi ca thương nhớ đồng quê, mã thi ca “phải lòng” thành thị, trong phân vân, rồi cuối cùng, bị thành thị quyến rũ, và chiếm đoạt, để có nguyên một thời để yêu - một thời để chết trong thơ Đặng Đình Hưng. Bởi Đặng Đình Hưng vẫn phải thuộc về đô thị và sáng tạo nghệ thuật của ông, mặc nhiên, theo cách của văn nghệ phương Tây. Từ đó, nảy sinh mã thi ca khởi đầu của thơ ông lại là cô đơn toàn phần. Đạt đến toàn phần cô đơn mới có thể tạo sinh và phục sinh năng lượng sáng tạo, và tiếp tục tạo mã thi ca mới cho chính thơ mình. Đặng Đình Hưng đã phái sinh mình trong cô đơn: tôi ngồi nhà /thì cũng hiện một người y như tôi đang đi/ ở ngoài phố… Và thi sĩ đánh số La Mã cho tôi I, tôi II…
Nhưng, lấp lánh nhất, vẫn là hai mã thi ca, đã được thi sĩ Đặng Đình Hưng đặt thành tên cho hai tập thơ cuối đời: Bến lạ và Ô mai.
Bến lạ đã thật là… lạ, chập chờn mê tỉnh trong giấc mơ thơ của thẳm sâu tiềm thức thi sĩ. Nó có thể váng vất như một bến tình để ghé alfa/ alfa không có nhà/ Ồ gặp nhau rồi, sao vẫn cứ li/ một nắm hột khuya rắc vào bến lạ// Đời gì/ Sao cứ đi đi, những cái vali cứ về bến lạ. Chủ thể thơ Đặng Đình Hưng, khi buộc phải bỏ nhà quê thuần Việt để hợp hôn với đô thị Tây đã ngạc nhiên mà sinh ra cái bến lạ đầy mơ mòng lãng đãng này, để thi sĩ tự do vung vinh rắc vào bến hư ảo ấy một nắm hột khuya…Và cả đời thi sĩ, dẫu đi tận góc biển chân trời, thì bến lạ vẫn quyến luyến những cái vali cứ về… Thi sĩ phải về, vì ở bến lạ còn có… Ô mai Em.
Không ngẫu nhiên, mã thi ca lộng lẫy nhất về tình yêu trong thế giới thơ lạ lùng của Đặng Đình Hưng đã kết đọng ở tập thơ cuối Ô mai. Ô mai là giấc mơ thơ cuối chót về tình ái của thi sĩ Đặng Đình Hưng, mà lúc này, con libiđô trong thơ ông đã được mặc khải thành một ảo vọng về thời thơ ấu. Ai chẳng nhớ tuổi ấu thơ một đi không trở lại, chẳng từng tìm thấy tuổi thần tiên ấy của mình trong hoàng tử Bé, của Antoine De Saint - Exupéry?
Hai. Đặng Thái Sơn cô đơn toàn phần… với dương cầm
Và người cảm thương, nối dài cái thế giới rợn ngợp mã thi ca ấy của Đặng Đình Hưng, không ai khác, chính là người con trai - Đặng Thái Sơn.
Từ thế giới nghệ thuật của cha, Sơn tái dựng một thế giới mới lạ, với một phương tiện hoàn toàn khác cha và cả mẹ (danh cầm Thái Thị Liên, người đã truyền nghề đàn cho Sơn). Thế giới mới ấy của Sơn không thấm đượm cái “hương xưa” của làng quê Việt như trong thơ của cha. Nó là thế giới âm nhạc rặt phương Tây, với duy nhất cây đàn dương cầm là nhân vật trung tâm. Người con chơi dương cầm đã thắng lớn ở châu Âu, đoạt giải nhất cuộc thi quốc tế F. Chopin, lần thứ X, năm 1980 tại thủ đô Warszawa của Ba Lan.
Đặng Thái Sơn năm ấy mới 22 tuổi, và giải thưởng lớn của Sơn đã rẽ ngoặt cuộc đời cha, tạo điều kiện cho ông kéo dài sự sống thêm chục năm và điều cơ bản, đã làm phát sáng vẻ đẹp tinh thần của người cha (mà theo Sơn, đến tận bây giờ cha mình vẫn là “người nghệ sĩ chìm trong bóng tối” (Bến lạ và Ô mai chỉ được lần lượt in sau khi cha Sơn qua đời, vào năm 1991 và 1993).
Cho đến hôm 20.1, khi chính thức ra mắt tuyển thơ họa cho bố, Sơn mới nhẹ lòng khi “có cảm tưởng như bố được tái sinh”.
Cha con nhà thơ Đặng Đình Hưng và NSND. Đặng Thái Sơn tại Hà Nội năm 1983. Ảnh: TLGĐ
Thực ra, tôi nghĩ Đặng Đình Hưng đã tái sinh nghệ thuật của mình trong chính tiếng đàn dương cầm thiên tài của con trai. Tiếng đàn ấy mang theo toàn bộ di sản văn hóa của người cha, nhất là một thứ di sản tưởng như siêu hình là sự “cô đơn toàn phần” (chẳng phải Sơn đã từng quả quyết đấy ư: Sơn chẳng cần đàn ông, đàn bà, chỉ cần mỗi cây dương cầm đó sao?). Và những “cơn thèm” dâng mênh mang, những đợt sóng “thể nghiệm” vỗ ào ạt điên cuồng trong thơ người cha đã biến động vào đôi bàn tay con chơi dương cầm, ào ào, mãnh liệt như giông như bão, như gió gào, rồi lắng lại, êm đềm nhỏ nhẹ như khóc thầm trên những phím đen trắng. Sơn đã khởi động gió bão trên phím dương cầm, có khi bằng cả hai bàn tay cùng giáng xuống mạnh mẽ. Tôi bỗng chạnh nhớ một cảnh tượng bi tráng từng chính mắt thấy: Văn Cao, năm sinh nhật 60 tuổi, tại phòng đàn gác hai 51 Trần Hưng Đạo, đã chơi đàn dương cầm dữ dội… bằng cùi chỏ!
Đấy là cảm giác mạnh không chỉ của tôi, khi nghe Sơn chơi bản nhạc Adagio của Bach dành tặng hương hồn cha Đặng Đình Hưng, với lời dặn dò nhỏ nhẹ: “Xin quý vị đừng vỗ tay khi kết thúc”.
Linh cảm mách bảo tôi rằng, trên cao kia, người cha đang hiển hiện trong bức hình chân dung phóng to phủ kín phông hậu sân khấu, chắc sẽ nở một nụ cười hiền với đứa con trai, giờ đây đã qua tuổi lục thập…
Và lời Sơn tự thú, nhuốm vị hài hước nhẹ, đã khiến không chỉ tôi trong khán phòng Viện Pháp đêm ấy, rưng rưng: “Người ta bảo, không biết tôi là con cưng hay con ghẻ của chế độ? (cười). Tôi chỉ là con ngoan của bố”.
“Con ngoan của bố” ư? Nghe đến đấy, cầm lòng không đậu. Muốn rơi lệ…
PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái