Bản thân “Chùa Đàn” là một áng văn cực kì hấp dẫn theo phong cách riêng của Nguyễn Tuân. Và chỉ tác phẩm này thôi, Nguyễn Tuân đủ chứng tỏ: “tài năng sáng tác của nhà văn đã lên tới thượng đỉnh” (Hoàng Như Mai). Viết “Chùa Đàn”, Nguyễn Tuân dồn hết tâm huyết và rung động tận tâm can cho nghệ thuật mà cả đời ông không thôi rung động, mê đắm và đẩy lên thành biểu tượng niềm khát khao cái đẹp của ông: nghệ thuật ca trù. Viết “Chùa Đàn”, ông tự nhận: “Tôi vốn là một người hay la cà đắm đuối với tất cả những gì đàn sáo ca hát: hát bộ, hát chèo, ca Huế, ca cải lương Nam Kì… Tôi đã đem một phần đời văn sĩ của tôi đặt vốn vào đàn hát”. Cái viết của ông cần và thích rung động trước “đàn hát”, nhất là ca trù, như một thứ “lời lãi lấy về” cho nghề văn của ông, bất chấp hệ lụy phiền toái. Ca trù đã cho ông không những thỏa niềm khao khát diễn tả cái đẹp của “đàn hát” mà còn thỏa mãn cái viết của ông, luôn “thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt” (Nguyễn Đăng Mạnh). Do đó, “Chùa Đàn” đã tự nhiên gây thách thức sáng tạo cho tác giả, đạo diễn chuyển thể từ chữ nghĩa “phi vật thể” của văn chương sang ngôn ngữ “hữu thể” của sân khấu và điện ảnh.
…Từ tam giác đầy huyền bí, ma quái, rùng rợn trong “Chùa Đàn”, vốn xuất phát từ tam giác thiêng của ca trù “ Đào nương: Cô Tơ, Nghệ sĩ đàn đáy: Bá Nhỡ. Nghệ sĩ trống chầu: Lãnh Út (chủ ấp Mê Thảo), đã được các nhà nghiên cứu văn chương ngợi khen, cũng bằng tam giác: Nhân bản-Nghệ thuật-Quái đản,Tất Thắng đã biến báo thành kịch bản sân khấu, gồm bộ ngũ hành năm nhân vật chính và đẩy Bá Nhỡ lên thành nhân vật trung tâm: Bá Nhỡ-Thị Tơ-Ông chủ-Bà chủ Mê Thảo-Chánh Đàn (Thực ra, theo cấu trúc Ngũ Hành thì Bá Nhỡ phải là hành Thổ, trung tâm điều phối hai cặp đôi Thủy-Hỏa là Thị Tơ-Chánh Đàn, và Mộc-Kim là Ông-Bà chủ ấp Mê Thảo. Và thật thú vị, hai cặp đôi này, theo sáng tạo của Tất Thắng, họ đều là hai cặp vợ chồng). Khi chuyển ngữ, với sáng tạo như thế, sẽ khiến cho ngôn ngữ dàn cảnh của đạo diễn Doãn Hoàng Giang có tiền để sân khấu để “viền” cho thật rõ chủ đề của vở diễn: muốn sở hữu được cái đẹp trong đời thì phải thật lòng khát khao, phải dụng công tìm kiếm, phải biết thưởng thức như thể tri âm-tri kỉ, và phải biết…trả giá đắt. Và ở đây, nhân vật Bá Nhỡ (NSND Hoàng Dũng sắm vai) đã trả giá đắt bằng cái chết. Cũng thật đáng giá, khi Bá Nhỡ cứ khăng khăng chơi cây đàn ma quái, dù biết cây đàn ấy cứ động tay vào là phải chết, nhưng Bá Nhỡ đã chắc rằng chỉ có cái chết ấy mới cứu được ông chủ Mê Thảo, chính là linh hồn Mê Thảo và mới… cứu được cái đẹp.
Như thế, Tất Thắng đã viết một kịch bản được tính toán kĩ lưỡng từ căn cơ gửi gắm của Nguyễn Tuân trong chữ nghĩa “Chùa Đàn”, đã biết cách chuyển ngữ cho cái dàn dựng và cái biểu diễn trên sân khấu. Đồng cảm với tác giả văn bản kịch, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã có một chuyển ngữ khá đẹp cho kịch, và theo nhận xét của đồng nghiệp, cũng kịch bản này ông dựng cho đoàn chèo Tổng cục hậu cần (đang tham dự Hội diễn Chèo toàn quốc ở Hải Phòng, từ 19.10 đến 1.11.2013), thì họ cho rằng bản dựng kịch được chính ông yêu thích hơn. Doãn Hoàng Giang đã kể câu chuyện kịch của Tất Thắng bằng cách kể phóng khoáng, pha trộn tính ước lệ của sân khấu truyền thống. Các quan hệ phức tạp của bộ ngũ hành nhân vật được diễn đạt hợp lý và thuyết phục, nhờ nghệ thuật sắm vai của những nghệ sĩ gạo cội lành nghề kịch của Nhà hát Kịch Hà Nội: Hoàng Dũng, Thu Hà, Trung Hiếu, Công Lý… Nổi bật nhất là vai Bá Nhỡ của Hoàng Dũng.
Sự thành thục điêu luyện, tay nghề cao đã khiến Hoàng Dũng có một cách xử lý vai kịch thâm trầm, sâu sắc, từ những động tác hình thể được tiết chế đắc địa, quấn quyện với cách nhả chữ mạch lạc rõ ràng trong lời thoại, khiến nhân vật này in dấu ngay vào cái nghe –nhìn của người xem. Đặc sắc nhất là cảnh Hoàng Dũng diễn tả cái chết của Bá Nhỡ, diễn chủ yếu bằng hình thể mà “nói được” nhiều ý nghĩa thâm sâu, trang trọng về lòng hàm ơn và tình tri kỉ của Bá Nhỡ. Chỉ tiếc, với vai trò trung tâm của “Hành Thổ”, Hoàng Dũng chưa tìm được sự ăn ý, tung hứng hợp lý đáng phải có, với nhân vật Thị Tơ do Kiều Thanh đảm nhiệm. Trung Hiếu và Thu Hà, cũng do nhiều kinh nghiệm diễn xuất, đã phối hợp ăn ý với Hoàng Dũng. Công Lý vai Bộp, xử lý nhân vật kiểu hề chèo, nhưng đôi chỗ diễn hài hơi quá đà. Trong năm vai ngũ hành, tuy “ra vai” không nhiều, song Chánh Đàn của Thiện Tùng là một vai ấn tượng, nhất là về ngoại hình đẹp của diễn viên khi cầm cây đàn đáy đã như là biểu tượng và là một điểm nhấn đáng kể.
Nhìn tổng thể, vở diễn có cách kể chuyện lôi cuốn, có nhiều cái để xem, tiết tấu khá hiện đại, và không gian sân khấu được xử lý tài hoa theo phong cách Doãn Hoàng Giang ở những màn múa ước lệ, phóng túng từ “dàn đế” của chèo, khiến sân khấu sinh động, biến hóa sắc màu. Tuy nhiên, sự thiếu vắng tiếng hát, tiếng đàn đáy, tiếng trống của riêng nghệ thuật ca trù và sự không nhất quán của việc cho nhân vật Bà Nhỡ sử dụng cả hai loại đàn, (lẽ ra chỉ nên duy nhất một cây đàn đáy)… đã khiến không gian âm nhạc của vở diễn chưa thuần nhất. Bởi chính nhân vật Bá Nhỡ của Hoàng Dũng đã phải kêu lên đấy sao “ Ôi, cây đàn bí hiểm! Cây đàn ma mị, cây đàn liêu trai, cây đàn chết chóc, nó ám ảnh ta, nó thách thức ta mới ghê gớm làm sao? Nó cũng thôi thúc ta cầm lấy cây đàn này gảy nên những tiếng tơ, những âm thanh kì diệu để cô Tơ hát cứu được mạng sống của cậu chủ ta. Dù ta có phải chết hoặc bán thân bất toại ta cũng cam lòng…”
“Chùa Đàn”từng được đạo diễn Việt Linh chuyển thành phim truyện lộng lẫy, đậm màu bi kịch“Mê thảo thời vang bóng”năm 2002.Năm 1997, Đạo diễn Dương Ngọc Đức và Lê Chức dựng “Chùa Đàn” thành vở cải lương cho Nhà hát cải lương TW “Cây đàn huyền thoại”. Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần mới cho ra mắt vở chèo”Tiếng đàn vùng Mê Thảo”. Nhà hát Kịch Hà Nội cũng vừa công diễn vở kịch “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, tháng 10.2013… Cả ba vở đều dựa trên kịch bản phóng tác từ “Chùa Đàn” của tác giả Tất Thắng (PGS nghiên cứu chuyên về sân khấu, đây là kịch bản “phá lệ”đầu tiên, đang là duy nhất của ông trong đời viết nghiên cứu, lý luận, phê bình…)
Nguyễn Thị Minh Thái