Đại dịch Covid-19: Văn hóa cũng chính là 'đề kháng'

 09:17 | Thứ tư, 19/02/2020  0
Đã gần tròn một tháng Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19 và cơ quan hữu quan các cấp cụ thể đã và đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khoảng thời gian này cũng cho một khoảng lùi nhất định đề nhìn nhận sự kháng cự của cộng đồng về mặt văn hóa ứng xử trước một thảm họa lớn. Phóng viên Người Đô Thị có cuộc trao đổi với TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, về vấn đề này.

Ngày 23.1 thời điểm phát hiện trường hợp đầu dương tính với Covid-19 ở nước ta. Đến ngày 2.2 Thủ tướng Chính phủ công bố dịch đường hô hấp cấp do chủng  Covid-19 gây ra.

Bất bình đẳng trong y tế có thể gây thảm họa

Thưa TS Khuất Thu Hồng, so với những ngày đầu tiên đối mặt với dịch Covid-19, tâm lý người dân  hiện đã dần ổn định hơn. Tuy nhiên, nhìn lại "trạng thái sốc tinh thần” lúc đó bà đánh giá nó thế nào?

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.

Trong những ngày đầu diễn ra dịch bệnh, hiện tượng nhiều người đổ xô đi mua tích trữ hàng phòng dịch (khẩu trang, cồn sát trùng...),  một số tổ chức, cá nhân găm hàng để bán giá cao gấp nhiều lần so với giá thông thường khiến một bộ phận người dân không thể mua được. Tất nhiên sự  tăng đột biến của nhu cầu sử dụng một số loại hàng hóa trong thời gian đầu dịch khiến mức sản xuất bình thường sẽ không thể lập tức đáp ứng được.  Điển hình là tình trạng khan hiếm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn...

Tất nhiên mặt nguy hại của hiện tượng mua tranh, mua nhiều và đẩy giá tại các đô thị đã gây ra sự thiếu hụt không đáng có,  nhưng lớn hơn là sẽ khiến những người yếu thế trong xã hội (những người già, người ốm đau, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...)  là những đối tượng, mà nếu dịch bệnh lây lan rộng, sẽ chịu  nguy cơ lớn nhiễm rất cao do không có phương tiện tự bảo vệ. Tức là xã hội của những “kẻ tranh cướp mạnh ” vô hình chung có thể biến đông đảo những người yếu thế thành nguồn phát tán dịch bệnh ra cộng đồng.

Điều này nếu kéo dài và mất kiểm soát, có thể gây ra những hệ lụy về mặt chính trị xã hội rất nghiêm trọng, mà khởi đầu từ sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng ở trong tiếp cận những cơ hội đảm bảo sức khỏe. Tức là, sự ích kỷ, vụ lợi cá nhân có thể tạo ra thảm họa trong những tình thế cụ thể.

Vai trò của văn hóa

Gần 60 triệu dân Hồ Bắc (Trung Quốc) được yêu cầu không ra khỏi nhà, chứng tỏ Covid-19 đã không phân biệt người giàu kẻ nghèo, kẻ yếu người mạnh. Điều này phần nào nói lên rằng số phận mỗi chúng ta đang gắn với nhau trong thảm họa. Rằng, sự gắn kết đó là một phần của văn hóa, theo nghĩa sự ứng xử của con người với nhau trong lúc nguy nan. Bà có ý kiến gì về chuyện này ạ?

Tôi còn nhớ  năm 2011, thảm họa sóng thần xảy ra tại Nhật Bản, với hình ảnh trên các phương tiện truyền thông: những người Nhật xếp hàng chờ hàng cứu trợ kiên trì, rất trật tự; nhiều người Nhật còn không nhận nhiều thức ăn, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu vì mong muốn nhiều người cũng có thể nhận được đồ cứu trợ... Những hình ảnh ấy đã khiến cả thế giới xúc động và nghiêng mình trước hành vi ứng xử văn hóa và tinh thần đoàn kết của người dân đất nước mặt trời mọc.

Đó là bài học rất thấm thía để những người dân Việt Nam cùng suy nghĩ và rút kinh nghiệm cho những hành vi ứng xử khi xảy ra thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh.

Người dân "rồng rắn" xếp hàng từ 4 giờ sáng để mua khẩu trang y tế trong mùa dịch corona tại cừa hàng thuốc tây ở quận 10, TP.HCM. Ảnh minh hoạ: Thanh Niên

Ở ta, khi mới có dịch, nhiều cửa hàng thuốc tại chợ thuốc ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cùng nhau liên kết không chịu bán mặt hàng khẩu trang y tế (sau khi bị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra và yêu cầu bán đúng giá) và còn lắm hiện tượng xấu xí khác...

Nhưng cũng tại Hà Nội, ở TP.HCM lại có những cá nhân, đơn vị đã phát khẩu trang miễn phí tại nhiều địa điểm cho người dân. Rồi có không ít những cửa hàng thuốc, siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán khẩu trang y tế, nước rửa tay để làm sao nhiều người dân có thể mua được các thiết bị y tế phòng tránh dịch bệnh, tránh sự lây lan ra cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp may mặc cùng chung tay tham gia sản xuất khẩu trang vải cung cấp cho người dân (dù đến nay, để mua được khẩu trang, người dân cũng phải xếp hàng dài mới có thể mua được số lượng khẩu trang vải hạn chế...)

Tức là bên cảnh tượng xấu xí, vẫn có rất nhiều hình ảnh đẹp về sự chia sẻ, giúp đỡ nhau trong xã hội dân sự của người dân, chứ không thụ động chờ cung cấp từ các tổ chức nhà nước.

Những hình ảnh, thông tin tích cực ấy đang khích lệ con người nhiều hơn nhờ internet, các công cụ facebook, viber, zalo... kết nối chúng ta với nhau, chứ không phải chỉ từ  thuần các phương tiện truyền thông của chính quyền. Tôi muốn nhớ rằng từ trong văn hóa của mình người Việt Nam luôn có năng lực văn hóa đoàn kết, tương trợ nhau trong hoạn nạn. Và trong cuộc đương đầu với đại dịch Covid-19, năng lực đó cũng quan trọng như những năng lực chuyên môn của y tế.

Cám ơn bà.

Minh Hân thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.