Để ngăn chặn “xu hướng bản năng” của cán bộ điều tra

 12:20 | Thứ hai, 23/06/2014  0

Hai cô gái đến cơ quan điều tra tự thú về hành vi giết người, cướp của. Thế là bảy thanh niên có cơ hội được giải oan, dù trước đó, các cáo buộc đã có vẻ như rành rành, không thể phủ nhận. Câu chuyện khiến người ta liên tưởng đến trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn và những vụ kết tội nhầm người tương tự.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những vụ kết tội sai lầm lại có thể xảy ra trong điều kiện quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đã được quy định khá chặt chẽ. Điều gì đã xảy ra trong những vụ án oan trong điều kiện hoạt động tố tụng có sự tham gia của nhiều cơ quan độc lập? Đáng nói nữa là theo pháp luật, cơ quan đến sau trong trình tự tố tụng được trao đầy đủ quyền hạn để kiểm soát, đánh giá chất lượng công việc của cơ quan đến trước và do đó, có điều kiện để kịp thời ngăn chặn sai sót.

Trong khuôn khổ sửa đổi Hiến pháp, người ta nói nhiều về sự cần thiết của việc hiến định nguyên tắc suy đoán vô tội, như là một cách ngăn ngừa việc kết tội oan. Theo nguyên tắc này thì nghi can phải được coi là vô tội và, do đó, không cần phải nói gì, làm gì để chứng minh sự vô can của mình. Chính cơ quan có thẩm quyền, nếu tình nghi, thì phải thực hiện các biện pháp tác nghiệp cần thiết trong khuôn khổ pháp luật để làm rõ nghi vấn của mình.

Suy đoán vô tội không hẳn nhằm mục đích ngăn chặn sự hình thành định kiến xấu đối với nghi can trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật, như người ta vẫn nói. Ai mà biết được điều tra viên, uỷ viên công tố và thẩm phán nghĩ gì trong đầu về bị can, bị cáo. Điều quan trọng là trong quá trình thực hiện công việc theo phận sự, người được giao các chức năng điều tra, truy tố và xét xử phải ứng xử với người bị buộc tội như là người không có tội. Rõ hơn, bị can, bị cáo cần được tôn trọng trong quan hệ giao tiếp với cơ quan chức năng, nhất là không bị ngược đãi, bạo hành. Người bị buộc tội có quyền im lặng, nói chung là quyền phản ứng thụ động; còn cơ quan chức năng có trách nhiệm phải nói, phải làm để tìm cho ra sự thật.

Dẫu sao, luật không thể đặt ra tiêu chí định lượng cho hoạt động chuyên môn của cơ quan chức năng, cho phép xác định rành mạch kiểu ứng xử nào là đúng, là có chừng mực, kiểu nào là không đúng, là lạm quyền, cố chấp, thiên lệch.

Trong khi đó, mỗi lần có vụ kết tội oan nào đó được phanh phui, người ta thường nghe nói rằng trong quá trình tố tụng, người bị kết tội đã bị buộc phải nói, phải thú nhận những điều mà cơ quan điều tra muốn họ nói, thú nhận. Để việc mớm cung, bức cung được thành công, trong không ít trường hợp, cán bộ điều tra đã áp dụng nhiều biện pháp tạo áp lực, từ đe doạ, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, đến tra khảo bằng công cụ nhục hình đối với người bị thẩm vấn. Có những vụ dùng nhục hình gây thương tích nặng, thậm chí gây chết người.

Để ngăn chặn xu hướng tự tung tự tác theo bản năng ở người thi hành công vụ trong điều kiện luật không thể định rõ ranh giới giữa ứng xử có chừng mực và lạm quyền, người ta nói rằng cùng với nguyên tắc suy đoán vô tội và sự phân chia quá trình tố tụng thành nhiều giai đoạn, sự thừa nhận vai trò của luật sư là cần thiết. Có luật sư cùng tham gia thẩm vấn, người thẩm vấn tự nhiên phải dè chừng, biết tự kềm chế, không lạm dụng vị thế kẻ mạnh; người bị thẩm vấn cũng yên tâm và tự tin hơn. Ở các nước, luật sư có quyền tham gia tố tụng ngay từ đầu và được pháp luật trao những quyền rộng rãi trong việc thu thập chứng cứ cho phép bảo vệ thân chủ của mình trước những cáo buộc. Trong tranh tụng trước toà án, luật sư được đặt ở vị thế đối trọng với cơ quan công tố và tiếng nói của cả hai bên phải được thẩm phán lắng nghe như nhau, không phân biệt kiểu bên trọng, bên khinh.

Tất nhiên, người bị xử oan, bị thiệt hại vô lý, bất công thì phải được đền bù; những người đã làm việc tuỳ tiện, vô trách nhiệm dẫn đến oan sai, nếu có, hẳn sẽ bị xem xét trách nhiệm và bị chế tài tương xứng với hậu quả họ gây ra. Nhưng chắc chắn chẳng có tiền bạc nào cho người bị thiệt hại, án phạt nào đối với người thực thi công vụ tắc trách, là sự bù đắp hoàn hảo.

TS. Nguyễn Ngọc Điện, đại học Kinh tế (đại học Quốc gia TP.HCM)

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.