Nan giải trong quan điểm thẩm mỹ về kiến trúc khi trùng tu
Việc các công trình kiến trúc phải đối diện với những hư hại sau bao mùa mưa nắng “trơ gan cùng tuế nguyệt” là điều khó tránh khỏi, đặc biệt lại ở đất nước nhiệt đới như Việt Nam. Để bảo đảm cho những công trình ấy bền vững, không có cách bảo tồn nào khác ngoài tu sửa, tôn tạo. Việc bảo tồn giúp không chỉ giúp cho thế hệ hôm nay, mà hướng tới thế hệ mai sau cũng được thụ hưởng những di sản văn hóa giá trị mà cha ông gầy dựng nên.
Phần nhiều các kiến trúc đều hướng đến phương pháp trùng tu giống với nguyên bản nhất có thể. Dĩ nhiên, với một số kiến trúc mang những dấu ấn lịch sử đặc biệt, vẫn hướng tới bảo tồn theo hướng chân xác – tức giữ nguyên các chứng tích lịch sử. Không cần phải tìm xa tới tận đấu trường La Mã xa xôi ở Ý, ngay ở Hà Nội, hai vết đạn đại bác của quân Pháp bắn trong trận đánh chiếm thành Hà Nội ngày 25.4.1882 vẫn còn được lưu lại trên thành Cửa Bắc (thuộc Hoàng thành Thăng Long) trong quá trình bảo tồn di tích.
Hai vết đạn lưu lại trên thành Cửa Bắc như một nết đau của Hà Nội trong trận thua cuộc trước quân đội Pháp vào năm 1882. Ảnh: VNexpress
Còn với những di tích trùng tu theo lối nguyên bản, phần lớn “thường nhận về những điều tiếng không đáng có. Chẳng có nhiều công trình sau khi trùng tu, tôn tạo ngay lập tức được mọi người nhiệt liệt ủng hộ, không gây tranh cãi”, theo KTS Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Xét cho cùng, một phần không nhỏ trong số những người thẳng thắn đưa ra quan điểm như vậy xuất phát từ sự quan tâm tới những kiến trúc lâu đời. Họ có chung niềm mong muốn những công trình như vậy không chỉ sống bền với thời gian, mà còn lưu giữ được những giá trị lịch sử qua những vết bong tróc, loang lổ hằn trên bức tường, cỏ dại mọc trên khe nứt, trên mái ngói. Phải chăng, khi mô tả vẻ đẹp của những kiến trúc lâu đời, “rêu phong” thường được dùng như một mỹ từ gắn với vẻ cổ kính. Và trong bối cảnh hiện nay, khi truyền thông, mạng xã hội phát triển, công chúng có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp nhận thông tin, từ đó dễ dàng tham gia luận bàn, đưa ra những ý kiến của mình. Và khi chiêm ngưỡng các di tích ấy qua những thước phim, tấm hình, ấn tượng về vẻ cổ kính đã in vào ấn tượng của họ. Rồi dần dà, mặc định trong con mắt thẩm mỹ của không ít người, rêu phong tiềm ẩn một nét đẹp đầy hoài niệm và giàu giá trị lịch sử.
Cá nhân PGS-TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, không phủ nhận rêu phong tạo ra vẻ đẹp cổ xưa. Và dường như, tâm lý của nhiều người thích sự cổ xưa như vậy. Song, theo PGS. Đặng Văn Bài thì “rêu mốc lại là yếu tố gây hại cho di sản”. Đồng tính quan điểm này, KTS. Trần Đức Dũng (Hà Nội), cho biết: “Rễ của rêu mốc bám sâu vào công trình, gây ảnh hưởng đến độ kết dính chất liệu của bề mặt, khiến cho những mảng tường dễ bị vỡ, lở. Đặc biệt với những kiến trúc cổ sử dụng chất liệu chính là vôi - càng dễ hút ẩm, gây rạn nứt, dẫn đến khả năng đổ sập”.
Ngoài ra, theo KTS. Trần Đức Dũng “nấm mốc đến giai đoạn trưởng thành, sẽ phát tán bào tử, có thể gây kích ứng cho du khách tham quan, nặng hơn là gây ngộ độc đường hô hấp với tùy loại mốc”.
Nấm mốc xuất hiện trên tường của công trình biệt thự cổ tại phố Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Báo Tiền Phong
Lưu lại chút dấu vết thời gian trên công trình: tại sao không?
KTS. Trương Ngọc Lân nhận định nguyên nhân gây ra những tranh cãi liên quan tới đặc thù của các công trình ở Việt Nam. Cụ thể, mặt tường của các công trình ở nước ta, cũng như nhiều nước Đông Á thường phải trát vữa, sơn phủ. Nên khi trùng tu, tôn tạo không tránh được cảm giác mới hơn. Vật liệu sơn không có cách nào làm nó ở dạng cũ, ngoại trừ trường hợp cố tình tô vẽ lên, tạo sự cổ kính giả.
KTS. Vũ Hiệp từng nhận định trong một bài viết[1] rằng việc cố tình làm giả để công trình có vẻ cũ kỹ giống như trước lúc trùng tu là bảo tồn theo kiểu “giả cầy”. Bảo tồn theo phương pháp này giúp níu giữ lại ký ức về một nơi chốn vốn quen mắt với nhiều người.
Về phần mình, KTS. Trương Ngọc Lân cũng không quá đồng tình với phương pháp này. Bởi theo ông, “việc tạo những dấu ấn thời gian đang làm sai lệch tính nguyên gốc của di tích. Các công trình ở một số nước Đông Á có những kỹ thuật xây dựng: sử dụng sơn phủ hoặc quét vôi sau khi sơn tương tự như ở Việt Nam, sau khi trùng tu luôn có cảm giác thay đổi rất lớn. Nhìn sang Nhật Bản, sẽ thấy các công trình, di tích ở đây luôn trông như mới dù có hàng trăm năm tuổi đời. Do đặc thù của công trình, vật liệu nên không thể tránh được”.
Liên hệ với các các công trình phổ biến ở châu Âu, KTS. Trương Ngọc Lân chỉ ra, thay vì sử dụng vật liệu trang trí bên ngoài như quét sơn, quét vôi, họ chọn sử dụng vật liệu bằng đá. Những vật liệu này không cần trát, nên việc trùng tu chủ yếu là vệ sinh bề mặt đá. Nhờ vậy, không tạo ra sự thay đổi quá lớn.
Lâu đài Himeji (Nhật Bản) trước và sau khi được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: TL
Màu sơn đỏ tại Chùa Cầu (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) gần đây xuất hiện trên các phương tiện thông tin, truyền thông vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nguyên nhân là vì nó trông có phần rực rỡ hơn, tươi hơn so với màu đỏ mà nhiều người nhìn thấy trước khi trùng tu.
Tranh cãi này gợi nhớ tới câu chuyện hơn một năm trước về biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Khi những hình ảnh đầu tiên về màu sơn thử nghiệm được tiết lộ trên mạng xã hội, cộng đồng mạng đã chia thành những luồng quan điểm khác nhau và để lại không ít những bình luận gay gắt.
Trước những ý kiến có phần không được tích cực, KTS. Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France, Giám đốc cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam), chia sẻ: “Nếu chúng ta cố tình làm cho nó nhạt nhòa đi một chút thì sau một thời gian nữa, tác động của ánh nắng, mưa gió vào nó nhạt tiếp thì lúc đó không còn đúng theo đặc điểm của công trình”.
Bẵng đi một thời gian, thay vì tiếp tục nhận những phản ứng dữ dội, ngôi biệt thự đó lại trở thành nơi tổ chức sự kiện, triển lãm rất sôi động ở quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, nó còn là điểm đến thu hút không ít du khách lui tới lưu lại những bức hình làm kỷ niệm. Dĩ nhiên ngôi biệt thự này vẫn được tôn trọng thiết kế, màu sơn theo như phương án do đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, đề xuất.
Diện mạo của Chùa Cầu (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) trước trùng tu (năm 2022) vào sau trùng tu (năm 2024).
Có hay không việc lắng nghe góp ý từ nhiều phía?
Như đã nói, bảo tồn di sản văn hóa hướng tới nhu cầu thụ hưởng của chính cộng đồng. Vậy thì câu hỏi đặt ra, liệu có cần lắng nghe ý kiến của người dân trong công tác trùng tu hay không?
Theo quan điểm của KTS. Trương Ngọc Lân thì “việc trùng tu là công việc mang tính khoa học và không phải vấn đề chúng ta có thể đưa ra biểu quyết xem mức độ đồng thuận cao hay thấp. Việc trưng cầu dân ý đối với công việc mang tính khoa học là không phù hợp. Điều chúng ta cần làm không phải là trưng cầu dân ý, mà phải làm thế nào để người dân hiểu về công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, cũng cần có phương pháp để người dân có thể thể hiện quyền giám sát xã hội. Như Nhà thờ Đức Bà (Paris, Pháp), họ đã thực hiện một cuộc triển lãm riêng để giới thiệu riêng về phương thức, quá trình trùng tu một cách rõ ràng, cặn kẽ và minh bạch”.
Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo trước và sau khi trùng tu. Có một thời gian màu sắc mặt ngoài, với các mảng đỏ đậm xen kẽ trên nền vôi vàng tạo ra một tương phản khá gắt và "khó tiêu hóa" dưới mắt nhiều người. Ảnh: TL
Về sự minh bạch, cá nhân PGS. Đặng Văn Bài đánh giá rất cao việc làm của Chùa Cầu. Di tích đã xây dựng được bao quanh, để mọi người có thể được chiêm ngưỡng tận mắt quá trình tháo dỡ, tu bổ. Trước đó, chưa có dự án nào cho phép du khách có thể vào tham quan như vậy.
Những ký ức, giá trị lịch sử về di tích không nhất thiết là phải lưu giữ bằng những vết tích do mưa nắng làm trầy xước công trình. Chúng vẫn có thể phần nào sống cùng chúng ta qua tư liệu lưu trữ, qua các triển lãm trong không gian di tích, hay không gian mạng,...
Trường hợp như biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo hay Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm – từng là Hội quán Quảng Đông đã rất thành công trong việc gìn giữ ký ức gắn với công trình. Sau khi tôn tạo thành không gian giao lưu văn hóa, các điểm đến này vẫn dành một phần không gian tuy khiêm tốn, nhưng vẫn đủ để trưng bày những vật liệu xây dựng cũ, quá trình biến đổi công năng sử dụng, tôn tạo lại kiến trúc bị bỏ hoang này. Việc này phần nào giúp mọi người hiểu rõ hơn công trình qua các giai đoạn lịch sử, công tác trùng tu được tiến hành khoa học. Từ đó, hạn chế được những tranh cãi không đáng có.
Trưng bày phân tích các chi tiết kiến trúc của biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo. Ảnh: Tuổi trẻ và Pháp luật
Nhìn về mặt tích cực, không thể phủ nhận, việc một công trình tạo ra những ý kiến trái chiều đang thể hiện rằng có không ít người dùng mạng quan tâm tới công tác bảo tồn di sản. PGS. Đặng Văn Bài hoan nghênh những người dùng mạng biểu lộ tình yêu với di sản. Song, tình yêu ấy cần thể hiện đúng cách. “Chúng ta nên góp ý trên tinh thần xây dựng, còn nếu ném đá thì rõ ràng là hành động tiêu cực”, PGS. Đặng Văn Bài cho hay.
Nguyễn Phúc Nam Dương
[1] https://kienviet.net/2023/4/18/trung-tu-biet-thu-49-tran-hung-dao-va-quan-niem-ve-bao-ton-di-san-duoi-goc-nhin-da-chieu-cua-kts-vu-hiep