Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản ngày 3.10 thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình quản lý di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi (Quận 8, TP.HCM).
Theo đó, ngày 22.9.2022, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã chủ trì họp nghe báo cáo tình hình quản lý di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi. Tham dự cuộc họp có đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND Quận 8, Chủ tịch UBND phường 16 (Quận 8).
Đầu hẻm vào di tích lò gốm Hưng Lợi có treo biển cảnh báo nhưng xem ra người ta không sợ luật khi không chỉ xâm phạm mà còn san ủi luôn vùng lõi di sản. Ảnh tư liệu: Trung Dũng
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức kết luận trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi chưa đảm bảo theo quy định của Luật Di sản văn hóa, di tích bị xuống cấp, chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời và bị xâm hại, lấn chiếm. Vì vậy, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, UBND Thành phố yêu cầu cơ quan chức năng và địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về di tích.
Cụ thể, UBND Thành phố giao UBND Quận 8, UBND phường 16 (Quận 8) khẩn trương thực hiện nghiêm việc quản lý nhà nước trên địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, gìn giữ di tích, tuyệt đối không để xảy ra việc xâm hại, hủy hoại, lấn chiếm di tích.
UBND địa phương các cấp cụ thể nêu trên phối họp Sở Tài chính để bố trí vốn thực hiện công tác bảo vệ khẩn cấp di tích (xây dựng cổng, hàng rào, camera giám sát).
UBND Quận 8 chỉ đạo Công an Quận 8 khẩn trương xử lý hành vi xâm hại di tích của bà Nguyễn Thị Phương. Báo cáo đầy đủ hiện trạng di tích, số lượng công trình, số hộ dân, tình trạng pháp lý các công trình xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích hiện hữu; nguyên nhân, đề xuất hướng xử lý, gửi Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Di tích quốc gia Lò gốm Hưng Lợi sau khi bị người dân thuê máy ủi san phẳng. Ảnh tư liệu: Trung Dũng
Thành phố cũng giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp UBND Quận 8 và các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng Đề án quản lý di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, tham mưu trình UBND Thành phố xem xét, giải quyết từng nội dung theo đúng thẩm quyền.
Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu việc ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý di tích giữa ngành chức năng và các địa phương; trường hợp vượt thẩm quyền, tham mưu đề xuất trình UBND Thành phố.
UBND Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối họp Sở Văn hóa và Thể thao xác định mức độ ưu tiên, tham mưu đề xuất bố trí vốn tu bổ, phục hồi di tích Lò gốm Hưng Lợi.
* Trước đó, như Người Đô Thị đã đưa tin, sáng 24.6.2019, Phó đội trưởng đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an Quận 8), xác nhận có vụ việc một người dân phá cổng, thuê máy ủi vào san ủi khu di tích khảo cổ học cấp quốc gia - Lò gốm Hưng Lợi. Cơ quan điều tra công an quận 8 chỉ vào cuộc sau khi nhận được tin báo của bảo bảo vệ tổ dân phố ngày 11.3 vừa qua. Trong khi đó, vụ việc san ủi đã diễn ra trước đó, vào những ngày nghỉ cuối tuần nên chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan các cấp cụ thể đều không hay biết.
Điều đáng nói là lúc cơ quan công an đang thụ lý điều tra vụ án san lấp huỷ hoại di tích từ năm 2017 thì nay tình trạng này lại tái diễn và chính quyền địa phương thì "mất bò mới lo làm chuồng". Càng bất ngờ hơn, người thuê máy ủi vào san phẳng di tích quốc gia là cùng một người.
Người dân phơi quần áo, để vật dụng ngay trước cổng Di tích Quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi. Ảnh tư liệu: Trung Dũng
Cụ thể, vào 14.7.2017, người này đã thuê xe ủi để san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng khu bảo vệ di tích khảo cổ với diện tích đất bị san phẳng khoảng 200m2. Trước sự việc nghiêm trọng này, phường đã lập biên bản xử lý nhưng người dân này không ký văn bản vi phạm cơ quan điều tra công an Quận 8 thụ lý.
Quá trình điều tra kéo dài, chưa đem lại kết quả thì đối tượng trên lại tái diễn hành vi thuê xe ủi vào san phẳng khu di tích quốc gia như vừa nêu trên. Đại diện Công an Quận 8 cho biết trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định cổng tường bảo vệ khu di tích bị đập nên đã trưng cầu ý kiến của hội đồng thẩm định giá, tính thiệt hại để từ đó có căn cứ xử lý hành vi huỷ hoại tài sản hay không. Cuối cùng cơ quan chức năng đã quyết định phạt hành chính hành vi huỷ hoại tài sản kèm số tiền 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đương sự vẫn không chấp nhận.
Về vùng lõi di tích quốc gia bị san phẳng, Phó đội trưởng đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội cho biết cơ quan điều tra ngày 17.6 đã có công văn về vụ việc huỷ hoại, làm thay đổi yếu tố gốc di tích Lò gốm Hưng Lợi gửi Viện kiểm soát nhân dân Quận 8 nhằm trao đổi hướng xử lý và đang chờ phản hồi. Theo vị này, phần đất mà người dân lấy lý do thuộc sở hữu của mình nên thuê máy san ủi "đã được Quận 8 đã xác định đó là phần đất của khu dich tích".
Hình ảnh lò gốm khi được khai quật năm 1998. Ảnh Tư liệu
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi không nằm trong phạm vi khu vực trung tâm nhưng nằm trong khung niên đại hình thành đô thị Sài Gòn, tiêu biểu cho di tích khảo cổ – làng nghề thủ công. Cuộc khai quật năm 1997 – 1998 đã tìm thấy tại đây phế tích 03 lò gốm kiểu lò ống (lò Tàu) là loại lò thông từ bầu lửa đến ống khói, dốc và hẹp, nền lò được gia cố nhiều lần, thành lò đắp dày bằng phế phẩm. Độ dốc của nền cao dần từ Bắc lên Nam, bề ngang của nền ở phía Nam hẹp hơn phía Bắc đôi chút (khoảng 5-7cm), dấu tích này đã cho biết vị trí bầu lửa của cả ba lò ở phía Bắc (là phía kênh Ruột Ngựa) và cửa thoát khói (ống khói) ở phía Nam. Cửa lò đều tìm thấy ở phía Đông, là phía phân bố chính của khu lò. Như vậy cửa ra - vào sản phẩm ở cùng một phía, và có thể ở cả cửa hậu.
Ngoài cấu trúc chính là lò nung, các lò ống còn có các đoạn tường bao gia cố vách lò, đặc biệt gia cố đoạn vách gần vách hậu, nơi chịu nhiệt độ cao nhất. Tường bao thường bằng gạch xây vách lò, hoặc gạch bịt cửa hậu bị hư hỏng. Các viên gạch xếp chồng lên nhau, hơi nghiên ôm lấy chân vách lò. Có thể kè thêm một số lu hay khạp bị hỏng, hoặc xếp lu, khạp lên trên tường gạch, hoặc xây gạch lên trên hàng lu, khạp... Tường bao có thể có nhiều lớp, tuỳ độ lan rộng của phế phẩm lò mà người ta xây tường bao chặn lại để tạo độ vững chắc cho lò...
Từ trái qua (1) Mái che di tích tháng 1.2009 (2) Mái che di tích tháng 11.2011 (3) Cổng vào di tích 11.2011. Ảnh tư liệu đề tài do TS Nguyễn Thị Hậu cung cấp
Năm 1998 di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia. Các cơ quan hữu quan của thành phố đã bắt tay ngay vào việc khoanh vùng bảo vệ, đặc biệt đã xây tường ngăn để chống xâm hại, lấn chiếm di tích. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, bảo tồn ngày càng lỏng lẻo dẫn đến việc di tích bị xuống cấp nghiêm trọng và bị người dân lấn chiếm, nhiều ngôi mộ xây trái phép vào khu di tích, nhiều dấu tích của các khu lò nung gốm cổ đã bị người dân phá dỡ... Và đỉnh điểm của việc di tích không ai cai quản chính là vụ người dân tự ý cho xe vào "giải toả trắng" như vừa nêu trên.
Ngô Gia