Khu vực xây dựng khách sạn Oriental Luxury hotel đang là chỗ kinh doanh của siêu thị Intimex, thuộc công ty CP Intimex Việt Nam do bà Nguyễn Thị Nga làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời là Chủ tịch của Tập đoàn BRG.Ảnh: T.H.A
Sáng nay, ngày 30.6, tại cuộc họp báo trước Kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố Hà Nội khoá XV, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đã trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh việc quản lý biệt thự nói chung cũng như thông tin về hai ngôi biệt thự ở số 30-32 Lê Thái Tổ mà dư luận đang e ngại có thể bị phá bỏ để xây dựng khách sạn 6 sao tại đây.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: TL |
Ông Nam cho biết, Hà Nội lần đầu tiên làm Đề án quản lý biệt thự trình chính phủ vào năm 2008. Sau đó, thực hiện Luật Thủ đô, năm 2013 Thành phố tiếp tục có Nghị quyết về quản lý biệt thự trước năm 1954. Tuy nhiên, qua quá trình quản lý, từ năm 2008 đến nay đã có những bất cập.
Cụ thể, ngay từ khi xây dựng đề án, công tác rà soát, phân loại, đưa danh sách biệt thự vào đề án đã không chính xác như nhà nhầm địa chỉ, nhà ở góc đường thì ghi thành 2 biệt thự, hoặc trong khuôn viên có 3-4 biệt thự nhưng chỉ ghi là 1…
Đặc biệt, theo Trưởng Ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam, trong quản lý đã có bất cập như: ngoài những biệt thự phải phá dỡ theo yêu cầu của Chính phủ vì công tác đối ngoại hay những biệt thự phải phá để mở đường vành đai 1, hoặc khu vườn chuối trước cửa nhà hát lớn phải phá để tạo cảnh quan không gian kiến trúc…, thì còn lại, có những biệt thự do các cấp các ngành quản lý không tốt nên đã để xảy ra việc phá và biến mất, xây dựng công trình khác…
Trước thực tế đó, đã có cuộc giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khoá trước, có yêu cầu chất vấn tại Kỳ họp và cuối cùng, UBND thành phố Hà Nội phải tiến hành thanh tra việc quản lý biệt thự theo Nghị quyết, phát hiện ra nhiều bất cập.
Lần này, Thành phố trình HĐND thông qua Nghị quyết điều chỉnh danh mục biệt thự, trong đó những biệt thự nào do sai sót, nhầm lẫn địa chỉ, thiếu hay không phải biệt thự mà chỉ là công trình kiến trúc khác như nhà phố, nhà xưởng… đưa vào biệt thự là không đúng theo tiêu chí.
Vị trí dự án trên nền dãy nhà 22-32 phố Lê Thái Tổ sát cận Hồ Gươm. Ảnh: Google Maps
Về công trình 30-32 Lê Thái Tổ mà Người Đô Thị đã phản ánh, ông Nam cho biết, trước đây hai công trình này đã được đưa vào đề án quản lý biệt thự, thuộc loại biệt thự nhóm 2, nhưng tổ công tác liên ngành cùng Cục nhà ở của Bộ Xây dựng, với sự giám sát của Trưởng Ban Pháp chế và Trưởng Ban Đô thị HĐND Thành phố Hà Nội, khi giám sát toàn bộ danh mục điều chỉnh đã thấy rằng, hai công trình này không thuộc nhóm biệt thự mà chỉ là công trình kiến trúc khác có giá trị cần được bảo tồn.
Trả lời câu hỏi vậy có nghĩa là biệt thự này sẽ không bị phá dỡ?, ông Nam nói: “Việc có phá dỡ các công trình biệt thự hay các công trình kiến trúc khác hay không sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 17/2013 và căn cứ vào trường hợp cụ thể của từng biệt thự và từng công trình kiến trúc khác hoặc căn cứ vào đề án cụ thể có phù hợp với cảnh quan kiến trúc hay không. Đây là trách nhiệm của UBND Thành phố. Nghị quyết của HĐND là giám sát thực hiện việc đó.”
Mặt đứng thiết kế đề xuất xây dựng khách sạn Oriental Luxury hotel khai triển từ Lê Thái Tổ đến cuối phố Hàng Trống.Ảnh: T.L
Trả lời quan điểm của HĐND Thành phố Hà Nội về việc xây dựng khách sạn 6 sao Oriental Luxury hotel trên nền dãy nhà 22-32 (10 số nhà) phố Lê Thái Tổ sát cận Hồ Gươm thành một khối tường kín đặc, trải dài gần 90m và cao trên 30m, làm dấy nên nhiều ý kiến không đồng tình từ các nhà chuyên môn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội cho biết, việc xây dựng khách sạn này liên quan đến thiết kế cảnh quan kiến trúc khu vực hồ Gươm, là một loại kiến trúc đặc biệt phải được Thủ tướng phê duyệt.
“Việc xây dựng khách sạn, về mặt chủ trương thì Thành phố cho, còn về thiết kế và xây dựng thì phải đảm bảo cảnh quan thiết kế đô thị, sẽ còn phải báo cáo. Khi nào được phép làm và làm như thế nào thì trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ xem xét.” – ông Nam nhấn mạnh.
Hải Khanh
>> Dự án rào Hồ Gươm: “Cần có quy hoạch kiến trúc tổng thể khu vực Hồ Gươm”
» Chuyên gia phản pháo về dự án tổ hợp khách sạn ven hồ Gươm
» Hà Nội đồng ý xây khách sạn 3 tầng gần hồ Gươm
» Hà Nội - “bệnh đầu to” và tiềm năng vàng bỏ lỡ
» ‘Luật Quy hoạch chậm trễ có phần do lợi ích nhóm, duy ý chí’
» Cuộc không chiến cao ốc lợi - hại gì cho đô thị?
» Luật Quy hoạch, bộ nói ngược và “trọng tài” Thủ tướng
» Thủ tướng phê bình Hà Nội cho xây quá nhiều nhà cao tầng nội đô
» “Có tình trạng nhà đầu tư điều chỉnh cả quy hoạch”