Nihon Hidankyo được thành lập bởi những người sống sót sau vụ thả bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Hội đồng Nobel ca ngợi tổ chức này, thông qua lời kể của nhiều nhân chứng, đã nỗ lực thuyết phục vũ khí hạt nhân không nên được sử dụng lần nữa.
“Một ngày nào đó những người sống sót sau vụ thả bom nguyên tử sẽ không còn là nhân chứng lịch sử nữa. Nhưng với sự tưởng nhớ và cam kết liên tục, thế hệ mới ở Nhật đang kế thừa trải nghiệm lẫn thông điệp của nhân chứng”, theo Hội đồng Nobel.
Giám đốc Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) Dan Smith rất vui mừng khi Nihon Hidankyo nhận giải thưởng danh giá: “Như hai nhà lãnh đạo Mỹ - Xô (Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev) từng nói năm 1985, chiến tranh hạt nhân không bao giờ có thể giành chiến thắng và không bao giờ được phép tiến hành. Nihon Hidankyo nhắc nhở chúng ta về điều đó mỗi ngày”.
Chủ tịch Hội đồng Nobel Na Uy Jørgen Watne Frydnes xem giải Nobel Hòa bình 2024 như lời nhắc nhở quan trọng, trong bối cảnh nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng ngày càng lớn.
Từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, căng thẳng Nga - phương Tây không ngừng leo thang với hàng loạt động thái quân sự như triển khai hệ thống tên lửa vốn bị cấm, tăng cường quân đến mặt trận nhạy cảm. Moscow từng đe dọa họ không ngần ngại sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phương Tây hành động quá đáng.
Không chỉ châu Âu, rủi ro hạt nhân còn hiện diện ở Triều Tiên và Iran.
Biểu tượng được dùng để minh họa cho giải Nobel Hòa bình năm 2024 dành cho Nihon Hidankyo. Ảnh: The Nobel Prize
Nobel Hòa bình là giải Nobel thứ 5 được công bố trong tuần qua, sau Nobel Y sinh, Nobel Vật lý, Nobel Hóa học, Nobel Văn học.
Ngày 14.10, giải Nobel Kinh tế sẽ được công bố.
Cẩm Bình