Giáo sư người Việt có chỉ số nghiên cứu vào nhóm hiếm có của thế giới

 15:58 | Thứ năm, 17/12/2020  0
GS. Đỗ Ngọc Minh, Phó hiệu trưởng trường Đại học VinUni, vừa được công nhận là một trong năm nhà khoa học người Việt có nhiều trích dẫn nghiên cứu khoa học nhất thế giới và nằm trong top 2% nhà nghiên cứu có ảnh hưởng nhất thế giới (theo công bố được đăng trên Tạp chí PLOS Biology, Hoa Kỳ năm 2020). Trở về từ Đại học Illinois (Mỹ), mong muốn của vị GS sở hữu nhiều giải thưởng quốc tế danh giá là xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học công nghệ đỉnh cao ngay tại Việt Nam, với nền tảng từ trường đại học tinh hoa VinUni.

Bất ngờ về nhà khoa học kiệt xuất

Khi được biết, một giáo sư gốc Việt có chỉ số H (H-index, thước đo thành quả khoa học) lên tới 60 về Việt Nam làm công tác quản lý và giảng dạy tại trường Đại học VinUni, tôi lập tức hình dung ra hình ảnh một vị giáo sư già tóc bạc với đôi kính lão, dáng đi chậm rãi. Bởi để đạt đến chỉ số H=60, nhà khoa học đó phải có chặng đường hoạt động nghiên cứu không ngừng nghỉ trong 40-50 năm, hoặc hơn.

GS. Đỗ Ngọc Minh là một trong số ít các nhà khoa học người Việt nằm trong top 2% nhà nghiên cứu có ảnh hưởng nhất thế giới.


Đây là chỉ số được nhà vật lý người Mỹ - Jorge Hirsch đưa ra để đánh giá năng suất làm việc, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế, và sự ghi nhận của đồng nghiệp trong ngành của một nhà khoa học. Theo hệ quy chiếu của Hirsch, một nhà khoa học với H = 20 sau 20 năm làm khoa học có thể xem là một nhà khoa học thành công; H = 40 sau 20 năm làm khoa học được xem là xuất sắc, thường thấy ở các đại học hàng đầu hay viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế; chỉ số H = 60 sau 20 năm làm nghiên cứu được xem là thật sự cá biệt, kiệt xuất.

Để dễ hình dung, chỉ số H trung bình của các nhà khoa học được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ là 45.

Nhưng khi gặp một nhà khoa học ở “level” H = 60, tôi hoàn toàn ngỡ ngàng. Với vóc dáng cao, nhanh nhẹn, mái tóc đen nhánh, GS. Đỗ Ngọc Minh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 47. Phó hiệu trưởng Đại học VinUni còn là một Ironman thực thụ. Ông thường xuyên tham dự các giải Ironman quốc tế (gồm: bơi lội, đạp xe và chạy bộ), và hàng tuần vẫn “nuốt trọn” cự ly chạy marathon (42,2 km).

“Hoạt động thể thao cũng như nghiên cứu khoa học, không chỉ giúp bản thân cân bằng, rèn luyện sức khoẻ mà còn thấy “máu” hơn để chinh phục những giới hạn cao hơn”, GS. Minh nói.

Đam mê chinh phục đưa cậu học trò chuyên Toán trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) đạt Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1991, đi du học, làm nghiên cứu và trở thành một trong những nhà khoa học có đóng góp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực khoa học máy tính. Bên cạnh 70 công trình khoa học, 63 bài tham luận tại các hội nghị quốc tế, GS. Đỗ Ngọc Minh còn sở hữu nhiều giải thưởng danh giá.

GS. Đỗ Ngọc Minh cùng các sinh viên khóa đầu tiên của Đại học VinUni.


Tuy nhiên, GS. Minh cho rằng, tầm ảnh hưởng của các giải thưởng không nằm trong tấm huy chương, mà nằm trong chính chất lượng công trình nghiên cứu và con đường đưa các kết quả sáng tạo ấy vào cuộc sống.

“Mục tiêu làm nghiên cứu để giới khoa học có thể kiểm chứng và sử dụng được. Việc này sẽ mất thêm một số thời gian nhưng nếu vượt qua được những kiểm chứng đó thì nghiên cứu có tính kế thừa, tạo thành chuỗi mà mình đóng vai trò là người khởi đầu”, ông nói.

Với tư tưởng này, ông đã có rất nhiều đóng góp trong các hoạt động chuyển giao công nghệ. Theo Google Scholar, các nghiên cứu của GS. Minh đã được trích dẫn trên 21.000 lần.

Về nước với khát vọng xây dựng môi trường nghiên cứu đỉnh cao

Nhận đầu tư 3.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, VinUni đang được biết đến là một trong những trường đại học hiện đại, đồng bộ hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, theo GS. Đỗ Ngọc Minh thì “sự khác biệt lớn nhất trong mỗi ngôi trường là ai đang ngồi trong đó”. Đầu tiên là đội ngũ giáo sư, giảng viên đã được thế giới công nhận; thu hút những sinh viên là nhân tài trẻ, tạo cho họ một môi trường tốt nhất để nghiên cứu, phát triển bản thân.

VinUni đang được biết đến là một trong những trường đại học hiện đại, đồng bộ hàng đầu khu vực với hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy.


Vì thế, GS. Minh quyết định tạm rời Đại học Illinois Urbana-Champaign (top 10 đại học công nghệ danh tiếng nhất tại Hoa Kỳ) về nước, tham gia một môi trường học thuật đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam: vừa học tập, vừa nghiên cứu, kích thích “máu” nghiên cứu trong các bạn trẻ. Bởi theo giáo sư, làm khoa học không thể làm một mình được, mà phải cần có môi trường để tương tác giữa sinh viên với những người có kinh nghiệm, các ngành khác nhau.

“Điểm mạnh của sinh viên Việt Nam là chăm chỉ, học lại của người khác rất nhanh. Tuy nhiên điểm yếu là khi đã bắt kịp rồi thì không biết tạo ra những đột phá để bứt lên. Thế nên, VinUni làm sao để các bạn sinh viên dám suy nghĩ, dám sáng tạo. Môi trường khuyến khích các bạn làm thử, có thể thất bại nhưng sau mỗi lần thất bại là một lần mình học để tiến bộ”, Phó hiệu trưởng Đại học VinUni kì vọng.

Nhìn lại bản thân từ chàng trai chuyên Toán Lam Sơn đến khi tên tuổi được cả thế giới công nhận, GS. Đỗ Ngọc Minh cho biết gần như tự bản thân phải lên lộ trình và vẽ ra con đường đi cho mình – thậm chí chưa cần biết đúng sai. Nhiều cơ hội đến với một cách rất tình cờ và may mắn, nhưng không phải du học sinh nào cũng được may mắn như thế.

“Ở môi trường nghiên cứu lý tưởng như VinUni, đội ngũ chuyên gia, giáo sư hàng đầu của trường có thể giúp các bạn đi đúng con đường ngắn nhất để tiếp cận với kiến thức đỉnh cao của thế giới, thay vì phải “tự bơi” như thế hệ của mình trước đây”, ông Minh cho hay.

Hiện, Đại học VinUni đã khai giảng khoá đầu tiên với 260 sinh viên được tuyển chọn chắt lọc. Phó hiệu trưởng Đại học VinUni cho rằng năm đầu tiên chính là dấu ấn về một trường đại học. Và sự khác biệt ở một trường đại học đẳng cấp so với đại học bình thường, đó là trường đẳng cấp không chỉ đào tạo, mà còn tạo ra kiến thức mới từ những nghiên cứu khoa học của các giáo sư, thậm chí của chính sinh viên.

“Nghiên cứu khoa học được ưu tiên chú trọng tại VinUni, và sẽ tập trung nghiên cứu những ngành còn mới mẻ trên thế giới, như vậy Việt Nam có thể xuất phát cùng họ. Chúng tôi cũng không nghiên cứu chỉ để ra bài báo, mà đinh hướng nghiên cứu mang lại tác động và giá trị thực tiễn cho xã hội”, GS. Minh chia sẻ.

Bài và ảnh: Hoàng Đức

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.