Greenie Scoop, thế giới riêng của dân nghiện kem

 16:03 | Thứ hai, 02/04/2018  0
Từ một loại kem đặc biệt làm từ trái cây tươi dùng trong nội bộ gia đình, Greenie Scoop bước ra thị trường và đang tạo nên niềm hứng thú cho dân ghiền kem ở Sài Gòn. Ít người biết rằng, đằng sau cuộc “đổ bộ” của dòng kem với 20 vị đặc biệt ấy, là câu chuyện về niềm đam mê đầy lãng mạn của một doanh nhân tên tuổi trong ngành gốm sứ...

Trái ngược với cái nắng đổ lửa ngoài đường, bên trong cửa hàng Greenie Scoop (52 Ngô Đức Kế, quận 1) mát rượi và thơm phức mùi kem tươi. Đông đảo khách hàng đang tận hưởng những viên kem đa vị làm từ nhiều loại trái cây: xoài, chanh dây, mít, sầu riêng...

Mới mở cửa ít lâu, nơi đây đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những người thích kem, họ đến vì hương vị thơm mát, ngọt thanh đặc biệt của những dòng kem tươi được làm từ các loại trái cây nhiệt đới, rất khác lạ so với những loại kem đang bán trên thị trường...

Đi hơn 40 nước để có một công thức kem

Lặng lẽ quan sát, trong mắt doanh nhân Lý Huy Sáng phảng phất niềm vui bởi ngày càng nhiều người biết đến dòng kem độc đáo mà anh mất nhiều năm trăn trở làm nên. Hình ảnh rôm rả chuyện trò của những nhóm bạn trẻ khiến những “ký ức kem” sống dậy trong anh. Rằng cũng ở độ tuổi này ngày xưa, quán kem bao giờ cũng là điểm hẹn ưa thích của anh và bạn bè những dịp tụ tập.

Doanh nhân Lý Huy Sáng.

Người sáng lập Greenie Scoop, đồng thời hiện đang là Phó Tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long I, thú nhận anh là người mê kem. Đến nỗi, từ cái thời xửa xưa mỗi lần anh cùng những người em ngồi ngóng ba với món quà ưa thích mang về từ Sài Gòn sau chuyến công tác là những cây kem, dù đã tan chảy sau quãng đường xa, nhưng vẫn đầy háo hức. Chia nhau những muỗng “nước kem” mát ngọt, là ký ức vời vợi tuổi thơ khó phai mờ...

Rồi khi rời gia đình du học xứ người, thế giới mở ra muôn điều cần khám phá, nhưng anh tìm tới tiệm kem đầu tiên. Một tiệm, hai tiệm rồi ba tiệm... Cứ thế, vị ngọt của kem thôi thúc anh xách ba lô lên và đi. Rồi một ngày, bước vào một tiệm kem Ý, cả trăm loại kem đủ màu đủ vị lần đầu tiên trong đời được thấy, gợi lên trong đầu cậu du học sinh Việt Nam câu hỏi: Họ đã làm kem như thế nào?

“Tôi sục sạo tài liệu, tìm hiểu công thức làm kem và thấy cũng không quá phức tạp”, ông chủ hiệu kem Greenie Scoop nhớ lại. Những phức cảm từ nhiều vị kem đã ăn, cảm hứng từ dòng kem Gelato của Ý thôi thúc anh bắt tay vào công việc làm kem. Mẻ đầu tiên từ chiếc máy làm kem gia đình, “trông giống sinh tố hơn là kem nhưng ít ra cũng là kết quả công sức mình mày mò nghiên cứu, là động lực để mình tiếp tục”, anh Sáng chia sẻ về ý nghĩa của thất bại đầu tiên để có thương hiệu Greenie Scoop hiện nay.

Trở về Việt Nam, kế nghiệp gốm sứ của gia đình, bận trăm công nghìn việc nhưng Sáng vẫn cố sắp xếp để thực hiện sở thích tự tay làm kem cho gia đình cùng thưởng thức, bởi: “Tôi ghé nhiều tiệm mà không tìm được hương vị kem mình thích như ngày xưa”. Tay nghề nay đã lên rất nhiều, cộng với loại máy làm kem gia đình mới tậu, những mẻ kem ngon ra lò. Ai ăn cũng hài lòng. Nhưng nhà đông người, công suất máy không đủ, anh nghĩ cách trữ kem trong tủ lạnh, lúc nhiều mới đem ra đãi mọi người. Khổ nỗi để qua ngày kem đông đá, ăn mất ngon. Sáng đau đầu với bài toán dự trữ kem.

 Khu nhà xưởng Greenie Scoop với hệ thống thiết bị máy móc làm kem hiện đại, giá hàng trăm ngàn USD. Ảnh: G.S

Nghĩ là do thiết bị, anh mua ngay chiếc máy làm kem chuyên nghiệp trong dịp tham dự triển lãm Food & Hotel tại Singapore. Dù giá máy lên đến 15 ngàn USD nhưng bù lại chất lượng kem tốt hơn thấy rõ, sản lượng cũng nhiều hơn. Nhưng chuyện dự trữ kem vẫn chưa giải quyết được. Là người “đã làm gì phải làm đến cùng”, anh thức đêm thức hôm tìm câu trả lời. Nhiều cuộc điện thoại, email đã đưa ra lời giải nhưng anh chưa hài lòng, bởi theo họ muốn trữ lâu chỉ có cách làm kem kiểu công nghiệp, tức phải có hương liệu và “bột nền”.

Ngay cả người bán thiết bị cho anh trong cuộc tư vấn đầu tiên, cũng khuyên thay vì dùng hương liệu có thể thay bằng trái cây xay nhưng vẫn phải dùng “bột nền”. Sáng không đồng ý bởi anh chỉ muốn làm kem trái cây tươi. Đến lần chất vấn thứ hai sau đó không lâu, người bán thiết bị cung cấp cho Sáng một thông tin giá trị, là trên thế giới có vài người đã làm thành công.

Nhờ chỉ dẫn đó, anh kết nối được chuyên gia, hiểu được gốc rễ của vấn đề chính là công thức làm kem. “Mọi chuyện không hề đơn giản như tôi nghĩ ban đầu. Mỗi loại trái cây khi đưa vào đều phải bóc tách, tìm hiểu kỹ những phản ứng hóa sinh. Mỗi loại kem sẽ có công thức riêng. Vì vậy phải kiên trì”, anh Sáng chia sẻ.

Kem đang bán tại các hệ thống Greenie Scoop. Ảnh: G.S

Giải được bài toán dự trữ kem, Sáng mạnh dạn thử nghiệm trên nhiều loại trái cây sẵn có ở Việt Nam. Thậm chí anh còn nhập khẩu thêm nhiều loại hạt, nguyên liệu từ nước ngoài để vốn liếng đến nay là 20 vị kem đặc trưng. Anh nói vui: “Đó là thành quả thu được từ những chuyến đi tới hơn 40 nước”. Lượng kem làm ra lúc này không những đáp ứng đủ cho đại gia đình mà cho cả bạn bè thân quen. Ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Nhiều người còn khuyên anh đưa kem ra thị trường với thương hiệu của riêng mình...

Chuẩn mực riêng về kem

Greenie Scoop khai trương cửa hiệu đầu tiên tại Minh Sáng Plaza (Bình Dương), chủ yếu phục vụ khách hàng ghé showroom. Loại kem tươi trái cây này thực sự tạo nên hiệu ứng khi đặt chân đến Sài Gòn tham gia các hội chợ ẩm thực, đặc biệt là sự ra đời của các cửa hiệu trên đường Ngô Đức Kế và tại Vincom Mega Mall Thảo Điền (quận 2). 

“Lần đầu tiên ghé ăn, sững sờ vì vị kem làm tốt quá, không ngọt gắt, không công nghiệp một chút nào như các vị kem đắt đỏ khác. Từng mùi trái cây thơm nức mũi, mùi nào ra mùi đó... Nói chung là rất đáng tiền, ngon. Ăn hai lần mà thành fan ruột luôn” - bình luận của một thành viên trên Foody (trang mạng chuyên giới thiệu về các địa điểm ăn uống) như nói thay cảm nhận của nhiều người về Greenie Scoop. 

Ông chủ thế hệ 7X này quả quyết, muốn xây dựng niềm tin bền vững từ khách hàng, sản phẩm kem phải đáp ứng những chuẩn mực riêng. Đó là những loại máy móc thiết bị, từ sản xuất đến bảo quản phải tốt nhất. Nguồn nguyên liệu phải chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Nguyên tắc đó thể hiện ở sự tinh tế của ông chủ Greenie Scoop trong thiết kế, khi vị trí sản xuất kem được lắp kính trong suốt, khách hàng thoải mái quan sát quy trình làm kem.

Ngoài yêu cầu nhân viên tuyệt đối tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm như rửa tay, ba lần thay tạp dề, nhúng giày khử khuẩn..., anh còn xác lập nguyên tắc mỗi nhân viên phải là người đầu tiên thử mẻ kem vừa làm ra: “Họ là những người hiểu rõ chất lượng của kem. Nếu làm không sạch họ sẽ phải là những người thử nó trước tiên”. Greenie Scoop hiện đã đạt các chứng chỉ HCCAP và ISO.

Thực đơn Greenie Scoop có 20 vị kem nhưng không phải lúc nào cũng có đầy đủ. Lý giải điều này, anh Sáng cho biết kem phụ thuộc vào mùa trái cây. Nếu hết mùa hoặc không tìm được loại trái cây đủ chất lượng, vị kem đó sẽ để trống ngày hôm đó: “Chúng tôi chỉ chọn những loại trái cây bản địa bởi phẩm chất ngon và mùi hương tốt hơn các giống lai. Muốn vậy phải làm việc với từng hộ gia đình hoặc chủ trang trại. Có những hộ gia đình, chúng tôi sẵn sàng trả tiền cao hơn giá của thương lái với điều kiện đảm bảo quy trình sản xuất sạch”.

Nhiều loại trái do đặc thù theo mùa, có người gợi ý Sáng nên mua số lượng nhiều, trữ kho lạnh để dùng dần. Anh một mực từ chối, bởi “Greenie chỉ bán kem trái cây tươi. Ngay từ khi bắt tay vào làm kem tôi kiên quyết không dùng trái cây trữ kho lạnh, trái cây bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là từ chối dùng bột nền bởi không biết những chất gì trong đó”.

Có thể khám phá thêm về Greenie Scoop tại trang web: http://greeniescoop.com/vn

Để cho ra những viên kem tươi mát, phía sau là cả một công đoạn cầu kỳ. Anh Sáng cho biết: “Đa số các vị kem Greenie Scoop đều phải trải qua không dưới 40 lần làm thử, cá biệt có loại mất cả trăm lần mới hoàn thiện công thức”. Hỏi về cách giải bài toán kinh doanh khá hóc búa là chi phí đầu tư khá cao một viên kem bán ra chỉ dao động 20.000 - 70.000 đồng, anh Sáng thừa nhận “vẫn phải bù lỗ” nhưng đã hình dung được mô hình kinh doanh hiệu quả hơn trong tương lai. Điều quan trọng hơn, với anh, là “mình làm vì đam mê chứ không phải nhu cầu tài chính”.

Ông chủ Greenie Scoop bộc bạch: “Tôi muốn tạo ra một không gian cho những người mê kem. Ai nấy bước vào cũng yên tâm về chất lượng và thú vị với loại kem mới lạ. Họ bước vào mà không còn phải lăn tăn về vấn đề an toàn thực phẩm. Bởi chỉ khi cởi bỏ những lăn tăn ấy thì mới hoàn toàn thư thái, trọn vẹn cảm xúc hạnh phúc với món ăn mình ưa thích”. 

Trọng Văn

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.