Từ bài "Chùa, du lịch tâm linh dưới góc nhìn kinh doanh":

Hàng loạt chùa to tượng lớn liên tiếp ra đời

 10:54 | Chủ nhật, 18/08/2019  0
LTS. “Chùa do ai sở hữu?”, “Có hay không những dự án chùa BOT?”... là các câu hỏi mà Đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 7 (khóa XIV) vừa qua. Tuy nhiên, dường như chưa có câu trả lời thỏa đáng.  Thực tế, thời gian qua đã xuất hiện các chùa to tượng lớn được doanh nghiệp xây dựng khá rầm rộ, được coi như một sản phẩm “du lịch tâm linh”. Những dự án ấy đang hoạt động như thế nào, mang lại hiệu quả kinh tế ra sao? Người Đô Thị ghi nhận những gì đang diễn ra tại Ninh Bình cũng như ý kiến của người trong cuộc cũng như một số cán bộ, chuyên gia hữu quan...

Chỉ riêng tiền xe điện chuyên chở du khách tham quan chùa Bái Đính, mỗi năm Doanh nghiệp Xuân Trường thu hơn 163 tỉ đồng.

Không chỉ chùa Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) rộng hơn 700ha, chùa Tam Chúc rộng 144 ha trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam), và hàng trăm héc ta cho chùa chiền trong Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) của Doanh nghiệp Xuân Trường, rất nhiều chùa “khủng” liên tiếp được các sư xây dựng trong mấy năm gần đây, đặc biệt là ở miền Bắc.

Có thể kể đến Khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), ngoài các chùa chiền, tượng Phật Hoàng lớn nhất Việt Nam thì tại đây vừa khánh thành giai đoạn 1 của Cung Trúc Lâm rộng 6.000m2; giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm điện thờ Phật Hoàng với quy mô lớn.

Chùa Ba Vàng trước đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ bé giữa núi rừng Quảng Ninh, nhưng đến năm 2014, nó trở thành “Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương” với hàng chục ngàn mét vuông.

Tại Hà Nội, nhiều ngôi chùa lớn với nhiều kỷ lục cũng được xây dựng gần đây như chùa Non Nước (huyện Sóc Sơn), chùa Khai Nguyên (thị xã Sơn Tây) với tượng Phật A Di Đà cao 72m - lớn nhất Đông Nam Á...

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh:

Phải xác định du lịch tâm linh là gì?

Về những dự án du lịch tâm linh ở chùa Bái Đính, Tam Chúc, đối với ngành du lịch, có thêm cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch thì rất tốt.

Tuy nhiên, khi phát triển du lịch tâm linh phải xác định khái niệm tâm linh là gì, khác với mê tín như thế nào, du lịch tâm linh khác các loại hình du lịch khác ra sao?...

Du lịch tâm linh là vấn đề rất phức tạp nên Tổng cục Du lịch xác định nhiệm vụ chủ yếu là phải có giải pháp quản lý được loại hình này đúng quy định pháp luật, tránh bị biến tướng.

Thượng tọa Thích Tâm Thuần - Phó Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm - Trụ trì Thiền viện Sùng Phúc (Hà Nội):

Du khách đến chùa có tâm khác du lịch bình thường

Việc doanh nghiệp làm du lịch, bán vé thu tiền vào chùa cũng khó phê phán bởi doanh nghiệp đã bỏ rất nhiều tiền ra đầu tư xây dựng, và các công trình này cũng cần tiền để vận hành, bảo trì.

Dù doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở chùa nhưng ít nhất họ cũng tạo ra công trình để đời, mọi người đến chùa có tâm khác hơn là đi du lịch các cảnh quan đẹp khác.

Tuy nhiên, chỉ một điều đáng tiếc là ở những ngôi chùa này chưa làm tốt việc chính của một ngôi chùa: hoằng pháp. Một ngôi chùa lớn như Bái Đính thì phải có 500-1.000 người tu học mới phong phú sự tu học ở đó.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn Luật sư Hà Nội):

Cần phân định rõ là đất dành cho tôn giáo hay dự án kinh doanh

Đất tôn giáo, theo Luật Đất đai 2013, được UBND tỉnh cấp cho các cơ sở tôn giáo theo quy hoạch của địa phương và không thu tiền sử dụng đất, được sử dụng lâu dài, tức thuộc loại ưu tiên số một. Nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như lãnh đạo các địa phương đều khẳng định các chùa Bái Đính, Tam Chúc là của Giáo hội dù Doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng, thì rất có thể những dự án này không phải nộp thuế sử dụng đất.

Người dân không rõ đây là chùa để thực hành tín ngưỡng hay là cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp? Liệu có phải ở những ngôi chùa như Bái Đính, Tam Chúc... người ta đang cố tình mê hoặc dân chúng bằng đủ các loại kỷ lục chùa to tượng lớn, lợi dụng tâm linh để lôi kéo dân chúng đến khu kinh doanh để kiếm lời. Nếu doanh nghiệp công bố đây là dự án kinh tế của doanh nghiệp như bản chất nó là, thì chắc chắn số người đến với các ngôi chùa đó sẽ giảm hẳn.

Sự lập lờ giữa một công trình tôn giáo với một dự án du lịch cũng dẫn đến những tiêu cực, tham nhũng về thuế, đất đai, nguồn vốn... Bởi lẽ, một dự án kinh tế làm du lịch thì các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn... là rất khác với một công trình văn hóa tôn giáo.

ThS. Trịnh Lê Anh - Giảng viên Khoa Du lịch, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội:

Thành công của nhà đầu tư khôn ngoan

Trên thế giới, du lịch tâm linh đang là cơ hội cho ngành du lịch vì nó thu hút được một lực lượng đông đảo người dân có tín tâm. Chùa Bái Đính, Tam Chúc đang tạo ra một dòng lưu chuyển khách du lịch, tạo ra một điểm đến văn hóa của người dân thì đó đã là một sự thành công, nhà đầu tư đã khôn ngoan đầu tư đúng cách.

Trước đây chùa do dân làng xây dựng hoặc do mạnh thường quân, ông hoàng bà chúa xây dựng, nhưng chùa ngày nay xây dựng kiểu khác, thế kỷ XXI rồi, có những nhà đầu tư người ta xây chùa như một dự án kinh doanh là bình thường. Bao nhiêu ngôi chùa trên thế giới thu tiền, bao ngôi chùa miễn phí? Một năm vào mùa du lịch có biết bao người Việt Nam sang Thái Lan để đến ngôi chùa xá lợi ở Bangkok. Nhưng đó cũng là một chùa tư, bán mua khai thác du lịch, nhưng du khách vẫn vui vẻ, hoan hỉ. Hiện nay văn hóa là một lĩnh vực đầu tư, mà đầu tư thì phải có lời.

Tuy nhiên, song hành với những thứ lợi ích là những thứ trả giá như dân ngập ngụa trong mê tín hay những lãng phí về tài nguyên đất đai.

Hoàng Hương thực hiện

Ảnh: Nam Trần

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.