Chiều ngày 25.3, tại đình Nam Hương, 75 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Hổ dạo Phố” (Tiger Walking in Town) của nhóm nghệ sĩ trẻ, với sự giám tuyển của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn.
Tiếp nối đối thoại giữa truyền thống và đương đại
Triển lãm “Hổ dạo Phố” là sự kế thừa và nối dài của dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” đã diễn ra trong năm 2020 – 2021 của nhóm sinh viên chuyên ngành Lụa và Sơn mài, khoa Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Lần này, “Hổ dạo Phố” đã mở rộng biên độ sáng tạo và tương tác của nghệ sĩ với không gian trưng bày – đình Nam Hương. Triển lãm được chuẩn bị trong vòng một tháng, với sự tham gia của 21 nghệ sĩ trẻ là sinh viên ba khóa cùng 31 tác phẩm, được tổ chức đứng vào dịp phố đi bộ Hồ Gươm được chính thức mở lại.
Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn phát biểu tại khai mạc triển lãm.
Bình yên giữa phố thị, đình Nam Hương vốn là một di tích lịch sử – văn hóa đẹp nằm bên bờ Hồ Gươm, được xây dựng cuối thời Lê nhằm mục đích thờ năm vị thượng đẳng thần của Thăng Long xưa là thần Long Đỗ (Bạch Mã), thần Cao Sơn Đại vương, thần Linh Lang Đại vương, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) và công chúa Hà Duy. Đình còn lưu giữ và bảo quản đầy đủ một số cổ vật và đồ thờ tự quý giá như kiệu, long ngai, bài vị, hoành phi, câu đối, cửa võng, bảng văn, phỗng thờ.
Bên ngoài đình Nam Hương nơi diễn ra triển lãm. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn
Nghệ thuật đương đại coi nơi chốn là một khái niệm trung tâm. Truyền thống là một phần quan trọng của nơi chốn, bởi nó đánh thức ý thức về nơi chốn và cảm giác thuộc về. Có hai khuynh hướng tương tác với truyền thống, khuynh hướng thứ nhất là cứu vớt, bảo tồn và giữ nguyên hiện trạng (status quo), khuynh hướng thứ hai là kết hợp, biến đổi hay chuyển dạng truyền thống. Rất nhiều nghệ sĩ đương đại ngày nay vẫn còn giữ được ý thức thuộc về một truyền thống mạnh mẽ – và tiếp tục tương tác với nó, nhưng trong sự tích hợp với những yếu tố hiện đại. Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sĩ như vậy.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn phát biểu tại khai mạc.
Sức sống mới đến từ những nghệ sĩ trẻ
Do đó, với “Hổ dạo Phố,” Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ trẻ muốn người xem không chỉ có một mối liên hệ sâu sắc hơn với địa điểm trưng bày, mà còn trở nên nhận thức hơn những liên kết lịch sử và văn hóa được nơi chốn và những di san vật thể mang theo cùng. Và bản thân các nghệ sĩ trẻ, cũng được trải nghiệm một quá trình điền dã thực địa, một mặt được thấm nhuần trầm tích văn hóa địa phương, mặt khác, thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, thổi một luồng sinh khí mới cho truyền thống, biến di tích văn hóa trở thành một điểm đến hấp dẫn với đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Một góc triển lãm 'Hổ dạo Phố'.
Ngoài việc đưa ngôn ngữ mới, chất liệu mới, đặc biệt hơn, các nghệ sĩ trẻ đã cho thấy một cách nghĩ mới về đề tài truyền thống. Nhân dịp năm nay là năm Hổ (Nhâm Dần 2022), chủ đề chính của triển lãm, như tên gọi, xoay quanh hình tượng Hổ, một hình tượng thống ngự trong tâm thức dân gian và kho tàng văn chương Việt.
Đặc biệt hơn nữa, khi đình Nam Hương là một địa danh trên con phố Hàng Trống, gắn liền với dòng tranh Hàng Trống nổi tiếng với tranh Hổ. Với một “đề bài” cho trước, các nghệ sĩ trẻ đã sáng tạo và thể nghiệm, phong phú từ chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa cho tới những chất liệu mới như nghệ thuật số (digital art), đồ họa v.v…
Một số tác phẩm trong triển lãm 'Hổ dạo Phố'.
Một điều nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, với tư cách một nhà sư phạm, muốn gửi gắm hơn nữa, đó là tạo cho các học viên một sân chơi mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ trường quy hay cung cách “cầm tay chỉ việc” sáo mòn. Tham gia vào dự án nghệ thuật, các nghệ sĩ trẻ được đào luyện để có thể trở nên đa nhiệm, ngoài sáng tác và tư duy tự nghiên cứu, còn hiểu biết thêm về quy trình nghệ thuật như trình bày sắp đặt, tổ chức triển lãm, kỹ năng viết tuyên ngôn tác phẩm và thông cáo báo chí, trả lời truyền thông… Từ đó, các nghệ sĩ trẻ được cung cấp cho một nền tảng vững vàng và trưởng thành khi bước vào thế giới nghệ thuật.
“Hổ dạo Phố”
Về triển lãm “Hổ dạo Phố,” giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho hay: “Những sáng tạo của các hoạ sĩ trẻ với những năng lượng và cách nhìn của thế hệ trẻ về một hình tượng mang tính biểu tượng về sức mạnh và lòng dũng cảm trong văn hoá truyền thống Việt Nam, hy vọng sẽ mang lại những cảm xúc mới mẻ cho người xem ngay chính tại một không gian văn hoá mang tính lịch sử và nghệ thuật quý báu này.”
Tại buổi khai mạc triển lãm, cũng có sự hiện diện của, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của phường Hàng Trống nói riêng, và của quận Hoàn Kiếm nói chung, trong việc tạo điều kiện kiến tạo và xây dựng những không gian văn hóa – không gian sáng tạo mới, nâng cao vị thế Hà Nội với tư cách là một thành phố sáng tạo, trở thành là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, thu hút cộng đồng sáng tạo cũng như công chúng trong nước lẫn quốc tế.
Một số tác phẩm trong triển lãm 'Hổ dạo Phố'.
Đại diện cho nhóm nghệ sĩ trẻ, Nguyễn Cẩm Nhung chia sẻ thông qua triển lãm, muốn gửi tới người xem phong cách mới, tinh thần mới trong sáng tạo nghệ thuật của những người trẻ, đồng thời cũng nói về ảnh hưởng rất lớn của tranh Hàng Trống đến sáng tác. Qua đó, chúng ta cũng thấy được một thế hệ nghệ sĩ “Gen Z” không những đầy năng lượng, nhiệt huyết trong việc cách tân sáng tạo, mà còn có sự gắn kết với truyền thống, ký ức và lịch sử.
Đối thoại với nơi chốn, khám phá lại truyền thống, các nghệ sĩ trẻ qua triển lãm “Hổ dạo Phố” cũng thể hiện một cuộc dạo chơi nghệ thuật không hề bất cẩn, trái lại phá cách nhưng vẫn mang đến một cảm nghiệm “ôn cố tri tân.”
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng nhóm nghệ sĩ trẻ.
Triển lãm “Hổ dạo Phố” (Tiger Walking in Town) được tổ chức tại đình Nam Hương, 75 Hàng Trống, với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, gồm: An, Nguyễn Hà Anh, Lê Minh Châu, Hồ Tuấn Duy, Đàm Hồng Dương, Nguyễn Thị Hoài Giang, Phạm Ngọc Hà, Trương Hoàng Hải, Bùi Kim Hiền, Hà Xuân Hiếu, Lại Minh Huyên, Hoàng Việt Hương, Nguyễn Thị Hoàng Lan, Kim Thị Hải Linh, Đặng Mỹ Linh, Đặng Phương Linh, Nguyễn Cẩm Nhung, Hoàng Tiến Quyết, Nguyễn Minh Trang, Lê Thị Hải Yến, giám tuyển bởi nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn.
Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 25.6.2022.
Phạm Minh Quân