Trước thềm năm học mới mà nhiều khả năng hình thức học online sẽ tiếp tục được áp dụng tại nhiều địa phương, triển khai ở nhiều cấp học, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Quang Hùng – Phó Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục HOCMAI, xoay quanh nhiều vấn đề mà phụ huynh vẫn còn thắc mắc về hình thức học tập mới mẻ này.
Ông Đặng Quang Hùng nhận định: Phụ huynh học sinh cứ yên tâm rằng, học sinh học online có thể tạo nên những thành tích vượt trội nếu học đúng cách. Thực ra trong gần 15 năm phát triển e-learning, chúng tôi đã chứng kiến hàng ngàn học sinh đỗ thủ khoa, á khoa hoàn toàn tự học từ các khóa học online chứ không hề đến các lò ôn luyện, hay học thêm ở đâu cả.
Mới đây nhất là trường hợp em Vũ (sinh năm 1994), là một học sinh của HOCMAI, sau 9 năm xa rời giảng đường, Vũ vừa thi lại đại học, đăng ký nguyện vọng vào Đại học Y Hà Nội và đạt được 28,1 điểm khối B. Vũ chia sẻ trên tờ Zing rằng bạn đăng ký khóa học thêm online, kết hợp kiến thức, tài liệu cũ từ hồi đi học. Nói vậy để thấy việc học online nếu đúng cách sẽ đem đến kết quả vô cùng mỹ mãn.
Ông Đặng Quang Hùng – Phó Tổng Giám đốc Hệ thống giáo dục HOCMAI .
Để dạy, học trực tuyến hiệu quả theo ông cần đảm bảo những yếu tố gì?
Để việc học trực tuyến được hiệu quả, cần có sự tham gia của cả nhà trường, các đơn vị cung cấp việc dạy và học online, và sự phối hợp của phụ huynh và học sinh thì việc học online sẽ trở nên nhẹ nhàng mà không phải là nỗi ám ảnh như các bậc phụ huynh vẫn lo lắng.
Đối với nhà trường và các đơn vị cung cấp dịch vụ học trực tuyến, việc cải thiện chất lượng giảng dạy, tổ chức các hệ thống CNTT tốt, huấn luyện đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao năng lực truyền tải, năng lực CNTT thích ứng với môi trường internet là những hoạt động cốt lõi để mang lại các nội dung học tập chất lượng hơn, qua đó giúp học sinh trong quá trình lĩnh hội kiến thức.
Cơ bản việc tổ chức học online từ phía nhà trường và đơn vị cung cấp dịch vụ có mấy cấp độ. Cấp độ 1: số hóa một phần học liệu - đây là cấp độ thấp nhất trong dạy học online. Ở cấp độ này, cơ bản giáo viên sẽ chuyển hóa một số học liệu sang dạng tài liệu online. Tuy vậy, cấp độ này hầu như không tạo ra sự thay đổi trong việc giảng dạy mà chỉ là sự gia tăng tiện ích. Cấp độ này hiện rất phổ biến ở Việt Nam, được rất nhiều trường học sử dụng trong thời gian dịch bệnh bùng phát khiến học sinh không thể đến trường.
Với cấp độ 2: số hóa và sử dụng các công cụ quản lí nội dung, công cụ giao tiếp - đây là cấp độ tiến hóa của cấp độ 1 khi được hỗ trợ thêm bởi nhiều công cụ như các hệ thống quản lí nội dung LMS, các nền tảng giảng dạy (Zoom/Team). Với cấp độ này, các giáo viên bắt đầu tạo ra sự thay đổi khi có thể tổ chức được những buổi giảng bài trực tuyến hay việc giao bài tập, chia sẻ học liệu được tổ chức tốt hơn, chặt chẽ hơn dưới sự hỗ trợ của các công cụ. Nhưng cấp độ 2 này vẫn chỉ được coi là số hóa học liệu và số hóa hoạt động chứ chưa được coi là chuyển đổi số trong giáo dục, nó hoàn toàn chỉ là online hóa hoạt động offline.
Cuối cùng là cấp độ cao nhất và chuyên nghiệp nhất là cấp độ 3, chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học trực tuyến. Đây là cấp độ cao nhất khi mà ở đó, từ tư duy và tổ chức của nhà trường được tái cấu trúc, các qui trình tác nghiệp được thay đổi để phù hợp với việc tổ chức dạy học trực tuyến. Bản thân giáo viên cũng thay đổi phương pháp luận, phương pháp tiếp cận trong từng bài giảng để thực sự tạo ra một bài giảng online mà vượt qua được tư duy online hóa việc dạy offline.
Trong vài năm gần đây, đặc biệt qua hai năm ứng phó với dịch COVID-19, có thể thấy rõ sự chuyển hóa mạnh mẽ từ cấp độ dưới lên cấp độ trên từ nhà trường cho đến các đơn vị làm giáo dục trực tuyến.
Vậy theo ông, học sinh và phụ huynh nên sắp xếp việc học online như thế nào để có kết quả tốt?
Biết cách học trong môi trường online sẽ giúp phát triển khả năng tự học tự nghiên cứu của học sinh. Cụ thể, học sinh cần rèn thói quen ghi chép, luôn sẵn sàng vở và bút để ghi chép các điểm quan trọng, các nội dung cần lưu ý.
Bên cạnh đó, tích cực đặt câu hỏi trong các lớp tương tác thảo luận với bạn bè, hỏi thầy cô đối với những nội dung chưa rõ, chủ động phát triển kiến thức thông qua việc tận dụng sức mạnh của internet để tìm kiếm, tham khảo thêm các minh họa, hình ảnh thực tiễn hoặc các tư liệu học tập khác để rèn khả năng tự tìm kiếm, chủ động tìm hiểu và phát triển kiến thức.
Ngoài ra học sinh nên tích cực tham gia các hoạt động, các dự án hoặc cuộc thi online mà môi trường học cung cấp, và đặc biệt dù học trong môi trường nào, hình thức nào học sinh cũng cần đảm bảo mỗi kiến thức được tiếp thu cần phải được luyện tập (chịu khó làm bài), hệ thống hóa lại (ôn lại).
Học sinh tiểu học đang học khóa học online của HOCMAI.
Đối với Phụ huynh, dưới tư cách là một chuyên gia, và cũng là một phụ huynh có con đang phải tiếp cận việc học online, tôi nghĩ việc đầu tiên, phụ huynh tùy điều kiện hãy tạo cho con môi trường họp tập tốt nhất bao gồm trang thiết bị và không gian học tập yên tĩnh, thoáng đãng. Yêu cầu con xây dựng thời khóa biểu học tập/tự học và sử dụng để giám sát, nắm bắt. Việc đôn đốc, động viên con theo đúng được lộ trình và kế hoạch học tập đề ra là việc cực kì quan trọng.
Riêng đối với học sinh tiểu học, phụ huynh có thể dành thời gian để học cùng con khi có thể trong vai trò “trợ giảng”, vừa để đánh giá chất lượng của giáo viên của chương trình và vừa để hỗ trợ cho con những kiến thức mà con chưa nắm bắt tốt.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể lựa chọn thêm một số khóa học đóng gói của các đơn vị uy tín lâu năm trong lĩnh vực dạy học online để bổ sung kiến thức cho con, và hỗ trợ con trong quá trình học online.
Ngọc Nguyễn thực hiện