Quay lại câu chuyện người học cho điểm thấp khi dùng các ứng dụng hội thoại có hình để dạy học trực tuyến. Trước tiên, thiết tưởng cần phải gọi đúng tên công cụ. Ví dụ, hãng xe hơi T. có dòng xe V. được ưa chuộng. Hãng taxi M. đặt hàng mua một loạt xe V. để dùng chạy taxi. Người ta có thể nói xe taxi của hãng M. thuộc dòng xe V., nhưng không thể gọi xe V. là xe taxi.
Tương tự, một ứng dụng cụ thể bị cho điểm thấp mà chúng ta đang bàn là Zoom vốn không phải là ứng dụng dạy học trực tuyến. Đó là một công cụ hội nghị trực tuyến (Web conference), kèm theo nhiều chức năng bổ trợ khác, từ miễn phí đến có phí, phục vụ hội họp từ xa qua Internet.
Để phòng chống dịch COVID-19 không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã áp dục giải pháp giảng bài trực tuyến cho sinh viên. Ảnh: Vietnamnet/News.cn
Việc nhiều giáo viên dùng Zoom cho mục đích giảng bài trực tuyến không thể biến Zoom thành một ứng dụng dạy học trực tuyến đúng nghĩa. Tình trạng gọi sai tên trong một cuộc truyền thông ồ ạt này, dù vô tình hay hữu ý, đã dẫn đến hậu quả là học sinh, sinh viên, cùng với gia đình họ và công chúng nói chung, hiểu sai bản chất của ứng dụng. Phản ứng thái quá của người học trong việc chấm điểm ứng dụng là điều đáng tiếc, nhưng về căn nguyên sâu xa thì lỗi không chỉ do riêng người học.
Bên cạnh Zoom, có rất nhiều những ứng dụng tương tự khác có thể hỗ trợ hội họp video (có cả tiếng lẫn hình) trực tuyến. Trước tiên có thể kể đến các chức năng phát hình trực tiếp trên Internet (live streaming) của Facebook và YouTube, với giao diện và công cụ bổ trợ tương đối hạn chế.
Chuyên biệt và nhiều chức năng hơn thì có Skype hay Microsoft Teams, có thể cài đặt cả trên máy tính hay điện thoại để dùng. Tương tự, Google Hangouts Meet, AnyMeeting hay Adobe Connect cũng được thiết kế chuyên biệt cho nhu cầu hội họp từ xa nhưng cho phép kết nối trực tiếp từ Web mà không cần cài đặt phần mềm riêng trên máy tính...
Danh sách còn dài, cũng như không thể kể hết mọi chi tiết kĩ thuật của mỗi công cụ. Nhưng chúng có một điểm chung là, tuỳ mỗi nhà phát triển mà các chức năng bổ trợ kèm theo nhiều hay ít, được cung cấp hoàn toàn miễn phí, miễn phí có điều kiện hoặc có thu phí, với chất lượng dịch vụ cũng thay đổi tương ứng.
Đặc biệt, một số nhà phát triển có các gói ưu đãi dành cho ngành giáo dục, như Google hay Microsoft. Việc tập trung quá nhiều vào một công cụ nhất định có thể làm chúng ta mất cái nhìn tổng thể, cũng là bỏ qua cơ hội lựa chọn các loại công cụ khác nhau, phù hợp với các mục đích hay điều kiện, hoàn cảnh khác nhau của người dùng, nhất là các gói dịch vụ ưu đãi dành cho ngành giáo dục.
Chỉ riêng với nhu cầu tổ chức giảng bài và nghe giảng trực tuyến như nhiều người vẫn làm, đã có thể liệt kê một số ứng dụng chuyên biệt với những đặc điểm chính như sau:
Ngoài giới hạn về số lượng người tham dự cùng lúc và thời lượng họp, sự khác biệt chính giữa các công cụ này nằm ở chất lượng truyền tín hiệu (âm thanh, hình ảnh), tính tiện nghi và mức độ tiện dụng của từng hệ thống. Các gói miễn phí thì chất lượng và tiện nghi bao giờ cũng thấp hơn các gói ưu đãi giáo dục và có phí.
Mặc dù về ứng dụng cá nhân thì Skype phổ biến hơn, nhưng Zoom có vẻ được ưa thích hơn vì kết hợp được đồng thời nhiều yếu tố tương đối như: số người tham dự đủ đông (cho quy mô một lớp học), thời lượng đủ dài (gần bằng một tiết học), chất lượng truyền khá tốt so với Skype, công cụ tiện lợi, đơn giản, dễ xài. Nhưng câu hỏi cần đặt ra khi sử dụng các công cụ hội thoại video trực tuyến này là: giảng bài và nghe giảng trực tuyến có phải là cách chủ yếu hay thích hợp nhất để dạy học trực tuyến?
Nếu không muốn chỉ dừng lại ở mô hình giáo dục truyền thụ của hơn nửa thế kỉ trước, chắc hẳn câu trả lời là không. Các nhà phát triển lớn như Google và Microsoft có những gói dịch vụ ưu đãi dành cho giáo dục, ngoài việc đảm bảo chất lượng hội thoại video trực tuyến cao hơn còn cung cấp một loạt các công cụ làm việc cá nhân và làm việc nhóm khác cho giáo viên và học sinh, sinh viên.
Trong đó, gói Office 365 Education mà Microsoft cung cấp miễn phí cho bất cứ ai có hộp thư điện tử theo tên miền của ngành giáo dục, người dùng sẽ có thêm các công cụ văn phòng cá nhân và hợp tác nhóm như không gian chia sẻ tài liệu, biên soạn nội dung, lập phiếu khảo sát, v.v.
Trong khi đó, Google đã đi trước Microsoft một bước khi từ lâu đã tiên phong cung cấp các công cụ làm việc cá nhân và hợp tác hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người (thông qua Google Drive). Không những thế, họ còn đi xa hơn khi phát triển một công cụ chuyên biệt cho nhu cầu dạy học trực tuyến của giáo viên là Google Classroom, cho phép soạn bài giảng, giao bài tập, chấm điểm bài làm, khảo sát ý kiến và thảo luận với sinh viên.
Và gói G Suite for Education là sự nâng cấp của tất cả các dịch vụ dành cho cá nhân riêng lẻ (giáo viên hay sinh viên), tích hợp lại trong một hệ thống tập trung của một cơ sở giáo dục, với một mức chất lượng phục vụ cao hơn.
Việc để cho phần lớn giáo viên tự xoay sở với các công cụ cá nhân để giảng bài trực tuyến, hoặc nhiều hơn một chút là sử dụng một hệ thống LMS đơn giản như Google Classroom, cho thấy sự thiếu đồng bộ và nhất quán của quá trình đầu tư và phát triển các hoạt động ứng dụng CNTT-TT trong hệ thống giáo dục nói chung, trong giáo dục đại học nói riêng.
Trong thực tế, không ít giáo viên đã biết kết hợp các công cụ cá nhân của Google để tổ chức việc dạy học trực tuyến cho các lớp học của riêng mình, và cũng đã có những trường học chủ động đăng kí trọn gói G Suite for Education để nhân rộng phạm vi sử dụng các công cụ này tại đơn vị của mình.
Tuy vậy, nói cho ngay thì các công cụ của Microsoft hay Google cũng chỉ phục vụ những nhu cầu dạy học rất cơ bản. Trong thực tiễn ứng dụng CNTT-TT trong giáo dục, có rất nhiều hoạt động dạy học khác cần những phương tiện chuyên biệt hơn so với những gì Office 365 Education hay G Suite for Education cung cấp. Để việc ứng dụng CNTT-TT đạt hiệu quả tại một trường học hay một cơ sở giáo dục (ở mọi cấp độ), một trong các điều kiện cần là phải có một “môi trường dạy-học trực tuyến” (Virtual learning environnement – VLE) hay một “hệ thống quản lí dạy-học trực tuyến” (Learning management system – LMS) cho phép quản lí tích hợp mọi hoạt động dạy và học của mọi giáo viên và học viên tại đơn vị của mình. Trong số các VLE/LMS phổ biến nhất hiện nay, nhóm bản quyền thương mại có thể kể đến Blackboard Learn, Dokeos, nhóm mã nguồn mở có thể kể đến Moodle, Claroline, Sakai, Canvas, Open edX, v.v.
Điều kiện tiên quyết để phát triển các VLE/LMS trong hệ thống giáo dục là hành lang pháp lí và chính sách ứng dụng công nghệ. Về điểm này, có thể nói là Việt Nam đã chuẩn bị tương đối đầy đủ từ khá sớm. Cụ thể, từ tháng 4.2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT Quy định Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng.
Liền sau đó là một loạt các chính sách liên quan ra đời, như Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” (Quyết định số 117/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học (Thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT).
Vấn đề là, từ những chính sách lớn đến hành động cụ thể, dường như có một khoảng cách không hề nhỏ. Ở bậc đại học, từ nhiều năm qua hầu hết các trường đều có ít nhất một LMS của mình. Nhưng trong đợt dịch COVID-19 này, có vẻ như không nhiều nơi có điều kiện sẵn sàng để triển khai các hoạt động dạy học từ xa đồng loạt. Việc để cho phần lớn giáo viên tự xoay sở với các công cụ cá nhân để giảng bài trực tuyến, hoặc nhiều hơn một chút là sử dụng một hệ thống LMS đơn giản như Google Classroom, cho thấy sự thiếu đồng bộ và nhất quán của quá trình đầu tư và phát triển các hoạt động ứng dụng CNTT-TT trong hệ thống giáo dục nói chung, trong giáo dục đại học nói riêng.
Còn tiếp...
Nguyễn Tấn Đại (Tiến sĩ Khoa học Giáo dục, nghiên cứu viên liên kết, Phòng thí nghiệm liên đại học về khoa học giáo dục và truyền thông (LISEC), Đại học Strasbourg, Pháp.)