Các nguyên nhân dự báo giảm, theo HSBC, tăng trưởng trong quý I.2016 rồi khá yếu so với cùng kỳ trong khi các biện pháp siết chặt tín dụng dự báo sẽ tác động giảm nhu cầu nội địa. Các biện pháp thắt chặt hành chính vừa được đề xuất cũng sẽ làm kiềm chế tăng trưởng tín dụng, dẫn đến lượng đầu tư bị hạn chế so với năm 2015.
HSBC cũng ghi nhận nền kinh tế Việt Nam 2016 sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tác động của El Niño làm gián đoạn nguồn cung trong lĩnh vực nông nghiệp. Với gần 42.000ha mùa vụ bị hư hại do tình trạng hạn hán nặng nề ở miền Trung và Tây Nguyên đồng thời tình trạng thiếu nước và nước nhiễm mặn kéo dài đã ảnh hưởng đến khoảng 34.000ha mùa vụ ở vựa lúa lớn nhất nước tại ĐBSCL.
Thời tiết khắc nghiệt dẫn đến thất thoát gần 700.000 tấn lúa trong quý I.2016, tương ứng mức suy giảm 6,2% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước. “Thu nhập nông nghiệp chậm lại làm ảnh hưởng tiêu cực đến lượng tiêu thụ, tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp chiếm gần một nửa tổng nguồn lao động cả nước trong khi nông nghiệp có tỷ trọng đóng góp vào GDP của Việt Nam cao nhất (13%) so với các nước khác trong khối ASEAN”, báo cáo này nhận định.
Tuy nhiên, tổ chức này vẫn xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ phát triển cao nhất trong khu vực. HSBC cho rằng việc tăng trưởng chậm lại có điểm tích cực riêng, sẽ là điều kiện cho Việt Nam tái xây dựng bệ đỡ cho nền kinh tế vĩ mô bởi quá trình tăng trưởng thời gian qua đang dần chệch hướng “do lạm phát cao và mức thặng dư không ổn định khi Chính phủ đã tập trung nhiều vào tăng trưởng hơn là ổn định kinh tế vĩ mô”.
Mặc dù nhu cầu trong nước chậm lại nhưng HSBC cho rằng nhu cầu này vẫn mạnh, nền kinh tế còn được hỗ trợ bởi khu vực xuất khẩu của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh thị phần toàn cầu và đảm bảo mức tăng trưởng vững chắc trong trung hạn.
Việc hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản và NHNN tập trung vào chất lượng tín dụng là một bước đi tích cực giúp ngăn chặn những rủi ro mới trong ngành ngân hàng. Nhờ đó tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống đã được cải thiện, từ xấp xỉ 5% trong tháng 9.2012 xuống 2,5% trong tháng 12.2015.
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam mạnh mẽ sẽ giúp giữ cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam trong năm 2016 tiếp tục thặng dư, tạo điều kiện cho NHNN tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối.
Theo HSBC, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể đã đạt 33,6 tỉ USD vào cuối quý I.2016, tăng so với mức IMF đưa ra vào tháng 11.2015 là 29,9 tỉ USD. Dự báo đồng Việt Nam có thể tiếp tục giảm giá trong năm nay nhưng sẽ ở mức kiểm soát, ước khoảng 23.000 đồng/USD vào cuối 2016.
Tuyết Ân