Theo Vnexpress, ngày 20.3, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện nghiên cứu đô thị và vùng của Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái, lịch sử tại khu vực lăng mộ Hoàng gia triều Nguyễn và lưu vực thượng nguồn sông Hương".
Đôi bờ sông Hương đang được tổ chức KOICA Hàn Quốc quy hoạch chi tiết với kinh phí 6 triệu USD. Ảnh: Võ Thạnh
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội di sản văn Hóa Việt Nam cho rằng, không chỉ khu vực thượng nguồn mà cả dọc dòng sông Hương mang một nét đẹp cũng như giá trị văn hóa "chẳng nơi nào có được".
Theo ông Bài, Hội di sản văn hóa Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế sớm xây dựng hồ sơ khoa học bổ sung trình UNESCO công nhận giá trị cảnh quan văn hóa đôi bờ sông Hương - là bộ phận hữu cơ tạo nên sự toàn vẹn và thống nhất trong cấu trúc của Quần thể di tích kiến trúc Cố đô Huế. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn không thấy địa phương trình hồ sơ, có thể vì tỉnh lo sợ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị về sau.
"Tôi khẳng định, việc bổ sung hồ sơ cảnh quan hai bờ sông Hương để tái đề cử cho hệ thống Quần thể di sản Huế không ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Đây sẽ là yếu tố góp phần làm tăng giá trị toàn cầu của khu di sản”, ông Bài nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Thành cho rằng, Huế nên sớm trình hồ sơ. Ảnh: Võ Thạnh |
Ông Trần Đình Thành, Phó cục trường Cục di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) cũng cho hay, qua phân tích nghiên cứu của các chuyên gia từ Nhật Bản và Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, về cơ bản cảnh quan sông Hương đáp ứng được các yêu cầu của giá trị nổi bật toàn cầu theo Công ước của UNESCO. Tuy nhiên, ông Thành "chưa hiểu vì sao Huế lại chậm việc lập hồ sơ cảnh quan hai bờ sông Hương vào danh mục Di sản văn hóa thế giới".
Theo ông, năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới với 16 cụm di tích, chưa có di tích cảnh quan, vì vậy, nếu Huế sớm trình lên UNESCO hồ sơ cảnh quan đối với đôi bờ sông Hương thì sẽ làm tăng giá trị cho di tích.
"Việc lập hồ sơ không chỉ Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế làm mà cần sự chung tay của các ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế, bởi vì năm qua di sản Huế là nguồn đóng góp ngân sách lớn nhất của địa phương. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tỉnh trong việc xây dựng hồ sơ cảnh quan cho sông Hương” ông Thành nói.
GS.TS Satoh Shigeru đánh giá cao cảnh quan hai bên dòng sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh |
GS.TS Satoh Shigeru (Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng - Đại học Waseda) đánh giá, cụm lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với lưu vực thượng nguồn sông Hương là một khu vực có giá trị to lớn về nhiều mặt, xứng đáng để được công nhận di sản thế giới bởi những yếu tố đa dạng được lồng ghép một cách toàn diện; quy tụ quanh hệ sinh thái tự nhiên trải dọc theo sông Hương từ Kinh thành Huế đến các lăng mộ hoàng gia và hệ thống làng mạc dân cư.
"Đây là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và tinh thần phong phú, bao gồm: sản phẩm nông nghiệp, thế giới tinh thần (quan niệm sống, tôn giáo và tín ngưỡng), thủy lợi, hệ thống quản lý nước và các yếu tố lịch sử, văn hoá...", GS.TS Satoh Shigeru nói.
Theo Ban tổ chức hội thảo, các ý kiến tại đây sẽ được xem xét, làm cơ sở để địa phương nghiên cứu bổ sung cảnh quan lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương vào hồ sơ tái đề cử Quần thể di tích Huế với tiêu chí mới là "Di sản cảnh quan văn hóa thế giới".
Tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới (năm 2004), Unesco đã chính thức đề nghị Việt Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên Huế vẫn chưa thực hiện.
Đến năm 2014, đoàn chuyên gia cao cấp của Unesco khi đến khảo sát tại Quần thể di tích Cố đô Huế cũng đã lưu ý tỉnh Thừa Thiên- Huế nhanh chóng thực hiện vấn đề này.
Võ Thạnh