Những mối lo
Tháng 3.2017 vừa qua, vùng lõi khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Hội An-Quảng Nam) đã bị đào xới làm đường. Chủ đầu tư đã tiến hành san ủi mở rộng tuyến đường đã phá hủy khoảng 4.000m2 đồi và rừng đặc dụng.
Theo chính quyền Hội An và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, dự án của công ty cổ phần Thương mại du lịch đầu tư Cù Lao Chàm, (thuộc tập đoàn Sun Group) đang cắm mốc chuẩn bị xây dựng nhiều khu biệt thự mini trong khu vực và sát mép biển (bên dưới là các rạn san hô).
Cảnh quan tươi đẹp mà mong manh của Cù Lao Chàm. Ảnh Thái Tuấn Kiệt
Trong khi đó, đầu tháng 5.2017 tập đoàn Sun Group cũng sẽ khởi công tuyến cáp treo Cát Hải và các điểm đến Phù Long, Vườn quốc gia Cát Bà, di chỉ Cát Đồn thuộc khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng). Với một bản quy hoạch đã được Hải Phòng thông qua, Sun Group sẽ xây dựng ở khu vực này: 5 ga cáp treo với tổng độ dài 21km; 3 sân golf; khu vui chơi giải trí và đầu tư khai thác du lịch ở nhiều xã đảo...
Nhìn vào quy hoạch, thấy trung tâm VQG Cát Bà mọc lên một ga cáp treo và một sân golf; Hang Quả Vàng, điểm nằm ngay trong Khu bảo tồn Nghiêm ngặt dành riêng cho Voọc Cát Bà, loài linh trưởng nguy cấp cũng thành nơi tham quan giải trí. Trong khi đó, quần đảo Cát Bà lại đang hoàn tất hồ sơ đề cử là di sản thiên nhiên thế giới mở rộng của di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long.
Đây chỉ là hai trường hợp mới nhất trong nhiều dự án du lịch khác trên cả nước đã và đang được xem xét cấp phép tại các địa điểm có giá trị lớn về tài nguyên núi, rừng, biển đảo, cùng cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng, như Cù Lao Chàm, Sơn Trà, Phú Quốc, Fansipan, Cát Bà, Hạ Long, Sơn Đoòng...
Một đàn voọc Cát Bà. Ảnh Neahga Leonard
Khoảng cách từ thực tế đến pháp lý
Những miền rừng biển còn hoang sơ, nơi lưu giữ tính đa dạng sinh học, là môi sinh cho thế giới tự nhiên quý giá cần được bảo tồn nghiêm ngặt. Những khu bảo tồn này cũng là nơi các cộng đồng dân cư sinh sống làm ăn thuận thảo hòa đồng với thiên nhiên. Lợi ích lâu dài của chính sách bảo tồn các vùng biển đảo tự nhiên, rừng phòng hộ đã được chứng minh và đi kèm đó là những cảnh báo việc khai thác thiên nhiên quá mức sẽ làm cho môi trường sống của cộng đồng xuống cấp.
Tuy nhiên, những dự án phát triển du lịch dựa vào giá trị thiên nhiên bản chất luôn chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa cảnh quan môi trường, hệ sinh thái. Quy mô lớn xây dựng lớn, cùng tham vọng đón hàng chục triệu lượt du khách của những dự án này khiến giới khoa học môi trường, bảo tồn và dư luận không khỏi lo ngại dự án sẽ tàn phá cảnh quan môi trường, hệ sinh thái, thiên nhiên tại đây.
Trong nhiều loại danh hiệu mà UNESCO công nhận có hai loại danh hiệu gần liên quan đến môi trường thiên nhiên, là Di sản thiên nhiên thế giới và Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Nếu như tiêu chí và điều kiện công nhận khu Dự trữ thiên nhiên tập trung và thiên hơn về việc giữ gìn và bảo tồn (hầu như giữ nguyên, không ưu tiên hoạt động phát triển kinh tế trong đó) thì Khu dự trữ sinh quyển có hướng tiếp cận dung hòa hơn, con người và thiên nhiên được tôn trọng như nhau, có thể phát triển kinh tế trong đây (trừ vùng lõi) theo hướng tôn tạo thiên nhiên, làm giàu cho con người và làm giàu cho thiên nhiên. Từng trả lời Người Đô Thị, bà Trần Thị Hoàng Mai, Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết: “đối với những di sản đã được UNESCO công nhận, mọi sự thay đổi nguyên trạng phải thông báo cho UNESCO. Nếu muốn làm bất cứ việc gì, quốc gia, địa phương, và công ty thực hiện phải thực hiện nghiên cứu độc lập và nộp UNESCO kiểm tra. Nếu đảm bảo không ảnh hưởng mới có thể làm.” Thực tế trên thế giới cũng cho thấy, khi một khu sinh quyển được quản lý, duy trì và bảo vệ tốt thì giữ được danh hiệu, còn không, UNESCO sẽ đánh giá tùy mức độ mà rút lại danh hiệu.
Các ứng xử của con người với khu vực Di sản thiên nhiên và khu Dự trữ sinh quyển được điều chỉnh theo Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, và theo Khung Pháp lý của Mạng lưới toàn cầu các khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO. Trong luật pháp của Việt Nam, các danh hiệu được quốc tế công nhận này vẫn chưa/không phải là đối tượng được điều chỉnh. Tuy nhiên, ở Luật Đa dạng sinh học, tại điều 7, chỉ rõ, đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thì cấm mọi thay đổi hiện trạng và khai thác tài nguyên thiên nhiên, không có ngoại lệ nào.
Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, cho rằng, đã đến lúc cần bổ sung Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam vào tài nguyên du lịch, theo Luật Du lịch (với dự thảo Luật Du lịch sửa đổi hiện nay – PV). Theo bà Thanh, Luật Du lịch của Việt Nam hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Vì vậy, theo điều 4 về nguyên tắc phát triển du lịch cần ghi rõ: đảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.
Khi phát sinh những vấn đề không thể hài hòa giữa bảo tồn và phát triển thì phải đặc biệt xem xét, ưu tiên cho bảo tồn, nhất là đối với các di tích đã xếp hạng cấp tỉnh, thành, quốc gia – trong đó đặc biệt lưu ý các di sản của Việt Nam đã được trao danh hiệu di sản thế giới, các khu bảo tồn thiên nhiên đã được công nhận danh hiệu khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới có các di sản và khu dự trữ sinh quyển thế giới thì cần xem đó là một lợi thế cho việc phát triển du lịch. Có được một lợi thế phát triển du lịch rất khó, vì vậy cần đặt ra một cách nghiêm túc vấn đề bảo vệ các lợi thế này, bởi vì việc xâm hại các khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt này sẽ dẫn đến nguy cơ bị UNESCO tước bỏ quyết định công nhận.
Ngoài ra, bà Thanh cũng cho rằng, khi điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch, cần làm theo cách mà Luật Di sản Văn hóa đã quy định đối với Danh mục cần bảo vệ. Cụ thể: khi tiến hành điều tra, cần lập danh mục bảo vệ những địa danh, khu vực có dấu hiệu trở thành tài nguyên du lịch trước khi hoàn tất việc đánh giá, phân loại. Việc làm này là nhằm ngăn ngừa những tài nguyên du lịch chưa được công nhận sẽ bị mất đi do các dự án đầu tư nhân danh sự phát triển.
Lê Quỳnh
» Đừng đánh đổi những giá trị lâu dài của nhân loại để đổ đầy túi nhà đầu tư
» Sơn Trà ký sự - Kỳ 1: Chuyện về ông ‘thần rừng’
» Diện tích khu bảo tồn Sơn Trà giảm 40% chỉ trong 10 năm
» Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng bãi bỏ dự án trên bán đảo Sơn Trà
» Phát triển du lịch, Sơn Trà lãnh đủ
» Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự: Đừng “ăn mặn” ở Cù Lao Chàm
» Cù Lao Chàm đang đối mặt với nhiều áp lực
» Để voọc Sơn Trà còn đất sống