Sau khi đỗ xe, mỗi tài xế bước xuống móc ví đưa cho bà ấy tờ 50.000 đồng. Họ được dặn rằng đây chỉ là mức “phí coi xe” trong giờ đầu ở đây (trong khi mức phí này tại các hầm xe của những tòa nhà trung tâm thương mại chỉ từ 20.000-40.000 đồng). Các chủ xe vui vẻ gật đầu cảm ơn bà ấy rối rít rồi cùng gia đình, bạn bè, đối tác đi ăn sáng, uống cà phê ở các hàng quán gần đó mà không cần phải nhận một vé hay thẻ gửi xe nào cả.
Người đàn bà lại ra đứng lề đường ngoắc những chiếc xe hơi gia đình đang rà rà tìm chỗ đậu để chèo kéo về phía vỉa hè mà mình đang “quản lý”.
Phía bên kia đường, hai anh bảo vệ khách sạn cũng đang làm việc tương tự. Họ trở thành những người giữ xe hơi không chính thức trên một lề đường mà họ tự thỏa thuận phân chia “lãnh địa” với nhau bằng những luật ngầm nào đó khó ai biết được. Thỉnh thoảng, cũng đã xảy ra những vụ tranh cãi vì giành giựt khách hay tranh chấp vùng hoạt động, nhưng họ cũng khéo biết cách sống chung để cùng làm một công việc nhẹ nhàng, cải thiện thu nhập. Quanh khu vực này, có vài hầm xe của khách sạn, tòa nhà, nhưng đều treo bảng đã kín chỗ. Việc tìm một nơi dừng xe có người trông coi an toàn để đi ăn sáng, cà phê cuối tuần cùng gia đình hay gặp gỡ bạn bè đối tác ở khu trung tâm Sài Gòn là rất khó khăn.
Một bãi giữ xe mới ngay trước Nhà hát Thành phố.
Ai cũng hiểu sự phiêu phỏng của thứ dịch vụ vỉa hè tự phát mà các anh bảo vệ hay cô lao công đường phố tự phát kể trên đứng ra dàn xếp tổ chức, nhưng rồi cũng phải chấp nhận sao cho tiện việc của mình. Một chỗ để xe với dịch vụ không cần đảm bảo gì cho quyền lợi người gửi, mức phí chém đẹp tùy tiện nhưng có thể tạm yên tâm rằng có người xa lạ để mắt cho mình rời khỏi tài sản (có khi lên đến vài tỷ đồng) để đi loanh quanh một lúc ở khu trung tâm, là điều mà các chủ xe phải học cách chấp nhận.
Chuyện tương tự đang xảy ra ở nhiều tuyến đường trung tâm Sài Gòn mà các nhân vật “coi xe” có thể là một tay anh chị, một người bán cà phê vỉa hè lâu năm hay một bác xe ôm trôi nổi... Họ kiếm thêm thu nhập nhưng lại không thể đảm bảo an toàn cho tài sản người khác.
Đa số chủ xe sẽ tự an ủi bằng thực tế rằng trong khi các tuyến đường cắm bảng “một chéo hai chéo” (cấm dừng, đỗ) khắp nơi, trong khi các hầm, bãi để xe quá tải, chuyện tốn vài chục nghìn đồng để có người trông coi cho cái xe vài trăm triệu đến vài tỷ thì không nên kể lể. Nhưng nhìn rộng ra cách tổ chức xã hội thì hình thức dựa vào tinh thần “tự phát” và lối thiết kế trật tự tùy tiện như vậy rất không ổn. Đã có những vụ việc va quẹt, thậm chí kẻ gian trộm kính xe, chủ nhà tạt sơn (vì đỗ mà không được phép)... nhưng lúc đụng chuyện thì người giữ xe xa lạ đã bay biến đâu mất. Chủ xe cũng chẳng có cơ sở nào để bảo vệ quyền lợi cho mình, đành cay đắng chấp nhận thiệt hại.
Mười năm nữa không còn chỗ đậu xe ở trung tâm - đó là dự báo đầy âu lo của một nhà quản lý đô thị TP.HCM.
Tuy kinh tế còn chưa phục hồi và tăng trưởng đáng kể, nhưng một phần do hiệu ứng của các đợt dịch bệnh và giãn cách, nhu cầu sở hữu xe hơi gia đình ở các đô thị tăng lên. Bài toán về những bãi gửi xe xem như một dịch vụ công quy mô lớn ở khu trung tâm như tại Sài Gòn được nhắc lại. Đáng nói, một dự án xây dựng bãi giữ xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám được khởi công từ chục năm trước, tới cuối năm 2021, có tin đã bị bỏ khỏi quy hoạch vì gặp một số vấn đề không đồng thuận trong chính sách, năng lực đầu tư. Cái kết bất khả thi cho dự án 110 triệu USD (dự kiến diện tích sàn hơn 100.000 mét vuông, chứa hơn 2.000 xe máy, 1.250 ô tô) sau 10 năm bế tắc và bị “khai tử” không biết có để lại kinh nghiệm nào cho việc xây dựng các bãi xe ngầm khác (theo quy hoạch là tại vị trí: Trống Đồng, sân bóng đá thuộc công viên văn hóa Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư) được hanh thông hơn?
Vào đầu năm 2022, khi nhận thấy nhu cầu sử dụng ô tô cá nhân tăng cao, vấn đề bãi đậu xe nóng trở lại, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã tính toán bổ sung 23 tuyến đường thu phí sử dụng lòng lề đường đậu xe hơi ở 7 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10 và Phú Nhuận (trước đó, đã có 8 tuyến đường được UBND thành phố duyệt cho phép thu phí lòng đường làm chỗ đậu xe hơi nhưng chưa được khai thác). Việc sử dụng lề đường làm chỗ đậu xe thu phí do Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong TP.HCM trực tiếp thực hiện với mức giá được niêm yết theo quy định và những cam kết đảm bảo an toàn cho tài sản người dân.
Giữ xe trên lòng đường Hồ Huân Nghiệp, trước Hotel Grand Saigon.
Nhưng vấn đề đặt ra: về bản chất những dịch vụ tự phát tạm bợ đến tổ chức “được duyệt” theo lối “tăng cường dịch vụ công ích”, khai thác thêm chỗ đậu xe vỉa hè thu phí có phải là lời giải “xứng tầm hiện đại” và bền vững cho bài toán bãi đậu xe của một thành phố văn minh trong tương lai?
Mười năm nữa không còn chỗ đậu xe ở trung tâm - đó là dự báo đầy âu lo của một nhà quản lý đô thị TP.HCM đưa ra trong cuộc họp hồi cuối năm 2021.
Hãy nghĩ đến một viễn cảnh giao thông, khi mà mọi con đường làm cho trung tâm thành phố thông thoáng dễ chịu đều đã được tận dụng để làm nơi đậu xe thu phí chính thức và không chính thức!
Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên