Maggie Q: Cần lên tiếng chống lại cái ác

 09:12 | Thứ sáu, 15/04/2016  0
Tại sự kiện Gala dinner của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WildAid nhằm kêu gọi nghệ sĩ Việt Nam tham gia vận động chấm dứt sử dụng sừng tê giác diễn ra giữa tháng 4.2015, vị đại sứ của WildAid – nữ minh tinh điện ảnh người Mỹ gốc Việt Maggie Q, dù sức khỏe không tốt sau chuyến đi dài ngày đã buộc phải hủy các cuộc hẹn gặp gỡ với một số báo đài, vẫn nhận lời dành cho Người Đô Thị một cuộc tiếp xúc đặc biệt. Đó không chỉ là một cuộc phỏng vấn giữa một vị đại sứ của WildAid và phóng viên, mà còn là cuộc nói chuyện giữa những người mang dòng máu Việt biết nổi giận trước sự u mê tàn ác của chính đồng bào mình.

Câu chuyện bắt đầu từ một hình ảnh gây xúc động mạnh: một con tê giác mẹ gục chết bởi vết cắt trên mặt, con tê giác con chết bên xác mẹ vì đói sau những ngày dài hút kiệt bầu sữa đã cạn. Bên cạnh xác của chúng là hai lá cờ của Trung Quốc và Việt Nam. Không giấu được sự căm phẫn, cô chia sẻ:

Nữ minh tinh Maggie Q

“Một lời tố cáo trực diện, xác đáng về tội ác khủng khiếp gây ra bởi những người mang các quốc tịch này. Bạn biết sự xấu hổ và giận dữ của tôi nằm ở đâu không? Đó là một đất nước bé nhỏ như Việt Nam, hiền hòa như Việt Nam và còn nghèo như Việt Nam lại đứng đầu thế giới, vượt mặt cả Trung Quốc, về không chỉ mức tiêu thụ sừng tê giác, mà còn vì lưu lượng sừng tê được buôn lậu. Một lần nữa, do đó, chuyến đi này với tôi vô cùng quan trọng, bởi tôi tin rằng việc tác động lên chính thị trường Việt Nam sẽ mang lại hy vọng chuyển hướng hoàn toàn thảm kịch của loài tê giác. Tôi muốn khẳng định mạnh mẽ với người Việt Nam của tôi rằng: đây là một tội ác. Không một nền văn hóa, đạo lý nào cho phép người ta khuyến khích tội ác dưới bất kỳ áp lực động cơ nào.

Một cuộc hội thảo quốc tế sẽ lần đầu được tổ chức ngay tại đây, tại Việt Nam, vào năm 2016, và tôi cho rằng riêng việc cho phép sự kiện này có mặt tại Việt Nam đáng được coi là một tín hiệu đáng mừng từ chính phủ Việt Nam, mang lại những kì vọng về một mức độ cam kết nghiêm ngặt hơn của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới, và từ đó, chính phủ sẽ đối mặt tháo gỡ những bất cập có liên quan đến tệ nạn tham nhũng và ý thức xã hội một cách tích cực, hiệu quả và gấp rút hơn”.

Vậy chị có nghĩ rằng những con người chọn lối sống phản khoa học, phản tình yêu thương sẽ vẫn cứ tận hưởng sự khoái cảm ích kỷ đó, còn chúng ta thì đau đớn chứng kiến một hành tinh ngày một quằn quại bởi chính đám người đó?

Chúng tôi đã tìm đến các chứng cứ khoa học để đưa ra một sự thật có cơ sở rằng mật gấu, thịt chó, óc khỉ hay sừng tê giác sẽ không làm quý bà trẻ lại, sẽ không giúp các quý ông sung mãn hơn trong phòng the và càng không thể giúp người ta khỏi bệnh ung thư một cách thần kỳ, mà chỉ đơn giản sẽ khiến bạn hay người thân già đi, yếu hơn và chết trong tình trạng khánh kiệt sau những món tiền khổng lồ đầu tư cho những phương thuốc vô bổ. Ở đây, một yếu tố khác mà không chỉ người Á Đông mà cả phương Tây cũng rất quan tâm, đó là nghiệp quả nhãn tiền mà những tội lỗi, sai lầm con người ta có thể tạo nên từ những gốc rễ cơ bản đi ngược lại thiện tính con người: sự tham lam, lối sống tha hóa phản khoa học, sự u mê trong tri thức lẫn ý thức, và sự man rợ trong hành vi ứng xử với muôn loài trong môi trường thiên nhiên.

Cũng vừa mới đây thôi, chúng tôi đã thực hiện một cuộc nghiên cứu nhanh tại Hà Nội, nơi có 70% người cả quyết sừng tê chữa được ung thư. Nhưng khi được hỏi những cơ sở thông tin đó đến từ đâu, thì phần lớn trong số họ không thể nhớ được đích xác đã nghe thông tin đó từ đâu! Một cách vô thức, đa phần người ta chịu tác động từ một hiệu ứng đám đông, những huyền thoại được thêm thắt để tăng hy vọng níu dài sự sống. Đây là một nghiên cứu xã hội chính thống, và thật đáng ngạc nhiên khi con người hoàn toàn có khả năng gây ra những tội ác khủng khiếp bởi một cơ sở mơ hồ đến như vậy.

Nói cách khác, người ta mặc nhiên chà đạp lên mạng sống của các sinh vật vô hại, tạo thương tổn trầm trọng cho thế cân bằng tự nhiên, dẫn dắt một chủng loài hiền lành chỉ ăn thực vật như tê giác phải dẫn đến bờ tiệt chủng bằng những cái chết thê thảm, cùng lúc tiêu tốn những số tiền khổng lồ và làm tất cả những điều đó dựa trên một cơ sở hoàn toàn vô căn cứ và thiển cận: lời đồn!

Bức tranh mang chữ ký các nghệ sĩ tham gia cuộc vận động chấm dứt sử dụng sừng tê giác của WILDAID. 

Việc chị đến Việt Nam lần này có phần nào cũng bởi một phần dòng máu Việt chị mang trong người?

Tôi là một công dân Mỹ, nhưng cũng vẫn là một người Việt, bởi tôi lớn lên, thụ hưởng tình yêu thương và sự ảnh hưởng của mẹ tôi trong mọi công việc, suy nghĩ của mình. Công tác bảo vệ động vật hoang dã, đối với một số người có thể mang màu sắc văn minh của Tây phương, nhưng trên thực tế của cá nhân tôi, đó chính là lòng trắc ẩn và cách thể hiện tình yêu thương một cách quyết liệt và bền bỉ bằng hành động. Đó là một thuộc tính của một người phụ nữ Á Đông mà qua mẹ, tôi lãnh thụ và luôn mang theo mình.

Trước khi là một người mẫu, hay như mọi người biết đến, là một diễn viên hành động, tôi là một đứa trẻ yêu thiên nhiên, các con thú, và ước mơ lớn nhất từ thuở ấu thơ của tôi chính là trở thành một bác sĩ thú y. Ngay từ khi ấy, tôi đã coi ước mơ này như một sứ mệnh. Tôi ao ước được tự tay chăm sóc các con vật và thực hiện những phép mầu của khoa học để chúng bớt đau đớn, và để cứu sống chúng. Thế rồi như nhiều cô gái trẻ khác, tôi lớn lên, rồi mọi thứ đến với tôi không hẳn như trong giấc mơ tuổi thơ. Tôi trở thành người mẫu, rồi duyên nghiệp với điện ảnh, những thành công đầu tay trong cuộc chơi mới dễ dàng cuốn một cô gái đi rất xa khỏi những giấc mơ ngớ ngẩn thuở ban đầu - nhưng với tôi, ước mơ đó chưa bao giờ là ngớ ngẩn. Tôi tin rằng nếu người ta trung thành với chính những ước mơ hay sứ mệnh của mình và cố gắng thực hiện chúng dưới bất kỳ hình thức nào, thì mọi giấc mơ đều có thể trở thành sự thật. Ngày nay, ở cương vị và sức ảnh hưởng của một diễn viên điện ảnh, tôi đang làm chính điều mình hằng mơ ước ở một quy mô lớn hơn cả những gì tôi mơ ước. Bằng ảnh hưởng của mình, cùng với các chiến dịch của những tổ chức hàng đầu như Peta và WildAid, tôi đang giúp loài vật nhiều hơn việc cứu chữa cho chúng ở tư cách một bác sĩ thú y.

Không chỉ tham gia các hoạt động liên quan đến động vật hoang dã, tôi cũng ủng hộ các hoạt động cứu hộ và bảo vệ thú nuôi, bắt đầu từ những con vật gần gũi nhất với loài người là chó và mèo. Tôi từng có lúc nuôi đến tám chú chó, và chỉ riêng việc giao tiếp với chúng, nhìn vào mắt chúng, tôi tin rằng nếu người ta có thể ra tay bạo hành, thậm chí giết thịt chó hoặc mèo thì thật sự chắc chắn họ phải mang những thương tổn tật nguyền đặc biệt trầm trọng về tâm lý và tâm hồn.

Bàn đến vấn nạn thịt chó, mèo, là một người gốc Việt – đất nước cũng mang một “danh tiếng” thuộc hàng đầu thế giới về tệ nạn này, chị nghĩ gì?

Không chỉ với nạn ăn thịt chó mèo, tiêu thụ sừng tê giác, mà còn phải nhắc đến cả hai loài gấu bị truy đuổi và hành hạ man rợ tại Việt Nam để khai thác mật gấu nữa. Tôi vừa ghé thăm Trung tâm Cứu hộ gấu của tổ chức Bảo vệ Động vật châu Á tại Việt Nam, và đồng hành cùng tổ chức này trong các chiến dịch bảo vệ gấu đen, gấu chó và chống nạn buôn bán, khai thác thịt chó tại Trung Quốc.

Điều khôi hài và mỉa mai là đã rất nhiều người đứng ra tranh biện với tôi bằng lý lẽ rằng họ quá nghèo đến mức phải ăn thịt chó mèo. Một lý trí phát triển bình thường ắt phải biết rằng để trồng một vườn rau, hay để nuôi heo gà theo mô hình trang trại chăn thả thì rẻ, an toàn và lành mạnh hơn rất nhiều so với việc làm trang trại nuôi chó mèo lấy thịt, ăn trộm chó, hay tiêu thụ thịt chó. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt đối với những loài vật này – những sinh vật đầu tiên được loài người thuần dưỡng để sống cùng trong nhà. Chính loài người đón chúng vào hệ sinh thái nhân tạo của mình như những thành viên, bởi ý thức về sự phát triển cảm xúc của chúng, trí khôn, khả năng tương tác cảm xúc và mọi phẩm chất đáng yêu, tốt đẹp từ chúng, bên cạnh các chức năng cơ bản như bắt chuột và giữ nhà. Và việc quay sang giết thịt chúng – những sinh vật đã bị thuần dưỡng, lệ thuộc vào con người, mất khả năng tự tồn tại ngoài thiên nhiên, đó chính là hành động bội phản của loài người.

"Chúng tôi đã tìm đến các chứng cứ khoa học để đưa ra một sự thật có cơ sở rằng mật gấu, thịt chó, óc khỉ hay sừng tê giác sẽ không làm quý bà trẻ lại, sẽ không giúp các quý ông sung mãn hơn trong phòng the và càng không thể giúp người ta khỏi bệnh ung thư một cách thần kỳ, mà chỉ đơn giản sẽ khiến bạn hay người thân già đi, yếu hơn và chết trong tình trạng khánh kiệt sau những món tiền khổng lồ đầu tư cho những phương thuốc vô bổ."

  

Được là sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn, dù chắc chắn không phải là sinh vật dũng mãnh nhất, nhưng loài người may mắn sở hữu trí tuệ, kiến thức và những thông tin cho phép chúng ta can thiệp vào đời sống của những sinh vật khác trong chuỗi thức ăn. Nói một cách khác, chúng ta là con đầu đàn của muôn loài động vật. Quyền lực trí tuệ đó là một đặc ân của tự nhiên dành cho con người. Hãy nhìn xem chúng ta đã sử dụng nó để làm gì. Ở tư cách con đầu đàn, con người đang tùy nghi tàn phá đời sống các “thành viên bầy đàn” khác, tiêu thụ chúng một cách man rợ và u mê. Các loài thú ăn thịt cũng thực hiện hành vi săn bắt để tồn tại, còn con người đã vượt ngưỡng tiêu thụ đạm thịt một cách lành mạnh và đủ để tồn tại. Chúng ta đang kêu cứu bởi nạn béo phì và mọi hệ lụy đến từ hệ tiêu hóa bị bão hòa, trong khi các loài vật đang bị khai thác, nuôi nhốt và giết mổ một cách phi nhân đạo, và những loài hoang dã như tê giác đang ngay sát lề diệt chủng. Chúng ta phàn nàn về sự tử tế bị mất đi và những người tốt bụng hiền lành không còn nhiều nữa, cùng lúc chúng ta khoan khoái tận hưởng cảm giác giàu có sung túc từ những tấm áo lông thú, những chiếc túi da mà đặc biệt ở châu Á ai cũng cố sắm một chiếc.

Các loài thú ăn thịt sau khi sống vòng đời của chúng, thân xác phân hủy và trở thành phân bón cho thực vật để cung cấp dinh dưỡng cho những loài thú ăn lá… và cứ thế vòng tuần hoàn của hệ tự nhiên tiếp diễn.

Còn con người – sinh vật tự cho mình là con đầu đàn quyền lực, chúng ta đóng góp gì lại cho tự nhiên ngoài những cái xác rồi cũng sẽ phân hủy? Với lượng tiêu thụ và khai thác như hiện tại, sự đóng góp ngược trở lại cho vòng xoay tự nhiên đáng lẽ cũng phải tỉ lệ thuận với mật độ hưởng lợi từ thiên nhiên. Nhưng thực tế là, những hoạt động bảo vệ môi trường và động vật cho đến nay vẫn chưa thể sánh với mức độ hủy hoại môi trường do con người gây ra, mà phần lớn không đến từ nhu cầu sinh tồn cơ bản.

Nhưng phải thừa nhận rằng một phần lớn nguyên nhân đến từ việc nhiều người còn chưa nắm rõ những thông tin về phúc lợi động vật, các phương thức giết mổ vô nhân đạo, hay những kiến thức khoa học về cấu tạo keratin của sừng tê giác hoàn toàn giống với tóc và móng người. Đó là trách nhiệm của các nhà hoạt động như tôi, cố gắng chuyển đạt những thông tin kiến thức đó đến với họ một cách hiệu quả nhất. Nhưng một khi bạn ý thức hoàn toàn về sự phi lý lẫn man rợ đằng sau những sản phẩm bạn đang tiêu thụ mà vẫn chọn thái độ lãnh đạm và vẫn hưởng thụ những sản phẩm vô nhân đạo này, tôi cho rằng bạn nên thật sự nhìn lại mình trong gương và tự vấn, vì chắc chắn đã có một điều gì đó rất sai trong bản thể nhân tính của bạn. Đến đây, sẽ là một cuộc chiến thật sự với hai vế Thiện – Ác rõ rệt, hoặc để cứu lấy loài vật và hệ sinh thái, để cứu lấy những thiện tâm tốt đẹp còn lại cho loài người, hoặc để tiễu trừ, ngăn chặn cái Ác. 

 Maggie Q cùng hôn phu - diễn viên Dylan McDermott trong lần trở lại Việt Nam tham gia chương trình cứu tê giác. Ảnh: TL

Người ta luôn nhìn thấy chị trên màn bạc cine, đấm đá oai hùng để tiễu trừ cái Ác, và tất cả mọi người vỗ tay. Còn ngoài đời? 

Các anh hùng hành động đều có bi kịch riêng, trên phim và ở ngoài đời cũng vậy. Những nhà hoạt động như chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với câu hỏi “Sao không đi giúp con người? Con người xứng đáng được quan tâm hơn con vật chứ? Còn các trẻ em nghèo thì sao?” Xin thưa rằng, chúng tôi có và vẫn đang quan tâm giúp đỡ con người. Những người nghèo cần sự giúp đỡ của các nhà kinh tế tạo công ăn việc làm, trẻ em mồ côi hay khuyết tật cần các nhà hảo tâm và các nhà sư phạm và các chuyên viên y tế, còn chúng tôi giúp cứu lại phần tử tế trong tâm hồn – thứ duy nhất, trên cả các sức mạnh khoa học, khiến con người trở nên một sinh vật cao quý của chuỗi thức ăn.

Trên khoang xe dùng làm phòng phục trang của tôi tại các trường quay, tôi luôn dán dòng chữ tâm đắc của mình: “Human-kind: be both!” Humankind là một từ để chỉ nhân loại được kết hợp từ human (loài người) và kind (tử tế). Bạn sinh ra trong tự nhiên để là một con người, điều này nằm ngoài sự chọn lựa, đó là một ân phước. Nhưng hãy chọn làm một con người tử tế!

Là một diễn viên, đương nhiên tôi được bao phủ bởi sự tử tế hình thức của những người xung quanh. Người ta tử tế với bạn vì tiếng tăm, một shot ảnh kỷ niệm hay thậm chí một quyền lợi nào đó, điều này đến cùng danh tiếng và công việc của một diễn viên, và tôi ý thức được điều này. Ở phim trường, hay bất cứ đâu, tôi chọn quan sát những người xung quanh mình khi họ đối xử với những người có địa vị xã hội thấp hơn họ, hay những sinh vật không có khả năng “trả ơn” cho họ dưới bất kỳ hình thức nào. Sự tử tế được đối với người thợ phụ, lao công, người phục vụ bàn ăn, hay các con vật, đó mới là sự tử tế chân chính nhất. Tôi không quan tâm nếu họ tử tế với tôi, tôi chỉ quan tâm nếu họ là những con người tử tế. Tôi không tin và không chọn giao du với bất kỳ kẻ nào tôi biết đã hoặc có khả năng đánh một con vật, bỏ đói hoặc bỏ rơi chúng, vì họ chắc chắn đã mất hoàn toàn đối xử tử tế với con người. Hãy nhìn vào đôi mắt một chú chó, và bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Đối với tôi, đó là phép thử và phương thức đánh giá con người luôn luôn chuẩn xác.

Chớ vội nói rằng người khác không có tư cách đánh giá bạn. Thánh Gandhi đã từng nói: “Để đánh giá một quốc gia, hãy nhìn vào cách mà động vật được đối xử ở quốc gia đó”.

Một phần trong tôi là người Việt Nam, tôi yêu và hãnh diện về cội rễ đó của mình, nhưng nếu có một người họ hàng nào của tôi nằm trong số những người Việt ăn thịt chó mèo, tôi chắc chắn sẽ đấu tranh với họ tới cùng, tin tôi đi. Tôi yêu gia đình mình và tuân thủ nguyên tắc sống của mình không kém.

Cuộc chiến chống cái Ác và bảo vệ kẻ yếu ngoài đời thực của chị ắt hẳn không có những cú đá tạt xéo màn hình và những vũ khí tân kỳ vị lai. Vậy một Maggie Q không đánh võ ở ngoài đời có những vũ khí, chiến lược hay chiến thuật nào cho “Nhiệm vụ bất khả thi” ở vai trò đại sứ của WildAid?

Mọi chiến dịch hay từng động thái đều phải được ính toán để có được hiệu quả thông tin giáo dục tốt nhất, mang hiệu lực tức thời đối với hành vi và nhận thức của công chúng. Tôi và các nhà hoạt động bảo vệ động vật cùng hiểu rằng, không nhất thiết mọi người đều sinh ra có được kiến thức khoa học tân tiến, lòng trắc ẩn và hào hiệp, hay tình yêu thương mãnh liệt dành cho động vật. Chúng tôi không chọn cách rao giảng về tình yêu thương đó một cách sáo rỗng, hơn nữa nó cũng chẳng sẽ lay chuyển được ai một khi họ đã chọn một lối sống đi ngược với tình yêu thương, và tôi cũng không thể nào trách cứ họ được. Vì vậy chúng tôi chọn đề cập đến những vấn đề mà họ quan tâm: chính bản thân họ, quyền lợi của họ, tiền bạc của họ, sức khỏe của con cái và người thân của họ.

Điều đó đòi hỏi chúng tôi tìm đến với các nhà khoa học để đưa ra các bằng chứng về cấu tạo keratin ở sừng tê giác hoàn toàn không khác biệt với tóc hay móng của con người, chúng tôi đòi hỏi những chứng cớ từ các cơ quan an ninh để cho thấy lưu lượng sừng tê giác giả đang được buôn bán tràn lan v.v.. Một suy nghĩ không cần quá sâu sắc cũng đủ cho phép bạn thấy bạn không thể trả một số tiền khổng lồ cho một miếng sừng trâu, uống nó bằng lòng tin huyền bí và bỏ mặc bản thân hay người thân không được sự giúp đỡ của y học chính thống cùng những đơn thuốc dựa trên cơ sở khoa học với giá thành rẻ hơn rất rất nhiều.

Tất cả dựa trên một nguyên tắc cơ bản: hãy nói với người khác về điều họ quan tâm nhất. Vậy nếu bạn quan tâm đến sức khỏe và tiền bạc của mình, của người thân, hãy nghiên cứu, hãy lắng nghe, hãy thu thập thông tin một cách thông minh và đừng trả tiền cho cái ác.

  

"Là một diễn viên, đương nhiên tôi được bao phủ bởi sự tử tế hình thức của những người xung quanh. Người ta tử tế với bạn vì tiếng tăm, một shot ảnh kỷ niệm hay thậm chí một quyền lợi nào đó, điều này đến cùng danh tiếng và công việc của một diễn viên, và tôi ý thức được điều này. Ở phim trường, hay bất cứ đâu, tôi chọn quan sát những người xung quanh mình khi họ đối xử với những người có địa vị xã hội thấp hơn họ, hay những sinh vật không có khả năng “trả ơn” cho họ dưới bất kỳ hình thức nào."

Có một ngôi sao ca nhạc vừa hỏi: “Chúng ta ở đây nói về cái sừng con tê giác làm gì? Ca sĩ, nghệ sĩ thì biết gì mà nói và ai nghe chúng ta? Cái người ta cần là những bằng chứng y khoa và các giáo sư, bác sĩ nói lên sự thật liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Ai mà quan tâm đến những ngôi sao giải trí kêu gọi cái gì?” Nếu là chị, chị sẽ trả lời anh ta ra sao?

Trước tiên thẳng thắn mà nói anh ca sĩ ấy hiểu sai công chúng của mình rồi. Ở ngoài kia có những nhóm người khác nhau và họ chọn lắng nghe những tiếng nói khác nhau, dù những tiếng nói hay người phát ngôn đều đưa ra cùng một thông điệp với cùng một mục đích. Một cá nhân duy nhất không thể đưa thông điệp của mình đến với tất cả mọi giới. Một bác sĩ nổi tiếng, một tiến sĩ với đầy đủ uy tín và học vị có thể thuyết phục những người trí thức, người cao niên. Nhưng giới trẻ, họ không thích nghe những gì các nhà bác học giảng giải, và sự thật là họ cũng thường bỏ ngoài tai những gì ông bà cha mẹ nói. Nhưng họ hăng hái đón nhận những gì ngôi sao thần tượng của họ phát ngôn, và miệt mài tiếp thu hành vi lối sống của thần tượng đó. Dù điều anh ta nói đã có phần nào đúng ở ý nghĩ chỉ có bác sĩ mới cắt nghĩa rõ ràng về một phương vô bổ, nhưng một ngôi sao ca nhạc không chỉ ca hát giải trí và tự coi rằng mình đã xong phận sự đền đáp với xã hội. Hãy dùng ảnh hưởng của mình để tạo nên những “đám đông” chất lượng và hiệu ứng tích cực cho môi trường mà sự tồn tại của cá nhân từng nghệ sĩ cũng đang sống, chia sẻ, và có trách nhiệm bảo vệ. Và ở các nước đặc biệt là châu Á, chính thái độ sống và quyết định chọn lựa văn minh của giới trẻ sẽ tác động tích cực ngược lại trên những thành viên trưởng thành trong gia đình. Và đó chính là lí do vì sao trong những chiến dịch của WildAid, chúng tôi có mọi tiếng nói dành cho mọi giới. Các bạn có thể thấy ngôi sao thể thao, thành viên hoàng tộc, chính khách, minh tinh giải trí, và đương nhiên, các học giả chuyên ngành đều tham gia.

Là một người mang một nửa dòng máu Việt nhưng được sinh ra và lớn lên tại một đất nước phát triển bậc nhất, chị nghĩ gì về mối liên hệ giữa văn minh Á Đông và phương Tây?

Dù không nói tiếng Việt, nhưng tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mẹ tôi đủ để hãnh diện và cả quyết rằng tôi là một người châu Á. Hơn thế nữa, với cơ hội sự nghiệp và những kiến thức có được từ nền văn minh của xã hội đã nuôi tôi trưởng thành, tôi còn là một người Á châu có ý thức, niềm kiêu hãnh và trách nhiệm.

Trong suốt quãng thời gian đầu sự nghiệp người mẫu, khi tôi trở về sống ở Hongkong, rồi sau đó lại quay về Mỹ, điều tuyệt vời là tôi chưa bao giờ cảm thấy xa lạ dù ở bất cứ đâu. Tôi tìm thấy những thuộc tính của con người và miền đất từ trong chính cội rễ bản thể, và tôi dễ dàng hòa nhập với tất cả, yêu tất cả như quê hương, tôi luôn ở nhà mình.

Dù vậy chúng ta vẫn phải biết rằng xác suất cực kì cao của việc loài tê giác biến mất hoàn toàn trên trái đất chỉ còn cách chúng ta sáu, bảy năm. Cuộc chiến của chị, chuyến đi này của chị, phải chăng là quá muộn và phi nghĩa?

Đúng. Và không! Đúng rằng rất có thể chúng ta đã quá muộn. Nhưng chuyến đi này, cuộc chiến này hoàn toàn không hề phi nghĩa. Ngay cả khi nếu chúng ta có thua trong cuộc đấu tranh tuyên chiến với tội ác và sự u mê, ít nhất, chúng ta đã đấu tranh quyết liệt và không cho phép cái Ác diễn ra một cách dễ dàng, nghiễm nhiên mà không hề kháng cự đến cùng. Ngay lúc này, tôi không tin rằng chúng ta với những tổ chức hùng mạnh, với những chiến dịch rốt ráo và những thành quả mỗi ngày, tôi không tin rằng chúng ta sẽ thua. Tôi tin rằng ngày nào cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường còn tiếp diễn, ngày nào tôi và các bạn còn có thể đứng lên để bảo vệ những sinh vật khác, cứu vãn lấy sự nhân đạo trong cách hành xử của con người, thì không có lựa chọn nào khác, chúng ta phải chọn lên tiếng và đấu tranh.

Nhiều nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam không khỏi ngần ngại khi tham gia các chiến dịch kêu gọi người Việt thay đổi quan niệm, thói quen, cụ thể như với mật gấu, sừng tê hay thịt chó, vốn được tiêu thụ rộng rãi hay được coi là thần dược. Lí do là bởi việc chống lại các quan niệm hay thói quen này dễ khiến họ mất một lượng fan khổng lồ và tác động xấu đến sự nghiệp và danh tiếng của họ.

Điều tôi có thể nhắn nhủ đến các đồng nghiệp tại Việt Nam, đó là với một thị trường giải trí đang phát triển mạnh và nhiều như Việt Nam, đây chính là giai đoạn đòi hỏi một sự phân hóa mạnh mẽ các thị phần riêng biệt và sớm chấm dứt thời kỳ một thần tượng duy nhất ăn trọn chiếc bánh lớn của thị trường giải trí. Một nhà quản lý hay một nghệ sĩ giải trí nên bắt đầu xác lập thị phần trọng tâm với những đối tượng khán giả sở trường của mình để tập trung toàn lực khống chế thị trường giải trí đó, tồn tại song song cùng nhiều trường phái, cộng đồng có nhu cầu giải trí khác nhau. Do đó, nếu một nghệ sĩ hạng A xác lập khoanh vùng đối tượng tập trung vào những khán giả thật sự trung thành của mình, thì anh ta không cần đến những đối tượng công chúng có ý thức hệ khác biệt, hay đối lập hoàn toàn với mình. Bản lãnh nghệ sĩ giải trí được xác lập khi bạn nắm thế chủ động và chịu trách nhiệm về ảnh hưởng của mình lên cộng đồng khán giả ái mộ, chứ không phải một kẻ chạy theo nền văn minh đám đông để chiều chuộng với tham vọng tiêu khiển giải trí cho cả xã hội.

Sự phân hóa này của ngành giải trí hay của xã hội chính là một hoạt động phân bào khi tự phát triển và tách ra thành những cộng đồng nhỏ có tiếng nói, quan điểm, tư duy và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng như lối sống khác nhau. Tôi khuyến khích các nghệ sĩ Việt Nam nhìn nhận thực tế này và mạnh dạn phát ngôn để khoanh vùng cho mình những khán giả sẽ mến mộ bạn không chỉ bởi các sản phẩm giải trí, câu chuyện đời tư, mà còn đồng cảm và tương tác với bạn về nhận thức, tư duy và tầng văn minh của bạn.

Một nghệ sĩ không cần những “fan” sẵn sàng rời bỏ hoặc tấn công bạn khi bạn chọn phát ngôn sự thật và sống theo nguyên tắc, niềm tin hay lý tưởng của bạn.

Bản thân tôi cũng bị công kích rất nhiều bởi những hoạt động liên quan đến động vật và môi trường của mình, và tôi chọn thẳng thắn trả lời rằng “Nếu bạn đã làm việc cật lực để có một ảnh hưởng lên xã hội, để có tiếng nói riêng, đó là tiếng nói của bạn, hãy nói những gì mình muốn và tận dụng sự ảnh hưởng đó để thực hiện sứ mệnh mà mình tin là tốt đẹp. Tôi đã làm việc cật lực như vậy, và đây là tiếng nói của tôi, không chịu sự chỉ dẫn, áp đặt hay tấn công của quý vị. Như vậy có đủ công bằng hợp lý chưa?”

Và cuộc chiến đó có thể quyết liệt đến đâu một khi phía bên kia, những người tiêu thụ sừng tê giác, đang cũng phải đấu tranh cho sức khỏe thậm chí sinh mạng của chính họ hay người thân?

Đây là quan điểm của tôi: nếu một người thân yêu ruột thịt hay chính bản thân tôi phải ra đi, tôi sẽ chọn cách ra đi đúng đắn và tử tế.

Còn ngay bây giờ, hãy sống lành mạnh, chăm sóc cho sức khỏe cơ thể của mình một cách văn minh và có khoa học.  Bệnh tật không đến từ trên trời. Ví dụ như sự ám ảnh của đa phần đàn ông châu Á về năng lực tình dục chẳng hạn. Người ta không sinh ra và mang chứng yếu sinh lý bẩm sinh. Nó đến từ một quá trình dài của thói quen phản khoa học, của lối sống lười vận động, và đến từ bệnh xã hội. Đừng ngô nghê tin rằng bạn có thể tự dung túng bản thân một lối sống phản khoa học và một ngày nào đó, một con tê giác chết đi sẽ giải quyết vấn đề sức khỏe của bạn.

Cuộc nói chuyện đến đây bị gián đoạn khi John Baker - Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã WildAid buộc phải can thiệp vì đêm đã khuya và Maggie đã hoàn toàn kiệt sức sau những sự kiện liên tiếp tại Việt Nam. Trước khi chia tay chúng tôi, cô gửi lại lời nhắn, một thông điệp cá nhân nằm ngoài sứ vụ của WildAid, nằm ngoài vầng hào quang của một minh tinh, mà từ Lý Mỹ Kỳ - người đàn bà mang trong mình lòng trắc ẩn và cao thượng đặc thù phương Đông: “Dù bạn là Phật tử hay Ki-tô hữu, hay vô thần, chúng ta vẫn chia sẻ cùng một đức tin làm chân lý, rằng ở đâu đó cuối đoạn đường, người ta sẽ phải chịu trách nhiệm và trả giá cho mọi chuyện mình làm. Nhân loại đang chịu trách nhiệm và trả giá bằng những thương tổn trầm trọng của môi trường sống, vậy bạn có nghĩ bạn sẽ dễ dàng vượt qua mà không trả giá cho từng miếng thịt, tấm áo hay món “thần dược” tội lỗi mà bạn đang tiêu thụ ngày hôm nay?”

Trác Thúy Miêu – Hữu Nam

Ảnh: Zun Phan

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.