Trước những cáo buộc và làn sóng tẩy chay trên mạng xã hội đang ngày càng lan rộng, khác với nhiều doanh nghiệp bị khủng hoảng truyền thông luôn khẩn trương lên tiếng, Masan vẫn chọn cách xử lý quen thuộc là im lặng, không kêu oan, không thừa nhận hay khẳng định với người tiêu dùng sự ngay thẳng trong triết lý kinh doanh của một tập đoàn vừa có ông chủ trở thành tỷ phú đô la thế giới, kể cả khi cổ phiếu Masan đang tăng trưởng tốt đã bất ngờ suy giảm mạnh, làm tập đoàn mất 5.000 tỷ đồng vốn hóa, ngay sau thông tin Masan có đại diện tham gia trong Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “sản phẩm thủy sản - nước mắm”.
Là Masan đang tự tin “cây ngay không sợ chết đứng” hay vì “tay nhúng chàm” nên chọn chiến lược im lặng? Cho dù là trường hợp nào thì người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi sự vào cuộc của cơ quan chức năng để có kết luận làm rõ các cáo buộc, trả lại sự trong lành cho thị trường, để các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật. Nếu Masan hàm oan, lẽ nào cơ quan chức năng cứ để tập đoàn phải cam chịu mãi giữa vòng vây cáo buộc?
Để trả lời chung các câu hỏi của bạn đọc gửi về tòa soạn Người Đô Thị muốn biết pháp luật hiện hành quy định thế nào đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh và cơ chế pháp lý nào để có thể làm rõ các cáo buộc liên quan đến Masan, chúng tôi thực hiện cuộc trao đổi với TS. Bùi Kim Hiếu (Trưởng bộ môn Luật, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) và TS. Nguyễn Ngọc Anh Đào (giảng viên Luật Cạnh tranh, Khoa Luật Kinh tế, Đại học Ngân hàng TP.HCM).
Thưa các tiến sĩ luật, theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi thế nào thì bị coi là cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh?
TS. Bùi Kim Hiếu: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.
Sắp tới đây, khi Luật Cạnh tranh năm 2018 có hiệu lực từ ngày 1.7.2019, thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.
Cụ thể là những hành vi nào?
TS. Nguyễn Ngọc Anh Đào |
TS. Nguyễn Ngọc Anh Đào: Theo Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004, các hành vi của doanh nghiệp bị coi là cạnh tranh không lành mạnh khi thuộc 1 trong 9 hành vi sau: chỉ dẫn gây nhầm lẫn; xâm phạm bí mật kinh doanh; ép buộc trong kinh doanh; gièm pha doanh nghiệp khác; gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; phân biệt đối xử của hiệp hội; bán hàng đa cấp bất chính.
Sắp tới đây khi Luật Cạnh tranh năm 2018 có hiệu lực thì các hành vi bị coi là cạnh tranh không lành mạnh sẽ theo quy định tại Điều 45, trong đó có hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó. So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung...
Liên quan đến cuộc chiến của nước mắm công nghiệp với nước mắm truyền thống, báo chí đã đăng tải một số thông tin cho thấy Masan có can dự vào quá trình vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm Việt Nam và cử Luật sư trưởng, Giám đốc tuân thủ Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan vào trong Ban biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “sản phẩm thủy sản - nước mắm”. Trước đó, Masan từng vướng nghi án vu oan nước mắm truyền thống nhiễm asen.
Nhiều hoạt động kinh doanh bẩn khác tạo ra sự hoảng sợ ở người tiêu dùng ngẫu nhiên trùng hợp với những mặt hàng Masan đang kinh doanh: nước tương, mì gói, cà phê… cũng bị nghi ngờ do Masan gây ra. Khi chưa có bằng chứng rõ ràng thì không loại trừ Masan oan sai. Vậy làm thế nào để xác định Masan có vi phạm hay không?
TS. Bùi Kim Hiếu |
TS. Bùi Kim Hiếu: Để xác định Masan có vi phạm luật cạnh tranh hay đang bị nghi oan, cần có cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm chứng lại các thông tin Masan đã đưa ra nhắm vào nước mắm truyền thống, xem liệu có chính xác không, ở các khía cạnh: quy trình làm nước mắm nói chung để đảm bảo chất lượng khi đưa ra thị trường; nồng độ asen (nếu có) trong nước mắm truyền thống có đủ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng như công bố? Tiêu chuẩn quốc tế quy định thế nào? Ai đã trả tiền cho các công ty truyền thông và các hội kiểm nghiệm loan truyền những điều sai trái về nước mắm truyền thống? Cơ quan đã tiến hành kiểm nghiệm, công bố có đúng chức năng, thẩm quyền?…
Với những trường hợp khác, nếu có đủ chứng cứ cho thấy Masan đã bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác thì có thể xác định Masan đã có hành vi gièm pha doanh nghiệp, vi phạm Điều 43 Luật Cạnh tranh năm 2004.
TS. Nguyễn Ngọc Anh Đào: Nghĩa là ở đây, Masan có thể bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện truyền thông, báo chí đưa ra thông tin không trung thực tác động đến nhận thức và đánh giá của khách hàng về nước mắm, qua đó gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất nước mắm truyền thống. Trong trường hợp này, rõ ràng quyền được tiếp cận thông tin của khách hàng cũng đã bị xâm phạm, họ có thể sẽ không tiếp tục mua nước mắm truyền thống về sử dụng nữa vì đã bị tác động bởi thông tin không trung thực. Uy tín của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, phản ánh qua sự yêu thích của khách hàng đối với nước mắm truyền thống, cũng sẽ vì thế bị giảm sút so với trước.
Có những tập đoàn, doanh nghiệp thường xuyên thực hiện chiêu trò kinh doanh bẩn để triệt hạ đối thủ nhằm độc chiếm thị trường, thao túng nhu cầu người tiêu dùng. Thế nhưng “cáo già” thì bao giờ cũng tinh ranh, họ thực hiện những “tội ác không dấu vân tay” bằng những cách không lộ diện như thuê các công ty truyền thông hợp tác tài trợ cho hội này, hội nọ công bố những kết quả điều tra thị trường sai lệch, phản khoa học hay “đi đêm” để tác động thay đổi chính sách, đưa ra chính sách mới nhằm mưu lợi cho mình và gây hại cho đông đảo người khác.
Lẽ nào những hành vi như vậy mãi mãi chỉ rơi vào nghi ngờ mà không thể có một cơ chế pháp lý nào (thanh tra, kiểm tra...) để làm rõ những tập đoàn, doanh nghiệp đó có vi phạm pháp luật không?
TS. Nguyễn Ngọc Anh Đào: Trước tiên, cần phải nói rằng, việc các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện chiêu trò kinh doanh bẩn không lộ diện như câu hỏi đề cập là hành vi rất thường có của các doanh nghiệp, xảy ra ở mọi ngành, mọi lĩnh vực kinh doanh. Những hành vi này rất cần có sự can thiệp từ Nhà nước bằng các quy định pháp luật về thanh tra chuyên ngành và các chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Để thị trường lành mạnh, minh bạch thì rất cần có những cuộc thanh tra, kiểm tra khách quan để làm rõ các cáo buộc của người dân về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các tập đoàn, doanh nghiệp trong những vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận. Khi đã xác định được hành vi vi phạm thì tùy mức độ, sẽ áp dụng chế tài hành chính, dân sự, thậm chí hình sự.
Về chế tài hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 71/2014 /NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác (trường hợp hành vi này thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng).
Bên cạnh phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, buộc cải chính công khai...
Một số dữ kiện từng khiến Masan bị dư luận cáo buộc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với nước mắm truyền thống. Ảnh: Đình Hòa - Đ.H
Ngoài ra, doanh nghiệp là nạn nhân cũng có thể khởi kiện doanh nghiệp vi phạm ra tòa án để đòi bồi thường thiệt hại theo chế tài dân sự. Nếu hành vi vi phạm đó có đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về cạnh tranh trong Bộ luật Hình sự thì còn bị áp dụng chế tài hình sự...
Chế định xử phạt như trên liệu đã đủ sức răn đe những gian thương không tiếp tục giở trò kinh doanh bẩn trong thị trường?
TS. Bùi Kim Hiếu: Với lợi nhuận siêu lớn từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh đem lại cho doanh nghiệp và hậu quả họ gây ra cho thị trường, tôi cho rằng các chế tài theo quy định pháp luật hiện nay áp dụng tại Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa vi phạm hoặc tái phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp chân chính, cùng người tiêu dùng.
Ở nhiều nước trên thế giới, mức phạt hành vi này rất cao, cùng với quyền lực tẩy chay của người tiêu dùng, thì một doanh nghiệp có thể bị phá sản nếu phát hiện có hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây bức xúc lớn với dư luận.
Doanh nghiệp hay người tiêu dùng khi nghi ngờ tập đoàn nào đó đang cạnh tranh không lành mạnh thì họ nên làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình?
TS. Nguyễn Ngọc Anh Đào: Tùy theo hành vi vi phạm, doanh nghiệp bị vi phạm có quyền nộp đơn đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra xử lý, như: cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương), thanh tra thuộc Sở Khoa học Công nghệ ở địa phương, cơ quan quản lý thị trường, tòa án...
Đối với người tiêu dùng, có thể phản ánh bức xúc của mình đến các đơn vị được giao chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như: gọi đến tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Ban chỉ đạo 389, Tổ công tác đặc biệt 334 hoặc thông qua các cơ quan báo chí...
TS. Bùi Kim Hiếu: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm chung của Nhà nước, mà còn của toàn xã hội, trong đó vai trò của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được tăng cường hơn nữa. Họ phải tạo được niềm tin với người tiêu dùng, chứ để mất uy tín như vụ nước mắm nhiễm asen thì ai còn tin họ nữa.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng hiện hành cũng đã quy định rõ: người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Hiểu nôm na, đó chính là quyền lực tẩy chay của người tiêu dùng, mà họ có thể sử dụng như một cách thức bày tỏ thái độ bất bình với hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp, có sự trừng phạt nào mạnh mẽ hơn, đáng sợ hơn bằng sự quay lưng của người tiêu dùng?
Khi nào doanh nghiệp sử dụng chiến lược im lặng?
Theo Quyền năng bí ẩn - cuốn sách viết về cách thức ứng dụng các triết lý thống trị cổ xưa vào lĩnh vực PR hiện đại nhằm gây ảnh hưởng đến hành vi đám đông trên diện rộng: khi gặp khủng hoảng, chiến lược im lặng thường được các doanh nghiệp dùng khi không thể nghĩ ra bất kỳ sự giải thích nào có thể khiến công chúng chấp nhận; không muốn tranh cãi để đẩy vấn đề đi quá xa, mất kiểm soát; có một lý do ngầm nào đó không thể tiết lộ hoặc buộc phải giữ kín để bảo toàn đại cuộc và có khả năng vận động hành lang (lobby) khá mạnh, đủ để làm “con tàu dư luận mất tích vào cái hố sâu thẳm của thời gian”…
Lan Vy thực hiện