‘Mê’ của Phan Thiết – một sự chuyển đổi ngoạn mục

 21:54 | Thứ sáu, 11/03/2022  0
Vào chiều ngày 10.3 vừa qua, tại Art Space Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Mê” của họa sĩ Phan Thiết. Triển lãm, ban đầu dự kiến được tổ chức từ năm 2020, thực chất là sự thực hiện lời hứa của họa sĩ đối với bạn bè công chúng yêu nghệ thuật, sau hai năm lỡ hẹn bởi đại dịch Covid-19.

Giã từ và cách tân

Triển lãm “Mê” đánh dấu một sự chuyển đổi ngoạn mục của họa sĩ Phan Thiết. Nếu trước đây, người ta biết đến ông với tranh hội họa lịch sử, phong cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của con người, đặc biệt là con người miền núi hồn hậu thô phác. Thì nay, tạm rời xa những chất liệu đời thường và đề tài hiện thực xã hội chủ nghĩa, Phan Thiết táo bạo khai phá một địa hạt mới đầy mạo hiểm – tính dục và nghệ thuật.

Họa sĩ Phan Thiết phát biểu tại khai mạc triển lãm Mê.

Thanh – tục hay vấn đề tính dục trong nghệ thuật, trên thực tế, đã không còn mới. Cứ thử kể đến như nữ sĩ Hồ Xuân Hương thôi đã trở thành cả một trường hợp văn học Trung đại điển hình gây tranh cãi, giữa dâm tục hay là không dâm tục. Nhưng tính dục luôn là một chủ đề lôi cuốn các nghệ sĩ, giống như chuyện phồn sinh duy trì nòi giống cũng có mối liên hệ mật thiết thần bí nào đó với chuyện sự năng sản của sáng tạo vậy.

Trong nghệ thuật, mô tả tính dục hay tôn vinh hành động tạo sinh, cũng chính là tôn vinh sự sống.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức phát biểu tại triển lãm Mê.

Triển lãm “Mê” bao gồm 42 tác phẩm giai đoạn gần đây của Phan Thiết, được họa sĩ bắt tay sáng tác từ năm 2017, đánh dấu sự chuyển đổi triệt để không chỉ về đề tài, mà còn về phong cách.

Vẫn bảo lưu những kỹ thuật vẽ điêu luyện vốn là kết quả tích lũy của quá trình đào tạo bài bản chính quy và thực hành hội họa hàn lâm, Phan Thiết đã ứng dụng để thể nghiệm sang một thể loại mới hoàn toàn, mà theo như nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông, mang hơi thở Pop art. Các tác phẩm mới của Phan Thiết vẫn thể hiện hình, khối, bố cục một cách chặt chẽ và chắc chắn, nhưng với những đường contour buông lơi và phá cách.

Về nhan đề của triển lãm – “MÊ,” họa sĩ tự bộc bạch: “Mê là sự dồn nén để bung tỏa hết thảy năng lượng cho ý muốn nhân sinh duy nhất riêng tư hoặc tập hợp riêng tư bất kỳ nhân sinh… […] Mê là Con Người là Cuộc Đời sống động cõi riêng… Mê bởi bản thể khoe tâm thức ham muốn cốt cất lời ca tôn thờ cái muốn không vướng bận gì những đánh đổi nào băn khoăn nào chọn lựa hoang mang hay kiên định…”

Đầm, sơn mài, 100 x 200 cm.

Mùa yêu, acrylic trên toan, 100 x 200 cm.


Cuộc tranh MÊ của Phan Thiết

Tại lễ khai mạc của triển lãm, có sự tham dự của nhà phê bình mỹ thuật Mai Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức (Đức “nhà sàn”), nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông – đại diện Trung tâm Phát triển và sáng tạo mỹ thuật 42 Yết Kiêu, cùng đông đảo bạn bè họa sĩ và công chúng yêu nghệ thuật.

Lụy ba đào, sơn mài, 100 x 200 cm.

Mê 1, acrylic trên toan, 100 x 200cm.

Mê 6, acrylic trên toan, 100 x 200 cm.


Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nói về “Cuộc tranh MÊ” của Phan Thiết, rằng: “Gạt bỏ kỹ năng, gạt bỏ cả sự tinh tế nhẫn nại, cả cái từng tôn thờ như một giá trị thẩm mỹ đã từng ngự trị. Gạt bỏ cả cái cảm xúc đẫm lệ nhưng nhức rung động tình cảm chân chất vốn là thế mạnh của nền văn hoá Việt kia để dấn thân vào sự khe khắt của lý trí, đơn giản đến lạnh lùng để đến mạnh mẽ và rộng lớn trong nhận biết từ những biểu hình không tả mà ẩn chứa sức mạnh chinh phục cái nhận biết tự thân của ngôn ngữ tạo hình.

Anh thấu triệt, gọt giũa để tinh giản không thương tiếc cái sự thừa thãi của ngôn ngữ khác, sự kể lể, sự tả tình huống và tình tiết vốn chúng ta thường mắc, để bằng hình, bằng màu, bằng khối, bằng kết cấu, bằng ánh sáng đến với người xem trực tiếp bởi ngôn ngữ và thái độ của nghệ thuật.”

Xuân dục 1, acrylic trên toan, 100 x 150 cm.

Không gian triển lãm Mê. Triển lãm sẽ diễn ra cho tới hết ngày 17.3.2022.

Còn nhà văn Đặng Thân lại có nhận định về hành trình hội họa của Phan Thiết: “Hành trình hội họa của Phan Thiết đã đi qua mọi cơ bản, hàn lâm, truyền thống và cả ‘minh họa chính trị’ với đủ cả bột màu, thuốc nước, giấy dó, tượng đài, bảo tàng... Những tri thức và trải nghiệm đó, tuy nặng tính ‘nhiếp ảnh’ và lụy đời lụy người nhưng đã có đóng góp của chúng, mà điểm lớn trong đó là tạo ra những ‘hiện thực dớ dẩn’ làm cho người nghệ sỹ thêm phần ‘quẫn bách’ và thúc bách anh ta kiếm tìm lối thoát và tìm chính mình.

Ngoài cây cọ, anh còn có cây bút của văn thơ phò tá, cho nên hạnh phúc của anh là đã có trong tay những phương tiện tối ưu để biểu đạt sáng tạo, và cùng với đó là nhiều cơ hội ‘giải thoát’ thông qua sáng tạo.”

Một chuyện không riêng gì ở Việt Nam, thậm chí còn ở quy mô toàn cầu, rằng rất nhiều nghệ sĩ thành danh đã trở nên hài lòng với “thương hiệu” và dành phần còn lại của sự nghiệp chỉ nhằm lặp lại “công thức thành công” của mình, vốn dĩ là một đảm bảo về mặt tài chính. Nhưng nghệ thuật, đối với người sáng tạo, vừa hấp dẫn lại vừa thách thức. Đấu tranh với những trăn trở bất toàn trong sáng tạo để làm mới mình là mong ước của nhiều nghệ sĩ, nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua.

Phan Thiết cùng triển lãm “MÊ” là một thử đột phá.

Họa sĩ Phan Thiết sinh năm 1953 tại Hà Nội, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1973 ông tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội và xung phong lên công tác tại Ty Văn hóa tỉnh Hà Giang. Sau đó trở về Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1983 chuyên ngành Sơn mài, trở thành họa sĩ tự do sáng tác trên nhiều chất liệu như sơn dầu, giấy dó, lụa, phấn màu.

Năm 1996 họa sĩ về công tác tại Công ty Mỹ thuật Trung ương, chủ trì xây dựng thiết kế nhiều công trình văn hóa như các bảo tàng, nhà văn hóa, tranh hoành tráng, phù điêu.

Bên cạnh đó, Phan Thiết từng tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật trong nước cũng như triển lãm nhóm họa sĩ ở Hà Nội và TP.HCM.

Phạm Minh Quân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.