Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết như vậy tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều 27.8.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) trả lời báo chí tại cuộc họp báo.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn quận 10 mà một số báo chí đăng tải, bác sĩ Tâm cho biết có nghe thông tin đó nhưng khi tìm hiểu bài viết, link trên mạng thì không còn. Trên quan điểm của người làm trong công tác y tế, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho rằng vắc-xin COVID-19 Pfizer theo khuyến cáo của nhà sản xuất cho phép sử dụng ở đối tượng 12-17 tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vắc-xin Pfizer chỉ tiêm cho người trên 18 tuổi và chưa có hướng dẫn mới của Bộ Y tế nên ngành y tế TP chưa triển khai tiêm cho người dưới 18 tuổi. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, ngành y tế TP đã có kế hoạch tiêm mũi 2 cho những người đã từng tiêm mũi 1, đến thời gian tiêm, địa phương sẽ nhắn tin thông báo đến người dân để đến tiêm chủng.
Sắp tới TP cũng như trung ương sẽ tiếp tục vận động tìm các nguồn vắc-xin để giải quyết tiêm đủ 2 mũi cho 75% người trên 18 tuổi.
Tình trạng F0 tăng thời gian gần đây là do TP tăng cường xét nghiệm tầm soát F0 trong cộng đồng thông qua xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm ở địa phương. Mục tiêu của kế hoạch xét nghiệm này nhằm phát hiện F0 để có biện pháp quản lý, điều trị phù hợp, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.
TP cũng đã triển khai hơn 400 trạm y tế lưu động ở phường, xã để hỗ trợ F0 tại nhà. Triển khai trạm y tế lưu động không chỉ tăng cường chăm sóc F0 đang điều trị tại nhà mà còn giải quyết khám chữa bệnh ban đầu cho những trường hợp bệnh khác, không phải chỉ là bệnh nhân COVID-19.
Về túi thuốc cho F0, khi F0 khi được xác định đủ điều kiện quản lý tại nhà thì phát túi thuốc, trong đó có 3 nhóm. Nhóm B gồm thuốc thông thường như hạ sốt, vitamin bồi bổ cơ thể; nhóm B gồm thuốc đặc trị hơn dùng theo chỉ định như kháng viêm, kháng đông và nhóm C là thuốc kháng virus được quản lý nghiêm ngặt và khi dùng phải có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc kháng virus, Sở Y tế sẽ căn cứ vào số lượng F0 từng địa phương để chuyển về cho bệnh nhân sử dụng. Thuốc này khi dùng phải có đăng ký và kiểm soát đặc biệt như người bệnh phải ký cam kết theo mẫu của Bộ Y tế không sử dụng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú. Nếu không sử dụng nữa thì phải hoàn trả thuốc.
Hôm qua, ngành y tế TP đã nhận 16.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir tương đương 320.000 viên. Hôm nay, TP cũng bắt đầu triển khai số thuốc này cho các địa phương để sử dụng cho F0.
Tin, ảnh: Hải Yến