Người nhà nước trong văn chương Việt Nam hôm nay - Kỳ 4: Người nhà nước - từ đơn giản đến hiện sinh

 23:07 | Thứ sáu, 09/06/2017  0

Đó còn là “tấm gương” cho quần chúng noi theo (Quyết trong Rừng xà nu, Châu trong Vợ chồng A Phủ, Lữ trong Dấu chân người lính, Công trong Những đứa con trong gia đình…).

» Người nhà nước trong văn chương Việt Nam hôm nay

» Người nhà nước trong văn chương Việt Nam hôm nay - Kỳ 2: hiện tượng “lại giống”

» Người nhà nước trong văn chương Việt Nam hôm nay - Kỳ 3: Biểu hiện mẫu người công chức lệch chuẩn mực

Chân dung "người nhà nước" trong các tác phẩm văn chương Việt Nam

TS. Hoàng Cẩm Giang: 

“Diễn ngôn kép” trạng thái hiện sinh của gười nhà nước

Trong văn học thời kỳ hậu chiến (1975-1985) và đặc biệt là thời kỳ Đổi mới (1986-2000), bên cạnh hình tượng người lính, hình tượng người cán bộ quản lý, người công chức bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, và có nhiều nét mới.

Các nhà văn bắt đầu thể hiện một thái độ nhiều lo âu, nhiều băn khoăn, trăn trở về sự đổi thay phẩm chất của những người “cán bộ cách mạng” trong đời sống hòa bình, trong vòng xoáy của kinh tế thị trường. Chẳng hạn, với Mùa trái cóc ở miền Nam, Nguyễn Minh Châu đã đề cập một cách sâu sắc và nhức nhối sự tha hóa nhân cách, sự suy thoái đạo đức của kiểu nhân vật “cán bộ cách mạng” (tiêu biểu là Toàn và Đỉnh, để lấy lòng cấp trên, họ đã tìm mọi cách để gây sự chú ý bằng những quan tâm giả tạo; trong khi ấy, khi gặp mẹ, Toàn lại hoàn toàn dửng dưng, vô cảm, chỉ lo tra hỏi lý lịch của mẹ và còn “ngửi giọt nước mắt của mẹ”….).

         
          TS. Hoàng Cẩm Giang

Trong Mùa lá rụng trong vườn, Lý là một mẫu hình công chức mới rất nhanh nhạy, năng động, luôn luôn làm tốt mọi công việc trong gia đình, cơ quan. Tuy nhiên, Lý cũng là người ham mê quyền lực, có lối suy nghĩ thực dụng, quá coi trọng vật chất, coi trọng đồng tiền. Nhân vật Luận trong tiểu thuyết đã nhận xét về Lý: "Thiếu sự bảo trợ của những giá trị tinh thần khác, những gì là tốt đẹp trong bản chất chị bỗng trở thành bấp bênh", để rồi cuối cùng, chị đã sa ngã. Các nhân vật Bình, Tâm, Hoàng trong Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà) cũng có những đặc điểm tương tự như vậy…

Trong văn học từ đầu thế kỷ XXI đến nay, “người nhà nước” hay người công chức thường được thể hiện với một “diễn ngôn kép” và nhấn mạnh vào trạng thái tồn tại hiện sinh của họ.

Người công chức không còn chỉ được nhìn nhận từ góc độ con người chức năng, mà được soi chiếu trong sự phức tạp bản thể của nó. Nói như Bakhtin, kiểu nhân vật này đang dần trở nên không còn “trùng khớp” với chính mình, với địa vị xã hội của mình.

Chẳng hạn, Hoàn trong Người đi vắng, Khẩn trong Ngồi của Nguyễn Bình Phương là dạng nhân vật “phân thân”: một lay lắt, trì trệ và mờ tối với cuộc sống và công việc bế tắc, đơn điệu hiện thời; một trong sáng, thanh thoát và thánh thiện với những giấc mơ hay những khao khát thầm kín trong tiềm thức. Hai “con người” ấy, lúc xen kẽ, lúc đồng hành, lúc rượt đuổi lẫn nhau, làm nên một diện mạo rất khó định hình và cắt nghĩa. Trong T. mất tích (Thuận), nhân vật thậm chí đã hoàn toàn biến mất khỏi thực tại, như thể không còn bất kỳ liên hệ nào với xã hội và bối cảnh của một người viên chức mà cô ta sống. Cô ta đã tự trục xuất mình ra khỏi chính cái khung khổ mà mình được xếp đặt vào…

Nhìn chung, tới thời điểm hiện tại, mặc dù không được quan tâm thể hiện như giai đoạn trước, nhân vật công chức/viên chức vẫn có mặt trong văn học, nhưng đã trở nên phức tạp hơn, hiện sinh hơn, thể hiện những chiều kích phức tạp khác nhau của con người xã hội đương đại.

TS. Đoàn Ánh Dương:

Các mẫu người “đi vắng”

Chúng ta có thể nói về chủ đề “người nhà nước” trong văn học nghệ thuật hôm nay bởi vì, theo tôi, là do văn học của chúng ta lúc này vẫn chủ yếu nằm trong phạm vi của mô hình phản ánh luận. Nhà văn đi tìm cảm hứng và chất liệu từ đời sống rồi phản ánh nó vào trong sáng tạo của mình. “Người nhà nước”, theo đó, trở thành nhân vật văn học nghệ thuật. Và để hiện lên sinh động – “hiện thật”, nhân vật ấy phải được bao bọc trong môi trường “văn hóa người nhà nước” như ngoài đời sống cũng như trong những biểu hiện mà văn học nghệ thuật tạo nên.

         
           

Chúng ta đã thấy một mô hình văn hóa dân tộc – đại chúng trong văn học về “người nhà nước” thời chiến, mô hình văn hóa quan liêu – bao cấp thời bình. Hiện nay, đó là văn hóa công sở - nhưng là công sở đã bị phai lại đi đặc quyền của “người nhà nước”, bởi bộ phận “người nhà nước”, được chúng ta hiểu là những người ăn lương ngân sách quốc gia, đang phải hòa vào đám đông đông đảo hơn những người cũng có môi trường (làm việc, sinh hoạt) tương tự, nhưng nhận lương từ những ông chủ tư nhân nằm ngoài hệ thống công quyền; thậm chí, bản thân “người nhà nước” cũng tự giải-đặc-quyền của mình để vươn ra ngoài hệ thống, duy trì một hình thức quyền-lực-lai, vẫn thường được gọi nôm na là “chân trong chân ngoài”, cụ thể hơn là “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Bối cảnh văn hóa chuyển đổi này khiến cho hình ảnh “người nhà nước” (cùng văn hóa của họ) có những biến chuyển trong sự phản ánh của văn học nghệ thuật.

Thứ nhất, ta thấy vắng bóng những nhân vật thuộc tầng lớp lãnh đạo cấp cao, những lãnh tụ, bí thư, chủ tịch, vốn trước đấy đã bất chấp cả sự quy kết “sùng bái cá nhân” để hiện diện rộng khắp trong thơ, ca, nhạc, họa. Một sự vắng bóng trên cả phương diện tôn thờ, ngợi ca chứ chưa nói đến phương diện nghi hoặc, chất vấn, như trong rất nhiều tiểu thuyết (trinh thám) hay điện ảnh (kiểu Hollywood) phương Tây đang tràn ngập thị trường giải trí Việt Nam.

Thứ hai, ta cũng thấy vắng bóng những nhân vật có tính cách đặc thù của chính quyền (như quân đội, công an, tình báo,…) dù các cuộc thi lấy chủ đề “người lính trong cuộc sống hôm nay” hay “vì bình yên tổ quốc” vẫn được thường xuyên tổ chức. Vài quyển tiểu sử, mấy bộ phim chuyển thể về “cảnh sát hình sự” không ăn nhằm gì so với sách và phim ảnh cùng loại của thế giới được chuyển dịch vào Việt Nam.

Thứ ba, ở bộ phận còn được hiện diện không nhiều – tầng lớp công chức viên chức bậc thấp,  những mô tả đã có ít nhiều thay đổi. Hầu như không còn những nhân vật trăn trở về lý tưởng, lẽ sống, trách nhiệm trước nhiệm vụ, hệ thống, quốc gia – dân tộc. Có phải người ta đã tư duy vượt ra ngoài sự chuyên chế khi các tế bào dân sự được hình thành, len lỏi trong nhiều ngõ ngách đời thường.

Cảm hứng tự phán, giễu nhại của nhân vật “người nhà nước” vẫn còn, song chủ yếu, con người đặc quyền đặc thù này, đã được nhìn nhận chủ yếu trong tính hiện sinh, tự tại, với ít nhiều trào lộng trong tư cách của một tầng lớp công sở đang chuyển biến, ở một đất nước đang chuyển mình.

P.V

» Người nhà nước trong văn chương Việt Nam hôm nay

» Người nhà nước trong văn chương Việt Nam hôm nay - Kỳ 2: hiện tượng “lại giống”

» Người nhà nước trong văn chương Việt Nam hôm nay - Kỳ 3: Biểu hiện mẫu người công chức lệch chuẩn mực

» Ám ảnh đô thị qua văn học đương đại Việt Nam: Ba làn sóng

» Bơ vơ tìm lại thiên đường

» Đô thị chính là đời sống nhà văn

» Căn nguyên những ám ảnh tập thể

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.