1. Này nhé, mang các món ăn, các sản phẩm đặc trưng của Nam bộ ra Liên hoan Ẩm thực quốc tế để giới thiệu với bạn bè mười mấy nước, vừa giao lưu văn hóa, vừa bán lấy tiền đóng góp cho Bộ Ngoại giao để xây trường học vùng cao và giúp trẻ em bị ung thư.
Chào hỏi đôi điều rồi ai nấy vội lên máy bay ra Hà Nội. Ở đó, chỉ vỏn vẹn có một ngày để khuân vác, trang trí, bày biện, thế mà 13 gian hàng “Đặc sản Nam bộ” trong khu vực Liên hoan (gồm 90 gian) đã đâu vào đó. Chỉ 5 tiếng sau lễ khai mạc, hàng hóa trên quầy đã bán hết sạch. Trong tổng số tiền gần 6 tỷ đồng Ban tổ chức thu được tại hoạt động ngoại giao - văn hóa đặc sắc này, Sharing đóng góp 419.250.000 đồng, trong đó có hơn 200 triệu đồng từ Quỹ Thành Ngọc.
Đã 10 năm liên tục tham gia hoạt động này, tất cả các thành viên Sharing đều tôn trọng nguyên tắc tự thanh toán các khoản chi phí di chuyển, khách sạn, thuê gian hàng và bàn ghế… Hàng hóa vận chuyển từ phía Nam ra bán được bao nhiêu góp hết cho Ban tổ chức để làm từ thiện.
Nhóm Sharing tặng đại diện Bộ Ngoại giao số tiền 419.250.000 đồng để làm từ thiện, trong đó Quỹ Thành Ngọc tặng thêm 200 triệu đồng (12.2023).
Nét mới của Liên hoan năm nay là có sự tham gia của một sản phẩm văn hóa đến từ Tạp chí Người Đô Thị - một người bạn đồng hành thân thiết của Sharing trong những chặng đường thiện nguyện. Những số báo đặc sắc về nội dung và hình thức trong 10 năm qua, trong đó có các bài viết về hoạt động của Sharing đã được phóng lớn trưng bày tại khuôn khổ Liên hoan và thu hút khá đông người xem, mua. Người mua phần lớn là do ủng hộ hoạt động ngoại giao - từ thiện đặc sắc của Bộ Ngoại giao mà bà Mai Thị Hạnh - phu nhân của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, người sáng lập Sharing đã đồng tham gia tổ chức Liên hoan từ lần đầu tiên xuyên suốt đến tận bây giờ.
2. Trước khi đi Hà Nội tham gia sự kiện ẩm thực đa quốc gia vì cộng đồng như đã nói ở phần trên, Sharing đã “mất ăn, mất ngủ” vì nỗi lo: “Năm nay nhà nhà, người người vẫn còn rất khó khăn do ảnh hưởng hai năm Covid-19, phải huy động cách nào để duy trì được hoạt động từ thiện?”. Lo, tự hỏi và tự trả lời: khó mấy thì vẫn phải tìm cách giúp những người, những nơi cần giúp. Không thể nhân danh làm việc thiện để tiếp nhận bất kỳ đóng góp nào nếu biết ở đó có nguồn gốc bất chính.Vậy thì chỉ còn cách: Ai làm doanh nghiệp hợp pháp thì trích lợi nhuận nhiều hơn nữa cho hoạt động từ thiện. Ai còn tiền tiết kiệm, tiền dự trữ phòng khi hữu sự thì lúc này lấy ra. Ai tài lực nhiều hơn thì đóng góp nhiều hơn, không so đo với thành viên khác. Chỉ còn cách đó để tạo ra nguồn tiền từ tâm cho hoạt động thiện nguyện. Chỉ còn cách đó Sharing mới có thể góp sức cùng nhiều tổ chức xã hội từ thiện khác lo cho người nghèo, trước nhất là trẻ em, người bệnh, người già, các cựu chiến binh từng dành tuổi thanh xuân bảo vệ yên bình cho nhân dân và chủ quyền của Tổ quốc.
Nhóm Chia sẻ - Sharing đi thăm và tặng phương tiện sinh sống cho đồng bào nghèo ở biên giới Việt - Lào, 2020.
Nung nấu suy nghĩ đó, các thành viên của Sharing đã không để cái khó cản bước chân thiện tâm của mình. Một trong những chứng nhân cho điều đó là bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, là người rất thường “mai mối” cho Sharing các trường hợp bệnh nhân cần được cứu giúp. Chẳng còn nhớ bao nhiêu trường hợp, nhưng trong báo cáo tháng 11.2023 do chính bác sĩ Chiến tổng kết và gửi cho Sharing thì chỉ riêng năm 2023, từ tháng 1 đến tháng 11, Sharing đã giúp 277 triệu đồng cho các trường hợp bệnh nhân nặng của bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Bằng cách nào đó, kể cả bằng uy tín cá nhân của phu quân bà Mai Thị Hạnh, Sharing đã huy động được xấp xỉ 14 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện từ giữa năm 2023 đến đầu 2024. Tháng 9.2023 góp 100 triệu đồng cho chương trình TTC Tiếp sức đến trường cho trò nghèo học giỏi ở Bến Tre. Tháng 10.2023 cùng TTC giúp 300 triệu đồng cho 346 trẻ mồ côi, khuyết tật tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương ở Bình Dương.
Tháng 5.2023 đóng góp 1 tỷ đồng cho xây dựng Nhà bia tưởng nhớ 49 đồng bào bị quân Trung Quốc sát hại tại Tổng Chúp - Cao Bằng. Phối hợp với Báo Tuổi Trẻ (ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ) tặng quà và hiện kim cho 1.700 trẻ nghèo trong chương trình “Trung thu mơ ước - 2023” ở TP.HCM. Giúp người nghèo biên giới ở Ba Chúc - An Giang, ở Gia Lai - Kon Tum. Trại hè cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam…
Nhóm Chia sẻ - Sharing trong đợt đi thăm và tặng quà cựu tù chính trị trước 1975 có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Trị, dịp kỷ niệm 50 năm (1973 - 2023) sự kiện trao trả tù binh sau Hiệp định Paris.
Bước sang tháng đầu tiên của năm 2024, Sharing đã hối hả vận động được hơn 1 tỷ đồng, gần đủ số tiền để thực hiện các chương trình thiện nguyện đầu năm: chăm lo cho các hộ giữ rừng Cần Giờ, hộ nghèo ở Bến Tre, Sóc Trăng; tặng quà Tết cho 1.000 trẻ nghèo cơ nhỡ ở TP.HCM, Long An; giúp chi phí đi lại và bữa ăn cho 500 cựu chiến binh về Hà Giang dự giỗ trận Vị Xuyên vào năm thứ 45 cuộc chiến chống Trung Quốc ở biên giới; chương trình Chăn ấm mùa đông cho đồng bào nghèo phía Bắc.
Hỏi trưởng nhóm Chia sẻ - Sharing Nguyễn Thị Tranh vì sao năm nay kinh tế còn nhiều khó khăn mà Sharing vẫn huy động được nguồn lực chăm lo cho người nghèo, câu trả lời của người phụ nữ nhanh nhạy, xông xáo và rất trách nhiệm này là: “Vì có nhiệt tâm và trách nhiệm tràn đầy của toàn thể anh chị em trong nhóm. Vì có sự gương mẫu và lòng hảo tâm quảng đại của những anh chị em như gia đình chị Thu Thủy - Thu Hà ACB, anh chị Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc, gia đình anh chị Trương Tấn Sang, thầy Tuệ Hải, em Phượng Công ty Suối Tiên, chị Trần Thị Lệ Nutifood, má Phương, cháu Cường công ty C - Holding, chị Thúy Nga Công ty Kiến Á, Quỹ Nguyễn Trương Gia, chị Xuân Trang JRP, chị Trương Minh Tuyết…”.
Bà Mai Thị Hạnh tặng quà Trung thu 2022 cho trẻ nghèo. Ảnh: Thế Thanh
Câu trả lời chỉ dừng ở đó, nhưng đọc những dòng tin nhắn của chị trên viber thì biết chị vui lắm vì nhóm Sharing đã cùng nhau thực hiện được những gì mà người thủ lĩnh của nhóm - chị Mai Thị Hạnh luôn tâm niệm, nhắc nhở: “Giúp người khó người nghèo không chỉ để họ bớt khó bớt nghèo mà là để họ có cơ hội vươn lên và để tinh thần yêu thương con người lan tỏa được đến thế hệ các em, các cháu”.
Trong những dòng tin nhắn của chị Tranh trên group luôn cập nhật những niềm vui và hy vọng thế này: “Các cháu Uri và Uron đập ống heo tiết kiệm xin đóng góp 5 triệu đồng cho chương trình lo Tết cho người nghèo”, “Cháu Hòa con chị Năm xin góp 5 triệu”, “Xin tặng mỗi chú cựu chiến binh Hà Giang 300.000 đồng cô nhé - cháu Phượng”, “Cháu Ức My xin tặng 1.000 phần quà (323.000 đồng/phần) cho 1.000 hộ nghèo ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) và xã đảo Giồng Trôm (Bến Tre), “Cháu Trương Huy Tuấn mới đi làm xin góp 2 triệu đồng từ tháng lương đầu tiên vào chương trình chăm lo người nghèo ăn Tết”...
Và đây nữa, Tết Giáp Thìn 2024 này là tết đầu tiên chàng trai Cao Quốc Hưng quê Chợ Lách, Bến Tre được xưng danh bác sĩ sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa loại giỏi vào tháng 10.2023. Cách đây 6 năm, Hưng định bỏ học dù đã thi đậu vào Đại học Y khoa với số điểm gần như tuyệt đối 29,75. Lý do thật đau lòng: ba và anh trai bị bệnh não rất nặng, mẹ phải làm mướn nuôi cả nhà bữa đói, bữa no. Hưng sao đành lòng đi học! Biết chuyện đó, một thành viên của Sharing đã quyết định dành những đồng lương hưu ít ỏi của mình để giúp Hưng lo học phí, sinh hoạt và thuê nhà trọ.
Không chỉ thành viên ấy, anh chị em Sharing đã thường xuyên khích lệ tinh thần Hưng bằng những lời thăm hỏi và các món quà nhỏ thiết thực. Bằng năng lực bản thân và sự khích lệ đó, 6 năm y khoa của Hưng là 6 năm sinh viên giỏi. Tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của bác sĩ trẻ Cao Quốc Hưng đích thực là món quà Tết quý giá không chỉ cho gia đình còn nghèo khó của anh mà còn là niềm động viên cho tất cả thành viên nhóm Chia sẻ - Sharing: Lòng yêu thương con người, có tìm là thấy, có đi là đến.
Bài: Nguyễn Thế Thanh - Ảnh: Sharing