Những 'que diêm' heo né bão giá

 16:53 | Thứ tư, 10/05/2017  0

Ba rọi heo đen phố núi, đưa bia hay đón cơm đều ngọt!

Khoảng 200 ngàn tấn thịt heo tồn động. Kéo theo, cả biển tiếng thở dài não nuột của hàng vạn hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở các tỉnh: Đồng Nai, Hà Nam, Nam Định… và khắp nước.

Được biết, mỗi con lỗ cỡ 1 triệu đồng, sau 6 tháng nuôi, nặng khoảng 110 - 120kg/con. “Chuồng trại hôi kinh khủng”, một đồng nghiệp mặt mũi phờ phạc, vừa đi thực tế tại các huyện Vĩnh Cửu với Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai về cho biết.

Và theo thông tin từ thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám trả lời trên báo Vietnamnet, chương trình Góc Nhìn Thẳng, ngày 6.5.2017, toàn tỉnh Đồng Nai có 1,7 triệu con heo.

Tiền nào của nấy?

Đấy là số lượng, còn chất lượng của dạng heo “biệt giam” này ra sao?

Dịp lễ vừa rồi, bà xã người bạn thân cũng mua ủng hộ chị bán thịt heo mối ở chợ 434,  huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương một 1 ký mỡ với giá 45.000 đồng. Mất hai giờ hì hục xả tanh, rồi canh lửa thắng mỡ, cuối cùng chị phải ngậm ngùi đổ bỏ toàn bộ. Vì mẻ mỡ toàn bay mùi... xác chết, kiểu như mùi bốc cốt Bình Hưng Hòa. “Mất nhiêu đó tiền, xem như mình hụt ăn một tô phở hạng khá trong Sài Gòn đi! Nhưng cái mất lớn hơn là sự thất vọng ê chề về đám heo tăng trọng bất chấp hậu quả kia!”, chị bực tức than phiền.

Mỡ heo lưng võng giòn ngọt quên thôi!

Trong khi đó, ông Võ Hữu Hào giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản ở khu Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, vui vẻ chi 800.000 đồng/kg thịt heo hình dáng giống trong tranh Đông Hồ, tại một nhà hàng sang ở trung tâm quận 1.

“Tôi không có điên nặng hay học đòi chơi ngông kiểu công tử Bạc Liêu. Trái lại, tôi thấy giá đó vẫn xứng đáng để thưởng thức với đãi đằng những đối tác “ruột”. Từng miếng mỡ heo trong veo. Cắn vô nghe giòn giòn, ngọt bùi, thơm phức mà lâu ớn ngán. Ngon thấy ông bà ông vải luôn!”, ông vỗ đùi cười ha hả diễn giải.

Nó gợi nhớ thời tóc hớt miểng vùa của ông, ưa len lén ăn vụng keo (hũ) tốp mỡ của bà già giấu kỹ nơi cháy bếp nhà quê miệt An Giang. “Nhớ như in vậy! Tìm hoài gần 30 năm nay mới gặp lại!”, ông Hào xuýt xoa.

Cũng từ chính kiến “xanh rờn” của vị doanh nhân thành đạt và nổi tiếng sành ăn này, khiến chúng tôi tò mò về một giống heo lưng võng, ít người nuôi vì chậm lớn và nhiều mỡ (gần chục năm nay, trào lưu heo siêu nạc đang thịnh từ nhà quê tràn đến phố thị!)

Thăm trang trại heo “du mục”

Bạn Phạm Thị Ánh, gốc Ninh Thuận, làm kế toán, hiện ở quận Bình Thạnh, TP.HCM trố mắt ngạc nhiên trước cảnh cả trăm con heo Móng Cái, lớn nhỏ đủ cỡ, sải 4 chân ngắn ngủn (so với heo siêu nạc) và những cái bụng sà gần sát đất hộc tốc phi nước đại, do bị rượt bắt. Cát bụi bay mịt mù một góc “khu heo” rộng hơn 1ha, tựa như cảnh binh đoàn ngựa chiến đang phi nước đại trong phim Tàu.

Mất gần 2 tiếng lùa + đuổi bắt hụt hơi, 3 người nhân công khỏe mạnh mới trói và cân được 4 trự “heo trâu” ngắn đòn mà chạy thật khỏe.

Mỗi con nặng từ 35 - 40 kg, nhưng thời gian nuôi đã trên 7 tháng, theo anh Hoàng Hải Vân, chủ trang trại ở đây cho hay. Bù lại, anh nhận được một xấp tiền khá nặng tay: 30 triệu đồng, từ tay ông Hiếu, chủ Hàng Dương Quán Quận 1. Bởi giá heo hơi tại trại đã 200.000 đồng/kg, cao gần gấp 10 lần giá heo ế ẩm hiện nay và trên 4 lần so với lúc heo được giá.

“Tôi từng săn lùng món ngon vật lạ ba miền. Nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi thấy con heo cỏ trong tranh Đông Hồ bằng xương bằng thịt. Và một trang trại quá lạ lùng”, ông Hiếu nhận định.

Với mong muốn phục tráng lại bộ giống lợn Móng Cái có sức đề kháng tốt, không cần nhờ vả một mũi kim tiêm nào của bác sĩ thú ý từ nhỏ đến xuất trại, ăn chủ yếu rau cỏ… anh Vân đã trầy trật gầy đến lần thứ 3 mới thành. Ban đầu, anh lặn lội đi tìm mua con giống tận Quảng Nam, Bình Thuận. Rồi anh lại mày mò thuần dưỡng chúng theo kiểu nuôi của người xưa: thả lang là chính. Đằng đẵng suốt 5 năm trời, tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Bạn “đồng cam cộng khổ” với heo, sẵn có đàn gà kiến đồng hương Quảng Nam, ưa ngủ trên cây. Hằng ngày, gà thường lẽo đẽo theo heo, đợi ăn ké giun, dế… lúc chúng cắm đầu làm máy ủi. Đổi lại, heo sẽ yểm trợ tối đa cho gà lúc lâm nguy, như khi gặp các loại rắn hổ hành, chồn…Nhằm “trả nghĩa”, gà sẽ nhào tới mổ banh xác, rồi nuốt chửng những con vật khắc tinh với heo: bò cạp, rết, gián…

Cũng  như heo rừng, heo mẹ tự lót ổ và “vượt cạn” một mình không cần người trợ giúp. “Có lứa nó đẻ 3 - 4 con, lứa lại trên chục con. Chắc do khí hậu”, anh Vân lý giải.

Đặc biệt thức ăn cho heo toàn dạng tươi sống: rau lang, chuối hột, cỏ nước mặn, rau keo… dặm thêm cám gạo. Riêng cám, được ủ thêm một ít men vi sinh qua đêm, mới mang cho heo ăn. Lúc này, thau cám tỏa mùi thơm của mẻ cơm rượu ngon.

Cũng có lúc, chúng kéo nhau lội xuống triền bàu lúp xúp cỏ bồn bồn. Con lăn lộn trong bùn. Con sục lia, ngập cái mỏ khỏe trong bùn, ủi bới, tìm nhai xèm xẹp từng con ốc bươu, rễ cỏ.

Tuy nhỏ con và chậm lớn hơn heo siêu nạc, nhưng lợn Móng Cái cho thịt thật thơm ngon.

Mặc dù vậy, lúc chiều buông, hễ nghe tiếng kẻng quen thuộc là cả đàn từ heo ông đến heo cháu lũ lượt chạy về chuồng nghỉ ngơi.

“Nếu nuôi cỡ 100 con trưởng thành (không kể con cái chúng) thì phải có khoảng sân vườn rộng khoảng 1ha mới phỉ sức cho chúng quần thảo. Sau 1 năm, cây cỏ ở đây đều xác xơ, tôi phải dời chúng sang khu khác. Chờ khu đó tái sinh, cứ vậy luân phiên. Khỏi cần thuê máy cày xới đất!”, anh Vân chia sẻ.

Hiện nay, cứ 1- 2 tháng, trại anh có thể xuất chuồng khoảng 5 - 6 con, nặng cỡ 35 - 40kg/con, giá 200.000 đồng/kg. Nếu nuôi đến tầm 50kg/con, thì phải ráng đợi cả năm. “Nhưng thịt chúng cực kỳ thơm ngon”, anh nghiêm giọng khẳng định.

Với tổng chi phí 20 triệu đồng/tháng cho đàn heo chậm tiến này, hiện tại anh vẫn chưa thu hồi vốn. Tuy nhiên, dân trong nghề nhận định rằng, nếu anh chịu đựng thêm 3 - 4 năm nữa, sẽ “ngon lành”. Bởi hiện nay, anh không đủ hàng bán cho dòng khách “khó tính mà chịu chi”.

Làm rạng danh heo đen một nắng

Bên cạnh đó, chất lượng thịt + mỡ của giống heo đen do đồng bào Jrai nuôi thả rong ở vùng cao Gia Lai cũng thuộc dạng “ngậm mà nghe”!

Hằng ngày, họ cũng cho chúng ăn dặm sơ sài 1 - 2 cữ lót dạ. Thức ăn, chủ yếu họ tận dụng những loại rau cỏ mọc hoang dại theo mùa trên rẫy, ven rừng như: sam, dền, măng vòi… với ít hạt bắp đỏ - nấu lên thành một dạng canh (cháo) tập tàng.

Muốn no bụng, chúng phải lang thang đi ủi bới, lùng sục bất cứ thứ gì ăn được như đám heo rừng.
Người nuôi, vẫn đợi cả năm mới gã bán một lần cho các lái quen, nếu dư ra (trọng lượng cũng xem xem với heo của anh Vân). Bởi vì, đồng bào ở đây chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu để phục vụ cho lễ hội.

Và chính cô giáo Nguyễn Hoàng Linh, gốc Quảng Ngãi, khi theo chồng về xã Chư RCăm, huyện K"rông Pa, tỉnh Gia Lai, đã làm rạng danh con heo đen với sản phẩm ba rọi một nắng.

Linh đã uyển chuyển chan cái nắng đổ lửa của K"rông Pa (khoảng 35 - 37 độ C trong mùa khô), từ hai tiếng đến hai tiếng rưỡi, vào miếng thịt heo đồng bào + chịu khó “trở mặt” nhiều bận.

Cộng hưởng với phong thổ bản địa, lẫn đặc tính của loài heo ưa rong ruổi đã hun đúc nên một phong vị chân phương rất riêng. Nó khác hẳn so với mùi vị của miếng khô Thái Lan cùng loại trước đó, người viết từng nếm qua.

Chính cái nắng cháy da của  K"Rông Pa, đã quyện nên mùi vị thơm tho cho miếng ba rọi heo đen một nắng ở đây.

Và tình hình kinh doanh của Linh, đã tốt hơn  nhiều so với hơn một năm trước, nhóm chúng tôi từng ghé thăm cơ sở của cô.

Không chỉ bán chạy heo một nắng mà “Linh phố núi” còn bán cả thịt heo đen tươi, bê núi, gà rừng, cá suối… “tốt lắm” trên Facebook. Khách hàng chủ yếu là,  nhóm người tiêu dùng có thu  nhập từ khá đến cao tại TP.HCM.

Linh khấn khởi khoe: "Mỗi tuần em mổ 4 - 5 con heo đồng bào, cỡ 30 - 40kg/con. Bán theo set, mỗi set 3kg, 230.000 đồng/kg".

Hiện Linh có được 30 - 40 khách mối. Họ phó thác việc chợ búa cho cô. Luân phiên, hễ tuần này Linh cho họ ăn heo thì tuần sau chuyển sang cá suối, tuần kế tiếp là là bê…

Cũng có nhóm bạn (3 - 4 người) hùn nhau mua cả con heo, rồi nhờ Linh mổ xẻ sẵn, hút chân không, mang cấp đông rồi gửi xuống Sài Gòn. Đến chiều cuối tuần, họ lại háo hức rủ nhau đi chia thịt heo, hồ hỡi soi bóng kỷ niệm.

Riêng thị phần heo một nắng giao cho hàng quán TP.HCM “ổn định lắm và có phần tăng lên”, Linh cho biết.

Trung bình mỗi tuần, Linh giao hơn 60kg mặt hàng này cho các hàng quán ở đây, giá sỉ khoảng 230.000 đồng/kg. 

“Heo chợ đang rẻ kinh khủng, nhưng mình vô làng đồng bào, họ báo giá càng cao: 80.000 - 100.000 đồng/kg hơi”, Linh than vãn.

Nguồn heo đen ngày càng khan hiếm. Cho nên mỗi  ngày, 2 - 3 nhân viên của Linh, phải lùng sâu từ 15 - 20km vào làng đồng bào, để tìm mua heo hơi. Do đó, Linh đang nghĩ đến phương án “rọng với dưỡng heo đen”, để chủ động nguồn hàng.

Còn anh Hoàng Hải Vân, khi nghe hỏi nếu có người mở trang trại heo giống mô hình của anh, anh có sợ giảm lợi thế canh tranh không. Anh cười lớn đáp: “Vậy còn mừng!”

Tuy  nhiên, một đồng nghiệp giàu kinh nghiệm trong mảng kinh tế cũng cảnh báo: việc kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, sẽ không có mô hình mẫu nào hết. Phải tự vắt óc nghĩ ra!

Giống heo đen được đồng  bào thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Bắc…nuôi thả rong nhiều, thịt lẫn mỡ đều tuyệt vời!

Heo đen dễ nuôi, quen ăn uống kham khổ.

Bài, ảnh: Tấn Tri

 

 

 

 

 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.