Phẩm chất công bộc của dân

 10:52 | Thứ ba, 29/11/2022  0
Chính trong những hoàn cảnh đau thương, khốn khổ nhất của người dân, người ta càng kỳ vọng giới công bộc bộc lộ phẩm chất hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, giúp nhân dân vượt qua khốn khó như lý do tồn tại của giới công bộc vốn phải thế.

Tiếc thay, trong thời gian qua, một số kẻ - thậm chí ở những vị trí cao - lại đang tâm lợi dụng chính hoàn cảnh đau thương đó để vơ vét cho đầy túi tham, bất chấp thiệt hại gây ra không chỉ cho người dân mà còn cho chính chế độ mà họ nói họ phục vụ trên cửa miệng. 

Rụng như sung

Hàng loạt quan chức cấp cao cũng như công chức cỡ vừa bị khởi tố, bắt giam, vào tù vì dính dáng đến những vụ án tham nhũng, vi phạm quy định về quản lý kinh tế, đấu thầu, đưa và nhận hối lộ trong hai năm qua nhiều như sung rụng, đến mức có cảm tưởng như đó là những quả sung tuy còn dính trên cây (trước khi bị bắt) nhưng đã bị sâu mọt đục khoét từ lâu, chỉ chờ một cơn gió thổi qua là rụng đầy.   

Chỉ riêng một vụ án liên quan đến test kit của Công ty Việt Á - một công ty vốn ít được biết đến trong lĩnh vực y tế, xét nghiệm cho đến trước dịch Covid-19, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã khởi tố 26 bị can; công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ với 63 bị can, tổng cộng 89 bị can. Trong đó có 2 bộ trưởng (Bộ trưởng Y tế và một nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), một thứ trưởng, một bí thư tỉnh ủy (Hải Dương).

Với vụ án các “chuyến bay giải cứu” trong đại dịch, được cơ quan an ninh điều tra khởi tố từ cuối tháng 1, đến nay đã có hơn 20 người bị khởi tố, bắt tạm giam, gồm nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải, cựu lãnh đạo và cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an. Trong đó, quan chức cao nhất bị khởi tố đến nay là ông Tô Anh Dũng, 58 tuổi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, về tội nhận hối lộ.

Một phần trong khối tài sản đồ sộ của vợ chồng cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai - Trần Đình Thành. Ảnh: VTCNews


Một số cán bộ khác tại Bộ Ngoại giao bị khởi tố, bắt tạm giam gồm Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Đỗ Hoàng Tùng - Phó cục trưởng, Lê Tuấn Anh - Chánh văn phòng và Lưu Tuấn Dũng - Phó phòng Bảo hộ công dân, Trần Văn Dự - cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Vũ Sỹ Cường và Vũ Anh Tuấn - cùng là cựu cán bộ cục này. Cơ quan an ninh điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam hai cựu cán bộ ngoại giao: Nguyễn Hồng Hà - cựu cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka - Nhật Bản và Nguyễn Lê Ngọc Anh - cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; hai chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ. Cơ quan an ninh điều tra cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.

Mới đây nhất, vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) khiến người ta không khỏi sốc về mức độ vừa ăn bạo vừa đạo đức giả của những quan chức ăn hối lộ trong thời gian dài.

Ông Trần Đình Thành, khi còn là bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã tác động, chỉ đạo để Công ty AIC trúng 16 gói thầu và được Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị AIC, trực tiếp đưa hối lộ 6 lần trong nhiều năm với tổng số tiền lên tới 14,5 tỷ đồng; cựu chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái thì nhận hối lộ của Nguyễn Thị Thanh Nhàn tổng cộng 14 lần, trong suốt 12 năm, với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng; cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nhận hối lộ từ Nhàn tổng cộng 14,8 tỷ đồng qua 6 lần trong hai năm 2015-2016 để tạo điều kiện cho Công ty AIC được trúng 16 gói thầu tại dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. 

Con số bị kỷ luật lớn nhất từ trước tới nay

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 đã xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có trường hợp xử lý hình sự.

Với cán bộ, công chức, viên chức, đã xử lý kỷ luật hơn 20.300 người, trong số này cũng có trường hợp phải xử lý hình sự. Số lượng cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật chiếm 1% trên tổng số cán bộ công chức, viên chức. “Đây cũng là con số lớn nhất từ trước đến này”, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, trong Báo cáo công tác năm 2022 trước Quốc hội cho biết, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất trong thời gian qua. Một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn và bất bình trong dư luận xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, trong Báo cáo thẩm tra về công tác tư pháp năm 2022, đánh giá tội phạm tham nhũng, chức vụ bị phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa. Tuy nhiên, ủy ban này cũng nhấn mạnh việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cao cấp đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi, như vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; hay vụ đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.

Các bị can trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Ảnh: Bộ Công an


Nếu phải kê ra tiếp những vụ án chấn động dư luận năm 2022, phải nhắc tới vụ 9 sĩ quan cấp tướng, tá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có 2 trung tướng, 5 thiếu tướng, một đại tá và một thượng tá. Trong 9 sĩ quan này, có 7 người bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc tham ô tài sản; 2 sĩ quan cấp thiếu tướng bị bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ. Các bị can này đều bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ” xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng. 

Tất cả những con số trên cho thấy công tác phòng chống tham nhũng thu được kết quả tích cực, nhưng cũng bộc lộ thực trạng đáng báo động không phải mới đây về phẩm chất của đội ngũ công bộc của dân và từ đó, hiệu quả của bộ máy hành chính công. 

Không giải được từ khóa về năng lực xã hội nói chung và tố chất, phẩm chất của đội ngũ quan chức nói riêng, mọi kỳ vọng phát triển, chưa nói phát triển nhanh, thần kỳ, bắt kịp được quốc gia đi trước, sẽ mãi mãi chỉ là kỳ vọng.  

Không ít người trong đội ngũ công bộc đó vẫn hàng ngày hùng hồn tuyên bố quyết tâm chống tham nhũng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rao giảng đạo đức cho cấp dưới. Cho đến khi bị lộ, bị khởi tố, bị bắt giam, mọi người mới nhận ra họ sống hai mặt: một mặt qua mặt các cơ quan giám sát và công luận bằng cái vỏ đạo đức; mặt kia thì tìm mọi cách đục khoét, vơ vét, ăn hối lộ, thu vén cá nhân, thậm chí suốt một thời gian dài chứ không chỉ là sự sa ngã đột xuất, như trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC.

“Không ai (được) tự cho phép mình đứng ngoài hoặc thờ ơ với cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, khi chưa bị bắt về tội nhận hối lộ, chẳng đã từng không ngượng miệng phát biểu chỉ đạo cấp dưới như vậy hay sao? Họ biết họ đang nói dối nhưng họ vẫn nói dối, vẫn đánh lừa tổ chức và người dân. Phẩm chất người công bộc của dân, đối với họ, thật xa xỉ và xa lạ.

Với bất kỳ thể chế nào, muốn tồn tại lâu dài thì sự trong sạch, hết lòng vì nước vì dân của đội ngũ quan chức, công chức là đòi hỏi hàng đầu, nhất là với những quốc gia đi sau mà muốn bắt kịp quốc gia đi trước. Đúc kết bài học của Nhật Bản trong 18 năm nỗ lực đuổi kịp phương Tây sau chiến tranh, GS-TS. Trần Văn Thọ trong cuốn sách Kinh tế Nhật Bản - giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 xuất bản mới đây, đã tập trung vào chỉ hai từ khóa: nhà nước kiến tạo phát triểnnăng lực xã hội.

Trong năng lực xã hội, điều quan trọng sống còn là phẩm chất của quan chức bộ máy nhà nước, các công bộc của nhân dân. Bởi, dù cho nhà nước có đề ra được chủ trương chính sách đúng đắn để đất nước phát triển mà không có một đội ngũ quan chức toàn tâm toàn ý với công cuộc phát triển đất nước và đủ tố chất, phẩm chất để hoàn thành công cuộc ấy thì mọi ước muốn phát triển sẽ mãi không thành. 

Không giải được từ khóa về năng lực xã hội nói chung và tố chất, phẩm chất của đội ngũ quan chức nói riêng, mọi kỳ vọng phát triển, chưa nói phát triển nhanh, thần kỳ, bắt kịp được quốc gia đi trước, sẽ mãi mãi chỉ là kỳ vọng. Với hàng loạt quan chức đủ mọi cấp bị khởi tố, bị bắt vì ăn hối lộ trong thời gian qua, liệu người dân sẽ đặt kỳ vọng vào đâu? 

Đoàn Khắc Xuyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.