Phí vào phố cổ và câu chuyện quản lý tại Việt Nam

 15:21 | Thứ ba, 06/05/2014  0

Đã có rất nhiều bài báo phân tích đúng sai về vấn đề thu phí cũng như những hiểu lầm của khách du lịch trước quy định mua vé đã tồn tại từ cách đây gần 20 năm.

Mặc dù chính quyền địa phương đã có những điều chỉnh trong việc bán vé và kiểm soát vé vào phố cổ Hội An sau khi nhận được phản hồi từ dư luận như ngừng thu vé của khách đi lẻ, chỉ thu vé khách quốc tế và khách đi theo đoàn hay giá trị của vé thay vì 24 giờ thì chuyển thành 10 ngày nhưng rõ ràng đây chỉ là biện pháp tình thế nhằm xoa dịu dư luận hơn là một giải pháp về lâu về dài vì Hội An vẫn đang thất thu phí tham quan tới hơn 30% cũng như những bất bình đẳng giữa việc thu phí của khách lẻ và khách theo đoàn, v.v.

Bởi vậy, phố cổ Hội An vẫn cần một cách thức quản lý và thu phí hợp lý nhằm bảo tồn khu di tích phố cổ một cách chuyên nghiệp hơn.

Kẻ mua người không

Trên thực tế, ngay cả Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), đơn vị có chức năng công nhận các di sản văn hóa thế giới cũng không có khả năng đưa ra một mô hình cụ thể nào để quản lý, bảo vệ và phát triển các di sản thế giới. Vì vậy, mỗi một quốc gia và chính quyền địa phương nơi có di sản sẽ tự đưa ra quyết định phù hợp nhất với luật pháp và tình trạng cụ thể của địa phương. Khi các khoản thu từ thuế (trung bình khoảng 5 tỷ/năm) trong khu vực phố cổ không đủ để phục vụ cho công tác trùng tu, bảo tồn và phát triển hình ảnh Hội An thì việc thu phí tham quan có lẽ là giải pháp đương nhiên và duy nhất (trung bình khoảng 18 tỷ/năm)[1]. Tuy nhiên, thu như thế nào và thu bao nhiêu là hợp lý thì đây quả thực là một câu hỏi không hề dễ.

Nhìn một vòng giá vé tham quan vào các di sản được thế giới công nhận từ đấu trường La Mã cổ đại tại Italy (USD16.65) đến Quần thể Angkor tại Cambodia (USD20-60), nước láng giềng của Việt Nam thì chiếc vé dành cho người nước ngoài vào thăm Hội An giá VND120.000 (USD5.64) có vẻ như không quá đắt đỏ.

Tuy nhiên, trên thực tế với giá vé này du khách chỉ có thể tham quan được tối đa 6/22 điểm thuộc khu di tích cổ, vì vậy, nếu muốn tham quan hết 22 điểm nói trên thì số tiền phải trả sẽ lên tới VND440,000 (USD20.90) và đây thực sự là một con số không hề nhỏ nếu so sánh với vé vào các di sản thế giới nói trên.

Hơn nữa, không giống các quần thể di tích cổ khép kín như Angkor Wat hay đấu trường La Mã, phố cổ Hội An là một di tích lịch sử mở khi những điểm tham quan lại nằm xen kẽ và rải rác giữa các cửa hàng, cửa hiệu, tiệm cà phê, nhà hàng. Do đó, việc ép buộc khách du lịch, những người chỉ muốn tận hưởng không khí và hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa chứ không phải đến để thăm quan những di tích nhà cổ hay đền, chùa phải mua 1 chiếc vé tổng hợp cho 3 đến 6 địa điểm tham quan là rất vô lý.

Cũng tương tự như vậy, việc khách quốc tế và khách đoàn phải mua vé tham quan trong khi khách lẻ có thể không phải mua cũng là một quy định rất bất hợp lý bởi nó làm ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà cung cấp dịch vụ tour bởi khách sẽ có xu thế không đi theo đoàn hoặc không mua tour để tránh tiền vé.

Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung không cần phải nhìn đâu xa về cách thức quản lý và bảo tồn khu di tích văn hóa, lịch sử mà có thể học tập ngay các nước láng giềng như Thái Lan và Cambodia mà tiêu biểu là quần thể Angkor – địa điểm được trang du lịch điện tử Tripadvisor xếp hạng thứ 9 trong top 25 địa điểm du lịch trên thế giới. Thay vì sử dụng những chiếc vé như bây giờ, Hội An có thể đa dạng hóa các loại vé cho khách tham quan từ 1 đến 3 hoặc 7 ngày.

Những tấm vé này cần được in ảnh hoặc ghi chú số CMT/hộ chiếu nhằm tránh việc chuyển nhượng cho người khác làm thất thu vé. Việc quy định số điểm tham quan trên vé là không cần thiết vì một khi vé được bán theo ngày cũng sẽ hạn chế và phân loại được khách tham quan vì thật khó để có thể tham quan hết 22 điểm di tích chỉ trong vòng 1 ngày.

Giải pháp “gián thu”

Ngoài ra, trên thế giới có không ít những khu di tích mở là thành phố cổ, đơn cử là “the old Chiang Mai” thuộc Chiang Mai, Thái Lan. Đây cũng là một khu phố cổ nằm trong lòng Chiang Mai, Thái Lan với bề dầy hơn 800 năm lịch sử. “The old Chiang Mai” có rất nhiều điểm tham quan, du lịch, đặc biệt là những ngôi chùa tuyệt đẹp nằm xen kẽ trong khu dân cư. Điều đặc biệt ở đây chính là khách du lịch đến tham quan “the old Chiang Mai” hầu như không phải mất bất kỳ một khoản phí vào cửa nào để được thấy vẻ đẹp cổ kính và bình dị của thành phố này.

Vậy Chiang Mai lấy đâu ra tiền để duy trì và bảo tồn những di tích văn hóa và lịch sử như vậy nếu không trực tiếp thu phí thông qua vé tham quan của khách du lịch? Câu trả lời chính là gián thu. Nguồn kinh phí xây dựng, phát triển, tôn tạo và bảo tồn các giá trị văn hóa cũng như hiện vật của Chiang Mai được thu thông qua thuế từ các dịch vụ gia tăng như ăn uống, mua sắm, vui chơi.

Thay vì thu vé trực tiếp từ khách du lịch, Chiang Mai đẩy mạnh du lịch, phát triển các dịch vụ gia tăng đơn giản và sáng tạo như mở các lớp nấu ăn mang phong cách Thái, khuyến khích các hoạt động vui chơi gắn với thiên nhiên (rafting, zip line, v.v.) tạo nên sức hấp dẫn mới đối với khách du lịch đến nghỉ ngơi, tham quan và thư giãn. Như vậy, thay vì phải trả thêm tiền vé tham quan và tạo ấn tượng không tốt đối với khách du lịch, giờ đây khách du lịch đến Chiang Mai có nhiều thêm các cơ hội chi tiêu và kích thích sự trở lại của họ trong tương lai.

Vẫn biết Việt Nam còn nhiều khó khăn và vé tham quan là nguồn thu chính để quản lý cũng như bảo tồn các di sản văn hóa nhưng nếu chỉ để tăng một phần nguồn thu trực tiếp mà bán rẻ hình ảnh của không chỉ các di tích cổ mà còn là cả con người và văn hóa Hội An thì đây thực sự là một cái giá quá đắt. Mỗi một khu di tích, mỗi một thành phố cổ đều có cách riêng để bảo tồn nhưng chỉ khi thành phố đó khiến khách đi du lịch 1 lần là nhớ mãi và mong muốn trở lại thì khi đó mới được gọi là bảo tồn và phát triển thành công.

NĐT. Ảnh TL

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.