Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải có tầm nhìn dài hạn

 20:18 | Thứ tư, 13/10/2021  0
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, chiều 13.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày cho biết, quan điểm của Quy hoạch là sử dụng đất phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, gắn với thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững, đảm bảo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn, gắn kết phát triển hạ tầng với quy hoạch dân cư, giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng địa phương.

Quy hoạch đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tổng thể từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo yêu cầu an ninh lương thực quốc gia, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ các hệ sinh thái, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho việc mở rộng không gian sử dụng đất thông qua việc khai hoang, lấn biển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp.


Mục tiêu của Quy hoạch được xác định là đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của đất nước. Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đảm bảo kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%...

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai, đồng thời bãi bỏ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai.

Đồng thời, đề nghị Quốc hội quyết định phân kỳ chỉ tiêu sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), giao Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào nhu cầu phát triển của từng ngành và địa phương để quyết định chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, hồ sơ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục hồ sơ theo quy định của Luật Quy hoạch.

Về đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch và Kế hoạch nói trên, Ủy ban Kinh tế nhận thấy thời gian qua, Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc đánh giá thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch

Về đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể, đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân không đạt để thấy thực chất của vấn đề và rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50% như đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải.

Thảo luận tại phiên họp, ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu của Quy hoạch; lưu ý, quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.