Rộ tin nhắn giả mạo thương mại điện tử tuyển dụng để lừa người dân

 23:23 | Thứ năm, 05/05/2022  0
Nhiều nhóm đối tượng đã mạo danh các sàn thương mại điện tử để gửi tin nhắn lừa đảo tuyển dụng, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa đến hàng trăm triệu đồng.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng quốc gia (VNCERT/CC) đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn giả mạo trang thương mại điện tử Tiki để tuyển dụng nhằm mục đích lừa đảo.

Theo ghi nhận trên hệ thống, người dân nhận được nhiều tin nhắn qua iMessage với nội dung: "TIKI shop cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà!!! Số lượng có hạn chỉ 50 người. Công việc: Xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng. Yêu cầu độ tuổi: 23 ~ 60 tuổi. Thu nhập 280k 1200k. Nhận tiền trong ngày. Liên hệ zalo: zalo.me/84921394027, zalo: 84921394027". Nội dung các tin nhắn đa phần đều giống nhau với các lời mời gọi cùng mức lương từ 300.000-1.200.000 đồng...

Nội dung tin nhắn giả mạo.

Theo VNCERT/CC, sau giãn cách, nhu cầu tìm việc của người dân ngày một tăng cao với mục đích cải thiện thu nhập. Nắm bắt được điều này, nhiều đối tượng đã lợi dụng, giả mạo trang thương mại điện tử Tiki để đưa ra những lời mời tuyển dụng hấp dẫn.

Vì vậy, VNCERT/CC khuyến cáo người dân nên thận trọng với các nội dung, bài đăng tuyển dụng có yêu cầu để lại thông tin cá nhân, đóng phí, đặt cọc nhận thưởng... mà không thông qua các tài khoản và kênh thông tin chính thức của Tiki.

Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki cho biết thời gian qua liên tục nhận được những phản ánh của khách hàng, về những thông tin tuyển dụng liên quan đến người mạo nhận là nhân viên Tiki.

Các nhóm đối tượng này liên hệ ứng viên thông qua số điện thoại, email, thậm chí qua những trang fanpage mạo danh Tiki để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác…, và yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí.

Ngoài ra, Tiki còn phát hiện nhiều trang sử dụng hình ảnh và mạo danh Tiki: Tiki Agency I, II, III, IV, Tiki VIP 2022, Tiki Asia... "Đây hoàn toàn là hình thức mạo danh sàn thương mại điện tử để lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm", đại diện Tiki khẳng định.

Trước đó, sàn thương mại điện tử Amazon cũng đưa ra khuyến cáo về Amazon Global Selling nhận được các báo cáo lợi dụng tên tuổi Amazon hoặc mạo nhận là nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên, mời tham gia làm việc, và yêu cầu đóng một mức phí đăng ký.

Theo Amazon, hành động này là hành vi lừa đảo và không có mối liên hệ nào với Amazon hoặc nhà tuyển dụng của Amazon. "Các nhà tuyển dụng của Amazon liên hệ với ứng viên dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên", đại diện Amazon khẳng định.

Trong những gần đây, tình trạng lừa đảo trực tuyến trở nên phức tạp với những con số thiệt hại ngày càng lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến các tổ chức, cá nhân sử dụng Internet nhiều hơn để học tập, làm việc và giao dịch. Do đó, các vụ lừa đảo trực tuyến có chiều hướng gia tăng rõ rệt.

Ngoài việc lừa đảo để lấy cắp thông tin cá nhân thì giả mạo các tổ chức tài chính - ngân hàng để lừa đảo trực tuyến là nổi cộm hơn cả. Cục An toàn thông tin cho rằng, điểm khó khăn nhất chính là nhiều người sử dụng còn hạn chế về kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin nên dễ bị lừa gạt.

Ví điện tử, ngân hàng cảnh báo chiêu lừa đảo mới

Ví điện tử MoMo cho biết thời gian gần đây, nhất là dịp lễ 30.4, xuất hiện nhiều đối tượng chủ động gửi email và liên hệ với khách hàng qua mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Cụ thể, kẻ gian giả danh ví điện tử MoMo gửi email cho khách hàng với tiêu đề "Quà tặng tri ân khách hàng khi đạt 30 triệu thành viên" nhằm yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập ví để nhận được gói quà tặng trị giá 1.999.999 đồng nhân dịp 30.4. Các email của kẻ gian thường là momo.hpvn19@gmail.com hoặc momo.xxx@gmail.com (xxx là các từ khóa khác) hoặc các email có đuôi gmail khác. Trong email có chứa đường dẫn Google Form, yêu cầu khách hàng truy cập và cung cấp thông tin ví MoMo để nhận gói quà tặng.

Ví điện tử, ngân hàng cảnh báo chiêu lừa đảo mới - Ảnh 1.

MoMo khẳng định thông báo tri ân khách hàng khi đạt 30 triệu thành viên là thủ đoạn lừa đảo mới, người dùng cần cảnh giác để tránh bị lừa. Ảnh: Lam Giang

"Đây hoàn toàn là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong ví điện tử MoMo của khách hàng. Khách hàng bỏ qua nếu nhận được những email có nội dung tương tự và tuyệt đối không nhấn vào các đường dẫn hoặc cung cấp bất kỳ thông tin đăng nhập nào ngoài ứng dụng ví điện tử MoMo" - đại diện MoMo khuyến cáo.

Một thủ đoạn khác là đối tượng lừa đảo liên lạc với khách hàng qua facebook/zalo gửi mã QR và yêu cầu khách hàng thanh toán giúp đơn hàng sau đó sẽ trả tiền lại. Thực chất việc quét QR code là để thiết lập liên kết giữa tài khoản ví MoMo của khách hàng với tài khoản mua hàng của đối tượng lừa đảo qua Lazada/Tiki/Sendo/Google/Apple…

Sau khi liên kết được thiết lập thành công, đối tượng lừa đảo có thể vào tài khoản của Lazada, Tiki, Sendo… để mua hàng mà không cần phải xác thực lại bằng mật khẩu/OTP nên khách hàng sẽ bị mất tiền cho những giao dịch không phải do chính mình thực hiện.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng tiếp tục gửi email cảnh báo tới khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo, nhất là trong dịp lễ 30.4 và 1.5.

Một thủ đoạn được ACB cảnh báo là kẻ gian gửi thư điện tử hoặc tin nhắn giả mạo đầu số ngân hàng (tin nhắn giả mạo nằm cùng hộp thư nhận tin nhắn chính thức của ACB) thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền thưởng, khách hàng có đăng ký dịch vụ và ngân hàng sẽ thu phí dịch vụ, tài khoản của khách hàng có phát sinh giao dịch ở nước ngoài…

Từ đó, kẻ gian yêu cầu xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp (file) hoặc đường link có chứa mã độc/trang web giả mạo ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng.

Vì vậy, các ngân hàng, ví điện tử khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, ví điện tử với bất kỳ hình thức nào; không cung cấp thông tin đăng nhập vào bất kỳ đường link nào ngoài ứng dụng ví, ngân hàng; không quét các QR code không rõ nguồn gốc hoặc khi chưa nắm rõ thông tin; không cho mượn/cho phép người khác sử dụng tài khoản ví MoMo của mình; không để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh/thông tin tài khoản ngân hàng/ví MoMo trên mạng xã hội.

Thái Phương (Người Lao Động)

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới, Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bài viết cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

#nhà kính
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.