Suy niệm mỗi ngày - Wise thoughts of every day
Là một trong những tác phẩm mà đại văn hào nước Nga Lev Tolstoy viết vào thời gian cuối đời, thuộc “bộ ba” minh triết The thoughts of wise men (1903), A circle of reading (1906), Wise thoughts of every day (1909). Suy niệm mỗi ngày mang đến cho chúng ta 366 điều suy ngẫm, được lập lại với chu kỳ một tháng một lần, mỗi một tháng có 4 tiểu mục: Mối quan hệ của chúng ta với thượng đế, Những thách thức của chúng ta, Những hành động của chúng, Cuộc sống tâm linh của chúng ta.
Chúng ta sẽ quán xuyến, gom lọc nhiều chủ đề khác nhau, một chủ đề được áp dụng cho một ngày. Ví dụ, Mối quan hệ của chúng ta bắt đầu bằng mỗi tháng, bao gồm những chủ đề: Đức tin, Linh hồn, Một linh hồn trong tất cả, Thượng đế, Sự hợp nhất trong linh hồn và Tình yêu đại đồng. Nhóm kế tiếp, Những thách thức của chúng ta đưa người đọc đến những chủ đề: Tội lỗi của chúng ta, Sự cám dỗ, Sự bất bình đẳng, Khoa học sai lầm, Phát xén và trừng phạt, Bạo động và chiến tranh. Những hành động của chúng ta tương tác với các chủ đề: Nỗ lực tâm linh, Đức hạnh, Ý nghĩ, Lời nói và hành động, Chân lý và dối trá, Khiêm cung, Hi sinh, Cầu nguyện, Lao động. Với tiểu mục cuối Cuộc sống tâm linh của chúng ta¸ bao gồm những chủ đề: Sống trong hiện tại, Điều xấu và sự khổ, Cái chết, Cuộc sống sau cái chết, Hạnh phúc, và Tình yêu...
Suy niệm mỗi ngày còn được xem như một cuốn lịch minh triết mà Lev Tolstoy xây dựng dựa trên những nhận thức qua các trải nghiệm, và chắt lọc từ những cuốn sách trước đó của ông. Bên cạnh các suy niệm của riêng mình, Lev Tolstoy còn trích dẫn từ những câu trong các trường phái triết lý khác nhau qua các thời kỳ, hay góp nhặt từ những ý tưởng của người đi trước theo một hệ thống logic, ví dụ: “Kẻ nào không thấy chính mình trong cái thân thể đang chết của y, kể ấy biết sự minh triết của cuộc đời này” của Minh triết Phật Giáo được trích dẫn trong chủ đề Hi sinh, hoặc “Đừng tìm kiếm lạc thú, mà hãy sẵn sàng để nhìn thấy lạc thú trong bất cứ việc gì mà bạn đang làm” của John Ruskin được ông dẫn giải trong chủ đề Hạnh phúc.
Suy niệm mỗi ngày của Lev Tolstoy hi vọng mang đến cho người đọc sự trải nghiệm cùng cái cảm xúc từ ái và thăng hoa, điều mà chính tác giả đã kỳ vọng khi biên soạn nó.
Nghệ thuật sống (Epictetus)
“Hãy nghĩ về đời mình như thể nó là một bữa tiệc, nơi đó bạn sẽ ứng xử một cách lịch thiệp. Khi thức ăn được chuyển đến cho bạn, hãy chìa tay ra và nhận một phần vừa phải. Nếu nó đi qua khỏi bạn, hãy thưởng thức cái đã có trên tay của mình. Nếu thức ăn chưa đến tay bạn, hãy kiên nhẫn chờ đến lượt của mình.
Hãy hành xử với thái độ điềm tĩnh và lòng tri ân như thể đối với con cái bạn, vợ bạn, nghề nghiệp và tài chánh của bạn. Không cần phải khao khát, đố kỵ và chụp giật. Bạn sẽ hưởng được cái phần mà xứng đáng được hưởng khi thời điểm của mình đến.”
Trong cuốn sách Nghệ thuật sống, chúng ta thấy rõ triết lý của trường phái Khắc kỷ mà Epictetus dẫn giải, có cơ hội suy ngẫm thêm về ý niệm: niềm hạnh phúc mà chúng ta có được là do tương ứng từ đạo đức của chính chúng ta, nghĩa là nếu chúng ta sống có đạo đức, chúng ta sẽ không thể nào bất hạnh. Nghệ thuật sống như là một cuốn cẩm nang triết lý sống đã tồn tại lâu đời nhất.
Vào thời Epictetus, người ta sùng bái giới quý tộc, thế nhưng ông cho rằng tiến bộ đạo đức không phải là lãnh địa độc quyền của giới quý tộc, cũng không thể đạt tới do tình cờ hay may mắn, mà bằng cách tự rèn luyện bản thân – hằng ngày.
Hữu Nam