Sài Gòn - Chợ Lớn trăm năm nhìn lại

 13:21 | Thứ ba, 16/07/2024  0
Qua “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay” (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ CHí Minh - TP.HCM ấn hành), bộ 3 tác giả Nguyễn Đức Hiệp, Tim Doling và Võ Chi Mai đã giới thiệu nhiều hình ảnh, thông tin cảnh quan, đường phố của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn từ thế kỷ 19 cho đến ngày nay là TP.HCM.

Tuy vậy đây không đơn thuần là một tác phẩm hoài nhớ hay so sánh giữa mới và cũ, giữa hiện đại và truyền thống. Với việc các tác giả xuất thân từ nhiều chuyên môn khác nhau như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nghệ thuật, có thể nói đây là tác phẩm mang góc nhìn tổng hợp những khía cạnh trên. Ở đây ta không chỉ thấy những thông tin lịch sử giá trị về các địa danh quen thuộc, mà còn đồng thời là nhiều câu chuyện thú vị cho thấy lịch sử hình thành, phát triển và thay đổi của một thành phố có vai trò quan trọng ở cả ngày ấy cũng như bây giờ.

Bìa sách Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay. Ảnh NXB Tổng hợp TP.HCM.


Theo chiều quá khứ, cuốn sách bắt đầu từ những ngày đầu mà thành phố thu hút dân cư sinh sống vào thế kỷ 17. Nhưng do khoảng lùi lịch sử quá xa, nên các tác giả tập trung nhiều hơn từ nửa sau thế kỷ 19, khi Pháp bắt đầu chiến lược xâm lược thuộc địa. Ở giai đoạn này, các cảnh quan vừa mang dấu ấn của kiến trúc phương Tây với nhiều cơ sở hành chính, dinh thự, cơ sở tôn giáo; nhưng cũng có nhiều công trình giữ được kiến trúc cổ truyền Việt và Hoa như đình, miếu, chùa, nhà ngói hai hay ba gian...

Theo đó, các tác giả đã cho thấy tầm nhìn của các nhà quy hoạch Pháp ở buổi ban đầu, khi hướng đi và nền tảng quy hoạch thành phố đứng giữa hai lựa chọn: Hoặc quy hoạch theo hướng đường thủy bằng cách điều hòa, quản lý, nạo vét các kênh, từ đó xây dựng thành phố dựa vào kênh rạch giống như Venice ở phương Đông; hay lấp ao đầm, kênh, rút hết nước làm khô ráo và xây thành các đại lộ như là hiện nay.

Ở khía cạnh này, các tác giả đưa đến khẳng định rất mới mẻ rằng bên cạnh các nhà quy hoạch, thì các bác sĩ hải quân về y tế công cộng cũng có đóng góp to lớn trong việc quyết định “hướng đi” của Sài Gòn, khi nhờ họ và các cảnh báo về bệnh nhiệt đới mà hướng thứ hai đã được quyết định. Từ đó mà lối quy hoạch đô thị chịu ảnh hưởng của nam tước Haussmann - người đã thay đổi bộ mặt trung tâm thành phố Paris - với đường xá được thiết kế thẳng, dài, vuông vức, có nhiều cây xanh cũng như quảng trường, dần dần thành hình.

Giai đoạn này cũng để lại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, chủ yếu tập trung ở quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh (theo lối Tây phương) và quận 5 (theo lối truyền thống người Hoa). Cả 3 tác giả đều liệt kê những địa điểm nổi tiếng như: Nhà hát Thành phố, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các khách sạn Caravelle, Majestic, Chợ Tân Định, Cầu Mống... Ở mỗi chương nhỏ, các câu chuyện đặc biệt và những cá nhân có liên quan cũng được nhắc đến, phần nào cho thấy một thành phố có sức thu hút, quyến rũ du khách và người dân không chỉ ở sức mạnh kinh tế, bề dày lịch sử mà còn do cá tính của cư dân và cảnh quan tạo ấn tượng, gợi nên cảm hứng nghệ thuật cho cả cộng đồng và giới nghệ sĩ.

Quảng trường nhà hát vào khoảng đầu thập niên 1900 (ảnh trên) và ngày nay (ảnh dưới). Ảnh trích từ sách.


Chẳng hạn qua Khách sạn Continental, tác giả đã tái hiện lại một Sài Gòn tri thức khi đó là nơi gặp gỡ của các chính trị gia nổi tiếng trong thập niên 1970. Nó cũng là nơi ghi dấu công tước Montpensier trong các chuyến đi bằng ô tô từ Sài Gòn đến Angkor, hay ở một tầng của khách sạn này, dịch giả - nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đã học nghề in và xuất bản sách... Không chỉ về mặt lịch sử, các công trình này cũng đồng thời là nơi chứng kiến những sự biến động về mặt chính trị, chủng tộc, xã hội với các câu chuyện thú vị mà không phải ai cũng từng biết qua.

Có thể kể đến như Trường vẽ Gia Định với câu chuyện bãi khóa của các sinh viên khi nữ họa sĩ Lê Thị Lựu xuất thân từ trường Mỹ thuật Đông Dương không cho phép họ vẽ tranh khỏa thân. Qua đó nhóm tác giả đã làm nổi bật những thành kiến về việc phụ nữ tân thời bị phản đối khi tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc có nghề nghiệp. Hay câu chuyện về dinh thự của bà de la Souchère (hiện là Nhà thiếu nhi thành phố) cũng cho thấy thập niên 1930 “gào thét” với khủng hoảng kinh tế có thể biến một người giàu trở nên cùng cực chỉ trong một thời gian ngắn ra sao...

Biệt thự của bà Madame de la Souchère (trên) - Nhà Thiếu nhi Thành phố, ngày nay (dưới). Ảnh trích từ sách


Tác phẩm cũng kể lại khoảng thời gian có nhiều biến động với nhiều chủng tộc sinh sống cạnh nhau, qua đó đưa ra nhiều phát hiện mới. Chẳng hạn có nhiều công trình đã miêu tả sự chung sống của người Ấn, người Hoa bên trong cộng đồng nhiều thế kỷ trước, nhưng nếu chúng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các mặt hàng nào thường được mua bán và cá tính chung, thì Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay cũng còn cho thấy họ có vai trò khác, từ xây dựng nhiều tòa nhà có kiến trúc Tây phương vẫn còn tồn tại, cho đến góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập của người Việt ta, khi noi theo gương Mahatma Gandhi hay Tagore mà lý tưởng về đấu tranh bất bạo động cũng dần nhen nhóm qua các bài báo được xuất bản ở giai đoạn này.

Còn với người Hoa, những cửa hàng trà buôn bán sầm uất ở các khu chợ cùng những công trình chùa chiền như Chùa Bà Thiên Hậu, Chùa Ông, Chùa Bà Hải Nam... cũng được đề cập. Các tác giả cũng đào rất sâu vào quan niệm tín ngưỡng, cung cấp cho độc giả những truyền thuyết bên lề về các vị thần.

Bảo sanh viện (Maternité) George Béchamps, rue Chasseloup-Laubat (trên) và Bệnh viện Từ Dũ, đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay (dưới). Ảnh trích từ sách


Và như sự gắn kết giữa hai khoảng thời gian, có nhiều câu chuyện đến từ quá khứ thế nhưng vẫn còn sức sống cho đến ngày nay. Chẳng hạn đề án xây dựng nhà hát opera vài năm trước đây khá giống với giai đoạn Nhà hát thành phố bắt đầu xây dựng vào cuối thế kỷ 19, khi nhiều người hoài nghi liệu hàng triệu franc chi cho nhà hát có hợp lý bằng tiến hành những công trình khác khẩn cấp hơn, như lấp đầm Boresse để xây chợ Mới (chợ Bến Thành) hay đầu tư nâng cấp hệ thống cung cấp nước cho cả thành phố?

Hoặc vào năm 1923, chính quyền Pháp dưới thời thống đốc Nam Kỳ Cognacq đã định nhượng quyền quản lý độc quyền cảng Sài Gòn trong 15 năm cho một tập đoàn tư bản Pháp cũng gợi nhắc đến các khu đặc quyền kinh tế từng có thời gian dự định triển khai... Đây có thể coi là những bài học có nhiều giá trị tham khảo cho thời hiện tại.

Bằng nguồn tư liệu phong phú cùng với việc 3 tác giả đều xuất thân từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau, Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay đã cho thấy những sự thay đổi qua thời gian của các cảnh quan cùng nhiều sự kiện, câu chuyện liên quan, từ đó tạo nên nhiều mảng ký ức đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn. Qua đó, các biện pháp bảo tồn, giữ gìn các di sản cũng được đặt ra, để chúng trở thành cảnh quan có giá trị về mặt kinh tế và tinh thần cho thành phố và các thế hệ nối tiếp.

Nguyễn Đức Hiệp sinh tại Sài Gòn, sang Úc du học từ năm 1974. Ông hiện là chuyên gia khoa học về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản tiểu bang New South Wales, Australia. Nhiều năm qua, ông đã làm việc và cộng tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và bảo tồn di sản văn hóa.

Tim Doling sinh tại Bristol (Anh Quốc), nhận bằng thạc sĩ về lịch sử xứ Wales trước khi dấn thân vào sự nghiệp quản lý các nhà hát và trung tâm văn hóa nghệ thuật tại Anh, sau tại Hongkong. Ông đã sống ở Việt Nam từ khi nghỉ hưu vào năm 2010 và là tác giả của nhiều cuốn sách về Sài Gòn, Quảng Nam, Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

Võ Chi Mai sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, hiện cư ngụ và làm nha sĩ tại Montréal (Canada). Cô luôn nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật, hầu hết thời gian dành cho tranh màu nước và chú trọng đến khía cạnh con người và tính chất tươi sáng trong các tác phẩm. Nhật ký du lịch bằng tranh ảnh cũng là một phần quan trọng trong sáng tác của cô.

Minh Anh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.