Ông Đào Đồng Bằng tóm tắt sự anh em với tôi do “duyên”. Cùng bố mẹ sinh ra thời lên núi kháng Pháp (đói khổ đẻ con quặt quẹo), lớn đi kháng Mỹ (khổ, ác liệt), quá nửa đời kháng đói, cuối đời kháng dốt (học lôm côm), già lại cùng kháng bệnh.
Duyên
Trí nhớ tôi lần về mùa đông những năm sáu mươi của thế kỷ trước rét cắt da thịt, nhặt gạch vỡ, rổ rách chúng tôi co ro bên nhau xếp hàng mua gạo từ nửa đêm. Thời chưa biết “trời trăng” thế nào nhưng “vũ trụ theo ta vào trong chiến trận” (1) cuối 1974 từ Khánh Hòa lên Tây Nguyên tình cờ gặp giữa rừng, giữ tôi lại một đêm, thấy tôi gầy guộc rách rưới như thổ phỉ, kiếm bộ quân phục mới, mổ gà giã ruốc làm quà tiễn thằng em (anh hơn tuổi tôi), dặn “cố sống mà về”.
Cùng sống sót sau 1975 nhưng đói quá, dân Hà Nội nhao nhác kiếm việc làm thêm, anh chỉ cho anh rể tôi - thi sĩ có mấy tập thơ ế và hai đứa con song sinh đang khát sữa, cách sàng gạo sen. Nhà anh có nghề mua trà về ướp sen, nhài. Trà ướp gạo sen (hạt nhụy đầu bông sen nhỏ li ti rất thơm, trắng như gạo) vài lượt, sau mỗi lượt sàng lấy gạo sen cũ ra để ướp gạo sen mới, gom gạo sen cũ bán cho các hàng thuốc bắc. Trà nhài ướp nụ buổi tối, qua đêm nụ bung hoa hương thấm vào trà, hoa ấy cũng để bán lại cho các hàng đồ uống trân châu, thạch, dừa...
Song thân mất, anh thôi nghề, nhưng hương hoa sen, hoa nhài vẫn luẩn quất trong căn gác đặt bàn thờ gia tiên mỗi lần chúng tôi gặp nhau bên chén trà. Có thể tôi hay lẫn lộn ký ức với thực tại, anh Bằng chỉ coi là duyên, việc mà ta không định liệu trước được.
Thân cây trà shan cổ thụ hoang dã, nguyên sinh với lớp rêu đỏ hiếm gặp. Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Đình
Duyên nghề tổ phụ nối sang cậu con trưởng đi mua trà cây thấp trồng ở các vùng đồi Thái Nguyên lạc chân tới tận rừng trà cổ thụ (trà cao, Shan tuyết, Tủa Chùa, Điện Biên) quê vợ. Nói cho đúng quê gốc cái Sơn, con dâu ông Bằng không phải trên núi mà ông nội nó vốn dân Thái Bình chạy đói năm 1945, vừa đi vừa kiếm sống gần 3 tháng mới dừng lại “chốn thâm sơn cùng cốc”. Sơn tháo vát có xưởng riêng làm thanh trà, hồng trà, bạch trà...
Cô kỹ sư nông nghiệp giới thiệu rừng trà của người Mông “trên độ cao hơn 1.200m quanh năm chỉ 20-25 độ, chênh lệch ngày đêm tới 10 độ, tầng đất thịt dày, cây trà tự nhiên không bón hóa chất, không bị kim loại nặng... Đất dày thì lá trà dày pha đến 4-5 lần nước; không kim loại nặng trà không bị khét, ngái; lạnh, khô, chênh lệch nhiệt độ nhiều thì trà đậm vị, chát, “cá tính” hơn trà Shan bên các tỉnh phía đông khí hậu ấm và ẩm. Chú uống quen sẽ thấy ngon, nó giúp chống lão hóa”.
Sơn xuống núi sinh con và đã mở vài đại lý bán trà Shan ở Hà Nội, “lên núi xuống đồng” vất vả nhưng có chồng sát cánh, internet hỗ trợ, đường sá thuận tiện. Ông Bằng bảo: “Bắt ở chung không vì vai con trưởng mà để cháu được bà chăm, con dâu biết nếp nhà chồng, khởi nghiệp cần vốn làm ăn, đỡ vợ chồng nó khoản thuê nhà. Con Sơn xin ở riêng. Vợ tôi dỗ mãi, nó đồng ý nhưng phải ở tầng cao nhất, lý do: con leo núi quen rồi”.
Cũng vì muốn đỡ nhau khoản tiền thuê nhà mà gia đình đứa con gái ông làm ngành du lịch lấy chồng tên Hải ở một hòn đảo trên vịnh Bắc bộ, về sống chung nhà. Rể ông Bằng buôn đồ cơ khí, điện tử Trung Quốc bán cho đầu mối các tỉnh phía Bắc. Kẻ lớn lên trên đại dương rất không thích “nằm gầm chạn” nhưng “cháu chiều vợ, nghề vợ chồng cháu phải đi nhiều, gửi con ông bà chăm yên tâm”.
Ảnh: Trần Minh Hoàng
Tinh thần anh Mới chưa cũ!
Tóm lại ba gia đình họ đều có lý do chính đáng “suốt ngày leo lên tụt xuống” cầu thang căn nhà 60m2 đất xây 3 lầu 1 trệt. Riêng tôi tin kiểu tổ chức sống này do ông Bằng. Ông ấy hay tuyệt đối hóa công bằng theo cách chia bình quân mọi quyền lợi, gái trai đều là con, đứa này đã được ở với bố mẹ, đứa kia cũng phải thế.
Ông lấy truyện “Nghệ thuật chặt thịt gà” (2) có nhân vật thằng Mới chặt một con gà ra 92 miếng chia theo các suất ăn khác nhau tùy địa vị từng người, bàn “thiên hạ chỉ biết cười nhạo tính bần tiện, nhỏ nhen, nhiêu khê của thói tục làng xưa mà không thấy đó là một hành vi tuyệt vời hướng đến sự công bằng. Trong khi chưa có hai gà mà 92 người cần ăn nó thì phải chia đều một gà. Vậy là có hòa bình, nếu không tất loạn gia đình, loạn xã hội. Nghệ thuật băm gà của cụ Mới có thể mất nhưng di sản tinh thần ấy phải giữ cho muôn đời con cháu”.
Vâng, nhưng thế quái nào mà chuyện chặt thịt gà ở xó quê lại bị “nâng thành quan điểm về hòa bình?”, tôi chẳng biết, chỉ biết lý lẽ ấy đang dùng thu xếp cho các gia đình núi- biển- đồng bằng sống theo trật tự trong căn nhà của ông chủ Đồng Bằng. Thí dụ, người lớn lên ở đâu ăn quen thức ăn từ thổ nhưỡng nơi đó, “thằng Hải khoái đồ hải sản ít chịu ăn cá đồng. Con Sơn thích nấm, củ mài… Biết cả nhà ăn chung nên bố mẹ chúng thường gửi thực phẩm cho con cháu. Nhưng mực tươi ngon mấy cũng không thể xơi liền hai ngày”. Ông Bằng nhăn mặt: “Tôi chỉ đạo thực đơn: 1 ngày ăn đồ núi, 4 ngày đồng bằng, 1 ngày đồ biển, chủ nhật tự do. Dân số đồng bằng nhiều, thế là công bằng”.
Làn sóng dịch cư tới các đô thị ngày càng gia tăng sớm hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ. Nhu cầu định cư tại đô thị vì thế tăng theo. Trong ảnh là một "chung cư mini" nằm trong một con hẻm ở Hà Nội và xung quanh nhà dân quây kín. Ảnh: Người Lao Động
Cứ kinh tế hộ mà suy
Nhưng ông Bằng tự nhận chia kiểu ấy cũng tai hại: “Người xứ khác tổ chức sinh sống, sản xuất theo dòng họ/ huyết thống, ông bố thường chỉ giao sản nghiệp thừa kế cho con trai trưởng (nó phải có trách nhiệm với các em) tài sản tích lũy tập trung nhờ thế to dần. Ở ta, ông bố chia đều cho các con trai lấy vợ lập gia đình (trưởng chỉ hơn tý hương hỏa), điền sản bởi thế bị chia nhỏ dần. Thảo nào ruộng đất xứ mình đã ít, lại bị vỡ ra hàng triệu mảnh như tấm áo vá của thằng ăn mày, bình quân mỗi nông hộ Bắc kỳ chỉ dăm sào ruộng”.
Tôi vui vẻ: “Đổi lại ta có công bằng/hòa bình”. Ông cười buồn: “Hình dung đi: Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, giữa cánh đồng vắng vẻ chỉ có hai vợ chồng chân thụt trong bùn, tầm nhìn quanh quẩn vài sào đất là không gian bé nhỏ cần quản lý. Thời gian lập kế hoạch sản xuất cũng một năm hai vụ lúa, mỗi vụ dăm tháng. Dù không so sánh với người các xứ chăn nuôi ngồi trên lưng ngựa tầm nhìn cao hơn, xa hơn trên thảo nguyên bao la thì cũng có thể cảm nhận rằng hoạt động sống của nông dân xứ ta bị chi phối bởi thời gian ngắn/ không gian sản xuất hẹp hơn nông dân xứ khác? Mà cứ thế trải cả nghìn năm thành lối sống, văn hóa tiểu nông nghĩ ngắn, nhìn gần. Như nhà tôi, định cư mấy đời ở đô thị, nhưng đã chia tay cụ Mới chặt gà ở quê được đâu?”.
Không đồng ý, tôi cãi: “Kinh tế dịch vụ giờ chiếm trên 40% cơ cấu, nông nghiệp còn ít lắm, lấy đâu ra nhiều nông dân mà cứ nói phổ biến là tư duy tiểu nông?”. Ông Bằng nhẹ nhàng: “Sau hợp tác hóa thất bại (các nông hộ gộp ruộng làm chung) đành quay về kinh tế hộ (chia ruộng), nay nông hộ lại lưỡng lự “dồn điền, đổi thửa”. Thì, nhìn đại thể xã hội này vẫn phổ biến vận hành với mô hình tổ chức kinh tế hộ. Các hộ tiểu nông ấy tiến vào đô thị may lắm thành những hộ tiểu chủ làm kinh doanh dịch vụ”.
Tôi hồ nghi, không lẽ lão nói đúng? Hà Nội, TP.HCM đã mở rộng gấp nhiều lần xưa nhưng ngoài các đại lộ với lớp nhà đồ sộ hai bên, phía sau là mênh mông rậm rịt rừng nhà cửa chen chúc đua nhau mọc chèn lên những con hẻm, ngõ, ngách/ngách, xuyệt/ xuyệt... ngoằn ngoèo, loằng ngoằng chỉ xe máy đi lọt. Ở thế ngộ nhỡ cháy nổ, cấp cứu người bệnh, xe nào len vào cứu hộ? Xây cất kiểu ấy bể phốt thải - bể nước ăn ngầm tràn sang nhau khi mưa to ngập lụt, không dịch bệnh mới lạ? Đó có phải từ tâm lý tiểu nông nghĩ ngắn, nhìn gần - mà dân mình lúc mua đất xây nhà chỉ muốn lấn ra đường, không tính hết hậu quả?
Nghe tôi nêu cao câu hỏi, ông Bằng cười nhạt: “Sao chỉ nghĩ quán tính tùy tiện tiểu nông là của dân, mà không của quan? Đều đi ra từ làng, mấy chục năm qua hàng triệu nông dân tăng tốc tiến vào đô thị, trong số họ người có “duyên” đã thành quan. Nhưng có mấy ông quan hiểu được cần là thị dân thật sự trước khi làm quan mới biết quản lý thành phố?”.
Đang ngồi cà phê vỉa hè, chuyện hai chúng tôi bỗng bị dừng bởi tiếng rao oang oang “Di dỉ dì di cái gì cũng có, chỉ 10 nghìn, mua đi, mua đi!” của một cậu kéo cái xe thùng tự chế chất đầy hàng tạp hóa tua tủa như lông nhím. Ông Bằng hỏi “giai Hà Nội dám kiếm ăn kiểu này?”, rồi tự trả lời “không đời nào, hoặc thằng ấy chỉ chịu lăn ra đường khi đã bán hết dăm cái nhà của bố mẹ nó, nếu có”. Tôi hiểu ý ông, người tứ xứ đến Hà Nội mưu sinh thường ngoan cường, có động lực mạnh hơn người sở tại.
Đường làng Linh Quang (Hà Nội) xưa vốn thoáng đãng, nay bị lần chiếm, chất tải xây dựng thành ngõ, ngách chật chội. Ảnh tư liệu: Báo Dân Trí
Chợt nhận ra sắp đến Tết, hằng năm ông Bằng giữ luân phiên một gia đình ở lại ăn Tết với vợ chồng ông, tôi hỏi: “Năm nay đến lượt nhà Sơn tinh hay Hải tinh?”. Ông cười thoáng buồn: “Không đứa nào, tôi cho Núi về núi, Biển về với biển. Cả năm ở với mình, Tết thả chúng bồng bế nhau về nội - ngoại đang mong ngóng con cháu. Thế mới thật công bằng, ông nhỉ?”.
Tôi chẳng dám trả lời, sợ ông buồn. Bởi đã có lúc ông kể “bạn bè thằng Hải đi học mấy năm về quê mất biển vì người đâu đến xây khu công nghiệp xả thải ô nhiễm chết hết cá. Đứa ở núi mang được bằng đại học về nhà thì núi bị nung vôi rồi”. Nên tôi hiểu từ đáy lòng ông muốn bao bọc con cháu trong vòng tay già nua của mình. Nhưng liệu ông ấy còn có thể giữ chúng ở trọ trong cái “khách sạn đồng bằng” này thêm được bao Tết nữa?
Trần Trung Chính
______________
(1) Lời bài hát Nổi lửa lên em
(2) Tập truyện Việc làng, Ngô Tất Tố.