Trước dịch Covid xảy ra, sáng sáng chúng tôi lao ra khỏi nhà, người đi làm, người đi học. Chúng tôi tất bật ngoài đường cả ngày và trở về nhà khi việc đã xong, cuộc vui đã tàn. Nhưng hai năm qua, Covid đến như một cơn bão dài ngày quét qua mọi ngóc ngách của địa cầu. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác là ở nhà nhiều hơn.
Lúc này, chúng tôi mới cảm nhận được ngôi nhà như người mẹ, dang rộng cánh tay chở che cho tôi qua giai đoạn không có chỗ nào khác để đi. Hàng quán đóng cửa, các tụ điểm vui chơi tụ họp đóng cửa, các chuyến bay ngưng hoạt động, khách sạn resort đóng cửa, bãi biển không người tắm, các công sở cho nhân viên work from home. Và tôi, giống như mọi người, mấy tháng vừa rồi trú ẩn trong nhà, có thời gian suy ngẫm ra những điều hiển nhiên dễ thấy mà lại ít chú ý đến.
Mỗi khi ra khỏi nhà ai nấy đều sạch sẽ thơm tho chỉn chu trong áo quần đẹp đẽ, sau một hồi lao ra đường đến bơ phờ, khi trở về nhà ai nấy đều cạn năng lượng, quần áo bớt thẳng nếp, đôi khi còn xộc xệch. Đến nhà, ném cái túi vào góc sofa, nằm dài ra thở. Nhà lại xạc pin cho chúng tôi y như những con robot lau nhà khi hết điện biết tự tìm về nguồn xạc.
Ở nhà, chúng tôi có thể mặc bộ quần áo sao cũng được, có thể ngồi, nằm ở tư thế sao cũng được, có thể bê tô cơm lên ăn ngấu nghiến. Ra đường chúng tôi chỉn chu nhưng ở nhà, chúng tôi có thể trưng ra mọi tư thế “không đẹp”. Nhà chưa bao giờ quay lưng lại với chúng ta dù chúng tôi lôi thôi đến thế nào, xấu xí đến thế nào. Nhận ra những điều hiển nhiên đó, tôi bỗng thấy yêu căn nhà quá đỗi. Tôi thấy mình được chở che an toàn nơi đây. Tôi không còn thích đi đâu lâu nữa, đi đâu cũng muốn nhanh chóng trở về ngồi bên chiếc ghế êm ái. Dịch bệnh là thảm họa với tất cả chúng ta, nhưng đâu đó cũng có đôi phần hữu ích. Nó giúp ta có nhiều thời gian ở nhà, sống chậm, suy tư và an tĩnh. Những mất mát hao mòn của năm tháng dường như được bồi đắp lại từ từ.
Tôi yêu thương và chăm chút từng góc nhỏ của ngôi nhà. Tôi lau dọn hàng ngày những khe cửa vương bụi, hay những ngóc ngách khó với tới. Tôi thích ngồi trên sofa xếp từng món quần áo của mọi người trong gia đình, vuốt thẳng thớ vải, hít hà mùi thơm còn sót lại, đặt chúng xuống và từ từ gập lại gọn gàng. Chẳng mấy chốc đống quần áo lộn xộn vừa khô đã trở nên ngay ngắn đẹp đẽ. Người ta bảo, mọi đồ vật đều có đời sống riêng và có năng lượng riêng. Tôi nghĩ nếu đối xử tốt với áo quần đồ dùng, trân trọng chúng thì chúng cũng quay lại yêu thương và gắn bó với tôi. Tôi có thời gian dành cho chúng, thì chúng cũng dành cho tôi sự phục vụ tốt nhất.
Tôi thích nấu những bữa ăn ngon, và mọi người quây quần bên chiếc bàn ăn trong bếp để hít hà hương vị “mẹ làm”. Chúng tôi đã dùng chiếc bàn ăn này nhiều năm. Nó đơn giản, được làm từ gỗ thường nhưng rộng rãi đủ để bày biện đủ thứ chén đĩa ly tách. Tôi gọi đây là chiếc bàn gắn kết vì là nơi tụ họp của cả nhà. Tôi trải dưới lớp kính một tấm vải thổ cẩm mua vào dịp đi thăm quan Bắc Hà nhiều năm trước. Tấm vải thổ cẩm mang đến hình ảnh quen thuộc mà mỗi lần tháo ra giặt thì chiếc bàn trở nên trơ trọi, trống vắng. Có những vật dụng trong nhà, không lớn lao to tát gì nhưng lại rất thân thiết, mà nếu nó không nằm đó thì ta cứ thấy thiếu thốn điều gì.
Nhà tôi ít đồ đạc, ít tiếp khách, ít trang trí. Tôi hay đùa là nếu trộm vào nhà tôi thì chắc thất vọng lắm. Nhà chỉ có một số thứ đáng giá như: cây đàn piano (quá nặng để trộm vác đi), vài bức tranh sơn dầu tôi tự vẽ (quá tệ để ăn trộm), một bộ sofa để nằm ngồi giãn duỗi (quá cồng kềnh để bê đi). Ngoài ra không có những đồ trang trí như các gia đình khác bởi tôi thích sống tối giản, giảm bớt đồ đạc để có nhiều không gian hơn cho không khí dễ dàng lưu thông. Mùa đông tôi bật đèn vàng cho căn nhà ấm cúng.
Mùa hè tôi dùng ánh sáng trắng và ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng là thứ rất quan trọng tác động trực tiếp vào cảm nhận của người sống trong nhà. Ánh sáng chói gắt quá sẽ khiến ta cảm giác bị phơi bày lộ liễu và mệt mỏi. Ánh sáng vừa đủ, nhấn nhá từng không gian, phù hợp với thời tiết sẽ giúp ta cảm thấy dễ chịu. Vì vậy nên tôi tham khảo chuyên môn để tháo bớt, hoặc lắp thêm bóng đèn để sao cho “mùa nào thức nấy”, mọi người trong nhà đều cảm thấy không có sự tác động khi thời tiết thay đổi.
Ngôi nhà với tôi nó giống như một thực thể sống. Khi ta chăm chút cho một thực thể sống, nó trở nên ấm áp. Khi ta trồng một cái cây ở góc này góc kia, nó trở nên xinh đẹp gần gũi. Khi ta kéo rèm cho ánh nắng mặt trời lọt vào, nó trở nên lung linh sống động. Khi ta sơn lại, hay sửa chữa những chỗ bị bào mòn, thì nó lại mới mẻ như ngày đầu. Nhà tôi tuy nhỏ nhưng tôi thấy “tiện nghi” lắm, bởi vì “tiện nghi” đối với tôi tức là sự thuận tiện trong sử dụng cho gia chủ: ví như một cái móc treo ngay cửa để đi về có thể treo mũ, khẩu trang; ví như góc nhỏ treo cái giỏ rác nhỏ nhỏ trong nhà tắm để tiện vơ vào những lọn tóc rụng hay cái bông tăm dùng xong; ví như chỗ để bình nước lọc phải dễ dàng lấy từ mọi phía. Phụ nữ chúng tôi, những điều to tát không làm được, nhưng tạo ra những “tiện nghi” trong nhà thì không khó, chỉ cần quan sát và chỉnh sửa thêm thắt dần, ta sẽ có một ngôi nhà hơn cả trong mơ.
Tôi nghĩ rằng, ngay từ đầu chắc hẳn không có ngôi nhà nào là hoàn hảo. Ngôi nhà hoàn hảo phải được vun đắp từ từ, bằng tình thân của những thành viên sống trong đó. Biết yêu thương chăm sóc thì dần dần ta sẽ có một ngôi nhà hoàn hảo theo tiêu chí của chúng ta.
Nguyễn Thị Thu Hằng