Sâu thẳm trong tôi từ bấy đến nay hằn đậm tên tuổi của một người trong số họ: ông không phải nhà báo, nhà văn, nhà thơ; không phải nhạc sĩ, họa sĩ; cũng không phải giáo sư, trí thức; ông là người lao động bình thường với nghề làm sách, đó là Minh Đức - Trần Thiếu Bảo!
Trần Thiếu Bảo, ông chủ Nhà xuất bản Minh Đức. Ảnh: TL
… Can cớ để tôi biết đến Nhà xuất bản Minh Đức và ông chủ của nó là Trần Thiếu Bảo (1920 - 1986), và cứ nhớ mãi với rất nhiều câu hỏi không tự trả lời được, là nhờ khi đã đứng tuổi, đã biết nghĩ suy chút đỉnh về cuộc đời, tôi được đọc tất cả các tập Giai phẩm: từ Giai phẩm mùa thu 1956 tập I, tập II, tập III đến Giai phẩm mùa đông 1956 tập I (phát hành xong tập này thì Giai phẩm bị đình bản vào tháng 11.1956); cho đến Giai phẩm mùa xuân 1956 tập I (ra hồi đầu năm, bị tích thu, rồi được in lại lần thứ hai vào tháng 10.1956).
Thế là, đáng lẽ Giai phẩm 1956 ra đủ bốn mùa xuân - hạ - thu - đông với mỗi tháng một tập, chỉ vì nỗi cắc cớ Giai phẩm mùa xuân bị tịch thu, mà 3 tập Giai phẩm mùa hạ không ra được, chỉ có Giai phẩm mùa thu ra đủ 3 tập và 1 tập đầu của Giai phẩm mùa đông. Thành thử, thay vì 12 tập thì Giai phẩm 1956 chỉ có 5 tập, một thiệt thòi lớn cho lớp hậu sinh muốn tìm lại dấu tích văn đàn Việt Nam một thời xa xưa!
Giai phẩm là một mỹ từ, có nghĩa rất đơn giản là tác phẩm hay, đẹp. Nhưng câu chuyện Nhân văn - Giai phẩm hồi đó ở Hà Nội thì ẩn đằng sau nó những số phận đầy bi thương của những con người tài hoa và ngay thẳng.
Các tập Giai phẩm đều in khổ 16x24cm, độ dày mỗi tập là 64 trang, 72 trang, 68 trang, 72 trang và 54 trang; số lượng in của mỗi tập từ 3.100 bản đến 3.200 bản, giá bán 1.500 đồng.
Giai phẩm mùa thu 1956, tập I, có Lời của nhà xuất bản: “Để góp phần vào việc chuẩn bị Đại hội Văn Nghệ toàn quốc; để phát huy và đẩy mạnh tự do sáng tác văn nghệ theo phương châm trăm hoa đua nở, chúng tôi xuất bản tập Giai phẩm mùa thu này gồm có nhiều bài của nhiều tác giả bản sắc khác nhau, khuynh hướng nghệ thuật khác nhau. Mỗi tác giả chịu trách nhiệm bài viết của mình. Trên tinh thần này, nhà xuất bản thiết tha mong các bạn văn nghệ sĩ cộng tác đông đảo”.
Ở tập Giai phẩm mùa xuân 1956 in lần thứ hai, có Lời nói đầu của nhà xuất bản: “Tập Giai phẩm mùa xuân xuất bản đầu năm nay không kịp đến tay bạn đọc - Từ đó đến nay, những sự kiện về phong trào tự do tư tưởng, tự do sáng tác đã dồn dập xảy ra chung quanh tập sách đó.
Theo ý chúng tôi, vấn đề chính cần thảo luận hiện nay là vấn đề tự do sáng tác, trong đó có những câu hỏi cần nêu lên: Quyền hạn người làm văn nghệ được biểu hiện thực tế đến mức độ nào? Người làm văn nghệ cần trung thành với thực tế như thế nào? Trách nhiệm của người làm văn nghệ trước Đảng, trước nhân dân thế nào? Văn nghệ phục vụ chính trị ra sao?
Chúng tôi tin chắc rằng rồi đây, các bạn văn nghệ sĩ và những người quan tâm nghiên cứu các vấn đề của Văn Học Nghệ Thuật sẽ thảo luận để thống nhất với nhau về đường lối, đồng thời sẽ nảy ra nhiều quan niệm, nhiều phương pháp sáng tác khác nhau, đẩy mạnh phong trào trăm hoa đua nở.
Vì lẽ đó, chúng tôi cho in lại tập sáng tác này, để các bạn đọc cùng nghiên cứu góp phần xây dựng cho phong trào”.
Bìa gốc một số Giai phẩm mùa thu, mùa đông, mùa xuân xuất bản năm 1956 (ảnh trên) và phiên bản phục dựng làm trên chất liệu giấy đen giống bản gốc, do những người sưu tập sách thực hiện sau 1975. Ảnh: TL
Với thân phận của một nhà xuất bản tư nhân, Minh Đức buộc phải có Lời nói đầu khiêm nhường như trên là để che đậy một sự thật vô pháp. Trong tập Giai phẩm mùa xuân 1956 xuất bản hồi đầu năm, từ trang 13 đến trang 27 có bài thơ dài Nhất định thắng của Trần Dần; ngay lập tức cả bài thơ và tác giả đều bị phê phán kịch liệt, bị coi là có tư tưởng chống lại chế độ, nên có lệnh tịch thu, cấm phát hành.
Đến tháng 10, tự thấy tịch thu tập Giai phẩm mùa xuân, kết tội bài thơ, kết tội tác giả như vậy là hồ đồ, người ta phải giao cho chính Nhà xuất bản Minh Đức in lại mà không cần có một lời xin lỗi nào đối với nhà xuất bản, tác giả và bạn đọc! Cho đến tận bây giờ, không mấy ai được biết hồi đó cơ quan nào ra cái lệnh tịch thu Giai phẩm mùa xuân, chỉ được đọc một bản Trích thông cáo của Ban Thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam ngày 2.10.1956, với phần I thừa nhận sai lầm trong việc phê bình bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần.
Trong 5 tập Giai phẩm có sự hiện diện của nhiều tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ và các trí thức lớn ở miền Bắc thời đó: Phan Khôi, Hoàng Cầm, Hoàng Yến, Hữu Loan, Hồng Lực, Huy Phương, Quang Dũng, Trần Lê Văn, Nguyễn Bính, Lê Đại Thanh, Phác Văn, Trần Duy, Trương Tửu, Phùng Quán, Tô Vũ, Trần Công, Hoàng Huế, Mai Hạnh, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Chu Ngọc, Bùi Quang Đoài, Trần Dần, Trần Đức Thảo, Tử Phác, Sỹ Ngọc, Trúc Lâm, Lê Đạt, Văn Cao, Nguyễn Sáng...
Không ít tác giả xuất hiện nhiều lần với những tác phẩm khác nhau thuộc các thể tài, thể loại khác nhau, như phê bình, nghị luận, khảo cứu, truyện ngắn, truyện dài (trích), truyện ngụ ngôn, thơ, dịch phẩm, ca khúc, hoạt cảnh (trích), kịch thơ (trích), tranh khắc gỗ, tranh minh họa, tranh châm biếm.
Tự trong thâm tâm, tôi vô cùng biết ơn ông Trần Thiếu Bảo đã dũng cảm xuất bản các tập Giai phẩm. Nhiều chục năm qua, tôi muốn biết Minh Đức là nhà xuất bản thế nào? Trần Thiếu Bảo là ai mà lại làm được cái việc dũng cảm đó? Nhưng suốt chừng đó năm tuyệt nhiên không tìm được bất cứ thông tin nào giúp tôi giải tỏa nỗi niềm đó! Mãi cho đến ngày 9.1.2021 vừa rồi, tôi được đọc một bài viết của nhà văn Thái Kế Toại(*). Tôi vô cùng mừng rỡ và thầm cảm ơn tác giả bài viết!
… Trong bài viết của mình, nhà văn Thái Kế Toại cho biết nhiều thông tin quý giá về Trần Thiếu Bảo. Ông sinh năm 1920 tại thị xã Thái Bình, nguyên quán làng Cổ Khúc (tức làng Khuốc, gốc chèo cổ), huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Gia đình ông giàu có, làm nghề buôn bán, sẵn có quan hệ với quan lại, công sứ Allemand và chánh mật thám Thái Bình.
Bản lý lịch cá nhân của ông ghi gia đình là địa chủ, bản thân là tư sản; trình độ văn hóa năm thứ tư trung học. Trước tháng 8.1945 ông đi học, tham gia Hướng đạo, Hội Ánh sáng, Hội Trí tri, Hội Truyền bá Quốc ngữ. Thôi học, ông mở hiệu sách ở Thái Bình, liên hệ với các nhà xuất bản Hàn Thuyên, Đời Nay, Tân Dân, các báo Đông Pháp, Tiểu thuyết Thứ Bảy, với các văn nghệ sĩ như Bàng Bá Lân, Trương Tửu, Khái Hưng.
Sau tháng 8.1945 ông lên Hà Nội mở nhà xuất bản Minh Đức. Đến kháng chiến toàn quốc tháng 12.1946, Trần Thiếu Bảo lại về Thái Bình - lúc đó là vùng tự do, ông vẫn giữ mối quan hệ với các văn nghệ sĩ để xuất bản sách, được bầu vào Ban chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc Liên khu III.
Năm 1950, Pháp đánh chiếm Thái Bình, Trần Thiếu Bảo tản cư vào Thanh Hóa, nhà xuất bản Minh Đức đổi tên là nhà xuất bản Xây Dựng, có Nguyễn Hữu Đang giúp sức xuất bản sách phục vụ kháng chiến, được Đặng Thai Mai, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hóa giúp đỡ. Năm 1954, ông đang dự lớp chỉnh huấn 4 tháng do Tỉnh ủy Thanh Hóa mở, thì có lệnh đình chiến. Tháng 10.1954 tiếp quản thủ đô, Trần Thiếu Bảo về Hà Nội, ông mở lại Nhà xuất bản Minh Đức - Thời Đại, lấy biểu tượng là hình vẽ con ngựa trắng có cánh trên nền cuốn sách mở.
Logo Nhà xuất bản Minh Đức |
Minh Đức hoạt động xuất bản hợp pháp theo pháp luật hiện hành của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1945 đến 1957, đã xuất bản một lượng lớn sách phục vụ kháng chiến ở Thanh Hóa và Hà Nội. Về xuất bản, ông là một người làm sách xuất sắc nhờ năng lực và tài sản cá nhân của ông, được coi là người duy nhất mở được nhà xuất bản tư nhân đầu tiên dưới chế độ mới.
Nhìn vào thư mục sách của Nhà xuất bản Minh Đức từ 1946 đến 1957, qua cách phân loại theo chủ đề, người ta thấy tầm văn hóa cao của Trần Thiếu Bảo. Bảng phân loại của nhà xuất bản Minh Đức gồm: sách tìm hiểu, sách nhân dân tự học, sách chính trị tùng thư, sách văn học sử, sách khoa học Liên Xô, sách phát động quần chúng, sách khai thác vốn cũ dân tộc, sách thiếu nhi ngoan, sách chiến công, sách tự học… Trong số này có rất nhiều đầu sách phục vụ cho công tác chính trị tư tưởng hồi kháng chiến và buổi đầu xây dựng chế độ(*).
Theo bài viết(*), Trần Thiếu Bảo mê văn nghệ và yêu văn nghệ sĩ tới mức ông sẵn sàng bỏ tiền túi ứng trước cho văn nghệ sĩ, sẵn sàng chạy nháo nhào bằng chiếc xe đạp cà tàng, từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, vào tận nhà dòng Bùi Chu để kiếm chỗ in bằng được những tác phẩm của các tác giả mà ông quý mến! Vào cái thời khó khăn, gian khổ nhưng lại có tự do đó, ông đã phổ biến rất nhiều tác phẩm có giá trị bằng công sức, mồ hôi và tiền bạc của chính ông, in trên thứ giấy thủ công vẫn còn nguyên cọng rơm của xưởng giấy ở Quần Kênh (Thanh Hóa). Bìa và ruột sách cùng một thứ giấy, in cùng một thứ chữ lem nhem do cái máy minerve quay tay in ra.
Trần Thiếu Bảo là người đầu tiên, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã làm công việc “đỡ đẻ” cho nhiều tác phẩm văn chương, không vì kinh doanh, không vì lời lãi. Ông dám tự mình đứng ra chịu trách nhiệm trước nhân dân về các xuất bản phẩm do ông góp sức tạo ra. Đặc biệt nhất, ông là người tôn trọng, thậm chí tôn sùng những con người mà theo ông là đặc biệt nhất, có tài nhất trong giới văn nghệ. Vì họ, ông sẵn sàng hy sinh cả tài sản, cả quyền lợi bản thân để những tác phẩm xuất sắc nhất của họ được ra đời.
Và người đời sau cũng đừng quên điều này: không giống với khá nhiều người khác đi kháng chiến rồi tự rời bỏ hàng ngũ kháng chiến về sinh sống ở vùng Quốc gia kiểm soát - gọi là “dinh tê” - thì suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Trần Thiếu Bảo đều sống và hoạt động xuất bản tại các vùng tự do của Việt Minh kiểm soát, hết Thái Bình đến Thanh Hóa, làm việc hết mình cho sự nghiệp xuất bản của kháng chiến.
Tháng 10.1954, Trần Thiếu Bảo trở về Hà Nội tiếp tục làm nghề xuất bản tự do một cách vất vả, vì lúc này ở Hà Nội đã có sẵn những nhà xuất bản mạnh hơn nhiều lần nhà xuất bản Minh Đức mới thành lập lại của ông. Tuy nhiên, ông vẫn giữ vững nguyên tắc hoạt động xuất bản không phải là cách kiếm sống mà là chọn đưa tới người đọc những gì là của ngon vật lạ nhất để họ thưởng thức.
Từ ngôi nhà ở nhờ một người bạn tại Ô Quan Chưởng, ông chuyển trụ sở nhà xuất bản về 25 Phan Bội Châu. Và chính tại ngôi nhà định mệnh này, nơi ông thường tổ chức các cuộc “tao ngộ chiến” bên bàn rượu, đã đưa ông đến với những Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Thụy An. Ông quyết tâm làm bà đỡ cho tác phẩm của những con người mà ông vô cùng cảm phục. Số phận của ông từ đầu năm 1956 đã được ông tự quyết định, không tính toán, không ân hận bằng việc xuất bản các tập Giai phẩm.
Ở Hà Nội lúc đó, Trần Thiếu Bảo còn nhìn thấy chiều hướng phát triển của công tác xuất bản và phát hành sách báo; ông tập hợp các nhà xuất bản Kuy Sơn, Kim Sơn, Cộng Lực, Xây Dựng, Lửa Sớm, Ánh Sáng, cùng ông chủ các nhà in Xuân Thu, Hiền Nam, Sông Lô họp bàn thành lập hợp tác xã xuất bản và hợp tác xã phát hành sách báo, đã tiến hành lập Ban quản trị của hợp tác xã.
Trần Thiếu Bảo rất trân trọng các giá trị văn hóa của quá khứ. Ông nhận ra giá trị đích thực của nhà văn Vũ Trọng Phụng ngay cả khi nhà văn bị bài xích kịch liệt. Năm 1957, nhà xuất bản Minh Đức in lại lần thứ hai tiểu thuyết Số đỏ, sau khi Minh Đức phối hợp với Hội Văn nghệ Việt Nam làm lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 10.1956, đồng thời tổ chức xuất bản cuốn Vũ Trọng Phụng với chúng ta gồm các bài phê bình của một số tác giả, bán lấy tiền giúp gia đình cố nhà văn xây ngôi mộ nhà văn khi đó được đặt tại nghĩa trang Quảng Thiện ở Ngã Tư Sở.
Tiểu thuyết Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng cũng nhận được sự ưu ái của Trần Thiếu Bảo. Tiêu sơn tráng sĩ, in 1936, là tác phẩm dài hơi nhất và công phu nhất của Khái Hưng, trên bốn trăm trang, dựng lại một giai đoạn lịch sử hai trăm năm về trước, thời Lê mạt Nguyễn sơ, dưới triều Cảnh Thịnh năm thứ năm (1797). Tiêu sơn tráng sĩ được văn giới đánh giá là truyện dã sử nổi tiếng nhất của nền văn học nước nhà. Khái Hưng ca ngợi những chiến sĩ gan dạ, xả thân vì đại nghĩa, vì sự nghiệp cách mạng để khơi dậy trong tâm hồn tầng lớp thanh niên tinh thần hy sinh, ái quốc.
Năm 1957, Nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo đã cho tái bản Tiêu sơn tráng sĩ, nhưng bị phê phán kịch liệt vì cho là cuốn sách phản động. Kể từ đó, suốt hàng nửa thế kỷ, Tiêu sơn tráng sĩ bị mất tăm mất tích; cho mãi đến gần đây, thì nhiều nhà xuất bản đã ồ ạt in lại; và cũng đã bắt đầu có nhiều lời ca ngợi giá trị của tác phẩm(*).
Cuối năm 1958 phong trào Nhân văn - Giai phẩm bị dẹp tan, Trần Thiếu Bảo bị bắt giam. Ngày 10.12.1959, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xử vụ án gián điệp mà bị cáo là một số người của Nhân văn - Giai phẩm, gồm các vị Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.
Sang tháng 1.1960 tòa tuyên án. Trần Thiếu Bảo bị kết án 10 năm tù giam và 5 năm bị tước quyền công dân sau khi ra tù. Nhưng trên thực tế phải đến tháng 4 năm 1973 ông mới được trả tự do(*). Có nghĩa là, người ta đã không tính thời gian ông bị tạm giam vào thời gian thụ án; đã thế lại còn kéo dài thời gian thụ án đến tận tháng 4 năm 1973, tức là ông bị giam cầm thêm hơn 3 năm nữa.
Ra tù ở tuổi 53, Trần Thiếu Bảo trở về gian nhà của mình ở số 5 Bát Đàn chỉ rộng khoảng 4 mét vuông, sống độc thân, không chỗ nương tựa, không nghề nghiệp, không việc làm, xoay trở kiếm sống qua ngày bằng cách bán cà phê và vài thứ nước giải khát tại nhà.
Danh họa Bùi Xuân Phái. Ảnh: TLGĐ
… Họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920 - 1988), quê gốc làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông học khoa hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa cuối cùng 1941 - 1945. Ông tham gia kháng chiến từ ngày đầu trên Việt Bắc, chuyên trách phần minh họa, trình bày cho báo Sống vui và vẽ tranh cổ động cho nhà Thông tin do Nông Quốc Chấn phụ trách.
Năm 1952, sau đợt chỉnh huấn mùa hè về văn nghệ phục vụ chính trị, ông rời bỏ hàng ngũ kháng chiến, về lại Hà Nội, sống tại căn nhà của cha mẹ để lại ở 87 Thuốc Bắc. Ông giảng dạy tại trường Mỹ thuật Hà Nội niên khóa 1956 - 1957. Ông bị quy kết tham gia Nhân văn - Giai phẩm, nhưng tôi thấy ông vỏn vẹn chỉ có một bức tranh Trong hầm mỏ, là tranh khắc gỗ do tác giả tự khắc lấy, đăng trên Giai phẩm mùa thu 1956 tập II. Mặc dầu vậy, ông phải đi cải tạo lao động trong một xưởng mộc ở Nam Định. Trường Mỹ thuật Hà Nội buộc ông phải viết đơn xin thôi công việc giảng dạy. Sau mọi biến cố, Bùi Xuân Phái sống an nhiên, tự tại, gạt bỏ mọi toan tính đời thường để cho ra đời những tác phẩm dung dị nhưng đầy sâu lắng, đặc biệt là dòng tranh phố cổ Hà Nội và tranh về nghệ thuật chèo.
Trần Thiếu Bảo và Bùi Xuân Phái cùng tuổi, cùng sống ở Hà Nội trong mối quan hệ bạn hữu thân thiết, cùng hoạt động văn nghệ, cùng đi kháng chiến, rồi trở về Hà Nội theo cách riêng của mỗi người và không lâu sau đó cùng bị đàn áp trong vụ Nhân văn - Giai phẩm: một người bị tù, một người bị cải tạo lao động. Sau mọi biến cố của cuộc đời, cả hai người lại có dịp sống gần nhà nhau. Ai từng thuộc các con phố cổ của Hà Nội, đều biết số 5 Bát Đàn với số 87 Thuốc Bắc chỉ cách nhau mươi bước chân qua vài cái ngã tư, chỉ dăm phút là tới nhà nhau rồi.
Phiếu ăn tại nhà 5 Bát Đàn do Bùi Xuân Phái vẽ |
Nhà văn Thái Kế Toại cho biết họa sĩ Bùi Thanh Phương là con của họa sĩ Bùi Xuân Phái, kể rằng: cái quán cà phê 4 mét vuông của Trần Thiếu Bảo, lại bị đồ đạc choáng mất một phần, chỉ còn đủ chỗ cho hai người ngồi. Ban đầu quán của ông cũng bán đồ ăn sáng, nhưng vừa đắt vừa không ngon, ít khách, nên ông thôi, chỉ bán cà phê và vài thứ nước giải khát. Cung cách bán hàng và các thứ cốc tách của quán ông cũng khiến cho khách vừa kinh ngạc vừa buồn cười, bởi cà phê hay thứ nước uống gì đều được ông rót ra những chiếc tách bé xíu, cứ như bọn trẻ chơi đồ hàng.
Với một người đã sống trong lao tù nhiều năm, thì chắc ông cho rằng như thế đã là quá đủ, chẳng cần phải sang trọng hơn làm gì! Họa sĩ Bùi Thanh Phương thường rủ bạn đến quán ông uống cà phê, đã gần lại ủng hộ ông chủ quán được ít nhiều. Đến quán của ông, ngồi nhâm nhi ly cà phê, nghe ông kể chuyện về những năm tháng khốn khó, cũng bổ ích lắm. Ông thường chép miệng nói câu: Cuộc đời tựa như giấc ngủ trưa!
Sinh thời, Trần Thiếu Bảo là người hiền lành và rất lạc quan. Ở tù ra, gia sản không còn gì, tiền bạc cũng không, vậy mà ông vẫn ôm mộng xuất bản. Người họa sĩ trẻ thường nghe ông nói về những kế hoạch phát triển và những chiến lược xuất bản. Biết là ông nói cho thỏa cái mộng, nhưng thương ông đang phải sống trong cô độc, nên cũng đành chiều ông mà gật gù tán thưởng. Không ngờ cái nghiệp xuất bản còn theo ám ông đến cuối đời.
Một ngày của năm 1982, Trần Thiếu Bảo cầm bản thảo tập thơ chép tay Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm đến nhờ Bùi Xuân Phái vẽ phụ bản. Chiều lòng bạn, Bùi Xuân Phái vẽ 6 bức, cùng với tranh bìa tập thơ do Văn Cao vẽ. Vài hôm sau, nhà thơ Hoàng Hưng đang đi trên phố, tay cầm bản thảo tập thơ, thì bị bắt, và bị kết tội lưu truyền văn hoá phẩm phản động ra nước ngoài. Bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, cùng tranh phụ bản của Bùi Xuân Phái, tranh bìa của Văn Cao đều bị tịch thu. May mắn là người ta đã không gọi đến Bùi Xuân Phái để thẩm vấn, tuy nhiên, ông cũng đã phải sống trong tình trạng ưu phiền và lo âu. Trong vụ bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc này, Hoàng Cầm bị bắt giam 18 tháng, Hoàng Hưng bị đi tập trung cải tạo 39 tháng, còn Trần Thiếu Bảo bị gọi lên thẩm vấn và kéo theo nhiều chuyện rắc rối cho ông.
… Vào những buổi chiều, Trần Thiếu Bảo hay chạy sang nhà Bùi Xuân Phái, ngồi chơi, tán gẫu. Có ai hỏi: “Ông bỏ cửa hàng mà đi thế à?” thì ông cựu giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức trả lời: “Tôi biết, vào tầm này chẳng có ma nào đến đâu”. Bùi Xuân Phái rất quý Trần Thiếu Bảo, hai người từ thời trai trẻ đã có với nhau những kỷ niệm đẹp. Sau này, hai ông bạn già hễ gặp nhau là ôn lại những chuyện đã xa tít mù khơi, rồi cùng cười thích thú.
Người họa sĩ trẻ nhớ có lần ông Trần Thiếu Bảo nhờ mẹ mình chuyển giúp ông một bức thư cho người đàn bà góa cùng phố. Vài ngày sau ông nhận được thư hồi âm. Không biết trong thư trả lời, người góa phụ ấy đã nói những gì, chỉ thấy ông tỏ ra buồn bã và thất vọng. Ông thở dài: “Đến tuổi này mới càng cần có nhau, chứ sao lại hỏi tôi đưa nhau vào chốn bụi hồng làm chi?”. Có thể giấc mộng không thành với người đàn bà góa đã làm tinh thần ông suy sụp, từ đó ông chuyển đi ở chỗ khác, người họa sĩ trẻ không còn gặp ông nữa.
Cuối cùng, người ta được biết: kết thúc một chuyến Nam du, Trần Thiếu Bảo ngã bệnh và qua đời vào lúc 4 giờ sáng ngày 25.9.1986, thọ 66 tuổi, ra đi trước Bùi Xuân Phái hai năm(*)!
Chân dung tự họa của Bùi Xuân Phái (phải) và ký họa chân dung Trần Thiếu Bảo do Bùi Xuân Phái vẽ
Họa sĩ Bùi Thanh Phương còn kể một chuyện hồi Trần Thiếu Bảo mới ra tù, còn bị quản chế. Có một buổi chiều ông sang chơi với Bùi Xuân Phái, về cuối buổi đàm đạo, không hiểu hai ông đắc ý chuyện gì, mà cùng nhìn nhau, cùng cười ngạo nghễ, cùng cao giọng đọc mấy câu từ thời nảo thời nào, ngân nga như lời một bài hát:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
…Họa sĩ Bùi Thanh Phương chưa kịp biết xuất xứ của bốn câu ấy, nhưng tôi biết, xin phép sẽ nói rõ hơn ở đoạn sau. Trước đó hãy nói về Phan Khôi (1887 - 1959), tác giả của mấy câu trên.
Năm 1956, Phan Khôi có mặt trong 3 tập Giai phẩm mùa thu của Trần Thiếu Bảo. Giai phẩm mùa thu tập I, ông có bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ đăng ở ngay trang đầu, dài 14 trang, trong đó ông phê phán tình trạng mất tự do trong sáng tác của văn nghệ sĩ, phê phán cách xử lý vừa ác ý vừa dại dột đối với Trần Dần và Giai phẩm mùa xuân hồi đầu năm, phê phán cách làm việc vô lối của Ban chung khảo về Giải thưởng văn học 1954 - 1955. Có lẽ vì sức công phá của bài báo, mà sau này, khi đàn áp những người Nhân văn - Giai phẩm, Phan Khôi bị liệt vào hạng đầu sỏ, bị coi là nhà tư tưởng của phong trào, tên tuổi ông bị bôi bẩn và trù dập không thương tiếc về mọi phương diện.
Giai phẩm mùa thu tập II ông có bài khảo cứu ngắn Ông bình vôi cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt: Những kiếp người sống lâu trăm tuổi / Ỳ như một cái bình vôi / Càng sống càng tồi / Càng sống càng bé lại. Bài viết khảo cứu về tục ăn trầu tự cổ xưa của người dân Việt Nam, nhưng khiến cho những kẻ đang nắm quyền sinh quyền sát trong giới văn nghệ phải bầm gan tím ruột.
Ở tập này ông còn có truyện ngụ ngôn Tìm ưu điểm, kể về cuộc thi sắc đẹp xảy ra tranh chấp giữa ếch, cóc, ễnh ương. Trời phải sai nhái bén làm trọng tài phân xử. Nhái bén chỉ được cái trung thực, xử cóc thua vì cóc mụn mằn khắp người. Ông Trời làm thinh, bảo nhái bén đi về, nhưng mấy hôm sau có nghị định của Hà bá buộc nhái bén phải chịu đày vĩnh viễn ở dưới nước, không được lên cạn nữa! Nhái bén cám cảnh cho thân phận mình, mới kể với cá trê, thì cá trê phán: Mày dại lắm, đi đâu chẳng biết “con cóc là cậu ông trời”, tao đây mà cũng còn thua kiện nó nữa là! Cái truyện ngụ ngôn thật ngắn, chỉ có một trang, nói về quyền lực của giới lãnh đạo văn nghệ thời ấy, đọc lên, người thì sướng cái bụng, kẻ thì hận đến không thốt nổi nên lời.
Giai phẩm mùa thu tập III ông có ba bài thơ: Hồng gai làm năm 1951 trên đường Tuyên Quang đi Hà Giang, bài Hớt tóc trong bệnh viện quân y làm năm 1952 và bài Nắng chiều ông mới làm hồi mùa thu năm 1956 tại Hà Nội.
Tháng 10.1956, nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo ấn hành tập sách Vũ Trọng Phụng của chúng ta với các bài viết của Đào Duy Anh, Hoàng Cầm, Sỹ Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường, Văn Tâm, Trương Tửu. Trong sách này Phan Khôi cũng có bài Không đề cao Vũ Trọng Phụng, chỉ đánh giá đúng, khẳng định tài năng xuất chúng của nhà văn đoản mệnh.
Sau khi Giai phẩm bị đình bản vào tháng 11.1956, Trần Thiếu Bảo tiếp tục cho Minh Đức xuất bản cuốn Sách Tết 1957 như là một sự tiếp nối Giai phẩm, trong sách này Phan Khôi đăng bài thơ Ông già Đỗ Lăng (Đỗ Lăng tẩu) của Bạch Cư Dị làm về Đỗ Phủ, do ông dịch.
Có thể nói, năm 1956, Phan Khôi là người hưởng ứng nhiệt thành sự ra đời của Giai phẩm do Trần Thiếu Bảo chủ trương. Cuốn Sách Tết 1957 là cơ hội cuối cùng của hai ông, sau đó mọi cánh cửa đều bị đóng chặt!
Bìa ấn phẩm cuối cùng của nhóm Nhân Văn - Giai phẩm
Sau Tết Mậu Tuất (1958) ít lâu, Phan Khôi bị chuyển chỗ ở từ nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền về nhà số 73 Thuốc Bắc, kiểu nhà ống, chật chội và tồi tàn. Trên con phố Thuốc Bắc, số nhà 73 mà Phan Khôi được sử dụng một gian nhỏ cỡ 9 mét vuông, chỉ cách số nhà 87 của Bùi Xuân Phái cũng trên phố ấy, chỉ có mấy bước chân; và đương nhiên rồi, cả hai nhà đều rất gần nhà số 5 Bát Đàn của Trần Thiếu Bảo!
Trở lại với mấy câu họa sĩ Bùi Thanh Phương nhắc đến ở trên bằng việc đi tìm xuất xứ của chúng. Trong cuốn sách Nhớ cha tôi - Phan Khôi của Phan Thị Mỹ Khanh, do NXB. Đà Nẵng ấn hành năm 2001, có nhắc đến mấy câu cách ngôn này của Phan Khôi lúc sinh thời.
Học giả Phan Khôi sinh ngày 6.10.1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), mất tại Hà Nội ngày 16.1.1959. Ảnh: TL
Không biết ông đặt câu cách ngôn ấy lúc nào, nhưng các người con lớn của ông đều đã được nghe ông đọc từ khi họ còn rất nhỏ. Mỗi khi công việc ông làm gặp khó khăn, thậm chí bị hỏng, bị thất bại, thì ông ngâm nga câu cách ngôn ấy. Sau này, các con ông, có người giải thích: ông đọc mấy câu ấy để tự trấn an, xốc lại tinh thần, tiếp tục công việc với quyết tâm lớn hơn, kỳ cho đến thành công mới thôi; người khác thì cho rằng: gặp việc thất bại, ông đọc mấy câu đó để có thời gian cho đầu óc trở lại thăng bằng trước áp lực của công việc đến từ nhiều phía, trước khi nghĩ ra một giải pháp tối ưu nào đấy.
Cách giải thích nào nghe cũng có lý, vì trong thực tế, quả là câu cách ngôn ấy đã giúp ông bình tĩnh vượt qua các thất bại để tiếp tục công việc một cách tốt hơn.
Hồi còn ở Bảo An, ngày qua ngày, bà Phan đầu tắt mặt tối lo toan tất tần tật mọi việc cho đời sống của một gia đình đông đúc, Phan Khôi không đụng tay, chỉ ở nhà trên đọc sách, viết lách; nhưng không phải ông không biết cái công khó nhọc của bà. Lỡ gặp việc bà làm hỏng, ông cũng đọc mấy câu đó để an ủi, để động viên. Chị Phan Thị Mỹ Khanh kể: có lần, nghe ông đọc xong, bà cười, nói với các con: “Thầy sấp bay cứ đọc miết cái câu thành mãn ấy cho qua chuyện, chớ có làm được việc chi mô!”.
Từ trái: Trần Thiếu Bảo, Bùi Xuân Phái, Phan Khôi và măng-sét Nhân Văn số đầu tiên do Phan Khôi làm chủ nhiệm. Ảnh: TL
Cách đây hơn 60 năm, vào mấy năm đen tối của văn đàn Việt Nam, thân phận của trí thức và văn nghệ sĩ bị coi không bằng con sâu cái kiến. Ba vị Trần Thiếu Bảo, Bùi Xuân Phái, Phan Khôi vốn quen nhau, ở cạnh nhà nhau, nhưng họ đã không thể gặp nhau trong những năm hậu Nhân Văn - Giai phẩm: Phan Khôi tuổi cao sức yếu, lại không muốn liên lụy đến ai, nên ông không đi đến đâu và qua đời sau đó ít lâu. Bùi Xuân Phái thì phải rời khỏi Hà Nội để đi cải tạo lao động tại một xưởng mộc dưới Nam Định. Trần Thiếu Bảo còn tệ hơn, bị công an kềm kẹp, bị bắt giam và cuối năm 1959 thì ra tòa hình sự, đầu năm 1960 lãnh án tù 10 năm!
Cho đến mười lăm năm sau: Phan Khôi đã ra đi từ lâu; Trần Thiếu Bảo ra tù, mất quyền công dân và bị sống trong vòng quản chế; còn Bùi Xuân Phái sống lặng lẽ với hội họa; thì họ mới lại gặp nhau trong câu cách ngôn của Phan Khôi bằng ý chí sống mãnh liệt, bằng tinh thần không lùi bước, bằng thái độ ngạo nghễ của người chiến thắng cái ác!
Câu cách ngôn lập thân xử thế của Phan Khôi giúp ba người họ tựa vào nhau, cho đến ngày kẻ trước người sau, đi vào cõi vĩnh hằng.
Phan An Sa
(*) Thái Kế Toại, bài Trần Thiếu Bảo - người thứ ba trong phiên tòa Nhân văn - Giai phẩm; blog Lê Thiếu Nhơn, tháng 9.2020