Thủy điện không còn hấp dẫn và cơ hội sống sót của dòng Mekong

 22:35 | Thứ ba, 05/12/2017  0
LTS: Đầu tháng 12.2017 vừa qua, Chương trình Kết nối Lưu vực Mekong bao gồm Trung tâm Stimson phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), The Nature Conservation (TNC), Trường Đại học California Berkeley, Học viện Ngoại giao vừa tổ chức các buổi tọa đàm và tham vấn các bên liên quan tại TP.HCM và Cần Thơ về quy hoạch chiến lược nước – năng lượng ở quy mô hệ thống tại khu vực Mekong, góp phần gìn giữ Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Người Đô Thị xin giới thiệu quan điểm các bên gắn với thực tế: Chính phủ Lào đang đặt ra mục tiêu phát triển trọng tâm đưa quốc gia này trở thành “Bình ắc quy của Đông Nam Á”, với hàng loạt các thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh Mekong.

Khu vực trước khi Lào xây dựng thủy điện Don Sahong tại đây. Ảnh: Suthep Krisnavarin

Bài 1: Bài toán năng lượng của Lào trên dòng Mekong

Lào đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong phát triển thủy điện trên dòng Mekong để có thể trở thành “bình ắc quy của Đông Nam Á”. Hướng tiếp cận mới của Lào có thể góp phần bảo vệ được toàn vẹn sông Mekong cho lợi ích của các quốc gia ven sông?

Từ việc tập trung vào thủy điện đã lạc hậu

Trong loạt “Thư từ Mekong” của Trung tâm nghiên cứu Stimson (của Mỹ) thời gian qua cho thấy, việc xây dựng đập với tốc độ nhanh chóng trên dòng Mekong sẽ khiến toàn bộ dòng sông biến thành một chuỗi hồ chứa. 

Thậm chí, chỉ một vài đập lớn trong số này được xây dựng sẽ gây tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực tại khu vực có sản lượng thủy sản cao bậc nhất thế giới này. Đồng thời sẽ làm giảm nhanh chóng lượng trầm tích giàu dinh dưỡng, vốn rất cần thiết cho việc duy trì sản xuất nông nghiệp trong lưu vực, nhất là ở vùng ĐBSCL (Việt Nam và Campuchia). 

Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm cũng cho thấy, không phải tất cả các đập đã được lên kế hoạch đều sẽ được xây dựng. Việc các nhà đầu tư ngoại quốc bị giảm năng lực tài chính, tác động của hạn hán và biến đổi khí hậu, và tác động từ sự biến động về nhu cầu năng lượng trong khu vực sẽ giảm khả năng sinh lợi của thủy điện, và giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thất bại của các kế hoạch phát triển hiện tại cho hơn 100 đập thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh Mekong sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến Lào. Quốc gia này hiện đặt việc xuất khẩu thủy điện vào nhóm ưu tiên phát triển cao nhất với nhiệm vụ đề ra là sẽ trở thành “Ắc qui của vùng Đông Nam Á”. 

…Đến nhu cầu điện khu vực thay đổi

Trong tình hình đó, các kế hoạch phát triển kinh tế của Lào hầu như đều xây dựng dựa trên giả thiết là Lào có thể xuất khẩu phần lớn tiềm năng thủy điện 24GW của mình sang các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, các thay đổi trong chính sách năng lượng của khu vực làm nảy sinh câu hỏi: liệu dự đoán về nhu cầu thủy điện của Lào có thực tế hay không?  

Thái Lan hiện là quốc gia hàng đầu nhập khẩu điện từ Lào. Tuy nhiên trong quá khứ, quốc gia này đã từng có chuyện ước tính quá mức nhu cầu năng lượng. Theo kết luận của các nghiên cứu độc lập, Cơ quan điện lực Thái Lan (EGAT) đã dự tính quá mức nhu cầu điện năng của Thái Lan. Cơ quan này cũng không nghiên cứu các phương án phát điện có tiềm năng rẻ hơn, hoặc xanh hơn. 

Vì vậy, với việc Thái Lan điều chỉnh dự đoán năng lượng quốc gia, và bắt đầu tích cực theo đuổi mục tiêu gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng, nhu cầu đối với điện từ Lào có thể sẽ giảm đáng kể. 

Campuchia và Myanmar là các thị trường xuất khẩu tiềm năng, do cả hai quốc gia này đều đối mặt với tình trạng thiếu hụt đáng kể về điện nội địa. Nhưng mối quan tâm chính về an ninh năng lượng đều đặt ưu tiên vào phát triển các nguồn nội địa, để tránh tương lai phụ thuộc vào nhập khẩu.

Myanmar hiện đã phát triển dựa trên tiềm năng về ga tự nhiên, thủy điện và điện mặt trời. Điều này có lẽ sẽ giúp khả năng cung cấp điện của họ nhanh chóng vượt xa mức nhu cầu trong nước. Do đó, trong trung và dài hạn, Myanmar có lẽ sẽ trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu năng lượng ròng, và là một đối thủ cạnh tranh của Lào.

Bài toán nào cho Lào?

Phân tích của các bên cho thấy, Chính phủ Lào hiện đang thiếu năng lực và nguồn lực để thực hiện một kế hoạch có tính chiến lược ở quy mô toàn lưu vực, do họ hiện hầu như chỉ phụ thuộc vào các nhà đầu tư ngoại quốc đến xây dựng các đập đã được khảo sát và lên kế hoạch theo các hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao thuần túy thương mại, hoặc nhượng quyền BOOT để xuất khẩu sang các nước láng giềng. 

Tất cả các đập tại Lào đang được xây dựng một cách thiếu điều phối, cách thức tiến hành đơn lẻ theo từng dự án mà không có ý kiến đóng góp của cơ quan liên chính phủ là Ủy hội Sông Mekong, hoặc của các quốc gia láng giềng. Hậu quả, hiện tại có rất ít cơ hội cho việc phối hợp lập kế hoạch để tối ưu hóa lợi ích sử dụng nước ở quy mô lưu vực. 

Việc thiếu một kế hoạch có tính chiến lược đã đặt Lào vào tình trạng rất có thể không thành công trong việc đạt được các mục tiêu tăng thu nhập quốc gia, trong khi, sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở hạ lưu tại Việt Nam và Campuchia. 

Báo cáo gần đây nhất của Stimson “Kêu gọi một Quy hoạch Năng lượng quy mô Toàn lưu vực và có tính Chiến lược tại Lào” đã đưa ra kết luận: hiện vẫn chưa muộn để áp dụng một cách tiếp cận mới, nhằm bảo vệ dòng Mekong cho lợi ích của toàn bộ các quốc gia ven sông. 

Theo đó, Lào sẽ tiếp tục duy trì các trọng tâm hiện tại vào xuất khẩu năng lượng ra thị trường khu vực, đồng thời đưa ra những mục tiêu thực tế về tổng năng lượng sản xuất được từ các nguồn khác nhau: trong đó quan trọng nhất là thủy điện, điện gió và điện mặt trời. Các nguồn năng lượng này sẽ được tối ưu hóa bằng việc: 

(1) lồng ghép các phân tích về rủi ro chính trị, tài chính, môi trường và xã hội vào quy trình ra quyết định; 

(2) kết hợp hài hòa các mục đích sử dụng nước khác nhau như thủy điện, giao thông thủy, tưới tiêu, và kiểm soát lũ ở quy mô toàn lưu vực theo những cách thức giúp giải quyết được nhu cầu của các quốc gia hạ lưu; 

(3) tránh việc xây dựng các đập không cần thiết tại Lào do những nguy cơ về xã hội, môi trường đi kèm với việc xây dựng đập. 

Theo Báo cáo của Stimson, nếu tuân theo chiến lược này, các đập có rủi ro tài chính cao, hoặc các đập gây các tác động lớn nhất tới môi trường sẽ có thể được thay thế bằng các dự án khác. Và dần dần, hiệu suất thu được từ các hệ thống cơ sở hạ tầng thông minh như quản lý lưới điện hiệu quả sẽ tăng lên.

Bài toán nâng cao năng lực về nước - năng lượng tại Lào này được xem như là một chuyển tiếp sang một kế hoạch năng lượng có tính chiến lược ở quy mô toàn lưu vực. 

Thực tế hiện nay, đã có dưới một phần ba của 140 đập đang, sẽ và dự kiến xây dựng ở Lào sẽ thực sự được xây dựng vào thời điểm 2020. 

Cùng với bài toán trên, phân tích của các bên cho rằng: vẫn chưa có quá muộn để cứu dòng Mekong, trong đó Việt Nam có thể và nên đóng vai trò chủ động hơn nữa trong vấn đề phát triển thủy điện thượng nguồn sông Mekong. 

(Còn tiếp)

Lê Quỳnh 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.