Tiếng sáo Trương Chi giữa phố

 13:39 | Thứ ba, 06/05/2014  0

Chị bảo, sửa nhà là chuyện phải làm, nhưng hàng xóm cứ nhè trưa mà khoan, đục thì đứa trẻ nào chịu thấu! Thậm chí, hàng xóm còn chẳng thèm thông báo trước, hay tối thiểu có lấy một tấm chắn bụi giữa hai nhà. Vì vậy mà xăng đã đổ ra, lửa đã cháy. Bà hàng xóm la lối, chửi rủa cũng xem như hư vô. Bởi ít nhất chiều đó, có hai đứa trẻ được ngủ ngon, thiệt hại là mấy bức tường cháy đen, xi nhê gì! 

Cách giải tỏa ức chế của bà mẹ trẻ ấy, nếu không khéo giải quyết, dẫn tới bạo lực như chơi. Mà cuộc sống đô thị hiện nay, dường như chưa bao giờ bớt đi những ngột ngạt tương tự. Bước ra đường, chỉ nghe tiếng xe, tiếng còi trong dòng giao thông chen chúc là đã đủ mệt mỏi. Rồi ở bất cứ đường phố nào cũng có thể gặp cảnh nhiều cửa hàng sát  nhau thi đua mở đủ loại nhạc, lớn hết công suất “chọi” thẳng vào tai nhau qua cái loa thùng để bên ngoài.

Thậm chí, đến một không gian văn hóa như Hội sách, người ta cũng bị tra tấn bởi một mớ hổ lốn âm  thanh trùng điệp giữa trời oi bức, ngột ngạt. Mới đây, có ông bác sĩ “cùng đường” đã phải “kêu” tới báo chí, vì cường độ âm thanh của một nhà sách lớn gần nhà (quận 5, TP.HCM) mỗi ngày khiến bệnh tình mẹ ông ngày càng nặng… Ô nhiễm tiếng ồn đã chẳng còn xa lạ ở phố thị. Còn đâu những khoảng trời thoáng đãng, yên tĩnh, để mình kịp thở một cái, sau những bộn bề, vất vả mưu sinh? 

Người ta định lượng được rằng: một tiếng lá rơi chỉ lên đến 20dB, khi máy rửa chén đĩa hoạt động thì tiếng ồn lên tới 65dB, còn tiếng ồn ngoài đường phố khoảng 70dB, tiếng nhạc rock lên tận 110dB. Tiếng ồn vượt mức 130dB thì gây cảm giác rất khó chịu và đau tai, chẳng hạn tiếng phi cơ cất cánh, tiếng còi xe cứu hỏa,…

Còn cường độ âm thanh lên tới 160 - 170dB, một số người có thể bị điếc. Vậy mà ở các đô thị, chúng ta gần như luôn phải sống chung với tiếng ồn vượt quá quy chuẩn cho phép (55dB – 70 dB) rất nhiều lần! Cả thành phố cứ như một bầy ong vỡ tổ, hỗn loạn tứ phía, khủng bố thần kinh và sức khỏe của mỗi cư dân ở đó. Hỏi làm sao mà  không dễ điên, dễ bị kích động cho được!

Nhà nước đã có quy định phạt từ mức vài trăm ngàn đồng đến 50 – 100 triệu đồng, cho tiếng ồn vượt tiêu chuẩn từ 1,5 lần trở lên trong đêm, nhưng nào ích gì! Vì người ta thi hành luật không nghiêm, và vì nhiều lí do của một văn hóa cộng đồng, mà chưa có một “thuốc giải” nào hợp lý và tình. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều khi, mỗi người bỗng quá nhớ thương không gian sống êm đềm, trong lành ở những làng quê, vùng biển xa, đồi núi…

Ở đó không có ông hàng xóm bỗng dưng một ngày đẹp trời ông ổng hát karaoke, chẳng có cảnh chạy ra ngoài đường cứ phải giật mình thon thót vì những tiếng còi xe vô tội vạ, cũng không có cảnh nhiều công viên xanh  hiếm hoi của thành phố luôn bị tiếng nhạc chát chúa của đủ nhóm kinh doanh, sinh hoạt nam phụ lão ấu phá vỡ…  

Bỗng chợt thương những buổi chiều dần buông ở khu phố mình, sau bữa cơm tối gia đình quây quần, tôi lại ngóng tiếng sáo của anh chàng hàng xóm sau nhà, lúc khoan lúc nhặt trong cái không gian sinh hoạt nhẹ nhàng, thảnh thơi của cả khu phố sau một ngày làm việc mệt nhọc. Để thả hồn mơ về tiếng sáo Trương Chi. Mà biết đâu đấy, không đau đớn như tích xưa, một cuộc tình sẽ nảy nở đơm hoa từ tiếng sáo Trương Chi của phố thị ồn ào này? Nghĩ vậy, thấy nhịp sống bỗng chan hòa, nhẹ nhàng…

Thùy Linh. Ảnh TL (minh họa)

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.