Tiết kiệm năng lượng: tốn một lần, lợi dài dài

 16:48 | Chủ nhật, 15/06/2014  0

Thời buổi kinh tế khó khăn này, dường như ai cũng thấy nóng ruột khi nghe các bà các mẹ kể về chi phí sinh hoạt hàng tháng. Chị Nguyễn Thị Thơm ở Gò Vấp, TP.HCM xót ruột kể: mấy tháng rồi, tiền điện nhà chị luôn ở mức 700 ngàn đồng/tháng, dù không hề xài máy lạnh. Vậy mà nhà kế bên xài máy lạnh, mức sinh hoạt cũng sêm sêm nhà chị, nhưng tiền điện chỉ 400-500 ngàn đồng/tháng. Hỏi ra, chị Thơm mới hay vì nhà người ta xài thiết bị tiết kiệm năng lượng. Nhưng chị Thơm bảo, chị nhát tay, không dám bỏ ra một số tiền lớn mua đồ tiết kiệm năng lượng, khi mà giờ mua gì, chị luôn phải tính toán từng đồng.

Một kết quả khảo sát xã hội học vừa được công bố của trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM về nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng hộ gia đình trên địa bàn thành phố cho thấy: một trong ba khó khăn lớn nhất mà các hộ gia đình hiện nay đang gặp phải khi tiết kiệm năng lượng là không có tiền! Mặt khác, dù có 46,5% hộ dân quan tâm và 40% hộ dân rất quan tâm tới tiết kiệm năng lượng thì hiện nay, người ta chưa biết cách sử dụng năng lượng hiệu quả, nhất là với một số thiết bị gia đình điển hình như: bình tắm nóng lạnh, máy giặt, máy điều hoà không khí, bàn ủi… Đây cũng là những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong gia đình.

Thống kê, các hộ gia đình hiện có tỉ lệ tiêu thụ điện chiếm khoảng 35% tổng số tiêu thụ năng lượng cả nước - một con số không hề nhỏ. Trong khi đó ở Việt Nam, để sản xuất ra 1kWh điện thì sẽ phải phát thải vào môi trường 0,43kg CO2. Chi phí đầu tư sản xuất 1MW điện từ thuỷ điện lớn (trên 50MW) là 1 triệu USD. Tiết kiệm năng lượng đâu chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên. Một ví dụ nhỏ thôi, khi bạn chịu khó bịt lại những chỗ bị rò khí trên cửa sổ hay cửa ra vào, việc này chỉ tốn khoảng 20 ngàn đồng cho mỗi cửa sổ, nhưng nó lại giúp giảm 2.500kg CO2 phát thải từ máy điều hoà không khí trong phòng.

Chia sẻ về điều này, ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM “mách”: các thiết bị tiết kiệm điện trong gia đình thường có giá cao hơn các loại khác khoảng 30%, nhưng với vòng đời sử dụng một sản phẩm (khoảng 10 năm) thì tiền mua ban đầu chỉ chiếm 5%, còn lại là tiền điện - rất đáng để “đánh đổi” số tiền đầu tư ban đầu.  

Thùy Linh

 

Giải pháp tiết kiệm năng lượng theo tư vấn của chuyên gia

  

Bình tắm nước nóng: sắp xếp thời gian tắm rửa bằng nước nóng của các thành viên trong gia đình gần nhau để tiết kiệm điện; chỉ nên bật trước lúc tắm 10-15 phút; mua máy có lắp bộ an toàn điện, không mua loại cũ đã qua sửa chữa; không cài đặt nhiệt độ nước quá cao; dùng vòi sen lưu lượng thấp; sử dụng máy nước nóng trực tiếp thay cho máy nước nóng gián tiếp. Nếu có điều kiện, nên sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời…

Máy điều hoà không khí: trong suốt vòng đời tồn tại của một máy lạnh, chi phí đầu tư ban đầu chỉ chiếm 4-10% tổng chi phí, chi phí bảo trì, bảo dưỡng chiếm 1-2%, 90-95% còn lại là chi phí điện năng. Vì vậy, để có thể tiết kiệm được khoản chi phí lớn nhất này, nên quan tâm từ giai đoạn thiết kế phòng ốc, mua sắm thiết bị; suốt quá trình sử dụng và bảo trì hệ thống. Cài đặt nhiệt độ lạnh hợp lý: ban ngày từ 250C trở lên, ban đêm 27 - 280C (ưu tiên tăng tốc độ quạt), cứ tăng 10C thì tiết kiệm được 3% điện năng; sử dụng máy công suất phù hợp (phòng 20-25m2 thì công suất sử dụng thường là 1 HP); 3-6 tháng vệ sinh máy một lần, không chỉ rửa lưới lọc mà cần rửa cả dàn nóng, đường ống dẫn gas, block nén; không để nguồn nhiệt trong phòng; sử dụng loại công nghệ biến tần (tiết kiệm 30% điện năng, giảm tác động với môi trường)…

Tủ lạnh: chọn dung tích tỷ lệ thuận với số người trong gia đình; nên để đầy 70% ngăn mát và 80% ngăn lạnh; đặt nhiệt độ phù hợp (ngăn lạnh -180C, ngăn mát 7-80C); không mở tủ nhiều lần; không để thức ăn nóng vào tủ lạnh; đặt tủ nơi thoáng mát, cách tường ít nhất 10cm, tránh ánh nắng hoặc gần các nguồn nhiệt; lau sạch bụi bám trên dàn nóng phía sau (loại cũ) và mặt ngoài vỏ; gioăng cửa phải luôn kín; không để lớp tuyết bám vào dàn lạnh (tủ đông tuyết) dày quá 5mm; mua loại có nhiều cửa; không mua tủ quá cũ...

Bàn ủi: Không ủi đồ vào giờ cao điểm; tập trung đồ để ủi một lần; ủi theo thứ tự: đồ mỏng rồi đồ dày, sau đó rút phích cắm và tận dụng sức nóng còn lại để ủi đồ mỏng; khi ủi nên kiểm tra cài đặt nhiệt độ của bàn ủi thích hợp cho loại vải cần ủi; không dùng bàn ủi trong phòng có bật máy điều hoà hoặc khi quần áo còn ướt; thường xuyên lau sạch bề mặt kim loại của bàn ủi…

Tivi, đầu máy: nếu tắt bằng điều khiển từ xa (remote) thì thiết bị vẫn tiêu thụ điện, vì vậy nên tắt bằng nút power và rút phích ra khỏi ổ cắm; không nên để màn hình tivi ở chế độ sáng quá; chọn kích cỡ tivi phù hợp với diện tích phòng.

Máy vi tính: tắt màn hình hoặc chọn chế độ screensaver khi tạm dừng; tắt máy và rút phích cắm khi không sử dụng; nên sử dụng máy laptop hoặc sử dụng máy vi tính màn hình LCD.

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.