1. Tỉnh là cấp quản lý hành chính địa phương cao nhất ở nước ta. Việc phân chia các tỉnh chủ yếu dựa trên lịch sử, truyền thống văn hoá, xã hội, cư dân và yếu tố địa lý đặc thù của một vùng đất. Theo yêu cầu quản lý hành chính, nhà nước có thể quyết định sáp nhập hay chia tách các tỉnh để đảm bảo quản trị tốt và đem lại lợi ích cho đất nước. Một số nước gần tương đương ta cũng có rất nhiều tỉnh, như Thái Lan có 76 tỉnh/thành phố, Philippines có 81 tỉnh. Có tỉnh rất lớn và dân số rất đông, trong khi có tỉnh rất nhỏ và dân số rất ít. Vậy nên, tiêu chí diện tích và dân số nếu có thì chỉ mang tính tham khảo chứ không hề có tính bắt buộc.
TP.HCM là địa phương đầu tiên có mô hình "thành phố trong thành phố khi sáp nhập ba quận gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức sáp nhập thành thành phố Thủ Đức. Ảnh: Soha
2. Năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã chia cả nước thành 38 tỉnh/thành phố từ 68 tỉnh/thành trước đó. Đây là cách làm táo bạo và có tầm nhìn về quản lý, phát triển và tinh gọn bộ máy.
Tuy nhiên, việc áp đặt duy ý chí để sáp nhập tỉnh một cách cơ học và chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn đã dẫn đến thất bại. Trong hàng chục năm, nhiều tỉnh bê bết về kinh tế do quản lý yếu kém, lực lượng sản xuất chưa phù hợp với quy mô lãnh thổ, và nhất là do mâu thuẫn giữa các địa phương trong tỉnh. Từ năm 1989 Quốc hội đành phải chia lại phần lớn các tỉnh đã sáp nhập để trở về gần như cũ là 64. Đây là một bài học lớn trong quản lý hành chính ở tầm vỹ mô.
Việc sáp nhập các tỉnh vẫn có thể được đặt ra nếu thực sự vì nhu cầu của đất nước hoặc điều kiện phát triển của địa phương. Năm 2008, do nhu cầu mở rộng thủ đô Hà Nội, Quốc hội đã sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc và mấy xã của Hoà Bình vào với Hà Nội. Trước nữa, Sài Gòn và Gia Định sáp nhập tTP.HCM, Định Tường và Gò Công sáp nhập thành Tiền Giang... và các địa phương ấy vẫn phát triển tốt cho đến nay mà có liên quan đến tiêu chí diện tích và dân số đâu.
Việc sáp nhập tỉnh nếu thành công cũng góp phần giảm biên chế, giảm đầu tư công, mở rộng không gian kinh tế xã hội ở cấp tỉnh - cấp quản trị trực tiếp nền kinh tế xã hội.
3. Vậy hiện nay, có nhu cầu sáp nhập tỉnh không? Theo tiêu chí nào và nên làm thế nào?
Việc coi diện tích và dân số là tiêu chuẩn chính để sáp nhập tỉnh phải chăng đang là cách làm thiếu cơ sở khoa học, duy ý chí và áp đặt? Không ai có thể trả lời vì sao một tỉnh đồng bằng phải có diện tích từ 5.000km2 trở lên và dân số từ 1,4 triệu trở lên chứ không phải là con số khác? Cơ sở nào để đưa ra những con số đó? Sáp nhập để làm gì ngoài việc thỏa mãn những con số? Nếu việc sáp nhập thất bại hay không đem lại gì tốt đẹp, ai sẽ chịu trách nhiệm?...
Một số tỉnh liền kề nhau, có chung lịch sử văn hoá, có sự gắn kết con người và xã hội gần gũi, thuận lợi về địa lý và giao thông... nếu sáp nhập có thể tạo ra sức mạnh cộng hưởng. Những cặp tỉnh như Lai Châu và Điện Biên, Hải Dương và Hưng Yên, Bắc Ninh và Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Phú Thọ, Hà Nam và Nam Định, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Nam, Hậu Giang và Sóc Trăng, Bình Dương và TP.HCM... có thể là phù hợp. Quan trọng nhất cần phải chứng minh được việc sáp nhập sẽ đem lại lợi ích cho đất nước và cho địa phương. Cái mất nếu có chỉ là mất bớt ghế mà thôi.
Căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội và định hướng phát triển dài hạn của các địa phương, các vùng và của cả nước, Chính phủ sẽ cân nhắc các nhóm giải pháp trong đó có thể cần sáp nhập một số tỉnh/ thành phố. Việc sáp nhập này không dựa vào tiêu chuẩn diện tích hay dân số, mà dựa vào yêu cầu phát triển. Một tỉnh không nhỏ cũng có thể được sáp nhập vào với một tỉnh khác nếu Chính phủ chứng minh được là có lợi lâu dài cho đất nước, trong khi một tỉnh nhỏ và ít dân hơn lại không cần sáp nhập. Khi đó, thủ tục thăm dò ý dân, báo cáo và lấy biểu quyết của Quốc hội sẽ nhận được sự đồng thuận cao.
4. Về các thành phố trực thuộc trung ương, Việt Nam hiện có tỷ lệ dân cư đô thị dưới 40% dân số. Nước ta hiện có 5 thành phố trực thuộc trung ương. Từ nay đến năm 2025, 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh và Khánh Hoà sẽ tiếp tục được lên thành phố. Vĩnh Phúc, Bình Dương... cũng đang nỗ lực xếp hàng. Đây là điều đáng mừng về tiến trình đô thị hoá của đất nước, nếu thực sự xứng đáng.
Nước ta có ba vùng Bắc, Trung, Nam với nhiều nét lịch sử, văn hoá xã hội, kinh tế và dân cư đặc thù. Miền Bắc và miền Nam có những thuận lợi nên dễ phát triển hơn. Miền Trung có tầm quan trọng chiến lược, nhưng phải chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn. Nhà nước nên quan tâm đến miền Trung nhiều hơn, để khu vực này phát triển tương xứng, kết nối tốt và thúc đẩy cả nước cùng phát triển. Chính phủ nên hỗ trợ để Đà Nẵng sớm trở thành đô thị hạng đặc biệt, cùng với Hà Nội và TP.HCM ở hai đầu. Đất nước ta sẽ phát triển vững mạnh và hài hoà hơn với động lực từ ba trung tâm này.
Mong Bộ Nội vụ tham mưu chính xác cho Chính phủ, để Đề án sáp nhập tỉnh góp phần đắc lực vào sự phát triển của đất nước và lợi ích của người dân.
PGS-TS-BS Nguyễn Hữu Toàn, thành viên lãnh đạo Viện Phan Chu Trinh (Quảng Nam)