TP.HCM đề xuất cấm hoàn toàn xe máy xăng chạy dịch vụ vận tải vào năm 2029

 20:59 | Thứ năm, 17/07/2025  0
Trong Đề án "Chuyển đổi xe hai bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM", đã xây dựng lộ trình nhằm đạt 100% xe hai bánh tham gia dịch vụ (chở người và giao hàng) tại thành phố sau sáp nhập là xe máy điện.

Đây là thông tin được ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), chia sẻ tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều nay (ngày 17.7).

Theo đó, Đề án chuyển đổi này là một phần trong “Đề án chuyển đổi xanh trên địa bàn Thành phố” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM triển khai nghiên cứu thực hiện. Đề án nghiên cứu tổng thể bao gồm: giao thông xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, lối sống xanh, và nguồn nhân lực.

Ngày 23.6, UBNDTP đã thành lập Tổ công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi xanh của TP.HCM do Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM làm tổ trưởng và lãnh đạo Sở Xây dựng là thành viên tổ công tác.

Trả lời một số câu hỏi từ báo chí liên quan đến “Đề án chuyển đổi xanh trên địa bàn Thành phố”, đại diện các đơn vị liên quan đã cập nhật tình hình việc triển khai tiến độ tính đến thời điểm hiện nay.

Đề xuất thành phố cấm hoàn toàn xe hai bánh chạy bằng xăng tham gia cung cấp dịch vụ vận tải vào năm 2029 tại TP.HCM. Ảnh minh họa. Ảnh: Vnexpress


Đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng

Đối với Đề án "Chuyển đổi xe hai bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM" ông Hải, cho biết theo khảo sát hiện có khoảng 400.000 xe đang hoạt động tại TP.HCM mới, mặc dù số xe hoạt động khác nhau tại mỗi thời điểm. Trong đề án, chúng tôi đề xuất sẽ chuyển đổi 80% số xe này trong năm 2026-2027 và sang năm 2028 sẽ chuyển đổi 20% còn lại, và đề xuất thành phố cấm hoàn toàn xe hai bánh chạy bằng xăng tham gia cung cấp dịch vụ vận tải vào năm 2029.

Theo khảo sát tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh di chuyển trung bình 100km/ngày, nhiều gấp 3-4 quãng đường mà người dân dùng đi làm. Từ những khảo sát thực tế nhằm so sánh lợi thế, việc chuyển đổi từ xe hai bánh từ dùng xăng sang điện mang lại lợi ích cho tài xế vì chi phí điện rẻ hơn, phù hợp với các chương trình hành động vì môi trường xanh sạch.

Nhiều thách thức cũng được đặt ra kèm theo các đề xuất đi kèm. Ông Hải cho biết, trong đề án, Viện đề xuất miễn thuế VAT và phí trước bạ hai năm đầu cho những tài xế mua, chuyển đổi sang xe máy điện. Thêm vào đó, cơ quan này cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ tài chính, lãi suất ưu đã, trả góp. Ngoài ra, có đơn vị cung cấp cũng triển khai chương trình đổi xe xăng lấy xe điện có hỗ trợ, nhằm đạt mục tiêu xanh hóa giao thông mà thành phố đề ra.

Trung bình nếu tài xế thu nhập 10 triệu/tháng thì khả năng để đầu tư ban đầu 30 triệu cho xe điện khá khó khăn, và việc bán xe xăng mua xe điện, viện cũng thiết kế gói sản phẩm hỗ trợ tài xế. Với mức bình quân, tài xế có thể trả trước 8 triệu đồng cho đợt đầu, và tiếp tục trả góp với mức mỗi triệu/tháng cho tới khi trả xong thì sở hữu xe. Viện còn đề nghị dùng tiền ngân sách hỗ trợ khoảng 10.000 xe dành cho người điều kiện thật sự khó khăn về tài chính khi chuyển đổi.

Để giải quyết khoảng 300.000 xe chạy xăng thải ra trong quá trình này, ông Hải cho hay, một số lượng lớn xe này sẽ không thể đạt tiêu chuẩn khí thải theo quy định và sẽ trở thành phế liệu. Đối với các xe còn dùng được, trước mắt theo nhu cầu thị trường, dành cho người dùng di chuyển không thường xuyên, hoặc sẽ được chuyển về những địa phương khu vực chưa áp đặt những tiêu chuẩn cao về khí thải chặt chẽ như Hà Nội hay TP.HCM.  

“Chúng ta cũng có thể nghĩ (với cách này) là đẩy khí thải từ khu vực đô thị sang khu vực nông thôn là điều không tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận các khu vực đô thị hiện giờ với mật độ, xe cộ lưu thông đông đúc thì phát thải cao, đến ngưỡng người dân không hấp thụ được gây ra những hệ lụy về y tế, bệnh đường hô hấp, vì vậy những địa phương có phát thải thấp, sức chịu ô nhiễm còn được vài năm nữa thì hạn sử dụng (của những phương tiện này) vẫn còn có thể,” ông Hải nói.

Việc chuyển đổi sang xe xanh sẽ  giảm khói xe, bụi mịn, tiếng ồn trên đường phố giúp môi trường làm việc của tài xế, chạy trên đường từ 8-10 tiếng mỗi ngày, cũng lành mạnh hơn.

“Dựa trên cơ sở đó, chúng tôi mạnh dạn nhận định tính khả thi của đề án. Đề án này sẽ không có thiệt hại về kinh tế của các tài xế, mà ngược lại giúp tài xế có thêm thu nhập, có thêm lợi ích”, ông Hải khẳng định.

Đề án này dự kiến sẽ trình UBND TP.HCM ngay trong tuần này.

Việc chuyển đổi sang xe xanh sẽ  giảm khói xe, bụi mịn, tiếng ồn trên đường phố giúp môi trường làm việc của tài xế, chạy trên đường từ 8-10 tiếng mỗi ngày, cũng lành mạnh hơn. Ảnh: Znews


“Đề án kiểm soát khi thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM”

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết Sở Xây dựng được giao xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP theo hai giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, Sở xây dựng và tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Quy định về lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025.

“Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn 1 Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông và đã báo cáo UBND TP hồi tháng 3.2025. Tuy nhiên, Sở cũng được đề nghị cập nhật, điều chỉnh mở rộng sau khi thành phố thực hiện sáp nhập. Theo đó, đã đưa ra lộ trình chuyển đổi xe buýt với mục tiêu đến năm 2030, toàn bộ xe buýt tại TP sử dụng điện và năng lượng xanh. Thời hạn này sẽ đi sớm hơn so với thời hạn chung là năm 2050. Mặc dù kế hoạch còn đang được hoàn chỉnh nhưng chúng tôi bắt đầu thực hiện từ năm 2025, với việc đưa thêm một số xe buýt điện vào hoạt động từ đầu tháng 8 và tiếp tục bổ sung trong nửa cuối năm nay, nhằm đáp ứng đúng lộ trình”, ông Đường giải thích.

Sở Xây dựng cũng đề xuất các chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia công tác chuyển đổi gồm hỗ trợ về lãi suất, cũng như các chính sách để đầu tư vào trạm sạc đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.

Ông Đường cho biết thêm, Sở đang phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết theo chỉ đạo của UBND TP theo hướng bổ sung đánh giá tác động sau khi TP.HCM thực hiện hoàn thành việc tinh gọn bộ máy và hợp nhất với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu để triển khai đồng bộ trên địa bàn TP. Dự kiến hoàn chỉnh báo cáo UBND TP và trình HĐND TP trong quý IV.2025.

Trong giai đoạn 2, đề án sẽ thực hiện với các phương tiện giao thông còn lại, bao gồm cả xe taxi, xe chở hàng, xe thi công công trình, xe tải, xe cá nhân, từ xe hai bánh trở lên. Trong các nội dung của giai đoạn này, đến nay đơn vị tư vấn đang khảo sát, đo đạc các chỉ số ô nhiễm để đánh giá làm cơ sở kiểm soát khí thải. Theo ông Đường, trong giai đoạn này, Sở đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể như xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh. Lộ trình thực hiện bao gồm xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách và xe tải, phương tiện cá nhân, ô tô và phương tiện thuộc quản lý bởi các đơn vị hành chính công, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Sở cũng tính toán, đưa ra lộ trình, các điều kiện, các chính sách để thực hiện các nội dung của Đề án như quy hoạch không gian đô thị, các vị trí, công trình tích hợp trạm sạc, trạm thay pin hoặc điểm dừng đỗ cho xe điện; khả năng đáp ứng nguồn cung cấp năng lượng; các yêu cầu kỹ thuật trạm sạc điện; các quy định đầu tư, lắp đặt trạm sạc năng lượng khi xây dựng các khu đô thị, chung cư, các công trình tập trung đông người; các chính sách ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc điện.

Để giảm ô nhiễm môi trường, Sở sẽ có chính sách thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng điện, năng lượng xanh, xử lý phương tiện cũ. Việc đo đạc, tính toán để đề xuất lộ trình, các giải pháp kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ tại TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sẽ bao gồm các biện pháp phân vùng kiểm soát khí thải, ưu tiên cho phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch khu vực trung tâm TP.HCM, huyện Cần Giờ, đặc khu Côn Đảo, và xây dựng tiêu chí, trình tự và thủ tục thực hiện các chính sách trên. Về tổng thể, hiện nay đề án đang trong các giai đoạn khảo sát và lấy ý kiến từ các cơ quan đơn vị để tiếp tục hoàn chỉnh đề án.  

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đang xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải trên địa bàn TP.HCM mới để trình UBND TP ban hành nhằm triển khai các Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Lan Chi

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.