TP.HCM mở chương trình phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ

 22:18 | Thứ hai, 23/11/2020  0
Chương trình hướng đến đào tạo đội ngũ đa chuyên ngành, gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên tại các trung tâm đột quỵ và khoa/phòng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại các bệnh viện trên cả nước... Chương trình đặt mục tiêu phủ sóng đến các bệnh viện ở toàn bộ 63 tỉnh thành trên toàn quốc để các cán bộ y tế cũng như người nhà bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận.

Với mong muốn cùng chung tay với ngành y tế đưa bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống bình thường, sáng nay (23.11), EVER Pharma đã triển khai Chương trình AVANT - Phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ. Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Áo này nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của Tổ chức Đột quỵ thế giới, Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Phụ hồi chức năng Việt Nam.

Chương trình AVANT ra đời nhằm nâng cao năng lực phục hồi chức năng (PHCN) sau đột quỵ thông qua các khoá đào tạo rộng khắp dành cho đối tượng tham gia là các bác sĩ, kỹ thuật viên PHCN và người chăm sóc bệnh nhân. Tham gia các khoá học, cán bộ y tế và người nhà bệnh nhân sẽ được phát miễn phí cuốn sách Phục hồi chức năng sau đột quỵ - Neurorehabilition After Stroke kèm với đó là phim ảnh minh hoạ do EVER Pharma và các giáo sư hàng đầu tại Áo và Việt Nam biên soạn. 

Chương trình AVANT - Phục hồi chức năng sau đột quỵ triển khai tại TP.HCM và sẽ tiếp tục được mở rộng, lan toả. Ảnh: T.Văn

Cụ thể, nội dung đào tạo bao gồm hai phần chính, gồm: Kiến thức chung về đột quỵ gồm cách nhận biết, điều trị, cơ chế phục hồi thần kinh và phòng ngừa tái phát; Thực hành các bài tập PHCN thần kinh cơ bản giúp bệnh nhân sau đột quỵ sớm trở về cuộc sống bình thường. Chương trình hướng đến đào tạo đội ngũ đa chuyên ngành, gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên tại các trung tâm đột quỵ và khoa/phòng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại các bệnh viện trên cả nước.

Theo đánh giá của những người tổ chức Chương trình AVANT, cùng với các bác sỹ, kỹ thuật viên, người chăm sóc bệnh nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình PHCN của bệnh nhân, giúp giảm tàn tật và ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Vì vậy, chương trình cũng đã triển khai các lớp đào tạo, giúp người nhà và người chăm sóc bệnh nhân thấu hiểu người bệnh, hỗ trợ người bệnh một cách hiệu quả cũng như hiểu được các yếu tố nguy cơ nhằm phòng tránh đột quỵ tái phát. Như vậy, thông qua các bài tập phục hồi chức năng, người chăm sóc có thể giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi khả năng vận động, dần dần tự thực hiện các hoạt động hàng ngày, trở về với cuộc sống bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tính đến tháng 11.2020 đã có gần 150 lớp huấn luyện được tổ chức cho gần 4.000 người nhà bệnh nhân.

Chia sẻ tại chương trình, TS-BS Lê Văn Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh (Đại học Y dược TP.HCM), cho biết tỷ lệ mắc đột quỵ tại Việt Nam đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ. Theo thống kê của các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, trong từng chu kỳ 3-5 năm, số lượng bệnh nhân đột quỵ phải điều trị nội trú cuối chu kỳ tăng từ 1,7-2,5 lần so với năm đầu chu kỳ. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh ung thư và tim mạch, đứng hàng đầu về tàn tật.

Chuyên gia y tế đánh giá, ở nước ta, mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do đột quỵ não giảm, nhờ hệ thống các cơ sở y tế chuyên sâu về phòng chống đột quỵ được thành lập và các phương pháp can thiệp điều trị đột quỵ não được áp dụng ngay trong những giờ đầu, tuy nhiên việc phát triển mô hình phục hồi chức năng sau đột quỵ lại chưa thực sự đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết mới chỉ tập trung tại các bệnh viện tuyến Trung ương và chỉ ở một số địa phương.

Từ thực tế đó mà mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ từ năm 2013 đến nay giảm 17% so với trước đây nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh (chiếm 90%) với nhiều di chứng nặng như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm. Hậu quả là bệnh nhân trở thành người tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình, xã hội... 

Theo chuyên gia, dù tỷ lệ tử vong do bệnh đột quỵ tại Việt Nam đã giảm do sự ra đời của hệ thống các đơn vị phòng chống đột quỵ trên cả nước nhưng có đến gần 90% người bệnh đột quỵ được cứu sống phải chịu nhiều di chứng nặng nề, cần được hướng dẫn phục hồi chức năng để hòa nhập với cuộc sống. Ảnh: T.Văn

Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 25-30% bệnh nhân sau đột quỵ tự đi lại, phục vụ bản thân; 20-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Những con số biết nói ở trên khiến ngành y toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến các phương pháp điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ, để giúp họ khắc phục những di chứng và phần nào giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

Tổ chức Đột quỵ thế giới đã khuyến cáo những biện pháp PHCN này cần được tiến hành một cách bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát.

Bắt đầu từ năm 2017, trong vòng ba năm qua Chương trình AVANT đã tổ chức 63 lớp dành cho các cán bộ y tế đến từ 650 bệnh viện thuộc 59 tỉnh, thành trên cả nước. Đã có 4.340 bác sỹ, kỹ thuật viên đã hoàn thành khóa học và được cấp chứn chỉ đào tạo liên tục tương đương với 48 giờ học quy đổi của Tổng hội Y học Việt Nam, Tổ chức Đột quỵ thế giới và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam.

Các bác sỹ, kỹ thuật viên chuyên ngành đột quỵ, cấp cứu, thần kinh và phục hồi chức năng được tiếp cận những kiến thức và bài tập mới, hiệu quả nhất về điều trị đột quỵ.

Chương trình AVANT cũng đã tổ chức 6 khóa tập huấn chuyên sâu cho các bác sỹ, kỹ thuật viên của các bệnh viện đầu ngành trên toàn quốc tại các trung tâm phục hồi chức năng tại Áo. Các bác sĩ, kỹ thuật viên này sẽ giảng dạy các khoá tập huấn dành cho cán bộ y tế tại Việt Nam và các lớp học dành cho người nhà bệnh nhân.

Đại diện EVER Pharma cho biết, dưới sự chỉ đạo của Tổng hội Y học Việt Nam, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới đào tạo, với tổng cộng 150 khoá tập huấn dành cho các cán bộ y tế và 300 lớp học cho người nhà bệnh nhân đến năm 2022. Chương trình đặt mục tiêu phủ sóng đến các bệnh viện ở toàn bộ 63 tỉnh thành trên toàn quốc để các cán bộ y tế cũng như người nhà bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận kiến thức tiên tiến về đột quỵ và chăm sóc bệnh nhân.

T.Văn

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.