Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép sử dụng công nghệ xếp xe bán tự động trên địa bàn thành phố.
Theo UBND TP.HCM từ đầu năm 2022 đến nay, vận tốc lưu thông trung bình trên các tuyến đường tại khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm (sáng từ 06 giờ - 09 giờ, chiều từ 16 giờ - 19 giờ) ghi nhận trong khoảng từ 31,6km/h - 37km/h và đang có xu hướng giảm, nhiều tuyến đường đã trở nên quá tải.
Thời gian qua, số lượng ôtô trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố thu hút rất lớn lượng xe của người dân, của các công ty từ địa phương khác đến làm ăn, liên hệ công tác, du lịch...
Trong khi đó, hệ thống bến bãi đỗ xe chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Cụ thể, hệ thống bên bãi trên địa bàn thành phố chỉ mới đạt khoảng 20% quy hoạch (thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha), riêng khu vực trung tâm có 4 bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng, nhưng đến nay chưa có công trình nào được triển khai.
Điều này khiến nhu cầu đỗ xe ô tô ngày càng bức bách, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố.
Khu vực bãi xe lộ thiên có thu phí hiện hữu trên đường Lê Lai, ngay công viên 23 tháng 9 (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Vneconomy
UBND TP.HCM cho biết trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai các công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép, xây dựng tạm thời là rất cần thiết nhằm giải quyết phần nào nhu cầu đỗ xe của người dân, doanh nghiệp tại khu vực trung tâm thành phố, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.
"Một số ưu điểm của công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép có đặc điểm, ưu thế của một công trình tạm như: thời gian thi công, lắp đặt/tháo dỡ tương đối ngắn (khoảng 03 tháng), diện tích chiếm dụng nhỏ (49 m cho 16-21 xe ô tô đến 9 chỗ), kinh phí đầu tư ban đầu có thể chấp nhận được và có thể tháo dỡ, di dời để lắp đặt tại vị trí khác; linh hoạt trong triển khai các phương án cải tạo, chỉnh trang hệ thống tường, khung bao che nhằm bảo đảm phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh.
Công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép có thể bố trí tại các vị trí trên đất của đường bộ, đất công viên hoặc đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng (nhưng chưa thực hiện dự án, chưa khai thác hết công năng). Tuy nhiên, việc xây dựng công trình này chưa có tiền lệ và cần xem xét đảm bảo phù hợp quy định", văn bản của UBND TP.HCM nêu.
Vì vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn về một số nội dung liên quan đến xây dựng công trình tạm là nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép như: trình tự thủ thục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; cơ sở thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế; trình tự, thủ tục thực hiện cấp phép xây dựng.
Nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất có 5 tầng nổi, một tầng hầm, một tầng lửng, sức chứa gần 5.000 ôtô, xe máy. Ảnh: Zing
* Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã trình UBND TP.HCM dự thảo về quy định thay thế quyết định số 74/2008/QĐ-UBND TP.HCM về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố. Tại văn bản này, Sở GTVT quy định rõ về 7 trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải đóng phí. Cụ thể gồm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa, điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ công cộng có thu tiền sử dụng, điểm bố trí lắp đặt các công trình tạm, điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa...
Các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải cấp phép sử dụng gồm: Điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành và điểm trông giữ xe cho các hoạt động này; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; Điểm trông giữ xe có thu phí…
Chia sẻ với phóng viên Người Đô Thị, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, nói: "Tôi nghĩ thu phí vỉa hè là hoàn toàn hợp lý. Vỉa hè là không gian công cộng, nên người sử dụng vỉa hè để kiếm sống thì phải trả phí là công bằng xã hội.
Nhìn một cách tổng quát, thành phố Hà Nội và TP.HCM có một sự chênh lệch, mất cân đối cơ bản giữa giao thông động và giao thông tĩnh. Giao thông động vượt quá sức chứa giao thông tĩnh, cho nên bài toán đặt ra là xây dựng những bãi gửi xe như thế nào? Chỉ khi có thêm nhiều bãi đỗ xe thì mới có thể giảm bớt đỗ xe trên vỉa hè và vỉa hè tương đối thoáng hơn".
Vị chuyên gia này đồng thời cho rằng: "Gọi là hạn chế bãi giữ xe dã chiến nhưng khi có bãi giữ xe cũng là sử dụng vỉa hè. Vậy thì cần quy hoạch, xem khu vực nào có thể làm bãi giữ xe chứ không phải bất cứ vỉa hè nào cũng làm bãi giữ xe.
Tôi cho rằng chúng ta quản lý vỉa hè và thu phí thì không nên đặt mục tiêu thu ngân sách, thu tài chính quá cao mà mục đích chính của chúng ta là làm thế nào để mà giải quyết được vấn đề đời sống đô thị hài hòa, giải quyết cho giao thông đi lại cho cảnh quan. Số tiền thu được rất nhỏ so với chi phí mà chúng ta buộc phải chỉnh trang vỉa hè".
Ngày 16.2, trao đổi với phóng viên về vấn đề làm sao quản lý vỉa hè, lòng đường hiệu quả, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh quan điểm chấn chỉnh lại các hoạt động quản lý, sử dụng vỉa hè tại địa phương. "Vấn đề căn cơ nhất trong quản lý và sử dụng vỉa hè phải là công tác quy hoạch. Từ quy hoạch, thành phố sẽ chỉ rõ và xác định khu vực vỉa hè nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào và cơ chế, quy chế quản lý ra sao"- Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết thêm công tác quy hoạch sẽ xác định vỉa hè từng tuyến đường, khu vực có thể sử dụng cho chức năng gì. Sẽ có những nơi chỉ được sử dụng cho chức năng đi bộ, không gian công cộng. Những nơi đủ điều kiện sẽ kết hợp nhiều chức năng khác. Đồng thời, cũng từ quy hoạch, thành phố sẽ có cơ sở để tính đến chuyện xử lý trách nhiệm người đứng đầu ra sao nếu để bất cập xảy ra. Cụ thể, thành phố dựa trên các quy chuẩn, quy định về quản lý vỉa hè tại từng nơi, nếu cơ quan quản lý không làm theo, áp dụng đúng sẽ có cơ sở để xử lý.
Trọng Dân