TP.HCM thiếu danh nhân để đặt tên đường?

 13:17 | Thứ năm, 12/09/2019  0
TP.HCM hiện có hơn 1.600 con đường mang tên tạm và hàng trăm con đường mang tên vô nghĩa. Chẳng lẽ đất nước này, thành phố này thiếu hào kiệt để đặt tên đường? Chẳng lẽ tiếng Việt nghèo nàn đến nỗi “vô nghĩa” vậy sao?

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đông dân và hiện đại bậc nhất Việt Nam. Từ vài trăm ngàn dân những thập niên 1930, lên đến gần 2 triệu vào 1975 và năm 2019 dân số thường trú gần 9 triệu (số tạm trú ít nhất cũng 4 triệu – 5 triệu người). Đất không sinh sôi mà người thì ngày càng đông nên quá tải đủ thứ, mà trầm trọng hơn cả là thoát nước và giao thông. Ngập và kẹt ngày càng lan rộng một cách "bền vững". Tên đường ở thành phố lộn xộn, nhiều tên đường trùng lặp, vô nghĩa, cơ cấu thì rối rắm và tùy tiện. Chưa kể cách đánh số như "ma trận", đánh đố và làm khổ người dân. 

Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển thì “thành phố hiện có hơn 1.600 con đường mang tên tạm và hàng trăm con đường mang tên vô nghĩa”. Chẳng lẽ đất nước này, thành phố này thiếu hào kiệt và tiếng Việt nghèo nàn đến nỗi “vô nghĩa” vậy sao?  PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển, lý giải: “Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các tuyến đường mới liên tục được mở ra, trong khi quỹ tên đường có hạn”. Bà Trân đề nghị: “Cần có cách đặt tên đường mới thay cho cách đặt trước đây".

Theo PGS.TS Lê Trung Hoa, Ủy viên Thường trực Hội đồng đặt tên đường TPHCM, thì việc đặt tên đường được thực hiện theo trình tự - quận huyện cùng Hội đồng đặt tên đường đi tìm và sàng lọc tên những danh nhân, nhân vật có công rồi trình HĐND TP.HCM thông qua. Ngoài ra còn có Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc... góp mặt. Nghĩa là cả thành phố cùng tham gia.

Ảnh minh hoạ.

Cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Nguyễn Thế Thanh cũng đề xuất cần thay đổi cách đặt tên đường theo cụm với những tên đường có sự liên kết và tương đồng để người dân dễ tìm. Cái này không phải là thay đổi mà trở lại cách đặt tên đường của Sài Gòn trước 1975, dù chưa hoàn chỉnh. Vấn đề cốt lõi và phải làm ngay là thay đổi Hội đồng Đặt tên đường cũng như cách chọn tên. Hội đồng không phải là cơ cấu mặt trận mà cần thực chất. Càng không cần đủ thứ ban bệ tham gia.

Chẳng nước nào có qui trình đặt tên đường như Việt Nam. Quận huyện và thành phố trực thuộc có vô số việc phải làm, không có chuyên sâu thì làm sao “tìm và sàng lọc tên đường” để đề nghị với thành phố? Nhiệm vụ này phải là của nhóm chuyên gia. Hội đồng Tên đường (gọi vắn như vậy là đầy đủ) chỉ làm nhiệm vụ phản biện và trình HĐND thành phố thông qua. Trong HĐND đã có đủ đại diện các ngành và quận huyện.

Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho hay sẽ trình Hội đồng, cả qui trình lẫn sơ đồ và tên đường đầy đủ của thành phố với dữ liệu trong vòng nửa năm, nếu được giao nhiệm vụ. Nói rằng TP.HCM thiếu quỹ tên nhân vật lịch sử và danh nhân để đặt là phi lý, thậm chí phủ nhận lịch sử của cha ông. Từ năm 1930 tới nay, cách mạng đã "cung cấp" cho thành phố mấy trăm tên đường lẽ nào chính sử 2.000 năm của nước Việt lại không có nổi một danh sách danh nhân để đặt tên đường?.

Các nước có lịch sử non trẻ thường đặt tên đường theo số, theo địa danh. Cách đặt tên đường từng nước đều có cơ sở khoa học, cân nhắc điều kiện lịch sử, văn hóa và cả sự tiện lợi cho người dân, thể hiện phần nào đặc trưng chế độ. Sau 1975, đã có sự đổi tên đường Trần Quốc Toản thành 3/2, Yên Đỗ thành Lý Chính Thắng, Phan Đình Phùng thành Nguyễn Đình Chiểu…

TP.HCM cả trước và sau 1975 đều có bất cập về cách đặt tên. Đó là cách đặt tên đường kiểu Trung Quốc với Trần Hưng Đạo, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Huyền Trân Công Chúa… Người Việt sẽ đặt tên là Trần Quốc Tuấn hoặc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Triệu Thị Trinh, Trưng Trắc Trưng Nhị, Huyền Trân (không cần ghi Công chúa, nếu có thì viết đầu chứ không phải sau tên)… 

Cũng không nên đặt tên danh nhân theo cách gọi thân mật, có phần thiếu tôn trọng như Tú Xương (Tú tài Trần Kế Xương), Đề Thám (Đề Lĩnh Hoàng Hoa Thám), Thoại Ngọc Hầu (Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại), Thiên Hộ Dương (Thiên Hộ Nguyễn Duy Dương), Nguyễn Tiểu La (Tiểu La Nguyễn Thành), Út Tịch (Nguyễn Thị Tịch)… Càng không thể đặt tên theo hỗn danh như: Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp, làm thư ký, nhỏ con), Đồng Đen (Nguyễn Văn Kịp, anh hùng đặc công)…

Không đặt tên hai người chung một đường kiểu Hai Bà Trưng. Đặc biệt nên sửa ngay tên đường Trần Hưng Đạo A và B như hiện nay.

Chiến thắng quân Xiêm rồi quân Thanh lừng lẫy mà Tây Sơn chỉ có năm bảy tên đường thì có vẻ vô lý. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, các tướng lĩnh của Lê Lợi và nhà Hậu Lê cũng phải vài trăm người. Nhà Trần với 3 lần chiến thắng Nguyên Mông cũng có gần 500 danh tướng, danh nhân và nhân vật lịch sử xứng đáng được đặt tên đường. Nhà Nguyễn mở rộng biên thùy gần gấp đôi lãnh thổ hiện nay, vậy mà ngay vùng đất mới này, chỉ lèo tèo mươi tên đường thì quả là thiếu sót. Chưa đến 1/5 các tiến sĩ ngày xưa có bia ở Văn Miếu (Hà Nội) có tên đường tại Sài Gòn…

Rất nhiều phụ nữ kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam chưa có tên đường. Từ Trinh Nương (vợ Mai An Tiêm, cả hai vợ chồng đều chưa có), Tiên Dung (vợ Chử Đồng Tử), Dương Như Ngọc (vợ Ngô Quyền), Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên Phi Ỷ Lan, Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ… và rất nhiều nữ kiệt thời nào cũng có, chưa hề có tên đường. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên lật đổ ách đô hộ nhà Đông Hán của chị em Trưng Trắc – Trưng Nhị xứng đáng có ít nhất 20 – 30 tên đường. Cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh mà Sài Gòn chưa có tên đường nào là có tội…

Nam kiệt lại càng không thiếu. Hoàng đế nhà Minh là Minh Tư Tông từng nắn gân phái bộ Việt Nam bằng câu đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”. Dù “tiên đối di, đối đối nan” sứ thần Giang Văn Minh đã hiên ngang đáp trả “Đằng giang tự cổ huyết do hồng”. Ông cũng chưa có tên đường. Chỉ riêng các sứ thần Việt Nam cũng được mấy chục người.

Hàng ngàn bậc tiền bối được dân chúng khắp nơi lập đền miếu để thờ mà thành phố không dám đặt tên đường thì rất khó hiểu. Một số danh nhân có tên trường hoặc tượng đài nhưng chưa có tên đường.

Lịch sử Việt Nam sôi động, hào hùng và bi tráng như vậy, chỉ có thừa chứ không thể thiếu hào kiệt, danh nhân!

Nguyễn Văn Mỹ

>> Tên đường Sài Gòn, xưa giờ sao không biết?

>> TP.HCM cần hơn 2.100 tên để đặt, đổi tên các con đường

>> Yêu cầu tháo dỡ biển tên đường tự phát Ngô Minh Dương

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.