Với nền tảng cho vay số tiên tiến FinnOne Neo, TP Fico sẽ cung cấp các khoản vay kỹ thuật số tức thời mọi lúc, mọi nơi.
Đại diện TPBank cho biết, hướng đến sự đổi mới và tập trung vào khách hàng trong dài hạn, ngân hàng này đặt mục tiêu cung cấp các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng thông qua TP Fico. Và TPBank lựa chọn giải pháp FinnOne Neo từ Nucleus Software để đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách tiện lợi hơn qua đó giảm số giao dịch tại chi nhánh, tự phục vụ dễ dàng hơn và truy cập kỹ thuật số đơn giản hơn.
Với cấu trúc hệ thống luôn sẵn sàng mở rộng bằng API, khả năng cung cấp đa kênh và dễ dàng cấu hình, FinnOne Neo giúp TP Fico mang đến những trải nghiệm số rất riêng và duyệt lệnh tức thì cho các khoản vay tiêu dùng.
Giải pháp này cho phép TP Fico triển khai các sản phẩm cho vay mới lạ chỉ trong vài phút, đồng thời tự động hóa các quy trình đầu-cuối trong suốt vòng đời của khoản vay.
Ngoài ra, giải pháp cho vay kỹ thuật số hàng đầu thị trường này còn giúp TP Fico nâng cao hiệu quả của bộ phận thu hồi nợ (bán hàng, tín dụng, vận hành và sản xuất) và bộ phận quản lý nợ để giảm thiểu khả năng gian lận và các khoản nợ xấu (NPLs). Với FinnOne Neo, TP Fico sẽ tiến hành đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu nhanh hơn và toàn diện hơn bằng cách tích hợp với hệ sinh thái mở rộng trong đó có cả các phòng xếp hạng tín dụng thông qua các API...
Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TPBank) được thành lập ngày 5.5.2008. TPBank được kế thừa những thế mạnh về công nghệ hiện đại và tiềm lực tài chính từ các cổ đông chiến lược bao gồm: Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Tập đoàn Công nghệ FPT, Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare), Tập đoàn Tài chính SBI Ven Holding Pte. Ltd. (Singapore), Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Quỹ đầu tư PYN Elite Fund.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Bain & Company, Google và Temasek Holdings Pte có tiêu đề “Thực hiện lời hứa: Tương lai dịch vụ tài chính số khu vực Đông Nam Á” dự đoán doanh thu từ các dịch vụ tài chính số sẽ đạt 38 tỷ đô la tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, trong đó các khoản cho vay chiếm một nửa. Tại Việt Nam, tổng giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số sẽ có tốc độ tăng trưởng hằng năm kép là 10% –13% cho đến năm 2025 và tốc độ tăng trưởng hằng năm kép của tổng lượng cho vay kỹ thuật số dự kiến vượt mức 50% vào năm 2025.
Tr.Văn