Ngày 9.7, Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 30 tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường.
Vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục là chủ đề "nóng" được nhiều đại biểu bàn luận, hiến kế. Chủ trì phiên thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các địa phương đang có vi phạm xây dựng phức tạp thông tin về tình hình cũng như giải pháp khắc phục.
Nhận diện nguyên nhân
Trước yêu cầu này, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cho biết trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện có khoảng 2.180 trường hợp vi phạm xây dựng và 1.590 vụ được phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu.
"Vi phạm đã được kéo giảm nhưng vẫn còn khá phức tạp, nhất là ở 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B" - ông Phụng nhìn nhận và thông tin Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, Huyện ủy đã điều động, thuyên chuyển bí thư, chủ tịch xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.
Vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục là chủ đề "nóng" được nhiều đại biểu bàn luận, hiến kế tại Hội nghị lần này.
Tuy nhiên, theo ông Phụng, huyện đang gặp khó khăn vì diện tích rộng, lượng người nhập cư cao (tăng 30.000 dân/năm). Trong đó, dân số ở các xã Tân Kiên và Bình Hưng có trên 80.000 người/xã và đặc biệt xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đông dân nhất huyện với 120.000 người/xã. Nhu cầu về nhà ở cao, song khi diện tích đất ở đô thị được quy hoạch tại các xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chỉ có 55 ha, trong khi theo chỉ tiêu về nhà ở, tại mỗi xã này phải cần đến 240 ha đất ở. Vì vậy, huyện Bình Chánh đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát, nâng cao chỉ tiêu đất ở cho địa phương; đồng thời kiến nghị được phép tăng thêm một phó chủ tịch UBND tại các xã đông dân này.
Vấn đề này cũng đang diễn biến phức tạp ở huyện Hóc Môn. Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết số vụ vi phạm trong năm 2019 vẫn tăng so với năm 2018. Từ đầu năm đến nay, ở huyện có 52 trường hợp vi phạm. Tuy vậy, các công trình này hầu hết đã được phát hiện xử lý ngay từ đầu và kiên quyết cưỡng chế các công trình vi phạm. Mặt khác, huyện xử lý nghiêm các công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chậm phát hiện và không xử lý kịp thời các vi phạm xây dựng.
Từ tháng 6.2018, huyện đã xử lý 14 công chức với các hình thức khiển trách, cảnh cáo và ban hành 31 công văn phê bình nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức. Đồng thời, công an huyện theo dõi, nắm tình hình, tiếp nhận điều tra, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng và chuyển Công an TP đề nghị khởi tố 2 vụ việc.
Đề xuất nhiều giải pháp
Chia sẻ về những giải pháp hiệu quả để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, ông Dương Hồng Thắng cho hay từ tháng 6.2018, Huyện ủy có nghị quyết về tăng cường lãnh đạo và chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, xây dựng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn. Nghị quyết đặt yêu cầu 100% trường hợp vi phạm được phát hiện kịp thời; 100% công trình có giấy phép khi khởi công phải bảo đảm điều kiện và 100% đảng viên cam kết không vi phạm. Cùng với đó, huyện sẽ sử dụng ảnh viễn thám, kết hợp phần mềm tự động phân tích các vị trí có dấu hiệu vi phạm xây dựng để phát hiện, xử lý kịp thời các công trình vi phạm.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình đề xuất 7 giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm về xây dựng trên địa bàn TP. Trong đó có giải pháp rà soát chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất ở vùng ven và ngoại thành phù hợp với tình hình dân số và tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Song song đó là tổ chức bộ máy, đặc biệt triển khai đề án thí điểm thành lập lực lượng trật tự xây dựng tại địa phương; chuyển đội thanh tra xây dựng địa bàn về các quận - huyện. "Triển khai liên thông giữa Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các quận, huyện trong công tác phê duyệt, cấp phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian xin cấp phép xây dựng" - ông Lê Hòa Bình đề xuất.
Đặc biệt, ông Lê Hòa Bình cam kết từ cách làm của UBND quận 7 (trong cấp phép xây dựng rút gọn, dựa vào thiết kế đô thị), Sở Xây dựng sẽ đánh giá tổng kết để nhân rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ngoài ra, Sở Xây dựng chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy chế liên thông giữa kiểm tra xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất.
Những việc cần làm ngay
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê nhận xét vi phạm xây dựng trên địa bàn TP vẫn là vấn đề đau đáu, trăn trở, thách thức và chưa có điểm dừng. Theo ông, nhu cầu về nhà ở cao, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh. Do đó, không chỉ đầu nậu cố tình vi phạm mà xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về nhà ở như đã nêu, dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị đã đến lúc phải nhận diện rõ hơn các nguyên nhân, kể cả tình trạng buông lỏng quản lý thì mới đề xuất những giải pháp đúng mức và phù hợp.
Tiếp lời, Phó Bí thư Thành ủy Võ Thị Dung nhìn nhận cơ quan quyền lực đại diện cho người dân là HĐND, đại biểu Quốc hội đã không kịp thời ghi nhận các bức xúc của người dân. "Những vấn đề bất cập trong xây dựng, ai nói cho dân, ngoài các cơ quan trên?" - bà nêu vấn đề và kiến nghị các cơ quan dân cử cùng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tăng cường vai trò, kịp thời nắm bắt, giải quyết những bức xúc của người dân.
Trước những băn khoăn này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng UBND TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành thực hiện hiệu quả, đồng bộ các biện pháp quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Người đứng đầu UBND TP cũng lưu ý trong thứ tự ưu tiên của công việc thì bí thư các quận ủy - huyện ủy cần đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai, chỉnh trang đô thị trên địa bàn.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết Ban Cán sự Đảng UBND TP đề xuất trước mắt phải tập trung xử lý các công trình vi phạm, trong đó có giải pháp kiến nghị không cấp số nhà, không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng mà chưa chấp hành các quyết định xử lý. "Đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức có vi phạm trong hoạt động công vụ. Cùng đó là phải xử lý nghiêm các đầu nậu vi phạm, cần thiết thì chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự" - ông Hoan nhấn mạnh.
Liên quan đến quản lý trật tự xây dựng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị từ đây đến đại hội Đảng bộ quận, huyện, các quận, huyện phải lập lại trật tự về xây dựng. "Các quận, huyện cần dựa trên cơ sở những biện pháp mới mà Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị và thực tiễn ở huyện Hóc Môn" - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Kiện toàn nhân sự cấp lãnh đạo
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sắp tới, TP sẽ bổ sung các vị trí còn thiếu như phó chủ tịch HĐND TP, phó chủ tịch UBND TP, chánh Văn phòng UBND TP, chánh Thanh tra TP.
Về vấn đề Thủ Thiêm, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin TP sẽ đối thoại với người dân Thủ Thiêm thêm một lần nữa trước khi trình dự thảo chính sách giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm ra HĐND TP. Cụ thể, Bí thư Thành ủy nói sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra liên quan đến Thủ Thiêm, lãnh đạo TP và quận 2 đã gặp gỡ người dân. Hiện dự thảo chính sách giải quyết quyền lợi cho người dân theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TP đề nghị các cơ quan liên quan phải đối thoại thêm một lần nữa rồi mới trình dự thảo ra HĐND xem xét, thông qua. Vấn đề Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, bà con cũng có bức xúc, chúng ta phải dành sự quan tâm cần thiết. "Đặc biệt, khi UBND TP trình dự thảo chính sách giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm, Thường vụ họp cho ý kiến, đề nghị HĐND TP họp ngay lập tức để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, không được chậm trễ" - Bí thư Thành ủy TP nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thực hiện các dự án như metro, chống ngập; đẩy mạnh công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ quận, huyện, TP; thực hiện 7 chương trình đột phá, đô thị thông minh, Nghị quyết 54...
Phan Anh - Trường Hoàng