Hoặc như hàng chục (chính xác là 35!) danh hiệu hoa hậu, hoa khôi, người đẹp từ đủ các loại cuộc thi sắc đẹp từ quốc tế đến quốc nội, địa phương, ngành được trao ở ta trong năm 2022.
Nếu liệt kê cho đầy đủ thì danh sách những danh hiệu, những giá trị giả, ảo, hoặc kém thực chất kiểu như trên còn dài. Chúng mọc lên như nấm sau mưa, trên cái nền của sự trống vắng những chân giá trị được thực sự tôn trọng và đề cao trong xã hội.
Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle từng đúc kết như một quy luật: “Thế giới tự nhiên sợ khoảng không” (Nature abhors a vacuum). Nhưng không chỉ thế giới tự nhiên, thế giới vật chất, vật lý mà cả thế giới tinh thần của con người, trí não con người cũng không thích khoảng không, khoảng trống và luôn tìm cách tự lấp đầy. Nếu không được lấp đầy bằng những chân giá trị thì những giá trị giả hiệu, giá trị ảo sẽ lấp đầy khoảng không đó. Khi thế giới tinh thần của một cộng đồng người không được dẫn dắt bởi những giá trị đích thực thì những giá trị giả hiệu sẽ chiếm lĩnh thế giới tinh thần ấy.
Đội mưa gió chen chân xoa tượng “thần hổ” tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh). Ảnh: DT
Cũng thế, trong nền chính trị các quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, khi sự chuyển giao quyền lực gặp trục trặc thì khoảng trống quyền lực có thể xuất hiện và đó là lúc những thế lực cạnh tranh, đối đầu nhau tìm cách loại bỏ đối thủ để lấp đầy khoảng trống đó, bất chấp có hợp lòng dân hay không.
Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội mà xét về mặt đời sống vật chất lẫn tinh thần có những nét còn rất lạc hậu. Muốn phát triển theo hướng văn minh, nhân bản, bền vững, xã hội đang rất cần hướng tới và đề cao những mục tiêu, những giá trị đích thực có tác dụng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, của cộng đồng. Có biết bao giá trị, biết bao hoạt động, biết bao con người đáng được đề cao vì tác dụng khai mở, nâng cao dân trí, bồi đắp đời sống tinh thần của cộng đồng, của dân tộc. Những giá trị như lòng nhân ái, vị tha, sự tử tế, đức tính trung thực, thật thà… luôn là những giá trị vĩnh cửu cho dù có lúc bị khuất lấp, bị rẻ rúng, quay lưng.
Những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, giúp đỡ người yếu thế thoát khỏi tình huống ngặt nghèo trước mắt cũng như trang bị chiếc cần câu cho một nhóm dân cư, một cộng đồng nhỏ để họ có thể thoát khỏi khó khăn và tự tìm cách mưu sinh lâu dài, bền vững; những hoạt động bảo vệ môi trường nhằm gìn giữ môi trường sống trong lành cho thế hệ hôm nay và mai sau, v.v.. tất cả đều là những hoạt động đáng được xã hội ghi ân và tôn vinh.
Trong thực tế, những giá trị và hoạt động nói trên và những người theo đuổi chúng ít khi được đề cao cho bằng những danh hiệu hữu danh mà vô thực, chẳng có mấy đóng góp tích cực cho sự thăng tiến của cộng đồng, xã hội. Thậm chí những nhà hoạt động bảo vệ môi trường có lúc có nơi còn bị gây khó dễ, bị đe dọa, trù dập vì đụng chạm đến lợi ích nhóm của những doanh nghiệp và cán bộ nhà nước biến chất toa rập cùng nhau “ăn” vào môi trường.
Không có gì lạ khi, theo tổ chức Thống kê Đông Nam Á (SEA Stats), trong số 11 nước Đông Nam Á được xếp hạng về Chỉ số Thành tích Môi trường (EPI, Environment Performance Index) năm 2022, Việt Nam đứng áp chót, chỉ trên Myanmar; và nếu tính xếp hạng toàn thế giới, Việt Nam đứng thứ 178, trên Myanmar xếp thứ 179/193 quốc gia về sự thân thiện với môi trường.
Nhưng, muốn cho những chân giá trị được lan tỏa, phải tạo mảnh đất, môi trường, điều kiện cho chúng lan tỏa. Mảnh đất giúp cho những chân giá trị được lan tỏa không thể là mảnh đất mà con người không biết dựa vào đâu để đi ngoài việc trông chờ vào thần linh, nơi mà mỗi kỳ lễ tết người ta lại chứng kiến cảnh mê tín tràn lan, cảnh đốt vàng mã nghi ngút tại các đền chùa, bên cạnh những mâm lễ vật to đùng, cầu kỳ, với ngựa xe, iPhone, iPad, thậm chí cả ôsin… bằng giấy đem cúng cho người cõi âm.
Tranh nhau nhét tiền vào tay tượng Phật ở Chùa Lim, Bắc Ninh. Ảnh: Tuấn Mark
Người ta còn nhét tiền lẻ vào mâm lễ, vào tay thần Phật, chẳng khác nào đưa hối lộ thánh thần. Hoặc cầu xin được lành bệnh bằng cách xoa dầu gió lên tượng “thần hổ” rồi đem xoa lên người, như tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh).
Trong một môi trường văn hóa - tinh thần như vậy, lấy đâu ra điều kiện thuận lợi cho những chân giá trị được xiển dương, nảy nở? Theo facebooker Tho Nguyen, ở nước ta “hàng năm ngành xuất bản bán 3.000 tỷ đồng ấn phẩm văn hóa. Chia cho gần 100 triệu dân thì mỗi người mua 30.000 đồng sách báo. Trong khi đó trung bình mỗi gia đình trong số 25 triệu hộ đốt 120.000 đồng vàng mã/năm để mong cho gia tiên được mặc quần áo đẹp, được cưỡi ô tô, được chơi iPhone nơi chín suối”.
Điều đáng nói (và đáng lo) là trong dòng người chen chúc dâng lễ vật để cầu tài cầu lộc, hối lộ thần linh, mặc cả với thánh thần tại các đền chùa, có không ít người trẻ, những nam thanh nữ tú mà nhìn bề ngoài có vẻ là trí thức, có học hành. Nếu giới trí thức, giới có học, có điều kiện hấp thụ kiến thức khoa học, có điều kiện tự khai trí mà cũng u mê thì lấy đâu ra động lực xã hội để xiển dương, phát huy những chân giá trị nhằm đưa xã hội và đất nước tiến lên nấc thang văn minh?
Đoàn Khắc Xuyên