Từ thiện không phải là phong trào mà cũng cần khoa học

 11:53 | Thứ sáu, 30/10/2020  0
Khi lũ rút, bão tan, nhà cửa ruộng vườn tan hoang; người dân sẽ gặp khó khăn gấp bội và đối mặt với dịch bệnh. Đây là lúc cần cứu trợ nhất. Đáng tiếc, cho tới nay, việc cứu trợ chỉ tập trung vào những ngày bão lũ hoành hành.

Miền Trung đang hứng chịu liên tiếp mấy cơn bão. Cùng với bão là mưa, xả lũ và sạt lở; gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Chưa năm nào khó khăn dồn dập và nặng nề như năm nay. Chưa kịp hồi phục vì đại dịch COVID-19, thiên tai ập tới, tai ương chồng chất.

Cả nước đang hướng về miền Trung, đặc biệt là TP.HCM. Vốn năng động, nghĩa tình, hào hiệp; người Sài Gòn luôn tiên phong và có mặt những nơi khó khăn nhất để cứu trợ, sẻ chia. Ngày nào cũng có hàng chục đoàn cứu trợ, mang theo hiện vật và tiền mặt, tốc hành ra vùng rốn lũ, bão.

Từ các ngả đường quốc lộ cho đến sân bay, người đi cứu trợ lắm khi đông hơn đi du lịch và làm việc. Thông tin báo chí cập nhật từng giờ, càng kích hoạt, thôi thúc các đoàn từ thiện lên đường. Nhiều người cảm thấy như có lỗi khi chưa kịp tham gia. Các đơn vị tổ chức, chỉ cần mở lời là mọi người hết lòng ủng hộ.

Đó là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện đạo lý và truyền thống tương trợ của người Việt. “Lá lành đùm lá rách” (tục ngữ) ; “Miếng khi đói, gói khi no”; “Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho”; “Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng” (Gia huấn ca, Nguyễn Trãi)… đã trở thành một phần phẩm chất Việt Nam.

Trao tặng nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng bão lũ miền Trung. Ảnh mang tính minh hoạ

Tuy nhiên, việc các đoàn từ thiện đồng khởi ra quân cũng tạo không ít băn khoăn. Trước hết là sự phối hợp với chính quyền địa phương, với các đơn vị tài trợ khác. Thiếu người nhạc trưởng, tổng chỉ huy, điều phối chung. Vai trò này, cho đến nay, thuộc về Hội Chữ Thập Đỏ TW và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng có vẻ chưa đáp ứng hết nhu cầu và đòi hỏi từ thực tế.

Từ đó, hình thành các nhóm hoặc cá nhân, bằng những mối quan hệ riêng; tự tổ chức, trực tiếp trao quà tận tay người nhận, không qua các đoàn thể hay chính quyền địa phương. Nhất là những người nổi tiếng. Đây là điều đáng suy nghĩ. Tự tổ chức từ thiện có ưu điểm là nhanh hơn vì không rườm rà thủ tục, quà đến trực tiếp và đúng đối tượng hơn. Tuy nhiên, việc tổ chức tự phát cũng có những hệ lụy bất cập.

Chỉ riêng ca sĩ Thủy Tiên đã vận động được trên 150 tỉ (tính đến ngày 29.10.2020). Số tiền lớn như vậy nên việc tiếp nhận, phân phối và sổ sách minh bạch không hề đơn giản. Cần cả bộ máy vận hành chứ không thể vài cá nhân thực hiện theo kiểu cảm tính. Càng tin nhau, càng phải rõ ràng, tránh những điều tiếng suy diễn bất lợi, lắm lúc “Tình ngay, lý gian” .

Có những điểm, cùng lúc, mấy đoàn đến, trong khi các điểm khác không có. Có đoàn chưa có kinh nghiệm tổ chức nên xảy ra những tình huống bất ngờ, khó đỡ, thậm chí dẫn đến tai nạn thương vong. Chưa kể việc vài ba người cũng tự tổ chức, nên chi phí phát sinh. Nếu biết phối hợp, chi phí tiết kiệm được sẽ bổ sung quà cứu trợ.

Việc từ thiện không thể làm kiểu phong trào, tùy hứng mà cần có kế hoạch. Tất cả xuất phát từ trái tim, mục đích đạt được phải - Thiết thực - Hiệu quả - Tiết kiệm.

Có những nhóm đi cứu trợ kiểu phong trào. Thấy bạn bè đi, mình cũng phải đi mà thiếu kế hoạch cụ thể. Có nhóm cứu trợ thì ít mà livestream ồn ào thì nhiều. Làm từ thiện kiểu công chức ăn lương, giờ hành chánh hoặc làm từ thiện để PR thương hiệu, để trang trí bản thân; đều cần lên án. Từ thiện phải từ trái tim nhân hậu, nhiệt huyết và khoa học.

Người dân đang ở trong tâm bão lũ, cực kỳ khó khăn; cần cứu trợ khẩn cấp nhưng chỉ vài ngày hoặc một tuần đổ lại. Khi lũ rút, bão tan, nhà cửa ruộng vườn tan hoang; người dân sẽ gặp khó khăn gấp bội. Việc khắc phục tốn hàng tháng, thậm chí hàng năm và đối mặt với dịch bệnh. Đây là lúc cần cứu trợ nhất. Đáng tiếc, cho tới nay, việc cứu trợ chỉ tập trung vào những ngày bão lũ hoành hành. Còn việc sau đó khắc phục thế nào, chưa được quan tâm đúng mức.

Việc từ thiện không thể làm kiểu phong trào, tùy hứng mà cần có kế hoạch. Tất cả xuất phát từ trái tim, mục đích đạt được phải - Thiết thực - Hiệu quả - Tiết kiệm. Quan trọng nhất là giúp người dân sau bão lũ, khắc phuc hậu quả, từng bước vươn lên hòa nhịp vào cuộc sống. “Của cho không bằng cách cho” . Thời điểm cho lại càng quan trọng.

Ở các nước, việc tổ chức và điều phối cứu trợ thiên tai đa phần do các tổ chức phi chính phủ đảm nhận. Các thành viên làm việc thiện nguyện, minh bạch. Kiểu ăn lương nhà nước, làm việc giờ hành chánh, rất khó làm từ thiện tốt. Cần sửa đổi nghị định 64/2008/NĐ-CP “Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” của Chính phủ; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động từ thiện.

Nhà nước và các hội đoàn, thay vì độc quyền tổ chức sẽ chuyển sang làm nhiệm vụ giám sát và điều phối hoạt động. Khi các nhà hảo tâm đồng thuận và tin cậy, mọi việc sẽ đơn giản và hiệu quả.

Phạm Thị Ngọc Thanh

Nguồn Một Thế Giới
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.